Tuesday, 3 September 2013

CAFE CỘNG & NGHỊ ĐỊNH 72 (FB Osin Huy Đức)




September 3, 2013 at 4:28am

Quyết định cho an ninh điều tra quán cafe Cộng và việc áp dụng Nghị định 72 cho thấy, cho dù có ăn bò Kobe và xài I-phone, tư duy của những người cầm quyền vẫn không thoát ra khỏi vỏ bobo của thời bao cấp.

Không phải tự nhiên mà Cafe Cộng có thể trở thành chuỗi. Chủ nhân của nó đã thành công khi nhìn thấy tính hữu dụng của những món đồ vứt đi. Nếu chính quyền tự tin thì phải biết ơn óc hài hước của các nhà kinh doanh. Làm gì có bộ máy tuyên truyền nào có thể đưa những người mà ý tưởng của họ trở thành cơ sở lý luận cho những kẻ độc tài đày đọa loài người vô được quán ngồi cùng với những người tử tế.

Cafe Cộng là một ý tưởng kinh doanh chứ không có khả năng "âm mưu". Quy kết vội vàng của Giám đốc sở Văn hóa Hà Nội Tô Văn Động thể hiện não trạng của hệ thống, não trạng chỉ nhận biết khía cạnh "an ninh chính trị" trong sự muôn mặt của cuộc sống bình thường. Não trạng ấy còn chi phối tiến trình lập pháp của Nhà nước hiện nay, Nghị định 72 về internet bắt đầu có hiệu lực trong tuần này là một trong rất nhiều ví dụ.

Internet không chỉ là một phương tiện truyền thông mà còn là một không gian sống, một không gian kinh doanh. Việc xâm phạm bản quyền đã có Công ước Berne và Luật Sở hữu Trí tuệ lo. Tác giả nào thấy website khác lấy bài của mình thì kiện ra tòa. Hà cớ gì chính phủ phải dùng quyền hành chính để điều chỉnh những hành vi dân sự.

Bắc loa ra giữa làng hay viết bài trên Facebook vu khống, xúc phạm danh dự, quyền lợi của tổ chức, nhân phẩm của cá nhân đều đã được quy tội và định danh trong Bộ Luật hình sự Việt Nam kể cả những tội danh phi pháp và vi hiến như Điều 88 và Điều 258...

Làm báo, báo giấy hay báo online, phải được coi như những hành vi kinh doanh. Ở các quốc gia mà người dân có quyền tự do, từ những cậu học sinh trong trường phổ thông cho đến các doanh nhân, ai muốn ra báo thì cứ ra, chỉ khi họ sử dụng những tờ báo đó để bán, để đăng quảng cáo lấy tiền thì mới phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế.

Tại sao Nghị định 72 lại phải quy định "các loại hình thông tin trên mạng như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội"; tại sao lại chỉ có "5 loại trang tin tổng hợp"; tại sao Nhà nước lại phải can thiệp vào "năng lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật" của những người làm "trang tin"; tại sao "trang tin điện tử tổng hợp phải do tổ chức..."

Tổng thống Mỹ không phải là tác giả nhãn hiệu Starbucks Coffee. Độc tài như Hitler cũng không thể đẻ ra chiếc xe Wolkswagen. Làm sao Nhà nước lại đóng khung khả năng sáng tạo của doanh nhân Việt Nam trong khuôn khổ được lập ra bởi những cái đầu hành chính, quan liêu.

Mãi tới năm 2006, Tuổi Trẻ mới được ra nhật báo cho dù một thập niên trước đó tờ báo này đã có đủ bạn đọc và tiền bạc để tăng kỳ. Và, chỉ vì sự thiếu hiểu biết của Bộ Thông tin, thương hiệu Tuổi Trẻ Chủ Nhật (tờ tuần báo rất có uy tín) đã phải đổi thành Tuổi Trẻ Cuối Tuần với lý do Tuổi Trẻ đã có một số báo ra ngày chủ nhật.

Cũng trong hơn hai thập niên qua, khi thị trường báo chí bắt đầu hình thành, những người làm báo tử tế hết sức khổ sở, muốn tăng trang quảng cáo cũng phải chạy ra Thủ Đô, muốn tăng kỳ cũng phải ban, sở, bộ, ngành lạy lục. Từ manchette cho đến khổ báo, số trang... đếu phải xin phép thay vì tùy thuộc vào thị trường bạn đọc mà các chủ nhân kinh doanh tự chọn. 

Làm sao Larry Page và Sergey Brin có thể kiến tạo nên Google; làm sao Mark Zuckerberg có thể nghĩ ra Facebook nếu như họ chỉ có thể "vùng vẫy" trong "5 loại trang tin tổng hợp".

Năm 2005, 4 người Mỹ tự lập ra một dạng website - blog có tên là Huffington Post để đưa tin, bình luận... Website của họ có lúc thu hút lượng truy cập cao hơn cả New York Time. Năm 2011 Huffington Post được AOL mua lại với giá lên đến 315 triệu dollars. Cho dù không thể so sánh với Huffington Post về quy mô nhưng nếu không bị "tường lửa" và liên tục bị tấn công, cho dù không phải vì mục tiêu kiếm tiền, các chủ nhân của các trang Bauxite, Ba Sàm và Quê Choa... hoàn toàn có khả năng thu hút hàng chục triệu người đọc và trở nên giàu có.

Chỉ vì bị chính trị hóa, báo chí và internet không còn là một ngành kinh tế, một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Đành rằng, nếu để tự do báo chí và internet thì chế độ không còn một mình một chợ sử dụng truyền thông nhà nước để tự tụng ca và huyễn hoặc mình. Nhưng, không lẽ chỉ vì lợi ích của một nhóm nhỏ mà phải bóp nghẹt khả năng sáng tạo của người Việt Nam, hy sinh phương tiện khai trí cho cả quan lẫn dân, đánh mất cơ hội vươn lên của quốc gia, dân tộc.

Huy Đức



No comments:

Post a Comment

View My Stats