Kính
Hòa, phóng viên RFA
2013-09-03
2013-09-03
Quán cà phê Cộng tại Hà Nội đang bị phòng an ninh
chính trị thủ đô điều tra về những điều mà một vài tờ báo Việt Nam cho rằng
quán này đã xúc xiểm đến các biểu tượng lịch sử và lãnh tụ.
Gợi
nhớ thời bao cấp
Liên tiếp hai ngày 22 và 23 tháng tám năm 2013, trên
báo mạng Petro Times đăng bài chỉ trích một quán quán cà phê ở Hà Nội tên là
Cộng Cà Phê. Trong bài đầu tiên, tờ báo cho biết một chi nhánh của Cộng Cà Phê
ở Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy làm ồn ào ảnh hưởng đến đời sống cư dân xung
quanh. Bài báo thứ hai miêu tả quán cà phê cộng đã lấy các quyển sách Lenin
toàn tập cắt ra rồi viết đè lên đó các menu của quán, trang trí của quán là các
câu khẩu hiệu của các lãnh tụ cộng sản như Lenin và Hồ Chí Minh được sửa lại,
ví dụ câu nói Học, học nữa học mãi được sửa thành Cộng, Cộng nữa, Cộng mãi, còn
câu Tiến lên toàn thắng ắt về ta được sửa thành Ngồi im toàn thắng ắt về ta.
Bên cạnh đó báo Petro Times còn đưa các hình ảnh
khác như là hình các lãnh tụ cộng sản trên nền đỏ vàng đội mũ và cầm một loại
thức uống gì đó trông giống như Coca Cola, rồi búa liềm, sao vàng.v.v…. được
quán cà phê Cộng sử dụng để trang trí.
Bài báo thứ hai này kết luận là, các hành vi này bộc
lộ sự lệch lạc và yếu kém trong nhận thức, xúc phạm tới lịch sử và lãnh tụ dân
tộc. Bài báo còn nói:
“Thật buồn là
nhiều bạn trẻ thường lui tới đây vì cho rằng quán có cách trang trí rất “độc”, rất
“riêng” mà không hề quan tâm tới những điều thiêng liêng, quan trọng đã và đang
bị chủ quán làm cho méo mó.”
Ngày 31 tháng tám, báo Petro Times lại đưa tin là
phòng an ninh chính trị nội bộ của công an thành phố Hà Nội đã vào cuộc điều
tra cái mà báo này gọi là những sai phạm của quán Cà phê Cộng. Và bài báo cho
rằng quán cà phê này đã làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, gọi quán này có
các hành vi vô đạo đức, và “chà đạp lên những giá trị tư tưởng, lý luận đạo
đức của các vị lãnh tụ như Lenin, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Được biết chủ quán cà phê Cộng là một ca sĩ trẻ ở Hà
Nội tên là Linh Dung, từng được biết đến qua bài hát “Vì một thế giới ngày mai”
nhân kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á SEAGAMES lần thứ 22. Báo Đất Việt trích lời
ca sĩ Linh Dung, cô nói rằng việc kinh doanh của cô hoàn toàn đúng pháp luật.
Giải thích về cái hình ảnh dung cho trang trí của quán, cô nói them:
Bên trong Quán cà phê Cộng tại Hà Nội. Courtesy Cà
phê Cộng.
“Tôi không có bất cứ giải thích nào về vấn đề này.
Mỗi người đều có những quan điểm khác nhau, không thể vừa lòng hết mọi người.
Việc kinh doanh của tôi đều bắt nguồn từ những ý nghĩ trong sáng chứ không phải
là phản động.”
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng là người đã từng đến quán
Cộng nói với chúng tôi như sau:
“Tôi đến quán đó vào một ngày mùa đông khá lạnh, tôi
thấy rằng quán đó có cái cách trang trí gợi nhớ lại một chút không khí thời bao
cấp, có thể là cũng hài hước đôi chút nhưng không phải là cái gì ghê gớm như
báo và đài đưa tin đâu.”
Được biết là quán cà phê Cộng cũng là địa chỉ mà
giới Văn nghệ sĩ thủ đô hay lui tới. Chúng tôi hỏi chuyện một nữ họa sĩ trẻ
cũng là khách hàng thường xuyên của quán này, chị nói với chúng tôi chị thích
quán cà phê này, và chị nói về các bài báo chỉ trích quán cộng như sau:
“Em thấy bình thường, khi vào quán thì có một không
khí nhẹ nhàng, em không thấy có vấn đề gì về việc bài trí quán cả. Em có đọc
một số bài báo và em thấy nó nực cười, chẳng có cơ sở nào để chỉ trích như vậy
cả.”
Sự
giễu nhại nhẹ nhàng
Cách nay không lâu, báo chí Việt Nam có một loạt bài
tấn công nhà văn Nhã Thuyên về luận văn Thạc sĩ của cô về nhóm văn chương ngoài
chính thống tên là nhóm Mở Miệng. Lên tiếng mạnh mẽ nhất là giáo sư Phong Lê,
được xem là một nhà nghiên cứu phê bình lý luận văn học hiện nay ở Việt Nam.
Ông Phong Lê nói với đài Á châu tự do về cái mà ông gọi là xúc phạm của luận
văn Nhã Thuyên như sau:
“Nó phạm phải một điều mà tôi cho là không thể giải
thiêng được và xúc phạm đến Hồ Chí Minh, xúc phạm nhiều chân lý, nhiều điều đáng
lẽ phải tôn trọng. Đối với tôi việc giải thiêng Hồ Chí Minh thì tôi không chấp
nhận đựơc.”
Dường như lần này, với quán cà phê Cộng, lại là vấn
đề Giải thiêng hay chăng!
Bên trong Quán cà phê Cộng tại Hà Nội. Courtesy Cà phê Cộng.
Trong nội dung các bài báo tấn công quán cà phê Cộng
của ca sĩ Linh Dung, khối lượng từ ngữ dành cho sự xúc phạm đến các hình ảnh,
tư tưởng chiếm phần lớn. Nữ họa sĩ trẻ ở Hà Nội nói với chúng tôi rằng sự trang
trí của quán bằng các câu khẩu hiệu được sửa lại, hay là tấm thực đơn viết trên
quyển sách Lenin toàn tập chỉ là “sự giễu nhại nhẹ nhàng”:
“Theo em đấy là sự giễu nhại nhẹ nhàng thôi, giễu
nhại về những lý thuyết giáo điều của thời xưa. May mắn là chúng ta đang sống ở
thé kỷ 21, nhiều thông tin, chứ như ngày xưa là chỉ đóng khung trong một lý
thuyết.”
Vậy nếu quán Cộng có đụng đến sự giải thiêng thì đó
phải chăng chỉ là một “sự giải thiêng nhẹ nhàng”.
Lịch sử nhân loại thời hiện đại đã được mở màn bằng
thời kỳ phục hưng rực rỡ, thời kỳ mà vị trí của con người được trân trọng hơn,
các giáo điều, các quyền lực thánh thần bị giải thiêng, nhường bước cho sự phát
triển khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật.
Với tư cách một học thuyết chính trị xã hội, chủ
nghĩa cộng sản tuyên bố rằng những người theo chủ nghĩa cộng sản là những người
vô thần, duy vật. Nhưng điều trái khoáy ở đây là “họ rất ưa thích sự thiêng
liêng” sùng bái, mà các đối tượng được sùng bái là các lãnh tụ cộng sản. Từ
các ông Lenin, Stalin bên Liên Xô cũ, cho đến ông Hồ Chí Minh ở Việt Nam, hay
ông Mao Trạch Đông bên Trung Quốc cùng gia tộc họ Kim bên Bắc Triều Tiên, các
từ ngữ tụng ca được dùng một cách tối đa. Và như ông Phong Lê đã nói là ông
không đồng ý giải thiêng, mặc dù ông chắc chắn là một đảng viên cộng sản, về
mặc lý thuyết là có tư duy khoa học biện chứng.
Trở lại quán cà phê Cộng. Không biết rồi chính quyền
và công an thành phố Hà Nội sẽ ứng xử ra sao với những biểu hiện giải thiêng
nhẹ nhàng đó của họ. Nếu chỉ vì sự ồn ào của một cái quán thì chắc hẳn không
cần phòng an ninh chính trị của thủ đô phải ra tay. Nhưng liệu có điều luật nào
qui định rằng dùng bìa sách Lenin làm bảng viết thực đơn thì sẽ bị phạm tội
chăng?
Kỹ sư Nguyễn lân Thắng nói rằng:
“Dù có là câu nói của thánh nhân đi nữa thì cũng
chẳng có cơ chế chế tài nào, đâu có làm như thời phong kiến là bắt bớ những
điều phạm úy được. Nếu bây giờ chính quyền dẹp những quán cà phê Cộng đó thì
chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.”
Một điều có phần chắc là nếu quán cà phê của ca sĩ
Linh Dung bị dẹp đi, những người trẻ tuổi ở Hà Nội mất đi một địa chỉ mà họ cảm
thấy dễ chịu, “một sự giễu nhại nhẹ nhàng”.
No comments:
Post a Comment