Phạm
Vũ Lửa Hạ dịch và chú thích
Tháng 9 11, 2013
pro&contra – Mô hình dân chủ xã hội như một khả năng cạnh tranh hoặc chuyển đổi cho
thể chế xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa của Việt Nam gần đây được quan tâm trở
lại, sau lời kêu gọi thành lập một Đảng Dân chủ Xã hội của ông Lê
Hiếu Đằng và ông Hồ
Ngọc Nhuận. Không ở đâu mô hình này đồng nghĩa với thành công hơn ở các
nước Bắc Âu, nơi các đảng dân chủ xã hội cầm quyền trong một thời gian dài – ở
Na Uy thậm chí từ 86 năm nay. Song bí quyết thành công của Bắc Âu hiện tại có
phải chỉ bắt nguồn từ mô hình dân chủ xã hội? Tháng Hai năm nay, tờ The
Economist có loạt bài phân tích Bắc Âu như một “siêu mô hình” đáng cho thế
giới học hỏi. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây hai bài trong số đó.
________________
Các
nước Bắc Âu có lẽ trị quốc tốt nhất thế giới
Cecil Rhodes[i]
từng nhận xét rằng “sinh ra là người Anh coi như trúng số độc đắc”. Ngày nay ta
cũng có thể nói như vậy về người sinh ra ở Bắc Âu. Các nước Bắc Âu không chỉ
tránh được phần lớn những vấn nạn kinh tế đang làm rung chuyển vùng Địa Trung
Hải; mà còn tránh được phần lớn những căn bệnh xã hội đang hành hạ nước Mỹ. Xét
về bất cứ chỉ số nào đo lường tình trạng ổn định và lành mạnh của một xã hội –
từ các chỉ số kinh tế như năng suất và đổi mới sáng tạo đến các chỉ số xã hội
như tình trạng bất bình đẳng và tội ác – các nước Bắc Âu quần hội ở gần đầu
bảng xếp hạng (xem bảng).
http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2013/09/Bảng-1.png
Tại sao khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt, với mùa
đông băng giá và những vùng hoang vu mênh mông này lại thành công đến vậy? Đã
có thời đa số người dân các nước này chẳng ngần ngại ca ngợi chính phủ của họ,
cái chính phủ mà trong phần lớn thế kỷ 20 chính là những nhà dân chủ xã hội nấp
dưới một trong những vỏ bọc dân tộc khác nhau của họ. Chính phủ đó đã cung cấp cho
người dân các dịch vụ phúc lợi trọn đời, từ lúc lọt lòng cho đến khi xuống mồ,
cứu họ thoát khỏi cảnh sống khắc nghiệt của tổ tiên họ hồi thế kỷ 19, và can
thiệp để cứu các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thoát khỏi những cuộc khủng hoảng
định kỳ.
Nhưng giới chủ trương thị trường tự do bới lông tìm
vết trong cách lý giải của giới ủng hộ vai trò can thiệp của chính phủ, và đưa
một cách giải thích khác đầy thuyết phục. Trong giai đoạn từ 1870 đến 1970, các
nước Bắc Âu nằm trong số các nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhờ một loạt
các cải cách có lợi cho kinh doanh chẳng hạn như thành lập các ngân hàng và tư
hữu hóa các khu rừng. Nhưng trong những năm 1970 và 1980 sự bành trướng thiếu
kỷ cương của chính phủ khiến những cải cách đó chựng lại. Giới chủ trương
thị trường tự do nhận định rằng thành tựu đáng nể gần đây của khu vực này là
nhờ họ quyết tâm giảm chi tiêu chính phủ và để cho giới kinh doanh được tự do
hành động.
Vai trò của chính phủ trong việc cải thiện tình
trạng bình đẳng cũng đang bị đặt câu hỏi. Andreas Bergh, thuộc Viện Nghiên cứu
Kinh tế học Công nghiệp của Thụy Điển, nhận định rằng thu nhập [quốc dân] của
Thụy Điển đã giảm sút trước khi nhà nước phúc lợi xuất hiện, mà nhà nước phúc
lợi này là một hệ quả chứ không phải nguyên nhân của sự thịnh vượng của Bắc Âu
– và suýt giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng.
Bản tường trình đặc biệt này [của tạp chí The
Economist] tán thành một số lập luận của giới chủ trương thị trường tự do.
Các nước Bắc Âu đã từng nhiễm thói quen chi tiêu cho phúc lợi nhiều hơn khả
năng trang trải của họ và thói quen dựa dẫm quá nhiều vào một số ít công ty
lớn. Họ hành động đúng khi cố gắng tinh giản nhà nước và tạo điều kiện thuận
lợi hơn cho kinh doanh. Nhưng sẽ sai lầm nếu [họ] hoàn toàn phớt lờ vai trò của
chính phủ.
Các nước Bắc Âu hãnh diện về tính trung thực và minh
bạch của chính phủ nước họ. Các chính phủ Bắc Âu bị giám sát chặt chẽ: ví dụ, ở
Thụy Điển ai cũng có quyền xem tất cả các hồ sơ chính thức. Các chính khách bị
bêu diếu, nếu họ nhảy khỏi yên xe đạp và chui vào xe limousine công.
Người Bắc Âu đã cộng thêm hai phẩm chất quan trọng
vào tính minh bạch: tính thực dụng và tính quyết đoán. Khi phát hiện rằng kiểu
đồng thuận dân chủ xã hội cũ không còn tác dụng, họ sẵn sàng từ bỏ nó mà chẳng
một lời bàn cãi ầm ĩ và áp dụng những ý tưởng mới từ đóng góp của mọi giới
chính trị bất kể tả hữu. Họ cũng tỏ ra hết sức quyết tâm trong việc thực hiện
triệt để các cải cách. Nếu thấy người Bắc Âu tử tế mà tưởng họ nhu nhược yếu
đuối là ta nhầm to.
Tính thực dụng giải thích tại sao sự đồng thuận mới
đã nhanh chóng thay thế sự đồng thuận cũ. Ví dụ, hiếm có chính khách Dân chủ Xã
hội Thụy Điển nào muốn bãi bỏ những cải cách bảo thủ được thực hiện trong những
năm gần đây. Tính thực dụng cũng giải thích tại sao dường như các nước Bắc Âu thường
có thể là nơi tập hợp đủ kiểu chính sách thiên tả và thiên hữu.
Tính thực dụng cũng giải thích tại sao người Bắc Âu
liên tục nâng cấp mô hình của họ. Họ vẫn còn gặp nhiều vấn đề. Các chính phủ
của họ vẫn còn quá cồng kềnh và khu vực tư nhân ở các nước này còn quá nhỏ.
Thuế của họ vẫn còn quá cao và một số khoản phúc lợi của họ quá hào phóng. Hệ
thống đảm bảo công ăn việc làm linh hoạt (flexicurity) của Đan Mạch quá coi
trọng đến sự bảo đảm việc làm, nhưng quá coi nhẹ tính linh hoạt. Sự phát triển
bùng nổ dầu hỏa của Na Uy đang có nguy cơ tiêu diệt tinh thần làm việc siêng
năng cần mẫn. Quả là dấu hiệu xấu khi ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 6% lực
lượng lao động nghỉ bệnh và khoảng 9% dân số trong độ tuổi lao động sống bằng
trợ cấp bệnh tật. Nhưng người Bắc Âu tiếp tục áp dụng các cải cách cơ cấu mới,
có lẽ là hơi chậm nhưng đầy dứt khoát và cương quyết. Họ lại đang thực hiện
những điều này mà không hề hy sinh các đặc tính khiến mô hình Bắc Âu vô cùng có
giá trị: khả năng đầu tư vào vốn con người và bảo vệ cho người dân tránh khỏi
những xáo trộn vốn là một phần của hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Noi
gương Đan Mạch[ii]
Phần lớn các nước giàu hiện nay đang gặp những vấn
đề mà người Bắc Âu đã gặp vào đầu những năm 1990 – chi tiêu công cộng vượt quá
tầm kiểm soát và các chương trình phúc lợi an sinh quá hào phóng. Nam Âu cần
đôi chút tính quyết đoán của Bắc Âu nếu muốn kiểm soát tài chính công. Và Mỹ
cần đôi chút tính thực dụng của Bắc Âu nếu mong có cơ hội kiềm chế phúc lợi an
sinh và cải cách khu vực công cộng.
Người Bắc Âu chẳng hề đỏ mặt ngượng ngùng khi cần
quảng bá các ưu điểm của mô hình của họ. Các tổ chức nghiên cứu của Bắc Âu tiến
hành những nghiên cứu chi tiết bằng tiếng Anh về cách họ cải cách nhà nước. Các
chính khách tích cực bảo vệ quan điểm của mình ở các cuộc họp quốc tế và các
chuyên viên tư vấn Bắc Âu mang kinh nghiệm chuyên môn của mình về khu vực công
cộng đi bán khắp thế giới. Dag Detter đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình
tái cấu trúc danh mục đầu tư thương mại của nhà nước Thụy Điển trong những năm
1990, chiếm hơn một phần tư khu vực kinh doanh. Từ đó ông đã cố vấn cho chính
phủ các nước ở Châu Á và Châu Âu.
Song khó mà hình dung được mô hình trị quốc của Bắc
Âu có thể truyền bá nhanh chóng, chủ yếu bởi vì tài năng trị quốc Bắc Âu mang
tính đặc thù, không giống ai. Việc trị quốc ở Bắc Âu xuất phát từ sự kết hợp
địa lý khắc nghiệt và lịch sử ôn hòa. Tất cả các nước Bắc Âu đều có dân số
ít,bởi vậy những người thuộc tầng lớp chóp bu cầm quyền phải hòa đồng với nhau.
Vua chúa các nước này sống ở những nơi tương đối giản dị và giới quý tộc cũng
phải kỳ kèo mặc cả với các nông dân và thủy thủ có suy nghĩ độc lập.
Họ sớm đi theo chủ nghĩa tự do. Thụy Điển bảo đảm tự
do báo chí vào năm 1766, và kể từ những năm 1840 về sau Thụy Điển bãi bỏ chế độ
ưu tiên cho quý tộc khi giao phó những chức vụ cao cấp trong chính phủ, và tạo
ra hệ thống công quyền dựa trên năng lực và không có tham nhũng. Họ cũng theo
đạo Tin Lành – một tôn giáo giảm vai trò của giáo hội xuống chỉ còn là người hỗ
trợ và nhấn mạnh đến mối quan hệ trực tiếp giữa con người và Thượng Đế. Một
trong những ưu tiên chính của giáo hội Tin Lành là dạy nông dân biết đọc.
Sự kết hợp giữa địa lý và lịch sử đã cung cấp cho
các chính phủ Bắc Âu hai nguồn lực quan trọng: sự tín nhiệm người lạ và lòng
tin vào các quyền cá nhân. Một khảo sát của Eurobarometer[iii]
về sự tín nhiệm xã hội tổng quát (khác với lòng tin trong gia đình) cho thấy
các nước Bắc Âu nằm ở các vị trí dẫn đầu (xem biểu đồ dưới đây). Giới kinh tế
học cho rằng sự tín nhiệm ở mức độ cao dẫn đến chi phí giao dịch thấp hơn –
không cần đến kiện tụng kiểu Mỹ hay những thương vụ “có qua có lại mới toại
lòng nhau” kiểu Ý để được việc. Nhưng các ưu điểm của Bắc Âu không chỉ dừng lại
ở đó. Sự tín nhiệm đồng nghĩa với việc những người tài đức tham gia bộ máy công
quyền. Công dân đóng thuế và tuân thủ luật lệ. Các quyết định của chính phủ
được nhiều giới tán thành.
Mức
tín nhiệm của công chúng đối với các thể chế*
Tháng 11/2012, % trả lời “có xu hướng tín nhiệm”
Finland = Phần Lan; Denmark = Đan Mạch; Sweden =
Thụy Điển; Russia = Nga
http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2013/09/Bảng-2.png
*Gồm báo chí, các đảng phái chính trị, chính phủ
quốc gia, Liên hiệp Châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc
Nguồn: Ủy hội Châu Âu
Cuộc Khảo sát Các Giá trị Thế giới (The World Values
Survey), đã thăm dò các giá trị ở hơn 100 nước từ năm 1981, cho biết dân Bắc Âu
là những người có lòng tin lớn nhất thế giới về quyền tự chủ của cá nhân. Sự
kết hợp kiểu Bắc Âu giữa chính phủ quy mô lớn và chủ nghĩa cá nhân có thể nghe
kỳ lạ đối với một số người, nhưng theo Lars Tragardh, thuộc Đại học Ersta
Skondal University College ở Stockholm, người Bắc Âu dễ dàng hòa hợp hai yếu tố
này: họ xem công việc chính của nhà nước là cổ xúy quyền tự chủ của cá nhân và
tính cơ động xã hội (social mobility).[iv]
Bất cứ luật lệ xã hội nào của Bắc Âu – đặc biệt là các luật gia đình trong những
năm gần đây – cũng có thể được chứng minh là ủng hộ quyền tự chủ của cá nhân.
Dịch vụ giữ trẻ phổ quát[v]
giúp cho sinh viên thuộc mọi tầng lớp và hoàn cảnh đạt được tiềm năng của mình.
Việc đánh thuế tách bạch đối với các cặp vợ chồng giúp người vợ được bình đẳng
với người chồng. Dịch vụ giữ trẻ phổ quát tạo điều kiện cho cả hai bậc cha mẹ
có thể đi làm toàn thời gian. Ông Tragardh có một cụm từ hữu ích để mô tả tâm
lý này: “chủ nghĩa cá nhân có sự can thiệp của nhà nước” (statist
individualism).
Người Bắc Âu mang theo thái độ này đối với chính phủ
khi họ ra nước ngoài. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khoảng 1,3 triệu
người, một phần tư dân số Thụy Điển lúc đó, di cư, chủ yếu sang Mỹ. Nước Mỹ
sáng tác cả thể loại chuyện tiếu lâm về “những người Thụy Điển khờ khạo” và
thái độ sẵn sàng tuân thủ luật lệ của họ. Chính những người Thụy Điển khờ khạo đã
tạo nên các cộng đồng được quản lý tốt nhất ở Mỹ, chẳng hạn như Minnesota. Thậm
chí ngày nay những người Mỹ gốc gác Bắc Âu có khả năng cao hơn 10% so với người
Mỹ trung bình về chuyện tin rằng “phần lớn mọi người có thể tin được”.
Quy
mô lớn nhỏ không phải yếu tố duy nhất
Giới kinh tế học thường ngỡ ngàng về thành công kinh
tế gần đây của các nước Bắc Âu trong khi chính phủ các nước này có quy mô quá
lớn. Theo một quy tắc không chính thức trong giới chuyên môn, nếu số thu thuế
tính theo tỉ lệ phần trăm của GDP tăng lên 10 điểm phần trăm, thì thường có
tương quan với mức giảm nửa điểm phần trăm về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hàng
năm. Nhưng các con số như vậy cần được điều chỉnh để phản ánh các lợi ích của
tính trung thực và hiệu quả. Ví dụ, chính phú Ý ấn một gánh nặng kinh khủng đè
lên vai xã hội vì các chính khách điều hành chính phủ chủ yếu lo chuyện vơ vét
lợi lộc chứ không phải cung cấp dịch vụ công cộng. Goran Persson, cựu thủ tướng
Thụy Điển, từng so sánh nền kinh tế Thụy Điển với một con ong – “với một cơ thể
quá nặng nề và đôi cánh nhỏ, cứ tưởng con ong không bay nổi, nhưng nó bay
được”. Ngày nay con ong đó vẫn đang giữ thể trạng khỏe mạnh và đang bay khỏe
hơn nhịp bay của nó trong mấy chục năm qua.
Nguồn: The
Economist, 02-2-2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ &
pro&contra
[i]
Cecil John Rhodes (1853-1902) là doanh nhân Anh, nhà tài phiệt ngành khai
khoáng (chủ tịch đầu tiên của công ty kim cương De Beers), và chính khách ở Nam
Phi. Ông dùng gia sản của mình lập học bổng Rhodes tài trợ cho sinh viên xuất
sắc nước ngoài học ở Đại học Oxford. Học bổng này được nhiều nguồn như tạp chí Time,
nhà xuất bản Yale University Press, báo The McGill Reporter,và Associated
Press xem là học bổng quốc tế danh giá nhất thế giới. (Wikipedia)
[ii]
Nguyên văn: “getting to Denmark”. Theo Ian Morris, chủ đề trọng tâm của tác
phẩm Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History
and the Last Man, 1999) của Francis Fukuyama là “noi gương Đan Mạch”. Tác giả
Fukuyama ý muốn nói đến việc tạo ra những xã hội ổn định, thanh bình, thịnh
vượng, dung nạp mọi thành phần và tầng lớp, và trung thực. Cũng như trong tiểu
luận nổi tiếng Sự cáo chung của lịch sử làm tiền đề cho cuốn sách này,
Fukuyama xem đây là điểm tận cùng hợp lý của phát triển xã hội, và cho rằng
tính chất Đan Mạch đòi hỏi phải có ba yếu tố: các nhà nước vận hành hiệu quả,
chế độ pháp trị, và chính phủ có trách nhiệm giải trình. (Ian Morris, How
To Get to the End of History, Slate, 2 May 2011)
[iii]
Eurobarometer là loạt khảo sát dư luận được thực hiện định kỳ nhân danh Ủy hội
Châu Âu kể từ năm 1973, về nhiều loại chủ đề liên quan đến Liên hiệp Châu Âu ở
các nước thành viên. (Wikipedia).
[iv]
Tính cơ động xã hội (social mobility) là khái niệm về sự dịch chuyển của các cá
nhân, gia đình, hay nhóm người, trong một hệ thống đẳng cấp hay giai tầng xã
hội. Nếu sự dịch chuyển đó là thay đổi về vị trí/chức vụ mà không thay đổi về
tầng lớp xã hội, thì gọi là “cơ động theo chiều ngang” (horizontal mobility).
Ví dụ một người dịch chuyển từ một chức vụ quản lý ở công ty này sang một chức
vụ tương tự ở một công ty khác. Nhưng nếu sự dịch chuyển làm thay đổi tầng lớp
xã hội thì gọi là “cơ động theo chiều dọc” (vertical mobility), và có thể “cơ
động hướng lên” (upward mobility) hoặc “cơ động hướng xuống” (downward
mobility). Một công nhân trở thành doanh nhân giàu có dịch chuyển lên giai cấp
cao hơn; một quý tộc có đất bị mất hết gia sản trong một cuộc cách mạng dịch
chuyển xuống giai cấp thấp hơn. (Bách khoa toàn thư Britannica)
[v]
Dịch vụ giữ trẻ phổ quát (universal day care) là hệ thống bảo đảm mọi bậc phụ
huynh đều có chỗ gửi con ở nhà trẻ mà không phải chờ đợi, thường có mức phí
thấp và cố định. Ví dụ, ở Thụy Điển hệ thống này chủ yếu do nhà nước điều hành,
chỉ có 20% đi nhà trẻ tư nhân. Năm 2002, nhà nước Thụy Điển áp dụng khung phí
tối đa, giúp hệ thống này càng dễ trang trải hơn vì phí giữ trẻ mà phụ huynh
đóng chiếm không quá 1 đến 3% thu nhập của họ. (Devine, Dympna & Kilkenny,
Ursula, Nordic childcare model best for economic and social wellbeing,
Irish Times, 9 June 2011)
No comments:
Post a Comment