Tuesday 10 September 2013

ĐẤT NƯỚC THỜI MẠT VẬN, CON DÂN PHẢI LÀM GÌ ? (Lê Quế Lâm)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ bảy, 07 Tháng 9 2013 03:29

“…Để hoàn thành hiệp ước TPP, Việt Nam phải thay đổi toàn diện về chính tri, kinh tế, xã hội... để phù hợp với 11 thành viên khác của TPP (không có Trung Quốc)…”

*

Tháng 5 vừa qua, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ An có phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết về thực trạng văn hóa dân tộc. Ông là Giáo sư Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, và là Đại biểu Quốc hội khóa XI và XII (2002-2012), giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội. Theo ông “Vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt đáng lưu tâm về văn hóa xã hội tức là vấn đề về tư tưởng, lối sống, đạo đức đang sa sút nghiêm trọng. Có thể nói là cả nước ta hiện nay đang bị một căn bệnh nói một đằng làm một nẻo. Đây là căn bệnh chung đã có từ lâu, nhưng nay thể hiện quá rõ, từ trong cơ quan, với hàng xóm láng giềng, với việc quốc gia. Đấy là điều đau lòng mà hậu quả chắc chắn là rất lớn. Hiện nay cả xã hội người ta không dám nói thật ý của mình. Các trí thức không dám nói thật ý của mình thì làm sao các cấp lãnh đạo biết được người dân đang nghĩ gì? Tôi nghĩ rằng phải có một số người nói lên suy nghĩ ít nhất là của cá nhân hoặc của những người thân để cho những người khác và lãnh đạo biết để xử lý”.

Báo động thứ hai về văn hóa dân tộc, theo Gs Thuyết là “cái ác lên ngôi". Theo ông, “Thực ra nước nào và thời kỳ nào cũng có những kẻ ác, cũng có những kẻ mất nhân tính nhưng mà có thể nói giai đoạn hiện nay chúng ta phải chứng kiến quá nhiều sự kiện làm chúng ta đau lòng về tâm tính của người Việt, trong đó có lớp trẻ. Những vụ giết người vẫn cứ diễn ra chỉ vì những quyền lợi rất nhỏ nhặt. Những vụ việc tàn nhẫn không chỉ thể hiện chỗ giết người mà ở chỗ người ta sẵn sàng tranh đoạt nhau, đẩy nhau vào thế khốn cùng, làm ngơ trước nổi đau của người khác. Cái ác nó lên ngôi là thế”.

Điều thứ ba là đạo đức suy thoái, “sự suy thoái này không chừa bất cứ một giới nào, kể cả những người tai mắt của xã hội”. Gs Thuyết cay đắng nhận xét với sự phẩn nộ “Đó là những chuyện rất không bình thường ở trong xã hội nước ta hiện nay (nhưng) vẫn được cho rằng bản chất xã hội tốt đẹp hơn xã hội khác rất nhiều. Có thể nói đấy là man rợ, không thể tưởng tượng được. Nó gây hại cho con người. Đó thực sự là những sự việc nổi cộm hiện nay”.

Truy tìm nguyên nhân: Gs Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “Nguyên nhân thứ nhất là trong suốt quá trình xây dựng đất nước, lãnh đạo đã không có tầm nhìn đúng đắn về xây dựng và phát triển văn hóa. Trước đây, xã hội Việt Nam lạc hậu thật nhưng dù sau tình người, đạo lý rất được coi trọng. Nhưng chính chúng ta trong thời gian mới làm cách mạng đã ấu trí làm rạn nứt tất cả các quan hệ xã hội, đã đạp đổ thần tượng xã hội. Ví dụ, thời Cải cách ruộng đất (CCRĐ) chúng ta coi tất cả những gì dính dáng đến thờ cúng, chùa chiền, những văn tự chữ Hán, văn tự chữ Pháp là mê tín, lạc hậu, phong kiến, chúng ta phá bỏ hết. Rồi làm CCRĐ thì chúng ta phát động nông dân đấu tranh làm cho rạn nứt hết quan hệ gia đình, quan hệ làng xóm, điều đó vô cùng nguy hiểm. Chính quyền phong kiến, làng là tổ chức rất bền vững, gắn kết với nhau, là cái thế ràng buộc lẫn nhau, quan hệ xã hội rất là bền vững”.

Ông Thuyết nhận định thêm “Cũng trong thời kỳ mới xây dựng đất nước sau hòa bình lập lại thì chúng ta làm mất thiêng hết tất cả thần tượng. Trước hết Thần Phật là không có, chỉ có cuộc đời trần tục này thôi, không có thế lực siêu nhiên nào hết, chỉ có chúng ta tự quyết định vận mạng của mình. Điều đó chưa chắc đã đúng nhưng ít nhất nó làm cho con người cảm thấy không còn thấy có điều gì đáng sợ, không còn điều gì ràng buộc mình nữa. Phải nói là mình nhìn nhận tôn giáo không đúng. Các tôn giáo đều khuyên các tín đồ, những người đi theo tôn giáo, sống một cách nhân hậu, hướng tới thế giới tâm linh. Mình lại cho tôn giáo là mê tín dị đoan, đả phá hết, buông thả cho con người muốn làm gì thì làm, cho nên mới sinh ra chuyện. Cũng may là gần đây bà con mình sinh ra sinh hoạt họ tộc, thờ cúng tổ tiên, bà con có đạo (đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Tin lành...) đã đi những nơi thờ cũng nhiều hơn thì phần nào sẽ giảm đi cái ác đó. Rồi vị trí của người thầy giáo cũng bị hạ bệ, cũng không được coi trọng...

Nguyên nhân thứ hai khiến đạo đức suy đồi, theo Gs Thuyết là do “Chính sách dùng người. Trước đây chúng ta nặng về lý lịch, phải đưa những người không có trình độ lên làm lãnh đạo. Rõ ràng những người ấy trình độ văn hóa thấp, họ không cần nghe ai hết. Rồi theo chủ nghĩa bằng cấp, bất kể trình độ thật sự là thế nào, cứ có cái bằng. Bây giờ bằng cấp cũng chẳng ăn thua nữa mà theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết rồi: Thứ nhất hậu duệ, thứ hai quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ. Chính sách nhân lực suy yếu như thế làm cho người lao động mất niềm tin, mất chỗ dựa sẽ sinh ra cố gắng chụp giật, cướp đoạt tất cả, bất kể những gì rơi vào tầm tay của mình”.

Nguyên nhân thứ ba là “xã hội chúng ta thiếu những tấm gương thực tế sinh động của những người có vị trí xã hội cao.  Đây không phải là lãnh đạo, mà cả trí thức.

Thứ tư, ông cho rằng “nguyên nhân là mặt trái của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường được phát huy làm buông lỏng hóa pháp luật. Luật của nước mình thì nhiều nhưng mà có mấy ai làm theo luật đâu. Thực ra thì trong xã hội chúng ta vẫn còn rất nhiều người có lương tri, có lương tâm, có trí tuệ nhưng tiếng nói ảnh hưởng của những người này hết sức là nhỏ. Không phải vì họ không có cương vị gì trong xã hội. Mà thật sự ra, ngay cả những người có cương vị trong xã hội, có trí tuệ, có tấm lòng tử tế cũng bất lực. Họ cố gắng mấy cũng không kéo lại được.  Xã hội hiện nay đang ở thời kỳ phân tán, phân tâm... Mỗi người đi một hướng, mỗi người tách bạch một hướng thì lực không trụ được, không thể tạo thành sức mạnh. Đấy là một cản trở lớn cho tiến bộ xã hội. Đó là chưa kể một bộ phận nhóm lợi ích quá lớn sẽ bẻ quẹo tất cả chân lý. Những người trong nhóm lợi ích họ sẽ chỉ biết lo vun vén, vơ vét cho quyền lợi của bản thân họ, gia tộc họ bất kể xã hội đi đến đâu. Nhóm lợi ích như Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 đã nói là một bộ phận không nhỏ. Đã là bộ phận không nhỏ thi nó có khắp nơi, kể cả trong bộ phận lãnh đạo. Tôi rất tiếc trong đợt đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa qua, rất nhiều lời cảnh tỉnh của người dân, của những người nặng lòng ưu tư cho đất nước, của những người có lương tri, có trí tuệ đã bị bỏ qua”.

Quan sát đạo đức suy thoái trong xã hội, Gs Nguyễn Minh Thuyết kết luận “Đúng là chưa bao giờ đất nước ở vào tình trạng như hiện nay. Nói cách khác, trong lịch sử chỉ thời mạt mới xuất hiện những chuyện như thế. Chúng ta đọc Đại Việt Sử ký toàn thư, đọc Hoàng Lê Nhất thống chí chúng ta mới thấy thời ấy, thời Lê mạt, xã hội không ra cái gì, quan lại, vua tôi, thầy trò cả. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, khi Lý Trần Quán gửi chúa Trịnh cho học trò là Tuần Tráng. Tuần Tráng biết đó là chúa thì đem bắt nộp cho Tây Sơn. Khi Lý Trần Quán mắng, Tuần Tráng nói: ‘Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân’. Có thể nói đó là câu nói điển hình cho sự suy thoái”.

Gs Thuyết nhận xét thêm: “So sánh với các nước, có thể nói những xã hội có hiện tượng như thế này là xã hội kém phát triển. Xã hội văn minh cũng có những hiện tượng này nhưng nó không bệ rạc, không phổ biến như thế”.

Đề cập về triển vọng cải thiện đạo đức xã hội, ông Thuyết cho rằng “khá bi quan. Vì xã hội giống như một chiếc xe đã xuống dốc, phanh gần như không có, hoặc có phanh nhưng không hoạt động. Người bóp phanh, người cầm lái lại đang nghĩ chuyện khác. Cho nên khó. Bây giờ người dân phải tìm ra, phải tự quyết định lấy số phận của mình, người lãnh đạo cũng phải tỉnh ngộ, cũng phải quyết định sự phát triển của đất nước mình. Người dân hiện nay có một điều rất đáng lo là người ta không nói như người ta nghĩ và người ta không làm như người ta nói. Không phải chỉ người dân đâu, mà lãnh đạo cũng vậy. Nói nhưng chẳng làm. Điều đó chứng tỏ lời nói và việc làm quá khác nhau. Điều đáng buồn thứ hai là người Việt Nam đang vô cảm. Vô cảm là vì từ lâu người dân bị đặt ra ngoài việc nước. Tất cả mọi chuyện đã có Nhà nước lo. Khi người dân không lo việc chung nữa thì không khác gì trên chuyến xe bus thấy kẻ lưu manh ăn cướp hăm dọa người khác mà mình cứ làm ngơ, thì đến lúc nó sẽ hỏi đến mình nếu như mình có của. Cho nên người ta nói trách nhiệm là của người lãnh đạo nhưng xét cho cùng trách nhiệm cũng chính là ở người dân. Bởi vì anh không dám thể hiện nên anh phải chấp nhận thôi”.

Ông giải thích thêm “Thật sự tôi thấy rằng khó, nói là vô phương cứu chữa thì không phải. Vẫn còn một phương cứu chữa nhưng phải nhận ra được bệnh của mình và quyết tâm cứu chữa. Qua kinh nghiệm làm việc của tôi ở nước ngoài, phải nói là người dân đóng góp cho sự phát triển xã hội rất lớn. Không nói họ sáng tạo trong lao động, chỉ nói việc họ xây dựng chính quyền hết sức có trách nhiệm nên bao giờ họ cũng chọn được người giỏi cầm quyền. Tôi nghĩ rằng trí thức như tên gọi của nó là những người có hiểu biết cao ở trong xã hội thì phải nhận thức được những nguy cơ, những khó khăn mà dân tộc mình đang vướng phải và nhận thức được con đường phải đi để phát triển bền vững, để đem hạnh phúc lại cho người dân. Cho nên trí thức có trách nhiệm phải bày tỏ chính kiến của mình để tác động vào chính sách và để tác động vào công chúng, làm cho công chúng cũng nhận thấy được như mình”.  (Trích Tạp chí Văn Hóa Nghệ An tháng 5/2013: Phan Thắng và Kiều Mai Sơn trao đổi với Gs Nguyễn Minh Thuyết, được Việt Luận phổ biến trong số 2772 Thứ Sáu 16-8-2013)

Đọc bài phỏng vấn trên, khiến người viết liên tưởng đến lời nói của người xưa: “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một người. Làm chính trị mà sai lầm thì làm hại cả một nước. Làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời”. Nhìn lại đất nước trong hơn 60 năm qua cho thấy “làm chính trị sai lầm” đã gây đau thương cho cả dân tộc. Sai lầm này chỉ làm cho đất nước tụt hậu, rồi tìm cách chấn chỉnh để đưa đất nước tiến lên. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt còn thì đất nước Việt Nam còn. Nay, qua những lời phát biểu trong Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Gs Nguyễn Minh Thuyết đã báo động về cái họa muôn đời của giòng giống Tiên Rồng. Dân tộc sẽ bị kẻ thù phương Bắc đồng hóa, Việt Nam chỉ còn là một tỉnh hoặc một phần đất tự trị trong đại gia đình Trung Quốc với lá cờ sáu sao: một sao lớn và 5 sao nhỏ tượng trưng cho 6 sắc dân: (Đại) Hán, Mãn, Hồi, Mông, Tạng và (Việt Nam?). Lá cờ này đã xuất hiện hai lần ở Việt Nam. Lần thứ nhất vào lúc 7 giờ tối ngày 14-10-2011, chương trình truyền hình VTV trong mục thời sự đã công khai đăng hình cờ 6 sao của TQ. Trước đó các cơ quan truyền thông đã phát sóng liên tục về chuyến viếng thăm TQ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 11 tháng 10/2011. Lần thứ hai, học sinh ở Hà Nội cầm cờ 6 sao đón tiếp Phó Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 21-12-2011.
Dù là đảng viên CS, nhưng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết còn giữ được bản chất dân tộc trước đại họa mất nước. Đó là thái độ can đảm của một sĩ phu Bắc Hà. Điểm đáng chú ý là ông trao đổi tâm tình với Tạp chí Văn Hóa Nghệ An. Những người phụ trách tờ báo này cũng rất can đảm khi nêu ra câu hỏi: “Ông thấy môi sinh văn hóa dân tộc, đất nước, quốc gia [theo nghĩa rộng là không gian tồn tại của mỗi người và mọi người, của cả dân tộc] đang nổi lên những vấn đề gì đáng quan tâm nhất, thậm chí nghiêm trọng nhất? Và ông đã thẳng thắn nói lên cảm nghĩ của mình, như người viết đã trích dẫn. Các phóng viên hỏi thêm “Ông cắt nghĩa như thế nào về nguyên nhân của tình trạng này? Ông nêu ra bốn nguyên nhân, tất cả đều xuất phát từ Đảng CSVN.

Nghệ An là quê hương của ông Hồ Chí Minh. Nơi đây, khi Đảng CSVN vừa ra đời, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cộng sản đã tạo cho người dân Việt Nam một hình ảnh kinh hoàng về hận thù dân tộc, về giai cấp đấu tranh qua khẩu hiệu: “Trí, phú, địa, hào – cào tận gốc, trốc tận rễ”. Chủ trương này đã được CS thực hiện triệt để trong Cách mạng tháng 8 (1945) và trong chiến dịch CCRĐ ở miền Bắc (1953-1956). Thành quả đầu tiên của CSVN trong việc xây dựng Xã hội chủ nghĩa sau khi “giải phóng” được miền Bắc (1954) là sự vùng dậy của nhân dân huyện Quỳnh Lưu ngay tại thánh địa của Đảng CS Đông Dương và chỉ cách nơi sinh quán của HCM vài cây số.

Cuộc nổi dậy của nhân dân Nghệ An bắt đầu ngày 2/11/1956 khi họ gởi kháng thư đến phái đoàn Gia Nã Đại trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương, phản đối những hành động sắt máu của chính quyền CS. Ngay trong đêm đó, ông HCM điều động Sư đoàn Thép đến giải tán các cuộc nổi loạn, tàn sát và lưu đày gần 6 ngàn nông dân. Lúc bấy giờ thế giới đang theo dõi vụ nổi dậy của dân chúng Hung Gia Lợi ở Budapest bị xe tăng Hồng quân Liên Xô tàn sát, nên ít người chú ý đến cuộc đàn áp đẫm máu của CSVN ở Nghệ An. Một người hết lời ca tụng HCM là Bernard Fall mà còn nhận xét rằng thực dân Pháp đàn áp vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh hồi 1930 còn không đẫm máu bằng sự tàn sát nông dân Quỳnh Lưu theo lịnh do chính HCM ban ra.

Có thể nói bài báo của Văn Hóa Nghệ An số tháng 5-2013 là bản cáo trạng thứ hai của người dân xứ Nghệ, mượn lời của một sĩ phu đất Bắc để nói lên đại họa do đảng CSVN gây ra. Trước đó, giới trí thức trong nước cũng đã lên tiếng, cùng sự dấn thân đấu tranh của giới trẻ và sinh viên như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Lân Thắng, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Tiến Nam, Châu Văn Thi, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Vũ Hiệp, Vũ Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Dũng, ...

Hội nhập quốc tế để thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc: Trước phản ứng của nhân dân, phê phán sự lệ thuộc toàn diện của Đảng CSVN với CSTQ, ngày 10-4-2013 Bộ Chính trị đã thông qua nghị quyết về hội nhập quốc tế. Cuối tháng 5/2013, TT Nguyễn Tấn Dũng đến Singapore tham dự Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, ông cổ vũ việc hợp tác quốc tế, xây dựng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, dựa vào ASEAN và vai trò lớn của hai cường quốc. Đó là Trung Hoa đang trổi dậy mạnh mẽ (về kinh tế) và Hoa Kỳ -một cường quốc Thái Bình Dương (hùng mạnh về quân sự và đứng đầu thế giới về kinh tế). Ông Dũng tế nhị, không nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm gây sự ở biển Đông làm cho khu vực mất ổn định, ông chỉ nói “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Rõ ràng TT Dũng muốn ám chỉ Trung Quốc, nên ông coi trọng vai trò của Mỹ khi siêu cường này xoay trục về Châu Á. Hoa Kỳ chủ trương hợp tác quốc phòng với các nước, kể cả TQ để tạo sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Đó là cách thức vừa hợp tác với các nước để phát triển kinh tế vừa kềm chế tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Hai tháng sau, Chủ tịch Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ. Trong cuộc hội đàm với TT Obama ngày 25-7-2013, ông bày tỏ mong muốn của Việt Nam được hợp tác với Mỹ như ông Hồ Chí Minh đã gợi ý trong thư gởi TT Truman hồi tháng 2 năm 1946. Trong Tuyên cáo chung, hai nước quyết định thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. HK thúc đẩy Việt Nam tích cực tham gia vào việc hoàn thành hiệp ước TPP vào cuối năm nay.

Sau khi ông Sang trở về nước, Toà phúc thẩm Long An đã có một quyết định bất thường là trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên. Cô sinh viên yêu nước này đã chống Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mà cô miệt thị gọi là bọn “Tàu khựa”. Lúc trước, bỏ tù Phương Uyên là để bày tỏ thái độ thân TQ, nay trả tự do cho cô, cho thấy Hà Nội có chuyển hướng sẽ tôn trọng nhân quyền nhằm tăng cường sự hợp tác với Mỹ. Hành động này còn chứng tỏ nhà nước Việt Nam cũng đồng tình với cô, chống lại những hành động hung hãn của Bắc Kinh.

Sau chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - một người thân cận của Nguyễn Tấn Dũng, dẫn đầu một phái đoàn chính phủ đến Mỹ từ ngày 21 đến 30-8-2013. Nguồn tin trong nước suy đoán chuyến đi Mỹ của Phúc là để dọn đường cho TT Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ vào cuối tháng Chín. Ông sẽ trình bày lập trường của Việt Nam trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc như ông đã tuyên bố ở Diễn đàn Shangri-La. Sau đó đến thủ đô Washington hội kiến với TT Obama để hoàn thiện mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Mỹ. Hai tháng trước ông Sang và Obama đã thảo luận lá thư của ông Hồ Chí Minh gởi Tổng Thông Truman hồi năm 1946. Trong những ngày sắp tới, nếu gặp TT Obama, tôi cầu mong TT Dũng tiếp tục đề cập đến những sự kiện lịch sử giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong quá khứ, nhưng có liên hệ và đáp ứng với tình thế đất nước hiện nay.

*Đầu năm 1950 ông HCM đến Bắc Kinh, yêu cầu Mao và Stalin viện trợ giúp CS Việt Minh kháng chiến chống Pháp, dù Pháp đã trao trả độc lập cho Việt Nam qua Hiệp ước Élysée ngày 8-3-1949. Từ đó, tư tưởng Mao được ghi vào điều lệ của Đảng Lao động Việt Nam và tiến hành chiến dịch CCRĐ rập khuôn Trung Quốc, tàn sát mấy trăm ngàn người, phá nát luân thường đạo lý của dân tộc. Năm 1960, Hồ Chí Minh phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam để tăng cường phe XHCN. Lúc bây giờ Liên Xô và Trung Quốc xung đột nhau, nhưng cả hai đều tận lực giúp CSVN.

* Trước thảm họa mất nước vì tham vọng bá quyền của hai cường quốc CS, nên Thủ tướng VNCH Phan Huy Quát đã cầu cứu Mỹ (đầu năm 1965). Hoa Kỳ đã đưa quân vào Miền Nam Việt Nam và kết thúc cuộc chiến Việt Nam đã kéo dài gần 30 năm (1946-1973). Hiêp Định Paris 1973 ra rời, Hoa Kỳ từng bước chấm dứt sự can dự ở Việt Nam và rút lui khỏi Đông Nam Á, sau khi thỏa hiệp với Trung Quốc đẩy lùi ảnh hưởng Liên Xô khỏi khu vực tranh chấp này. Người viết xin nhắc lại, khi Thế chiến II sắp chấm dứt, lãnh tụ các nước Đồng minh thắng trận đã thỏa thuận chia cắt ảnh hưởng thời hậu chiến. Liên  Xô chỉ hiện diện ở Bắc Triều Tiên. Phần đất Châu Á còn lại thuộc ảnh hưởng Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch) và Anh Pháp Mỹ. Nhưng ông Hồ Chí Minh cố mang ảnh hưởng Liên Xô vào Việt Nam, đã tạo ra cuộc chiến Đông Dương lần 1 và 2.

* Sau khi giúp chấm dứt chiến tranh Việt Nam, rút lui khỏi Đông Nam Á, Hoa Kỳ chỉ cầu mong Miền Nam Việt Nam hoặc nước Việt Nam thống nhất hội nhập với khối các nước ASEAN. Các quốc gia này chủ trương biến Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, tự do, trung lập và hợp tác với cả ba cường lực Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc để phát triển khu vực phồn vinh. Nhưng Tổng bí thư Lê Duẩn quyết tâm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh, cưỡng chiếm Miền Nam đưa cả nước vào quĩ đạo Liên Xô. Hành động này đưa đến chiến tranh Đông Dương lần thứ 3. Đặng Tiểu Bình lên án CSVN phản bội và thề trừng phạt CSVN, làm cho Việt Nam đổ máu cho đến chết.

* Khi cuộc chiến Đông Dương lần 3 và chiến tranh lạnh sắp chấm dứt với sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN Đông Âu, đầu tháng 11/1989 Úc Đại Lợi tổ chức hội nghị Hợp tác kinh tế Á châu Thái Bình Dương (Asian Pacific Economic Co-operation Council - APEC) tại Canberra. Khối APEC được chính thức thành lập bao gồm 12 quốc gia: Mỹ, Nhật, Đại Hàn, Gia nã Đại, Úc, Tân Tây Lan và 6 nước ASEAN là Mã Lai, Nam Dương, Singapore, Thái Lan, Phi Luật Tân và Brunei. Hai năm sau, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông trở thành hội viên chính thức của APEC (1991). Trong khi đó bộ ba lãnh tụ CSVN Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh lại đến Thành Đô (1990) thần phục Bắc Kinh, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.

* Người viết cũng xin nhắc lại trong thời gian làm thủ tướng (1991-1997), ông Võ Văn Kiệt đã góp phần đắc lực trong việc thiết lập bang giao với Hoa Kỳ (1995) giúp Việt Nam gia nhập khối ASEAN (7/1995) và APEC (1998). Sự kiện này được Giáo sư Michael Stanley Dukakis đề cập khi ông đến thăm gia đình cố TT Võ Văn Kiệt ngày 2-4-2013. Gs Dukakis là cựu Thống đốc Tiểu bang Massachusetts và là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 1988. Ông đề cao cố TT Võ Văn Kiệt “Đã có công lớn trong việc giúp Việt Nam mở ra cánh cửa đổi mới đất nước và hòa nhập sâu rộng với thế giới”. Cuối năm 1999, trong cuộc họp thượng đỉnh khối APEC ở thủ đô Tân Tây Lan, TT Bill Clinton đã hội đàm với TT Phan Văn Khải và tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Ông Khải quê quán Củ Chi, nơi mà CSVN tặng cho danh hiệu “Củ Chi Đất thép Thành đồng” trong chiến tranh chống Mỹ. Rất tiếc hai ông cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã khước từ thiện chí của Mỹ, không muốn hợp tác với thế giới mà chỉ hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Năm sau Trung Quốc gia nhập WTO và áp lực Việt Nam ký hai hiệp ước về biên giới, hậu quả là Việt Nam mất ải Nam Quan và thác Bản Giốc cùng mấy chục ngàn cây số vuông trong vịnh Bắc Việt.

* Giữa năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập bang giao (1995-2005), Tổng Thống George W. Bush mời Thủ Tướng Phan Văn Khải viếng thăm Hoa Kỳ để hoàn thiện mối bang giao. Trong cuộc hội đàm với Khải, TT Bush cũng bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Và năm sau, Việt Nam trở thành hội viên thứ 150 của tổ chức Mậu dịch Thương mãi Thế giới. Tháng 11/2006, TT Bush đến Hà Nội tham dự hội nghị thượng định khối APEC. Ông đã hội đàm với TT Nguyễn Tấn Dũng, thân mật gọi ông này là VC và tiết lộ với báo chí sau cuộc họp là thủ tướng VN có người rễ là Việt kiều ở Mỹ. Sau 6 năm gia nhập WTO, mức thu nhập bình quân GDP của VN đã gia tăng từ 700 đôla năm 2006 lên đến 1600 vào năm 2012.

Ngày nay để thoát khỏi gọng kềm của Trung Quốc, TT Nguyễn Tấn Dũng chủ trương hội nhập với thế giới. Đường hướng chiến lược mà TT Nguyễn Tấn Dũng trình bày ở Diễn đàn Đối thoại Shangri-La đã được Hoa Kỳ dàn dựng xong từ 40 năm về trước. Có thể nói đây là một chuyển hướng lịch sử quan trọng nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp Định Paris 1973. Sau bốn thập niên làm cho đất nước tụt hậu và có nguy cơ bị Hán hóa, những người CS lãnh đạo đất nước mới thấy được giá trị của Hiệp Định Paris 1973.

Châu Á-Thái Bình Dương là hướng phát triển chủ yếu của thế giới trong thế kỷ 21. Các cường lực như Nga, Mỹ, Ấn, Trung Quốc, Nhật, Cộng đồng Châu Âu... đều tập trung vào khu vực này. Việt Nam nằm ngay trung tâm điểm của khu vực với 3 khối mậu dịch lớn nhất hoàn vũ: APEC, RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) và TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement). Biển Đông là cửa ngõ để Việt Nam tiến ra Thái Bình Dương hội nhập với thế giới, nhưng Trung Quốc coi biển Đông là quyền lợi cốt lõi của họ, vẽ ra bản đồ hình lưỡi bò đòi chủ quyền 80% diện tích. Sở dĩ như vậy vì Bắc Kinh luôn dựa vào công hàm năm 1958 của TT Phạm Văn Đồng thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.

Từ bấy lâu nay, Việt Nam lại không hợp tác với các nước ASEAN thảo luận đa phương với Trung Quốc về chủ quyền các hải đảo trong khu vực. Nay Việt Nam đã thay đổi lập trường qua lời tuyên bố của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La: “Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông; nổ lực làm hết mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982”. Ông nói thêm: “ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực”. Tự do hàng hải ở biển Đông cũng là chủ trương của Mỹ, họ cũng coi biển Đông là quyền lợi chiến lược sinh tử. Ngoài Hạm đội Thái Bình Dương hùng hậu, Hoa Kỳ còn điều động 60% lực lượng hải và không quân trở lại châu Á để cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Là một siêu cường về quân sự, Hoa Kỳ chủ trương hợp tác quốc phòng với tất cả các nước nhằm tạo sự ổn định, bảo vệ hòa bình cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát triển vững mạnh về kinh tế.

Việc xây dựng quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tùy thuộc vào thái độ của Hà Nội có tham gia tích cực vào việc hoàn thành hiệp ước TPP hay không? Tham gia hiệp ước này sẽ giúp kinh tế phát triển mau lẹ, đồng thời giúp củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ để bảo vệ chủ quyền đất nước. Để hoàn thành hiệp ước TPP, Việt Nam phải thay đổi toàn diện về chính tri, kinh tế, xã hội... để phù hợp với 11 thành viên khác của TPP (không có Trung Quốc). Các nước trong tổ chức mậu dịch thương mãi này đều là các nước dân chủ tự do, có nền kinh tế phát triển cao với tổng sản lượng quốc gia bình quân đầu người cao gấp mấy chục lần Việt Nam.

Ngày nào đảng CSVN còn giành độc quyền lãnh đạo đất nước, Việt Nam còn lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc vì những hệ lụy của quá khứ. Hoàn thành hiệp ước TPP là con đường giúp Việt Nam thoát khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc để đưa đất nước tiến lên. Một chính phủ do người dân bầu chọn qua cuộc tuyển cử dân chủ tự do, sẽ thảo luận mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích riêng của từng nước và lợi ích chung của cả khu vực.

Trong nửa thế kỷ qua, thời cơ thuận lợi nhiều lần đến với dân tộc. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất nước có thế địa lợi tuyệt hảo ...Nhưng đồng bào lại chịu cảnh điêu linh trong một thời gian quá dài chỉ vì sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Chỉ có dân chủ tự do, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân, mới tạo được thế nhân hòa. Hội đủ 3 yếu tố Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa, đất nước sẽ phát triển nhanh chóng như diều gặp gió. Tôi tin tưởng giai đoạn lịch sử mới của dân tộc đã xuất hiện, đồng bào trong và ngoài nước hợp lực xây dựng một nước Việt Nam Độc lập, Phú cường, Dân chủ, Tự do ngang hàng với các nước văn minh trên thế giới.

Lê Quế Lâm (Sydney 4/9/2013)


No comments:

Post a Comment

View My Stats