Wednesday, 16 January 2013

VỀ QUYỂN SÁCH "BÊN THẮNG CUỘC" : VƯỢT QUA SỢ HÃI hay "CHÉM GIÓ" ? (Song Huy & Ngọc Diệp - Công An TP.HCM)




SONG HUY – NGỌC ĐIỆP


Posted by basamnews on 17/01/2013

(CATP) Sau một tháng ra phần 1 sách “Bên thắng cuộc” (BTC), tác giả (Huy Đức) ngày càng nhận thêm những “phần quà” cay đắng từ những kẻ chống cộng cực đoan ở hải ngoại. Dù đã cố lấy lòng nhóm này bằng mọi cách: kể khổ cho họ, tâng bốc các cấp chỉ huy cũ của họ, “lên án cộng sản” thay họ… Thế nhưng, họ vẫn đăng đàn chửi tác giả không tiếc lời, vẫn hô hào biểu tình, tẩy chay cuốn sách. Đau hơn, trên một số diễn đàn, Huy Đức được họ xếp chung vào danh sách “chiêu hồi” như: Bùi Tín, Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Trần Khải Thanh Thủy…

Kỳ 1: “SỰ THẬT” HAY SỰ… GIẢ?

Phần đầu sách BTC giới thiệu dài dòng về hàng trăm người nổi tiếng mà tác giả đã phỏng vấn, trích nhận xét của những “khoa bảng” ở Mỹ, những nhà văn, học giả trong nước. Rồi thêm phần mục lục dài như “trường ca”; phần chú thích tài liệu dày cộp, phần tặng người này, cảm ơn người kia. Tác giả tâm sự rằng: “Đã chuẩn bị tài liệu hơn 20 năm, viết mất 3 năm. Viết trong ý chí muốn vượt qua nỗi sợ hãi để nói lên sự thật…”. Thế nhưng, đọc xong hết cuốn sách nặng trịch về trọng lượng lẫn những kỳ vọng lớn lao của tác giả, người đọc cũng không biết nó thuộc loại gì? – văn, báo hay sử? Và cái gọi là “sự thật” trong đó đang được độc giả chứng minh ngược lại! Trong sách, đầu này dẫn nguồn ra vẻ rất khoa học, đầu kia là những chuyện nhặt nhạnh từ những buổi “trà dư tửu hậu” với ai đó. Rất nhiều chỗ chép lại nguyên văn trên báo chí, trên mạng hay từ một lời kể chưa được kiểm chứng nào đó. Độc giả “Người lính già Oregon” nhận xét trên một trang web chống cộng: “Tôi quá lời lắm không nếu đánh giá BTC như những chuyện ngồi lê đôi mách, ai cũng biết rồi, khổ lắm nói mãi, được tác giả góp nhặt lại kể và in thành sách bán tại Mỹ để kiếm tiền, kiếm danh là điều chắc chắn và dĩ nhiên kiếm lợi nào đó về chính trị…”. Đặng Văn Nhâm – một cây bút thuộc “Bên thua cuộc” (theo cách gọi của Huy Đức) đang sống ở hải ngoại đánh giá: “Nếu ai đã dằn lòng chịu khó đọc quyển BTC chẳng cần phải suy nghĩ cũng thừa sức nhận ra lối viết cóp nhặt, vá víu, manh mún lẫn lộn xuyên qua cả hai phía thắng cuộc và thua cuộc, để chèn nhét thêm vào đó những chuyện đầu Ngô mình Sở…”. Tác giả Việt Sơn viết trên blog Bùi Văn Bồng: “Huy Đức đã kỳ công bới móc lịch sử, cố tình đánh tráo lịch sử một cách trơ tráo…”.

Nhiều tình tiết trong sách được tác giả và nhóm “cò mồi chém gió” ra sức quảng cáo, bình luận và nâng thành “phanh phui bí mật lịch sử”; đã bị nhiều bạn đọc phổ biến cho nhau để làm trò cười về sự ngây ngô, ấu trĩ! (như phần viết về ông Lê Duẩn được con rể báo tin quân ta vào Phnom Pênh – Campuchia). Xuất hiện trên các diễn đàn mạng, nhiều người thuộc “Bên thua cuộc” dù đã được tác giả cuốn sách “ưu ái” nhưng họ vẫn phản ứng gay gắt. Có người viết: “Chỉ đọc vài chục trang là không thể đọc được, không thể chịu được sự dối trá”… “Nạn nhân” Phạm Văn Tiền – cựu sĩ quan chế độ cũ nói thẳng: “Nhìn toàn diện, tác giả dường như muốn diễn đạt và dẫn chứng những điều thật sự xảy ra sau cuộc chiến. Nhưng sự thật đó là những điều không thật… Những dẫn chứng bịa đặt”… Đặng Văn Nhâm cũng chung quan điểm: “Sự thật trong BTC của Huy Đức và cả sự thật mà bọn mặc áo thụng xanh đứng ngoài thổi ống đu đủ như Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Quang Anh Thái… chỉ là sự thật của những thằng mù sờ voi…”. Như phần viết về giới văn nghệ sĩ, tu sĩ, trí thức, tư sản của miền Nam sau 30-4-1975, Huy Đức dùng những câu như: “Chiến dịch bắt bớ văn nghệ sĩ kéo dài” (trang 64),… “Những cuộc bắt bớ tương tự kéo dài đến năm 1978”… (trang 67). Rồi Huy Đức trích hồi ký của nhà văn Duyên Anh cho độc giả thấy không khí nghẹt thở của ngày đó. Người đọc cảm thấy văn nghệ sĩ Sài Gòn bị chính quyền cách mạng đàn áp rất khốc liệt từ ngoài đời đến nhà tù. Thế nhưng, nếu đọc hồi ký của Duyên Anh – nguồn trích của Huy Đức, chúng ta sẽ thấy khác. Duyên Anh nói thẳng, ông ta cũng như các nhà văn, nhà báo Sài Gòn (trong đó có những người bị Duyên Anh lên án là nhận tiền của Mỹ để làm báo, làm văn chống cộng sản) bị bắt vì đã thành lập tổ chức đối kháng với chính quyền và bị bắt là đương nhiên. Huy Đức trích Duyên Anh để kể khổ về đời sống trong tù; còn Duyên Anh lại chỉ rõ tên tuổi những tù nhân giàu có ăn gà rôti, thịt bò miếng, phở, bánh cuốn… thoải mái, trong lúc cán bộ trại giam được Duyên Anh mô tả chỉ có cái xe đạp cùn, bịch thuốc rê và ăn độn dài dài. Duyên Anh chống cộng sát khí nhưng ít ra vẫn còn giữ được sự ngay thẳng của ngòi bút. Còn Huy Đức thì ngược lại!

Ở chương “Cải tạo”, tác giả BTC cũng viết bằng “bút pháp” “Lập lờ” như vậy. Huy Đức ra sức tô vẽ (có khi sử dụng cả chuyện nhảm nhí như Phan Xuân Huy mô tả trại cải tạo như trại hè) bi kịch của các gia đình có người đi cải tạo để ngầm “lên án cộng sản”. Nhưng Huy Đức lại không nói đến những nhóm tàn quân hoạt động phỉ, hàng trăm tổ chức phản động nhen nhóm hoạt động vũ trang, thậm chí lập căn cứ ngay trong lòng các đô thị. Huy Đức không nói đến máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vẫn phải đổ tức tưởi sau ngày thống nhất đất nước. Thậm chí quên luôn một bộ phận của chế độ cũ hồi ấy đã ra sức phá hoại cuộc sống yên vui của nhân dân sau ngày giải phóng; gây tang tóc cho nhiều gia đình qua các vụ cướp bằng vũ khí rất dã man để lấy vàng vượt biên. Những vụ cướp như vậy diễn ra khắp các thành phố miền Nam, nhiều nhất là Sài Gòn sau ngày giải phóng. Đó cũng là những năm bọn Pônpốt bắt đầu quấy phá, xâm lấn từng phần lãnh thổ của ta, tàn sát dân ta. Trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài”, vận mệnh đất nước lại bị đe dọa như vậy, không lẽ chính quyền cách mạng phải đi năn nỉ hơn một triệu tay súng chuyên nghiệp của “bên thua cuộc” đừng làm loạn? Nếu không chọn giải pháp đưa họ vào các lớp, các trại cải tạo thì quản lý đội quân to lớn, được tổ chức chặt chẽ cùng kinh nghiệm chiến đấu này bằng cách gì? Cũng cần nhắc lại rằng, nhờ chính sách khoan hồng của cách mạng, hơn một triệu tay súng “bên thua cuộc” đã trở về trong vòng tay của dân tộc, chứ không phải đối diện với máy chém như đã từng xảy ra ở miền Nam dưới thời chính quyền do Mỹ dựng lên! Nếu tác giả BTC đọc thêm vài “Hồi ký cải tạo” được xuất bản ở Mỹ, sẽ thấy ngay cả những cây bút căm thù cộng sản đến tận xương tủy cũng không viết về “chương cải tạo” phiến diện, và nịnh “bên thua cuộc” thái quá như Huy Đức! Ở hải ngoại, trong vài năm gần đây, các loại hồi ký “Cải tạo”, “Vượt biên” đã bị giới nghiên cứu và bà con Việt kiều chê là luẩn quẩn, mốc meo… thì BTC với hơn 1/3 toàn chép lại chuyện “mốc meo” đó, có gì để gọi là ghê gớm, bí mật để tác giả phải ầm ĩ là “vượt qua sự sợ hãi nói lên sự thật”?

BTC với cách nhìn phiến diện như thế về lịch sử, nhưng lại được ông Trần Hữu Dũng (Đại học Wright, Ohio, USA) cố thổi lên là “cuốn sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975” thì đúng là chuyện khôi hài!

Tác giả khoe chuẩn bị cho sách BTC mất 20 năm. Cái đó làm người ta ngưỡng mộ lao động miệt mài của tác giả, nhưng “cần cù bù khả năng” không phải là con đường tất yếu đến với chân lý khoa học. Sự cần cù của Huy Đức không thể bù đắp cho khả năng tổng hợp, phân tích biện chứng cùng với thế giới quan và phương pháp luận khoa học của người viết sử. Tác giả như bị mất phương hướng trước đống tài liệu quá lớn, ngộ nhận và hoang tưởng về khả năng “nổ như trái bom” của cuốn sách nên mụ mẫm, tự mình làm u mê mình. Tác giả “nhai lại” rằng cuộc chiến đó là “huynh đệ tương tàn” nên mới đặt cuốn sách là “Bên thắng cuộc”. Huy Đức dùng lại câu của Nguyễn Duy: “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng thì nhân dân đều bại” để mở đầu. Nhưng lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam không phải như vậy. Sau trận Điện Biên Phủ, Pháp thua, dân Việt Nam chấm dứt 80 năm nô lệ để trở thành người. Theo Hiệp định Genève, Việt Nam tạm chia làm hai miền, sau hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng Mỹ đã nhảy vào thay Pháp, biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới và tiền đồn chống cộng nhằm chia cắt vĩnh viễn Tổ quốc Việt Nam. Dân tộc ta không tự vạch ra vỹ tuyến 17 để đánh nhau thêm 21 năm nữa. Với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dân tộc Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đánh xong thì phải có chính sách quản lý, bảo vệ và xây dựng đất nước. Đơn giản và rõ ràng như vậy. Việc gọi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là “huynh đệ tương tàn” hay “chiến tranh Nam – Bắc” chỉ là lý lẽ ngụy biện của những kẻ quỳ gối, muốn trốn tránh mặc cảm làm nô bộc cho ngoại bang. Lý lẽ đó bị đào thải rồi, bây giờ Huy Đức xài lại để được đám cò mồi tung hê là “nhận thức mới”!

Rõ ràng, cuốn sách BTC đã “chém gió” quá đà, cho nên từ thiếu sót, sai lầm này dẫn đến thiếu sót, sai lầm lớn hơn là dễ hiểu và nó bị nhiều phản ứng cũng là lẽ tất nhiên!

(Còn tiếp)




---------------------------------------------------





Về quyển sách “Bên thắng cuộc”:
SONG HUY - NGỌC ĐIỆP  (Công An TP.HCM) 
Thứ năm, 17/01/2013 08:40
Kỳ 1: “SỰ THẬT” HAY SỰ... GIẢ?



Về quyển sách “Bên thắng cuộc”:
SONG HUY - NGỌC ĐIỆP  (Công An TP.HCM) 
Thứ sáu, 18/01/2013 07:30

Kỳ 2: PHẢN NHÂN VĂN




(Tiếp theo và hết)

(CATP) Khi đọc sách “Bên thắng cuộc” (BTC), nhiều người đã giật mình vì khả năng “càn quét” lên đạo đức người cầm bút của tác giả. Huy Đức lao phăm phăm vào các sự kiện riêng tư cũ mèm; từ những định kiến của cá nhân này với cá nhân khác, từ những bí mật đời tư mà lẽ ra vì lòng nhân ái không nên đào bới lên nữa... lối viết đó đã tạo ra những trang sách khơi gợi hận thù, phản nhân văn tới mức đáng sợ!

Kỳ 2: PHẢN NHÂN VĂN

Chuyện riêng tư của nhiều cá nhân, nhiều gia đình cũng bị tác giả đưa vào sách BTC để mổ xẻ, bêu rếu tàn nhẫn. Có phụ nữ bị phơi trần về bệnh tật với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ. Có người bị ngòi bút của Huy Đức vẽ ra rất tàn ác, có người hóa thành ngu độn hoặc thê thảm hóa. Có quá khứ muốn quên thì bị khơi lại lạnh lùng... Một nhà báo từng cầm bút trước và sau 30-4-1975, khi đọc xong mấy trang Huy Đức viết về mình, đã giận dữ: “Huy Đức có chữ mà không có tâm, ai cho phép anh ta bới móc quá khứ của tôi? Nếu cuộc sống của tôi không còn bình yên vì cuốn sách này, Huy Đức có chịu trách nhiệm không?”. Ngày 16-1-2013, trên trang web Hội Nhà văn TPHCM, nhà báo Lưu Đình Triều đã phản ứng gay gắt những chi tiết có liên quan đến mình trong cuốn BTC. Ông Triều cho biết, ông rất khổ tâm và phải giải thích cho gia đình, cơ quan, bạn bè hiểu đầu đuôi câu chuyện. Một độc giả tên Đỗ Văn Phúc viết trên trang web V.L: “Chúng tôi cũng cám ơn Huy Đức đã tiết lộ nhiều tên tuổi miền Nam mà trước đây tuy chúng tôi biết là việt cộng nhưng thiếu bằng chứng cụ thể. Nay do chính một nhà báo việt cộng viết ra thì coi như chắc nịch. Như trường hợp của... (xin giấu tên)... hiện định cư tại Sacramento - California - HK...”. Nhiều nhân vật lịch sử đã “biến dạng” qua từng trang sách của Huy Đức. Có người được tác giả hàm ơn hay vì tình cảm riêng tư gì đó mà thần thánh hóa. Có người Huy Đức ác cảm, hoặc nghe vu vơ đâu đó rồi ra sức trây trét, bôi đen, cho dù họ từng được báo chí và nhiều chính khách hàng đầu của Mỹ, phương Tây ca ngợi, khâm phục. Chủ nhân blog Beo đưa ra chứng minh cho vấn đề này: “Mối quan hệ giữa bà... với Huy Đức ra sao và nó giải thích được thái độ thành kiến của Huy Đức mỗi khi viết về bà trong cuốn sách BTC...”.

Nhưng “quê” nhất là việc các “cò mồi” khoa bảng ti toe thổi ống đu đủ là: “Sách nói về những sự thật khốc liệt... rất trung thực”. Nhưng “trung thực” kiểu gì mà mới phát hành có mấy ngày đã bị phản ứng tơi bời và tác giả phải... đăng đàn xin lỗi, hứa sẽ cải chính trong phần in sau. Trong cái thư bé bé xin lỗi ông Lê Quang Liễn - cựu sĩ quan chế độ cũ, Huy Đức hoảng hốt đến mất lý trí, viết ra những lời không thể tệ hơn: “Phần lớn những bài viết về tù cải tạo hồi tháng 9-1975 đều là sản phẩm tuyên truyền. Việc BTC trích đăng những bài viết mà báo chí lúc đó viết về quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) là để cho thấy họ không chỉ bị giam cầm mà còn bị tra tấn bởi cả công luận...”. Phải chăng tác giả BTC muốn thể hiện sự “đồng cảm” với những người “bên thua cuộc”, “nịnh” một chút cho họ mát ruột để dịu cơn bức bối vì bị anh ta viết xạo xược đến mức Lê Quang Liễn gọi là “đáng ghê tởm”. Với cách “chữa cháy” đó, rõ ràng Huy Đức đã xúc phạm đến các bậc tiền bối và là “đồng nghiệp” của anh ta trong làng báo? Liệu Huy Đức có thanh thản với lương tâm không? Có giải thích được vì sao sau đó anh ta còn dấn thân hơn 20 năm với nghề báo? Với “đoạn đính chính” này của tác giả BTC, một độc giả “bên thua cuộc” đã nhận xét: “Ở đoạn này Huy Đức đã rất giống Bùi Tín. Bùi Tín đã từng “chiêu hồi” cố “lập công chuộc tội” nhưng vẫn bị chửi rủa, lăng nhục, thậm chí có người còn tố cáo Bùi Tín giết người”. Đây mới là phần những người ở hải ngoại lên tiếng. Nếu đến phiên những người trong nước lên tiếng thì Huy Đức sẽ lấy cái gì để giải thích?

Không chỉ độc giả hải ngoại mà bạn đọc trong nước cũng có nhiều ý kiến không hài lòng với BTC. Trong bài “Huy Đức kẻ nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”, tác giả bài này viết: “Huy Đức dùng chữ “tuẫn tiết” để ca ngợi dũng khí một số người tự sát; phải chăng đó cũng là cách để gián tiếp chê gần một triệu người lính chế độ cũ khác không tự sát là hèn nhát? Còn tôi thấy mấy vị tự sát chẳng cần phải uổng mạng như thế nếu các vị biết Nixon đã thể hiện quyết tâm của Mỹ dứt khoát bỏ rơi VNCH”...

Chủ nhân của blog Beo - một người tác giả BTC không xa lạ, đã gọi cách viết của Huy Đức là vừa “mòn” vừa “thấp”, và tiên đoán: “Huy Đức sẽ không phải đối diện với chính quyền như dăm vài trang lề trái đang khấp khởi hy vọng (để có đề tài nuôi chỗ chém gió), mà cam go nhất là phải đối diện với chính các nhân vật của mình...”. Đáng kinh ngạc nhất là Huy Đức “nhai lại” ý kiến sai trái, xạo xược của Dương Thu Hương. Trước khi sang châu Âu sống lưu vong, bà ta phun ra hàng loạt phát ngôn điên loạn, trong mớ hổ lốn, hồ đồ đó, có đoạn nói rằng, ngày mới đặt chân đến Sài Gòn, bà ta đã choáng ngợp trước cuộc sống tiện nghi ở miền Nam, khác rất xa với cuộc sống khó khăn ở miền Bắc: “Tôi đã ngồi phệt xuống vỉa hè Sài Gòn khóc, tôi biết miền Nam đã giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại...”. Giờ đây, Huy Đức lại bắt câu đó với hàm ý khen miền Nam nhiều hàng hóa và đời sống sung túc hơn miền Bắc, tự do dân chủ hơn miền Bắc nên đã “giải phóng” ngược lại miền Bắc! Về đoạn này, trên mạng có bài viết ký tên “nhà văn Đông La” phân tích: “Cái nền văn minh mà Huy Đức thấy qua “mấy chiếc xe đạp bóng lộn”, “cặp nhẫn vàng chóe”, “những chiếc máy Akai, radio cassette” rồi “rạp chiếu bóng, nhạc viện và sân khấu ca nhạc”... Đều có từ “925 tỷ USD” mà Mỹ đã chi cho cuộc chiến ở Việt Nam kèm theo 58.000 nhân mạng nữa để rồi mất trắng trở về...”. Cũng cần phải nhắc lại rằng: từ số tiền khổng lồ đó, Mỹ đã đổi ra 7,5 triệu lít chất độc da cam/dioxin; 7,85 triệu tấn bom đạn để rải xuống Việt Nam, giết chết khoảng 4 triệu người, gây thương tật cho hàng triệu người khác, nhất là những đứa trẻ nạn nhân của chất độc da cam/dioxin; tàn phá hàng ngàn thành phố, thị xã, làng mạc, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo... Thế nhưng Huy Đức, Dương Thu Hương và một vài “nhà dân chủ” mới được “bơm”, cố tình không hiểu điều đó, họ tôn thờ tiện nghi vật chất hơn phẩm giá và lòng tự trọng của một dân tộc, sùng bái “bơ”, “sữa”... hơn xương máu của những người con dân đất Việt đã ngã xuống để có độc lập, tự do hôm nay!

AI TUNG HÊ “BÊN THẮNG CUỘC”?

Ý kiến sau đây của tác giả Lữ Giang, một người thuộc “bên thua cuộc” theo cách gọi của BTC đã đăng trên một số trang mạng: “Tôi biết được tác phẩm BTC qua sự giới thiệu của hai cơ quan chống cộng hàng đầu ở hải ngoại. Đó là đài BBC của Anh và đài Á châu tự do (RFA) của Mỹ. BBC nhanh nhẩu hơn, RFA chậm hơn một ngày nhưng “ca cải lương” mùi mẫn hơn. Sau khi đọc hai bài giới thiệu của BBC và RFA, tôi hiểu rằng BTC đang được sử dụng như một công cụ chiến tranh tâm lý với hy vọng nó sẽ góp phần vào việc làm xói mòn niềm tin của những người thuộc “bên thắng cuộc”. BBC và RFA là những cơ quan truyền thông hoạt động có chỉ đạo, có đường lối, có chiến lược và chiến thuật nên khi họ thổi BTC to lên như vậy chúng ta phải hiểu mục tiêu của họ... Vụ phản đối bắt đầu nổ lớn hơn khi nhật báo Người Việt quảng cáo báo này đứng ra phát hành sách BTC. Ngày 24-12-2012, một số tổ chức được gọi là “Cộng đồng người Việt quốc gia Hoa Kỳ” đã ra tuyên cáo phê phán cuốn sách BTC và lên án tập đoàn báo Người Việt...”.

Từ sau ngày đất nước đổi mới, đã có một số nhà báo, nhà văn đưa bản thảo ra nước ngoài để xuất bản. Họ ảo tưởng mình đã viết xong tác phẩm vĩ đại, kỳ vọng vào “sự ghê gớm” của tác phẩm khi phát hành ở “xứ sở dân chủ” sẽ có Nobel văn chương cùng hào quang lịch sử cho tác giả. Họ đóng sẵn vai bị chính quyền bức hại, sống lưu vong khổ sở và viết ra... những điều “kinh thiên động địa” theo sự tưởng tượng phong phú của họ. Song sự thật bi hài hơn nhiều! Bùi Tín sau gần 25 năm viết như điên, chờ đợi và “bật mí” đến “cạn tàu ráo máng” qua sách “Mặt thật” và “Hoa xuyên tuyết”... giờ sống lầm lũi ở đất khách quê người mà chẳng thấy “đại diện dân chủ quốc tế” nào thèm ngó đến. Nguyễn Chí Thiện tự dựng lên một lý lịch chống cộng oanh liệt nhưng sau khi sang đến Mỹ bị các chiến hữu chống cộng băm vằm thỏa thuê. Đám này còn nghi Thiện “chôm” tác phẩm của người khác nên yêu cầu kiểm tra đi kiểm tra lại, làm tác giả của “Đồng lầy”, “Hoa địa ngục” nhục nhã ê chề. Vũ Thư Hiên với Dương Thu Hương đã ngán ngẩm cảnh “hàng thần lơ láo” bị khinh bỉ, tẩy chay trước các sinh hoạt tập thể và trước các cuộc biểu tình, các bài viết chửi bới mình. Họ phải nghe chửi từ lúc mới ra hải ngoại cho đến nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân run vẫn chưa được yên thân. Mới đây nhất là Trần Khải Thanh Thủy. Sang Mỹ năm 2011, Thủy cứ nghĩ với thành tích quậy hung hăng, lầy lội ở quê nhà, sang Mỹ sẽ được đón rước linh đình trang trọng cho xứng với tư cách “nhà văn đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” (như báo đài của đám chống cộng ở Mỹ “bơm” cho Thủy). Ai ngờ, vừa đến Mỹ, Thủy đã bị dàn chào, đón rước bằng... một cuộc biểu tình, tẩy chay, một trận chửi như mưa, chửi thô tục, tới tấp vuốt mặt không kịp. Đã vậy Thủy còn bị mấy ông nhà văn mặc đồ nhà binh VNCH như: Chu Tất Tiến, Hải Triều... quát tháo như mắng con. Thủy ngồi giữa hội trường giăng cờ vàng, mặt thẫn thờ như không còn hồn vía, trông thật tội nghiệp (xem clip trên mạng)...

Trên blog Beo kể rằng, Huy Đức gửi bản thảo cuốn BTC cho lãnh sự quán Mỹ... Nếu chuyện này là có thực thì Huy Đức đã quá “lo xa” khi sắp đặt sẵn chuyện ly kỳ cho cuốn sách giống hệt một số nhà văn đã được giải Nobel hoặc “suýt” được giải Nobel đã làm. Nhưng Nobel đâu chưa thấy, giờ chỉ thấy rắc rối cho một giấc mơ huyễn hoặc. Đã có người nói “tiếc cho Huy Đức”; nhưng điều đó chưa phải là lớn, cái trước mắt “bên thua cuộc” cũng chỉ coi Huy Đức như Bùi Tín, Nguyễn Chí Thiện, Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy... gây hào hứng cho họ vài bữa rồi thôi. Năm tháng còn lại, nếu ở lại Mỹ, tác giả BTC sẽ làm gì trước áp lực phải “lập công chuộc tội” của những kẻ chống cộng cực đoan? Nếu trở về nước sẽ giải thích ra sao với những nhân vật trong sách của mình? Đúng là một con đường quá khó cho tác giả BTC!

SONG HUY - NGỌC ĐIỆP










No comments:

Post a Comment

View My Stats