03:59:pm
06/01/13
Bia chủ quyền của
Việt Nam ở Hoàng Sa trước năm 1974. Ảnh: hoangsa.org
Cuộc
hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hải quân Trung
Quốc (TQ) ngày 19-1-1974 đã được viết nhiều rồi. Bài nầy chỉ xin trình bày vài
khía cạnh về hoàn cảnh xảy ra cuộc hải chiến, nguyên nhân đưa đến cuộc hải
chiến và phản ứng sau cuộc hải chiến.
1- HOÀN CẢNH XẢY RA
CUỘC HẢI CHIẾN
Cuộc
hải chiến Hoàng Sa xảy ra mgày 19-1-1974, gần tròn một năm sau hiệp định Paris ngày 27-1-1973.
Hiệp định Paris
là một hiệp định ngưng bắn da beo, theo đó Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, lấy
lại tù binh Hoa Kỳ từ phía cộng sản (CS), trong khi lực lượng Bắc Việt Nam
(BVN) vẫn đóng quân tại chỗ ở Nam Việt Nam (NVN). Sau hiệp định Paris, nhiều biến chuyển
dồn dập xảy ra:
Tuy
đặt bút ký hiệp định Paris nhưng chính phủ VNCH vẫn giữ lập trường “bốn không”
đã được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra từ năm 1971, nghĩa là không liên
hiệp, không cắt đất, không hòa giải, không chấp nhận CS. Trong khi chiến trường
tiếp tục sôi động, tình hình chính trị nội bộ VNCH khá bất ổn, nhất là khi xảy
ra hoạt động sôi nổi của phong trào chống tham nhũng, bắt nguồn từ hai văn thư
của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thứ nhất là “Thư chung của Hội đồng Giám mục”
ngày 29-9-1973 và thứ hai là “Tuyên ngôn của Hội đồng Giám mục” ngày 10-1-1974,
“nói về việc đất nước có thể mạt vong vì nạn tham nhũng và kêu gọi một cuộc
cách mạng để cứu nước.” (Trần Đông Phong, Việt
Nam Cộng Hòa, 10 ngày cuối cùng, Fountain Valley, CA: Nxb. Nam
Việt, 2006, tr. 179.)
Về
phía BVN, sau hiệp định
Paris, bộ Chính trị đảng Lao Động (LĐ) triệu tập Quân ủy Trung ương
cùng các tư lệnh chiến trường của CS ở miền Nam họp hội nghị tại Hà Nội vào
cuối tháng 4-1973 và đưa ra nghị quyết 21 để chuẩn bị kế hoạch chiến tranh trong
thời gian tiếp theo. (Trần Văn Trà, Kết
thúc cuộc chiến tranh 30 năm, Tp. HCM: Nxb. Văn Nghệ, 1982, tr.
50.)
Theo
nghị quyết nầy, bộ Chính trị đảng LĐ cho rằng hiệp định Paris quy định chấm dứt
các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam tức Hoa Kỳ không còn sử dụng máy
bay trở lại hoạt động, là cơ hội thuận tiện cho BVN gởi thêm bộ đội và tiếp
liệu vào Nam, nhằm chuẩn bị những trận đánh sắp đến. Để thực hiện điều nầy, hội
nghị trên đây quyết định xây dựng, phát triển và hoàn thiện các đường giao thông
vận tải đông và tây Trường Sơn, nối dài thêm ống dẫn dầu, vào đến Bù Gia Mập,
quận Bố Đức (Bù Đốp) tỉnh Phước Long. (Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam
(1944-1975), Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr. 709.) Tính
đến cuối tháng 10-1973, BVN đưa thêm vào miền Nam khoảng 70,000 quân, 400 xe
tăng, 200 khẩu trọng pháo, 15 súng phòng không, xây dựng 12 phi đạo. (John S.
Bowman, The Vietnam War,
Day by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr. 212.)
Bắc
Việt Nam không ngừng tiếp tục tấn công Nam Việt Nam. Ngay sau hiệp định Paris, tại Quân khu I
VNCH, CS liên tiếp tấn công các tiền đồn, các căn cứ quân đội VNCH từ Quảng Trị
đến Quảng Ngãi. Tại Quân khu II, CS tập trung tấn công vào các tỉnh duyên hải,
nhất là kiếm cách cắt đứt các trục giao thông quan trọng: quốc lộ 1 (chạy dọc
bờ biển), quốc lộ 19 (Quy Nhơn – Pleiku), quốc lộ 21 (Nha Trang – Ban Mê
Thuột), quốc lộ 14 (chạy theo hướng bắc nam giữa các thành phố miền cao nguyên
Kontum – Pleiku – Ban Mê Thuột). Tại Quân khu III, CS dự tính đánh chiếm Tây
Ninh làm thủ đô của Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, nhưng không
thực hiện được. Ngày 25-3-1973, CS đánh chiếm tiền đồn Tống Lê Chân, (đọc trại
từ chữ Tonlé Chombé), giữa hai tỉnh Bình Long (bắc) và Bình Dương (nam), mở đường
cho CS thông thương giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Long, và kiểm soát hành lang
vận chuyển dọc sông Sài Gòn xuống tới Dầu Tiếng. Tại Quân khu IV, ngày
23-1-1973, quân CS từ Cao Miên tràn qua tấn công các cứ điểm quân lực VNCH dọc
biên giới, vùng Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Tuy nhiên trung đoàn 14
và trung đoàn 15 Bộ binh VNCH càn quét vùng nầy và giữ vững an toàn thủy lộ Cửu
Long, thông thương qua Nam Vang cho đến tháng 4-1975.
Về
phía Hoa Kỳ, vào ngày 31-12-1972, Hoa Kỳ còn 24,200 quân ở Việt Nam. Số quân
nầy rút đi hết vào ngày 29-3-1973. Sau đó, Hoa Kỳ chỉ còn một tùy viên quân sự
và một toán nhỏ Thủy quân Lục chiến để bảo vệ sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, và
khoảng 8,500 nhân viên dân sự. (John S. Bowman, sđd. tr. 211.) Cũng từ ngày
29-3-1973, cơ quan MACV (Military Assistance Command, Vietnam) bị giải thể.
Thay thế MACV là cơ quan DAO (Defense Attach Office) tức Phòng Tùy viên Quân sự
Hoa Kỳ được thành lập ngày 28-1-1973, do thiếu tướng John E. Murray chỉ huy.
Tháng 8-1974, thiếu tướng Homer D. Smith thay thế đến tháng 4-1975.
Ngày
4-6-1973, quốc hội Hoa Kỳ thông qua tu chính án Case-Church, cắt bỏ tất cả ngân
khoản cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Dương. Tổng thống Richard
Nixon vận động quốc hội triển hạn đến 15-8-1973 mới áp dụng, nhằm tiếp tục cuộc
dội bom tại Cao Miên. Sau ngày nầy, mọi chi phí chiến tranh Đông Dương phải
được sự đồng ý của quốc hội. (Marc Leepson, Helen Hannaford, Webster’s New
World Dictionary of the Vietnam War, New York: Simon & Schuster Macmillan
Company, 1999, tr. 57.)
Sau
tu chính án Case-Church, quốc hội Hoa Kỳ đưa ra “Nghị quyết quyền lực chiến
tranh” (War Powers Resolution), nhưng bị tổng thống Nixon phủ quyết ngày
24-10-1973. Dầu vậy, với đa số trên 2/3, quốc hội vượt quyền phủ quyết của
Nixon và thông qua nghị quyết ngày 7-11-1973. Nghị quyết nầy giới hạn quyền
hành của tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ. Nếu gởi quân ra nước
ngoài, tổng thống phải báo cho quốc hội biết trong vòng 48 giờ. Đạo quân nầy
chỉ hoạt động ở nước ngoài trong 60 ngày rồi rút về. Nếu quá 60 ngày thì phải
có phép của quốc hội. (Marc Leepson, sđd. tr. 437.)
Về
phía các nước CS, sau hiệp định Paris, Liên Xô và Trung Quốc không ngừng bí mật
viện trợ quân sự cho BVN để BVN tiếp tục chiến tranh. Theo số liệu do Viện Lịch
Sử Quân Sự Hà Nội công bố ngày 14-4-2006, thì từ 1973 đến 1975, BVN nhận được
tổng số quân viện là 724,513 tấn, gồm 649,246 tấn võ khí các loại và 75,267 tấn
hàng hậu cần.(BBC Vietnamese ngày 10-5-2006.) Riêng Trung Quốc và riêng năm
1973 nghĩa là sau hiệp định Paris và trước trận Hoàng Sa, Trung Quốc viện trợ
cho BVN 233,600 súng đủ loại, 40,000 viên đạn, 120 xe tăng, và các loại quân
nhu, quân cụ khác. Từ tháng 6-1965, Trung Quốc đưa vào BVN một lực lượng lên
đến 320,000 quân và chỉ rút hết vào tháng 8-1973. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975,
The University of North Carolina Press, 2000, tt 135- 136.)
Nói
chung, sau hiệp định Paris
và trước khi TQ tấn công Hoàng Sa, BVN gia tăng tấn công NVN, trong khi quốc
hội Hoa Kỳ quyết định cắt giảm viện trợ cho VNCH và giới hạn quyền gởi quân ra
nước ngoài của tổng thống Hoa Kỳ và phía CS không ngừng tiếp viện cho BVN. Đây
là cơ hội thuận tiện cho TQ ra tay xâm lăng Việt Nam.
2- NGUYÊN NHÂN TRẬN
HẢI CHIẾN HOÀNG SA
Trong
lịch sử, nhiều tài liệu chứng tỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ
quyền Việt Nam. Qua thời VNCH, tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số
174 NV ngày 13-7-1961 đặt tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xã Định
Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, do một phái viên hành chánh đứng
đầu. Quyết định nhập vào tỉnh Quảng Nam có thể dựa vào vĩ độ của quần đảo Hoàng
Sa tương đương với vĩ độ của tỉnh Quảng Nam và cũng có thể trạm khí tượng trên
Hoàng Sa thuộc Sở Khí tượng Đà Nẵng. Trong khi đó từ Cù Lao Ré hay đảo Lý Sơn
(Quảng Ngãi) ra tới đảo Tri Tôn (cực tây của Hoàng Sa) là 123 hải lý. Ngày
21-10-1969, thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký nghị định số 709-BNV/HĐCP sáp nhập xã
Định Hải vào xã Hòa Long, cũng thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.
Về
phía Trung Quốc, TQ tự cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TQ. Tuy từ đảo Hải
Nam (TQ) xuống tới Hoàng Sa là 140 hải lý, nhưng TQ nói rằng từ đảo Hải Nam
xuống tới “bãi đá ngầm” (North Reef) của Hoàng Sa là 112 hải lý để chứng minh
rằng Hoàng Sa gần TQ hơn Việt Nam. Tuy nhiên, bãi đá ngầm dưới mặt nước biển
không phải là đảo nên cách lý luận nầy không được quốc tế chấp nhận. (Vũ Hữu
San, Địa lý Biển Đông,
Westminster: 2007, tt. 150-151.)
Ngày
4-9-1958, TQ đưa ra tuyên bố về lãnh hải gồm có 4 điểm, theo đó điểm 1 và điểm
4 mặc nhiên khẳng định rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh
thổ TQ và gọi theo tên TQ là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức
Trường Sa]. Điểm 1 và điểm 4 trong tuyên bố của Trung Quốc được dịch như sau:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều
lệ nầy áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm
phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách
biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần
đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa [Xisha tức Hoàng Sa], quần đảo
Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Nansha tức Trường Sa], và các đảo khác thuộc Trung
Quốc”. (4) Điều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ
cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa,
quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung
Quốc…(<http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm>)
Đáp
lại công hàm ngang ngược trên đây của TQ, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, với sự
đồng ý của Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng LĐ, ký công hàm ngày 14-9-1958, tán
thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc. Phần chính của công hàm Phạm Văn
Đồng như sau: “Chính phủ
nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng
9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải
phận của Trung Quốc.Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết
định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn
trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể.” (Văn bản nầy ai cũng biết, không
cần chú thích.)
Lúc
đó, trên biển Đông, TQ chưa manh động vì Hải quân Hoa Kỳ còn hiện diện. Tình
hình bắt đầu thay đổi năm 1972. Khi qua thăm TQ vào tháng 2-1972, tổng thống
Hoa Kỳ Richard Nixon cho các nhà lãnh đạo TQ biết Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi
Việt Nam. Có tài liệu cho rằng trong cuộc thương lượng giữa hai bên, Hoa Kỳ “ra điều kiện nếu Trung Quốc để cho
Mỹ ném bom B 52 ra miền Bắc thì Mỹ sẽ nhường hòn đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.”
Sau đó, “ngày 4-4-1972, khi quân đội miền Bắc đang tấn công dữ đội vào Quảng
Trị, người Mỹ cần một áp lực từ phía Bắc Kinh với Hà Nội, Kissinger đã phái
Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc,
để trao đổi một “bức điện miệng” nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm
kể từ quần đảo Hoàng Sa.” (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, Saigon:
Osin Book, 2012 (bản điện tử): Chương IV: Nạn kiều, mục: Chổi ngắn không quét
xa, tt. 102-103.)
Sau
hiệp định Paris (27-1-9173), tu chính án Case-Church ngày 4-6-1973 cắt bỏ tất
cả ngân khoản cho các hoạt động quân sự Hoa Kỳ tại Đông Dương, rồi tiếp theo là
“Nghị quyết quyền lực chiến tranh” ngày 7-11-1973, giới hạn quyền hành của tổng
thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ.
Hoa
Kỳ rút hết quân ra khỏi Việt Nam vào ngày 29-3-1973, VNCH một mình chống đỡ
VNDCCH, là cơ hội thuận tiện cho TQ thực hiện mưu tính từ bấy lâu nay, bất ngờ
xâm lăng Hoàng Sa, dầu TQ đã ký tên trong bản “Định ước của Hội nghị Quốc tế về
Việt Nam” ngày 2-3-1973, tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam. Theo điều 2 của định ước nầy, các nước tham dự “ghi nhận Hiệp định [Paris] đáp ứng các nguyện vọng các
quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam và
đáp ứng nguyện vọng tha thiết về hòa bình của tất cả các nước trên thế giới.”
(Trong số các nước ký kết định ước ngày 2-3-1973, có TQ do ngoại trưởng Cơ Bằng
Phi đại diện.)
Trung
Quốc tấn công Hoàng Sa có thể vì các lẽ: 1) Trung Quốc muốn làm chủ vị trí
chiến lược Hoàng Sa trên Biển Đông để làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á. 2) Lúc
đó, Hoàng Sa thuộc VNCH, hoàn toàn đối địch với TQ. Giả thiết ngượïc lại, nếu
VNCDCH làm chủ Hoàng Sa, thì VNDCCH có thể sẽ giao Hoàng Sa cho Liên Xô, cũng
là điều hoàn toàn bất lợi cho TQ. 3) Trung Quốc muốn tìm kiếm tài nguyên dưới
lòng Biển Đông ở khu vực nầy. Đó là khí đốt và dầu hỏa.
Nguyên
vào ngày 1-12-1970, chính phủ VNCH ban hành luật số 11/70 về việc tìm kiếm,
khai thác dầu hỏa cùng những điều kiện về thuế khóa, lệ phí và hối đoái liên
hệ. (Công báo
VNCH 1970, tr. 8573). Sau đó, chính phủ ban hành sắc lệnh số 3-SL/KT ngày
7-1-1971 thiết lập tại Bộ Kinh tế một ủy ban mệnh danh là “Ủy ban quốc gia dầu
hỏa”. (Công báo
VNCH 1971, tr. 642). Ủy ban QGDH phụ trách việc nghiên cứu vấn đề thềm lục địa
(nghị định số 571-NĐ/KT ngày 2-6-1971). (Công báo VNCH 1971, tr. 3848). Cuối
cùng nghị định số 249-BKT/VP/UBQGDH/NĐ ngày 9-6-1971 công bố ý định cấp quyền
đặc nhượng tìm kiếm và khai thác dầu hỏa.(Công báo VNCH 1971, tr. 3857).
Năm
1972, công ty Geological Service Inc (GSI) nghiên cứu khu vực trung và nam
Hoàng Sa. Tháng 6-1973, hai tổ hợp Anh Pháp là Roberto Research International
Limited và Bureau d’Études Insdustrielles et de Coopération de l’Institut
Français du Pétrole (BEICPIP) phối hợp làm bản báo cáo Địa chất và Khai thác
hydrocarbon ở ngoài khơi Nam Việt Nam. Lúc đó, VNCH bắt đầu tổ chức cho các
công ty ngoại quốc đấu thầu. Những công ty trúng thầu đã khoan nhiều giếng, và
vào tháng 10-1973 cho biết tại thềm lục địa Việt Nam, tiềm năng dầu hỏa là có
thật. (Trịnh Quốc Thiên, Những
biến cố mất lãnh thổ – lãnh hải Việt Nam từ năm 939 đến 2002, VA:
Nam Quan Ấn Quán, 2002, tt. 163-167.)
Công
việc chuẩn bị khai thác dầu hỏa trong Biển Đông của VNCH không qua mắt được TQ.
Trung Quốc liền ra tuyên bố tái xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là
Nam Sa và Tây Sa của TQ. Phản ứng lại, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc chính
thức bác bỏ luận điệu gây hấn và lên án ý đồ xâm lăng của TQ. Nhân Quốc khánh
1-11-1973, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm lễ đốt đuốc dầu tượng trưng để báo
tin Việt Nam có mỏ dầu và xác định lại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền
Việt Nam.
Đáp
lại, ngày 11-1-1974, ngoại trưởng TQ một lần nữa lên tiếng rằng hai quần đảo
trên đây thuộc chủ quyền TQ; đồng thời TQ gởi hai chiến hạm đến đảo Cam Tuyền
(hay Hữu Nhật tức Robert Island).
Ngày
16-1-1974, khi tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ 16) do trung tá hạm trưởng Lê
Văn Thự chỉ huy, đưa Địa phương quân tỉnh Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra
Hoàng Sa để thay thế toán ở ngoài đó hết hạn kỳ, đến đảo Quang Hòa (Duncan),
thì phát hiện đảo đã bị chiếm, có nhiều lính TQ, có chòi canh cắm cờ TQ. Quan
sát tiếp, HQ 16 nhận thấy các đảo Duy Mộng (Drummond), Cam Tuyền không có người
nhưng có cắm cờ TQ.
Tình
hình càng lúc càng căn thẳng. Cả VNCH lẫn TQ đều tăng cường nhiều chiến hạm đối
đầu nhau. Cuối cùng cuộc hải chiến bùng nổ ngày 19-1-1974. Hạm đội Trung Quốc
mạnh hơn, đã thắng thế.
3- PHẢN ỨNG SAU
TRẬN HOÀNG SA
VỀ PHÍA VIỆT NAM
CỘNG HÒA:
Sau khi xảy ra trận hải chiến ngày 19-1-1974, bộ Ngoại giao VNCH ra tuyên cáo
lên án TQ xâm lăng và báo động thế giới rằng làm ngơ trước hành vi của TQ là
khuyến khích kẻ gây hấn. Phần cuối bản tuyên cáo viết:
“Các
hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm lăng trắng trợn vào lãnh thổ
Việt-Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chính sách bành trướng đế quốc mà
Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng,
cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.
Việc
Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa
chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa
bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.
Với
tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công, Việt Nam Cộng Hòa kêu
gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương
quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc
gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành
động nguy hiểm đó.
Làm
ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn nầy là khuyến
khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng của chúng và sự kiện
nầy đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ, đặc biệt là những nước Á Châu.
Trong
suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay,
Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của
lãnh thổ quốc gia.”
(Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại giao VNCH, Sài Gòn, số 015/BNG/TTBC/TT.)
Sau
đó, ngày 14-2-1974, chính phủ VNCH ra tuyên cáo xác định chủ quyền trên những
hải đảo ngoài khơi VNCH. Sau khi tố cáo hành vi xâm lăng trắng trợn của TQ, bản
tuyên cáo viết:
“Trong
dịp nầy, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của
Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ
biển Nam Phần Việt Nam từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của
Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực
tại không chối cãi được.
Chánh
phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy
bằng mọi cách.
Trung
thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn
sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể
xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của
Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất nầy.” (Tập san Sử Địa , Sài Gòn: số 29,
tháng 1, 2 và 3-1975.)
VỀ PHÍA VIỆT NAM DÂN
CHỦ CỘNG HÒA:
Khi xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa, VNDCCH tức BVN “nói rằng nó [Hoàng Sa] nằm
dưới vĩ tuyêán 17 và vì thế không ảnh hưởng đến họ. Nói chung, họ không đưa ra
lập trường, không theo bên nào.” (Báo cáo của William Colby, giám đốc CIA trong
cuộc họp ngày 25-1-1974 do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa.) (BBC
Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – Thứ hai, 3 tháng 10, 2011.)
Bắc
Việt Nam không dám lên tiếng phản đối TQ vì BVN đang nhận viện trợ của TQ để
tiến hành chiến tranh xâm lăng miền NVN. Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ tuyên bố rằng
những tranh chấp lãnh thổ giữa các nước cần được giải quyết bằng thương thuyết
trong tinh thần tôn trọng sự công bình, tương kính và láng giềng tốt. (Qiang Zhai,
sđd. tr. 210.)
Mãi
cho đến năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam và Trung Quốc, nhà cầm quyền CS Hà Nội mới lên án hành động Bắc
Kinh xâm lăng quần đảo Hoàng Sa. (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua,
Hà Nội: Nxb Sự Thật, 1979, tt. 68-69.)
VỀ PHÍA HOA KỲ: Phó đề đốc Hồ Văn
Kỳ Thoại cho biết rằng ông “gọi
điện thoại về bộ Tư Lệnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Đệ Thất
Hạm Đội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ
thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.”
(Hồ Văn Kỳ Thoại, Can trường trong chiến bại, Falls Church, VA: 2007, tr 171.)
Điều nầy đúng như giao ước miệng ngày 4-4-1972 giữa đại diện Hoa Kỳ là Winston
Lord với đại sứ TQ tại Liên Hiệp Quốc là Hoàng Hoa là “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh
ở lại tại khoảng cách 12 dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa.” (Huy Đức, sđd. tr. 103.)
Sau
cuộc hải chiến ngày 19-1-1974 giữa Hải quân VNCH và Hải quân TQ, khi gặp Han
Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc TQ tại Washington ngày 23-1-1974, ngoại
trtưởng Hoa Kỳ Kissinger nói: “Hoa Kỳ không có lập trường trong việc ủng hộ
tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo nầy.” Trong cuộc họp tại Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25-1-1974, do ngoại trưởng Henry Kissinger chủ tọa, đô
đốc Thomas H. Moorer, tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, báo cáo với Kissinger: “Chúng ta đã tránh xa vấn đề… Chỉ
thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực [Hoàng Sa].” (BBC
Vietnamese, cập nhật 12:24 GMT – Thứ hai, 3 tháng 10, 2011.)
Những
trao đổi trong cuộc họp trên đây cho thấy có thể người Mỹ đã được phía Trung
Quốc báo tin sẽ tấn công Hoàng Sa, nên mới có lệnh tránh xa khu vực Hoàng Sa.
Phải chăng Trung Quốc đáp lễ cho Hoa Kỳ, như Hoa Kỳ đã từng báo trước cho Trung
Quốc cuộc oanh kích mùa Giáng sinh năm 1972 (đã viết ở trên); và sau nầy phó
thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình báo trước cho tổng thống Hoa Kỳ Jimmy
Carter biết sẽ tấn công Việt Nam để dạy cho Việt Nam một bài học năm 1979. (Bùi
Xuân Quang, La troisième
guerre d’Indochine 1975-1999, Paris: L’Harmattan, 2000, tr. 421.)
4- KẾT LUẬN
Trận
hải chiến Hoàng Sa tuy chỉ diễn ra trong một ngày (19-1-1974), nhưng đã phản
ảnh rõ lập trường của các bên tham chiến trong suốt 30 năm chiến tranh (1946-1975)
vừa qua tại Việt Nam.
Việt
Nam Cộng Hòa hay Nam Việt Nam (NVN) quyết tâm tự vệ, chống lại cuộc xâm lăng
của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Bắc Việt Nam (BVN), bảo vệ nền độc lập của
NVN nói riêng và bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam nói
chung.
Vì
tham vọng bành trướng và xâm lăng NVN, BVN cầu viện khối CS quốc tế, nhất là
cầu viện Trung Quốc, đành chấp nhận làm tay sai cho ngoại bang, ký công hàm
ngày 14-9-1958 tán thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc ngày 4-9-1958,
nghĩa là nhượng đứt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Chính vì
BVN mải mê tấn công NVN, tạo thời cơ thuận tiện cho Trung Quốc xâm lăng Hoàng
Sa.
Vì
nhu cầu ngăn chận sự phát triển của chủ nghĩa CS, nhất là sự bành trướng của
Trung Quốc xuống Đông Nam Á, Hoa Kỳ giúp NVN chống BVN. Qua cuộc chiến Việt
Nam, Hoa Kỳ liên lạc được với Trung Quốc, nên Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn
cầu và bỏ rơi VNCH.
Trung
Quốc giúp CSVN từ năm 1950 vừa vì sự cầu viện của Hồ Chí Minh, vừa vì chính an
ninh bản địa Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã từng nói: “Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp
Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc là sự giúp đỡ lẫn nhau.”
(La Quý Ba, “Mẫu mực sáng
ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Ghi chép thực về việc
đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Montreal: Nxb. Tạp
chí Truyền Thông (in lại), số 32 & 33, 2009, tr. 27.) Đồng thời Trung Quốc
còn tính chuyện đầu tư tương lai lâu dài, chờ đợi thời cơ thuận tiện ra tay
cướp đất. Trung Quốc là đại họa thường trực của dân tộc Việt Nam từ thời cổ sử
cho đến ngày nay, luôn luôn tìm cách xâm lăng Việt Nam, mở đường xuống Đông Nam
Á.
Cuối
cùng, Hoàng Sa bị tạm chiếm năm 1974, nhưng Hoàng Sa, hải đảo thân yêu do tổ
tiên để lại, không bao giờ ra khỏi trái tim Việt Nam.
(Toronto,
6-1-2013)
©
Trần Gia Phụng
©
Đàn Chim Việt
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
No comments:
Post a Comment