Monday, 21 January 2013

VẬN NƯỚC NHÌN TỪ TRƯỜNG SA (Sơn Văn - Bauxite VN)




Sơn Văn
22-1-2013

Tháng 1 năm 2013, Luật biển của nước nhà có hiệu lực thi hành. Thì cũng đúng dịp đầu năm 2013, lại có hàng chục thuyền ngư dân nước mình vào tránh bão ở Hoàng Sa của nước mình bị Trung Cộng xua đuổi khỏi nơi họ xâm chiếm trái phép đó từ năm 1974.

Trong bối cảnh như thế, liệu đầu năm 2013 này nên túm tụm họp mặt gượng gạo kỷ niệm 63 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng, hay là nên nghiền ngẫm như tác giả Sơn Văn với bài viết Bauxite Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ở đây: Vận nước nhìn từ Trường Sa.

Một bài viết chính luận cần lý giải nhiều nhưng vẫn hết sức súc tích, một bài viết với lập luận chặt chẽ mà không khô khan, vẫn toát lên tấm tình nồng nàn, hệt như người xưa, nửa đêm thức giấc nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt… để nghĩ đến vận nước.

Vận nước! Vận nước!

Nhìn cho rõ cái thời điểm nguy khốn của vận nước, đó là trí tuệ và tấm lòng mỗi người ViệtNamlúc này. Tác giả Sơn Văn trình bày tường tận cùng bạn đọc xem xét chi li thế tiến thoái để giữ được tổ quốc bình yên khi quốc gia hưng vong, khi vận nước không phép người ViệtNamyêu nước nào còn được ngồi yên.

Trường Sa – Hoàng Sa phải thành kinh nhật tụng của chúng ta. Đó là việc lâu dài. Còn việc trước mắt là: hãy nhìn cho rõ ta phải làm gì cho Trường Sa. Vì vận nước đang bắt ta phải nghĩ và phải làm ngay vì Trường Sa.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bauxite Việt Nam

-------------------------------------------

Đất nước nào, dân tộc nào cũng có những giai đoạn sự kiện bản lề – hoặc tự đánh mất mình, hoặc thăng hoa, cất cánh – mà ta gọi là vận nước. Đối với đất nước, dân tộc Việt Nam ở thời điểm hiện tại, giữ hay không giữ được Trường Sa trước xâm lược đã được Trung Quốc lên nòng, ấy là vận nước!

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tôi – một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cũng giống trường hợp TS. Cù Huy Hà Vũ, GS. Nguyễn Huệ Chi và nhiều trí thức nổi tiếng hiện nay trên khắp nước ta – càng không thể không lên tiếng trước vận nước ấy!

Trước hết, cần khẳng định một lần nữa âm mưu của Trung Quốc đánh chiếm nốt toàn bộ Trường Sa của Việt Nam. Thực vậy, Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đối với 80% Biển Đông bất chấp thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế về biển mà bằng một loạt hành vi khác nhau cụ thể hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp đó: từ việc dùng vũ lực chiếm toàn bộ Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần Trường Sa vào năm 1988 đến việc thành lập thành phố Tam Sa gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, mời thầu thăm dò dầu khí, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá rồi tấn công tàu, thuyền và bắt giữ ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Việc Trung Quốc mới đây đưa vào sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu đổ bộ có sức chứa khoảng 800 quân và 20 xe tăng, xe bọc thép mỗi tàu trong biên chế Hạm đội Nam Hải là những bằng chứng rõ nhất về âm mưu xâm lược Trường Sa ấy của Trung Quốc.

Trước một quyết tâm xâm lược Trường Sa như thế của Trung Quốc hiển nhiên Việt Nam phải tự vệ trừ phi đầu hàng! Vậy một câu hỏi được đặt ra: thực chất của các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc mà sản phẩm là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký tháng 10/2011 là gì?

Như chúng ta đều biết, đàm phán chỉ có thể có giá trị khi tương quan lực lượng quân sự của các bên liên quan là tương đối cân bằng, không bên nào có thể giành thắng lợi tuyệt đối trong đối đầu trực tiếp. Thực tế cho thấy hiện nay Việt Nam kém Trung Quốc rất xa về năng lực quốc phòng nói chung, hải quân nói riêng, cả về số lượng lẫn chất lượng, tức đàm phán đối với Trung Quốc chỉ là một cách để thực hiện mục tiêu quân sự. Thực vậy, Điều 5 Thỏa thuận quy định: “giải quyết vấn đề trên biển theo đúng tinh thần “tuần tự, tiệm tiến, dễ trước, khó sau”. Với quy định này, Trung Quốc tạo cho Việt Nam ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ không đụng đến Trường Sa trong ngắn hạn vì Trường Sa cũng như Hoàng Sa là vấn đề khó, hai bên phải bàn bạc dài lâu để giải quyết dẫn đến Việt Nam không có phương án phòng vệ tích cực như liên minh quân sự với nước thứ ba, điều này hẳn nhiên tạo điều kiện cho Trung Quốc tập kích thành công Trường Sa. Nói cách khác, đàm phán nói chung, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” nói riêng đối với Trung Quốc chỉ là kế “giương Đông, kích Tây” hay “nói một đằng, làm một nẻo” nhằm làm Việt Nam chủ quan để Trung Quốc dễ dàng đánh chiếm Trường Sa hoặc chỉ là chiến thuật “câu giờ” cho đến khi nước này chuẩn bị đủ các phương tiện chiến tranh bảo đảm thắng lợi trong cuộc chiến ấy.

Về phía mình, Chính phủ Việt Nam hẳn hy vọng Thỏa thuận này sẽ bảo đảm “statu quo” hay “nguyên trạng” ở Biển Đông, tức Việt Nam không dùng vũ lực để thu hồi Hoàng Sa thì Trung Quốc cũng không dùng vũ lực để chiếm lấy Trường Sa, theo kiểu “Ta không đụng đến mi thì mi cũng đừng đụng đến ta”, tóm lại là Chính phủ không phải lo chiến đấu với “giặc ngoài” để tập trung nguồn lực quốc phòng cho chiến đấu với “thù trong” mà ở đây là “Diễn biến hòa bình” nhằm bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa! Tuy nhiên hy vọng này của Chính phủ Việt Nam sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực vì, như trên đã phân tích, đàm phán, thỏa thuận đối với Trung Quốc chỉ là bước đi chiến thuật trong chiến lược đánh chiếm Trường Sa, thâu tóm Biển Đông!

Do đó, để Trường Sa không mất vào tay Trung Quốc trong một cuộc xâm lược đã được nước bành trướng này “lập trình”, Việt Namngày nay chỉ có thể bắt chước cha ông của thủa Diên Hồng mà hô “đánh!”. Nói cách khác, tự vệ là lựa chọn duy nhất đúng để Việt Nam bảo toàn lãnh thổ của mình trên Biển Đông.

Đi vào cụ thể, Việt Nam có hai phương thức tự vệ. Một là: “Tự lực cánh sinh”, dựa vào năng lực quốc phòng của bản thân. Hai là, liên minh quân sự với nước ngoài. Thế nhưng, như trên đã đề cập, sức mạnh quân sự của Việt Nam thua rất xa sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhất là trên biển. Chỉ riêng tàu sân bay Liêu Ninh cũng đã đủ giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong hải chiến với Việt Nam. Đó là chưa nói để hỗ trợ cho việc đánh chiếm Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn có thể tiến hành mặt trận thứ hai trên đất liền, dọc toàn tuyến biên giới với Việt Nam, như Trung Quốc đã làm vào đầu năm 1979, nhằm phân tán hơn nữa nguồn lực quốc phòng của Việt Nam dành cho phòng thủ Trường Sa. Điều này có nghĩa nếu Việt Nam chỉ dựa vào năng lực quốc phòng của bản thân thì không chỉ mất nốt Trường Sa vào tay Trung Quốc mà ngay nền độc lập của Việt Nam cũng sẽ như “trứng để đầu đẳng”!

Từ đó đi đến kết luận rằng cách duy nhất để bảo vệ Trường Sa tiến tới thu hồi Hoàng Sa cũng như bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và trên đất liền là liên minh quân sự với nước ngoài. Vả lại, lịch sử đã chứng minh rằng sở dĩ Việt Nam đã giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX là do đã liên mình quân sự với các cường quốc quân sự ngoài lòng yêu nước nồng nàn của người Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm. Thực vậy, Việt Nam đánh thắng Thực dân Pháp tái xâm lược, đặc biệt tại quyết chiến điểm Điện Biên Phủ vào năm 1954 là do có đại bác, pháo cao xạ và các phương tiện chiến tranh khác do hai nước “anh em xã hội chủ nghĩa” là Liên Xô và Trung Quốc viện trợ; Việt Nam đánh thắng can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội kéo dài 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 là do có viện trợ quân sự hùng hậu và hiện đại, trong đó có hàng nghìn quả tên lửa đất đối không, vẫn của Liên Xô và Trung Quốc; Việt Nam đánh thắng Trung Quốc trong chiến tranh biên giới vào đầu năm 1979 cũng là do có viện trợ quân sự hùng hậu và cấp tốc của Liên Xô sau khi Việt Nam ký với cường quốc quân sự này một hiệp ước liên minh quân sự vào năm trước đó, 1978.

Vấn đề còn lại là nước nào có thể là chỗ dựa và đồng hành với Việt Nam trong trận chiến chống xâm lược từ phía Trung Quốc? Hỏi tức trả lời, đó chỉ có thể là Mỹ, như Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã chỉ ra cách đây 3 năm, 2010, trong các trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ – VOA (“Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông là quá rõ ràng”, “Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại”).

Trước khi đi vào phân tích kịch bản liên minh quân sự với Mỹ, tôi thấy cần thiết phải loại bỏ ngay ảo tưởng dựa vào Nga để chống Trung Quốc xâm lược. Thực vậy, Nga không còn là Liên Xô để có thể giúp Việt Nam chống Trung Quốc như cách đây 34 năm. Không những thế, hiện nay Nga rất cần Trung Quốc không chỉ với tư cách là khách hàng hàng đầu mà còn với tư cách là đồng minh quân sự tiềm tàng của Nga để chống lại sức ép quân sự – chính trị của NATO (khối quân sự Bắc Đại Tây Dương) nói riêng, của phương Tây nói chung, đồng nghĩa Nga sẽ không bao giờ đứng về phía Việt Nam nếu xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra. Việc Nga đã bán được cho Trung Quốc 8 tỉ USD hàng hóa chỉ trong chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin vào tháng 10/2011 cũng như việc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận chung với hải quân Trung Quốc tại Hoàng Hải vào tháng 4/2012 hẳn là những bằng chứng đầy sức thuyết phục cho nhận định trên. Bản thân việc Trung Quốc đón Tổng thống Nga Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc vào cùng một ngày, 11/10/2011, cũng đã là lời nhắn rằng Việt Nam đừng trông mong vào Nga để chống Trung Quốc! Để nói, điều duy nhất mà Việt Nam có thể khai thác từ Nga để phòng vệ chống lại Trung Quốc là mua vũ khí, đặc biệt các phương tiện chiến tranh trên biển, từ nước cựu xã hội chủ nghĩa này theo kiểu “tiền trao, cháo múc”. Thế nhưng tài chính của Việt Nam là rất hạn hẹp, đó là chưa nói đến việc Nga bán cho Trung Quốc vũ khí cùng chủng loại bán cho Việt Nam với số lượng nhiều lần hơn, tàu ngầm là một ví dụ. Tóm lại, chạy đua vũ trang với Trung Quốc là điều không tưởng đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới, chỉ sau Mỹ!

Cũng như vậy, Việt Nam không thể trông mong vào ASEAN vì ASEAN không phải là một tổ chức quân sự đã đành, mà cũng không có thiết chế quân sự, chí ít cho đến lúc này. Đó là chưa nói mới chỉ trên bình diện đối ngoại, các nước ASEAN đã không có được sự thống nhất trong việc phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông dẫn đến hội nghị ASEAN lần thứ 45 tổ chức tại Campuchia đã không ra được thông cáo chung, sự kiện chưa từng có trong lịch sử tổ chức này.

Trở lại kịch bản liên minh quân sự với Mỹ, nước này có đủ các điều kiện cần thiết để giúp Việt Nam bảo vệ Trường Sa nói riêng, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và trên đất liền nói chung, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược. Các điều kiện ấy như sau:

Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới, là nước phương Tây duy nhất có Hạm đội ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, với tư cách là nhân tố chủ chốt của NATO, Mỹ hoàn toàn có thể vận dụng sức mạnh của khối quân sự lớn nhất thế giới này để duy trì hòa bình, ổn định ở Tây Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông. Nói cách khác, với Mỹ, NATO hoàn toàn có thể “Viễn Đông hóa”!

Với chiến lược quân sự mới đề ra cho thế kỷ XXI, lấy Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng, làm trọng tâm mà Tổng thống Mỹ Obama đưa ra đầu năm 2012 – chiến lược quân sự mà tôi đặt tên là “Obamasia” – Mỹ là nước duy nhất chủ động ngăn chặn bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Việc Thượng viện Mỹ mới đây ra nghị quyết về Biển Đông theo đó Mỹ chống lại mọi hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và chủ trương tự do hàng hải là bằng chứng nặng ký nữa về quyết tâm quân sự mới của Mỹ ở thế kỷ XXI.

Trung Quốc phụ thuộc nặng nề, nếu không muốn là tự trói mình vào Mỹ khi đã mua hơn 1000 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng nghĩa Trung Quốc sẽ không mạo hiểm mà lựa chọn đối đầu quân sự với Mỹ.

Ngoài ra, tôi ủng hộ Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ còn nhằm mục đích kinh tế, bởi liên minh quân sự giữa hai nước một khi được thiết lập sẽ là cơ sở để Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam những khoản tài chính cũng như công nghệ rất quan trọng tạo điều kiện cho Việt Nam có được những bứt phá thần kỳ về kinh tế. Thực tế cho thấy, nhờ viện trợ kinh tế hùng hậu của Mỹ mà Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc kiệt quệ sau chiến tranh đều trở thành các trung tâm kinh tế thế giới hay khu vực. Thực ra, chỉ riêng việc Mỹ bảo trợ cho phòng thủ quốc gia của các đồng minh của Mỹ cũng đã đủ để các nước này chuyển tài lực đáng kể lẽ ra phải chi cho quốc phòng sang phát triển kinh tế. Tóm lại, liên minh quân sự với Mỹ là “nhất cử lưỡng tiện”.

Thế nhưng “ăn có mời, làm có khiến”, nước Mỹ không thể mang tài lực, sức mạnh quân sự của mình để bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt trên Biển Đông mà ở đây là Hoàng Sa và Trường Sa, nếu Việt Nam không chính thức yêu cầu Mỹ, làm như vậy thông qua một hiệp ước liên minh quân sự với nước này. Dĩ nhiên trong quan hệ quốc tế không ai cho không ai, điều này có nghĩa Việt Nam muốn Mỹ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông nói riêng, lãnh thổ của Việt Nam nói chung thì Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi của Mỹ là Dân chủ hóa chế độ chính trị bằng cách bảo đảm thực sự tự do ngôn luận và các nhân quyền khác, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến bị cầm tù và tiến tới thực hiện bầu cử tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái, tương tự những gì đã và đang diễn ra tại một nước Đông Nam Á khác vốn có cùng chế độ độc tài là Myanmar. Tôi cho rằng đòi hỏi cải cách thể chế theo hướng dân chủ, tự do này của Mỹ là hợp lý bởi chính Hồ Chí Minh đã từng coi Mỹ là hình mẫu thể chế cho ViệtNam. Thực vậy, Hồ Chí Minh không chỉ lấy Tuyên ngôn độc lập của Mỹ làm đề dẫn cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam mà còn lấy tên của hai chính đảng lớn nhất của Mỹ luân phiên cầm quyền là Dân Chủ và Cộng hòa làm quốc hiệu cho Việt Nam độc lập: Việt Nam dân chủ cộng hòa!

Đáng tiếc là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không vượt qua được chính mình để quốc gia không những không bị xâm hại mà còn hưởng lợi khi hơn một lần thể hiện quan điểm “không có chuyện Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để đổi lấy sự giúp đỡ của Mỹ nhằm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông”. Mới đây Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại quan điểm này bằng tuyên bố Việt Nam sẽ không liên minh quân sự với các nước khác để chống lại nước thứ ba trong trường hợp nước này dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam!

Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin rằng Trường Sa sẽ không thể mất cũng như Hoàng Sa sẽ không thể vĩnh viễn mất vào tay bành trướng phương Bắc bởi chính nhân dân Việt Nam chứ không phải ai khác sẽ đứng lên nắm lấy vận nước, nắm lấy vận mệnh của chính mình./.

S. V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.




No comments:

Post a Comment

View My Stats