MINH
DIỆN (viết về Lê Đức Thọ)
Thứ năm, ngày 24 tháng một năm 2013
BVB - Ông Ung Văn Khiêm là cháu nội cụ Ung Văn Tre, quê huyện Chợ Mới, An Giang. Cụ Ung Văn Tre là người đầu tiên đến Chợ Mới khai khẩn đất hoang, lập trang ấp, người xưa gọi cụ là ông Chủ Tre.
Trong cuộc khởi nghĩa Trương Định 1862-1864, Chủ
Tre và con là Ung Văn Quản (cha của Ung Văn Khiêm) đã đóng góp nhiều của cải và
trực tiếp tham gia nghĩa quân chống thực dân Pháp. Từ nhỏ, Ung Văn Khiêm đã có
ý thức và được giáo huấn về lòng yêu nước.
Với truyền thống yêu nước, Ung Văn Khiêm đã tham
gia chống Pháp khi còn đang học ở trường College de Cantho. Dù là một công tử
con nhà giàu, một trong hai học sinh giỏi nhất, được cấp học bổng toàn phần,
nhưng Ung Văn Khiêm đã tổ chức bãi khóa và tham gia biểu tình biểu tình liên
tục.
Năm 17 tuổi, ông theo thầy Châu Văn Liêm dấn thân
hoạt động cách mạng. Ông đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành đảng viên Đảng
cộng sản Việt Nam, làm tới chức Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ ngoại
giao.
Ông từng bị Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức
Thọ và phe phái trù dập thẳng cánh, vu cho tư tưởng xét lại và những chuyện oan
trái, gây bao nhiêu cay cực. Với tính khí nghĩa hiệp được truyền lai của “người
mở đất” ông về làm dân không chịu cúi đầu.
Không biết có phải do lương tâm bị day dứt không,
mà Lê Đức Thọ đã tìm gặp Ung Văn Khiêm vào lúc cuối đời.
*
Đầu năm 1991, tôi đến thăm cụ Ung Văn Khiêm, cụ kể cho nghe câu chuyện sau đây:
Đầu năm 1991, tôi đến thăm cụ Ung Văn Khiêm, cụ kể cho nghe câu chuyện sau đây:
Một buổi sáng năm 1978, tôi đang chăm đàn heo thì
bà vợ báo có ông Sáu Thọ tới thăm. Trời đất ơi, sao tự nhiên thằng cha mắc dịch
tới thăm vào giờ này? Thôi kệ , tắm cho heo đã!
Tắm heo xong, lên thấy ông Sáu Thọ đang thơ thẩn
ngoài sân. Ông cười bắt tay tôi, nói:
- Hôm nay tôi tới mời cụ ra giúp việc cho dân cho nước!
Trời đất ơi, lại chơi trò gì nữa đây! Tôi nghĩ vậy
và nói thật lòng:
- Ông không sợ thằng cha xét lại làm hỏng việc của
Đảng sao?
Ông Lê Đức Thọ vỗ vai tôi:
-Thời bình cần có người liêm chính như cụ!
Tôi nhìn ông Sáu Thọ vẫn như xưa, da mặt tai tái, miệng
cười nhếch nửa mép, mắt nhọn như kim, một khuôn mặt sắc lạnh không có tình
người. Tôi nói:
- Nếu đất nước còn chiến tranh, ông giao việc gì
tôi cũng làm. Bây giờ hòa bình rồi, tôi đã có tuổi, được ông cho nghỉ việc đã
lâu, nhảy ra làm người ta nói tôi tham quyền cố vị. Vậy xin ông miễn cho!
Ông Lê Đức Thọ cười, nắm tay tôi, nói:
- Tôi có gì không phải mong cụ bỏ qua cho!
Tôi nói:
- Tôi mừng vì ông nói được câu ấy! Với ông là
chuyện nhỏ! Nhưng còn với đất nước?
Ông Lê Đức Thọ nói nhỏ nhẹ:
- Thôi thì để cho lịch sử phán xét!
Trần Bạch Đằng, một nhà báo có tài, và là một
chính khách, từng làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, Trưởng ban Tuyên huấn
Trung ương cục miền Nam. Ông là một trong những người bị Lê Đức Thọ ghét, “đì”
tới số. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trần Bạch Đằng bị Lê Đức Tho
đẩy sang Cu Ba, không cho tham dự, đồng nghĩa với việc loại khỏi danh sách nhân
sự.
Ông Trần Bạch Đằng có lần kể lại câu chuyện sau đây với tôi và nhà thơ
Văn Lê:
Một buổi sáng tao đang ngồi viết trên lầu thì con
cháu vào nói: “Chú Tư có bác Sáu Thọ tới thăm!”. Tao nghĩ chắc con nhỏ nhầm.
Xưa nay người ta tìm tới Sáu Thọ qụy lụy chớ cha ấy thèm tới ai?
Nhưng khi xuống thỉ thấy đúng là Sáu Thọ. Cha đứng
ngoài cửa, không vô nhà. Tao giựt mình vì mặt Sáu Thọ nhợt nhạt không còn thần
sắc. Kiểu này chắc không được bao lâu nữa!?
Sáu Thọ nhích mép cười, nói:
- Tôi biết cậu là người có tài. Ngày đó nếu cậu
đến tôi, nói với anh Sáu vài lời, thì cậu chắc chắn là Ủy viên Trung ương khóa
IV, là Ủy viên Bộ chính trị. Nhưng cậu là con ngựa bất kham, không điều khiển
được.
Dừng một khá lâu, ông Lê Đức Thọ mới nói tiếp,
không suồng sã thân mật như trước mà giọng trầm xuống, khách sáo và như nhắc
nhở:
- Tôi được biết anh đang viết một quyển sách nói
nhiều chuyện về tôi. Hôm nay tôi tới xin anh một điều, khi tôi còn sống anh
đừng xuất bản quyển sách đó. Sau khi tôi chết, con người tôi lịch sử sẽ phán
xét.
Nghe Sáu Thọ nói vậy, tao trả lời ông:
- Quyển sách đã in rồi, nhưng anh nói vậy, tôi sẽ
hủy!
Có lẽ ít người biết những câu chuyện như thế về
“trái tim thép” Lê Đức Thọ, người từng thừa nhận mình là “Trần Thủ Độ” của Đảng
cộng sản Việt Nam. Bao năm uy quyền tập trung trong tay ông, những kẻ khéo nịnh
bợ được vinh thân phì gia, những người không chịu cúi luồn bị bạc đãi, bao nhiêu
người từng bị đày đọa không ngóc đầu lên được.
Những tưởng con người ấy kiêu hãnh suốt đời?
Nhưng khi quyền lực đã rời bỏ mình thì hiện hữu
lại là một tấm thân mềm yếu, “trái tim thép” hình như bị nhũn ra như bùn. Không
hiểu vì lương tâm thức tỉnh hay vì nguyên nhân gì, chỉ biết 6 tháng sau buổi
gặp ấy, ông Lê Đức Thọ qua đời. Ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, nơi
dành cho những cán bộ cao cấp nhất của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam,
nhưng nghe nói sau đó gia đình phải chuyển về quê!?
Muammar Gaddafi, “Vua của các vị vua” từng
tàn sát 200.000 người, và những ngày tháng cuối cùng của chế độ độc tài, đã
giết hại 23.000 người, bắt bỏ tù 50.000 người không ghê tay, mà mềm yếu đến đê
hèn khi quỳ lạy người lính: “ Xin đừng bắn tôi!”.
Saddam Hussein, ria mép giống hệt ria Stalin, nổi tiếng độc tài
khát máu, phút cuối cùng còng lưng rụt đầu vào cổ chiếc áo sơ mi trắng, ôm
quyển kinh Koran, miệng lảm nhảm xin tha chết.
Nicolae Ceausescu, Chủ tịch đảng cộng sản
Rumania, từng mệnh danh “Conducator” - Lãnh tụ tối cao “Geniul din carpati” –
Thiên tài, đã quỳ khóc sướt mướt khi bị bắt trên đường trốn sang Nga, và sau đó
cả hai vợ chồng đều bị xử bắn sau một phiên tòa kéo dài hai tiếng đồng hồ.
Hơn 2.500 năm trước Đức Phật Thích Ca đã cho ra
đời triết lý Vô Thường, và hình như thuyết Tương đối của Albert Einstein cũng
dựa trên ý tưởng ấy. Đừng ảo tường chế độ tồn tại
vĩnh viễn, quyền lực trong tay mình là tuyệt đối, kẻo hối không kịp.
Ông Lê Đức Thọ là một con người đầy bản lĩnh,
nhiều tham vọng, đa nghi và rất thủ đoạn.
Ông sinh năm 1911 tại Nam Trực, Nam Định, từng
tham gia bãi khóa , dự lễ tang nhả chí sỹ Phan Chu Trinh và hoạt động trong
phong trào học sinh yêu nước nên bị Pháp bắt giam hai lần (1936, 1944).
Ông từng làm Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy
Nam Kỳ (1948-1954). Nhưng chức vụ mà ông giữ lâu nhất là Trưởng ban tổ chức
Trung ương. Ngay cả khi làm Bí thư Thường trực ông vẫn kiêm Trưởng ban tổ chức.
Người ta nói Lê Đức Thọ là người tạo ra bộ máy lãnh đạo của Đảng cộng
sản Việt Nam suốt bốn thập kỷ (1954-1994) và cho tới bây giờ vẫn còn gốc gác
ấy. Người ta còn nói ông thường vận dụng “Nhân tướng
học” để chọn cán bộ, và bất kỳ ai trái ý ông đều trở thành nạn nhân, tiêu biểu
là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông chuyên trách công tác Tổ chức Đảng, nhưng
khoái cầm quân, ham chiến đấu, xông vào chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ
Chí Minh 1975 và tấn công đánh đuổi Polpot trên đất Campuchia 1-1979.
Ông Lê Đức Thọ nổi tiếng trong vai trò Cố vấn tối
cao cho phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị
Pari, ông đã từ chối nhận một nửa Giải Nobel hòa bình với tiến sỹ Kissinger.
Ông mất ngày 13-10-1990 để lại nhiều tiếng tốt,
không ít điều xấu, nhưng, như ông nói, hãy để cho lịch sử phán xét.
Tôi chỉ kể lại hai mẩu chuyện có thật tôi được
nghe, như một chi tiết nhỏ trong cuốn lịch sử chưa viết về ông Lê Đức Thọ.
Khi con người nắm quyền lực trong tay, phần vì
hãnh tiến, phần sợ bị kẻ khác tước đoạt hoặc lợi dụng, trở nên đa nghi, tàn
nhẫn, đôi khi mê muội, mất cả lương tâm, hại cả bạn bè người thân.
Những con người đó đều sẽ rơi vào trạng thái bi
kịch, hụt hẫng khi quyền lực tuột khỏi tay, mà không ai tránh khỏi.
Con chim sắp chết hót hay, con người sắp chết nói
thật, hình như rất đúng với trường hợp ông Lê Đức Thọ. Tôi được biết trước khi
mất ông gặp nhiều người chứ không riêng ông Ung Văn Khiêm và Trần Bạch Đằng.
M.D
Được
đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 20:09
-------------------------------
So
sánh với bài viết trên báo nhà cầm quyền :
Nguyễn Như Kim (Báo
Tin tức) Dan Tri
Thứ Năm,
24/01/2013 - 11:09
No comments:
Post a Comment