Tuesday, 22 January 2013

TBT ĐẢNG CSVN GẶP GIÁO HOÀNG (BBC)




BBC
Cập nhật: 13:11 GMT - thứ ba, 22 tháng 1, 2013

Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã tiếp Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng hôm 22/1 tại Vatican.


Người phát ngôn của Vatican, Federico Lombardi, nói với các phóng viên rằng ông Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp bằng nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia.
Một thông cáo ngắn của Vatican đưa ra sau cuộc gặp cho biết đoàn Việt Nam cũng tiếp xúc các quan chức cao cấp của Vatican, Ngoại trưởng Vatican Tarcisio Bertone.
Thông cáo nói: “Các đối thoại thân mật bàn đến các chủ đề mà Việt Nam và Tòa thánh quan tâm.”
“Hy vọng được bày tỏ về việc giải quyết một số tình huống và nếu chưa giải quyết được, thì củng cố quan hệ tốt hiện nay.”

Hãng tin Tây Ban Nha EFE nhận định đây là điều ít khi xảy ra, vì Đức Giáo hoàng thông thường chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng hoặc các lãnh đạo chính trị tiếng tăm thế giới.
Ông Nguyễn Phú Trọng hiện đang có chuyến công du châu Âu, cùng hôm thứ Ba 22/1 ông sẽ từ Ý đi Anh.
Tại London ông sẽ có hội kiến với Thủ tướng Anh David Cameron cùng một số lãnh đạo khác, và tham dự phiên chất vấn thủ tướng.

Vatican và Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao, tuy nhiên Đức Giáo hoàng hôm 13/1/2011 đã bổ nhiệm Hồng y Leopoldo Girelli người Ý làm đại diện không thường trực của Tòa thánh tại Việt Nam.
Đức ngài Girelli còn làm đại diện cho Vatican tại Singapore, Malaysia và Brunei.
Trong mấy năm qua, quan hệ Vatican - Hà Nội có nhiều bước cải thiện và thêm nhiều chuyến thăm cao cấp tuy hai bên vẫn chưa nối lại được quan hệ ngoại giao, vốn bị gián đoạn năm 1975.

Còn nhiều vấn đề
Một trong các vấn đề là cách chính quyền địa phương ở Việt Nam xử lý quan hệ với những giáo xứ, chẳng hạn như tranh chấp đất đai ở Thái Hà năm 2011, hay ở Nhà Chung năm 2008.
Một vấn đề nữa, là cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam muốn tham gia quyết định việc bổ nhiệm linh mục và chức sắc tôn giáo, điều Tòa thánh không chấp nhận.
Chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên bị các quốc gia phương Tây chỉ trích là vi phạm tự do tôn giáo. Mới đây nhất, Việt Nam mang 14 người, đa phần theo Công giáo và Tin Lành, ra xử tội Hoạt động nhằm Lật đổ chính quyền Nhân dân.
Với số giáo dân chừng tám triệu, Việt Nam là nước có cộng đồng Công giáo thuộc hàng đông đảo ở châu Á, chỉ đứng sau Philippines.
Trong những năm gần đây, một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã tới thăm Vatican. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm năm 2007 và cũng đã hội kiến Đức Giáo hoàng.
Tháng 12/2009, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết cũng đã tới Vatican. Tòa thánh khi đó bình luận rằng đây là bước đi quan trọng trong bình thường hóa quan hệ đôi bên.
Với việc viếng thăm lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dường như đang có nỗ lực mới trong tiến trình này.


VIDEO :


--------------------------------------------------------

Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Cập nhật: 12:51 GMT - thứ ba, 22 tháng 1, 2013

Theo nghị trình chuyến thăm Anh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 23/1 sẽ tới chứng kiến phiên Chất vấn Thủ tướng với tên tiếng Anh là Prime Minister's Question Time, còn gọi tắt là PMQ.

PMQ, như trong video của phiên mới nhất hôm 16/1 trên đây, diễn ra thứ Tư hàng tuần, từ 12:00-12:30 mỗi khi Nghị viện nhóm họp và có ít nhất 20 phiên PMQ một năm.
Thủ tướng đương quyền sẽ phải trả lời sáu câu hỏi từ lãnh đạo đảng đối lập chính, hai câu hỏi từ lãnh đạo đảng đối lập lớn thứ hai và rất nhiều câu hỏi từ các dân biểu về bất kỳ vấn đề gì.
PMQ được mô tả như 'võ đài nghị viện' và các chính trị gia là những 'gladiator' do không khí căng thẳng nhưng không thiếu tính hài với những tiếng la ó từ các dân biểu, vốn có thể át những câu phán của chủ tịch quốc hội.
Các nhà bình luận Anh nói có thủ tướng Anh sợ bủn rủn cả người mỗi lần phải đứng lên bục trả lời các câu hỏi và bất kỳ thủ tướng nào cũng sẵn sàng xóa bỏ PMQ nếu họ có thể làm được như vậy.

'Phép thử uy quyền'
PMQ ở thể thức hiện nay được áp dụng kể từ khi Thủ tướng Tony Blair lên cầm quyền hồi năm 1997.
Trước đó, từ khi chính thức bắt đầu hồi tháng 10/1961, PMQ diễn ra hai tuần một lần vào thứ Ba và thứ Năm, mỗi hôm 15 phút từ 15:15.
Ông Blair và bà đầm thép Margaret Thatcher được cho là hai thủ tướng vững vàng nhất và đã ở thế thượng phong trên bục PMQ.
Cựu biên tập viên chính trị của Press Association, Chris Moncrieff, viết trên báo The Independent:
"Bà Thatcher, nói một cách hình tượng, tuần nào cũng nhai ngấu nghiến Neil Kinnock, đối thủ chính của bà, và nhổ ông ra."
Bản thân bà Thatcher sau này viết trong hồi ký rằng PMQ là "phép thử thực sự uy quyền của [thủ tướng] tại Nghị viện, uy tín của [thủ tướng] trong đảng, sự nắm bắt chính sách và có các dữ kiện để biện hộ cho chính sách."
Nhà báo Michael White nói bà Thatcher thường uống chút whisky trước mỗi kỳ PMQ trong khi ông Blair thừa nhận trong hồi ký rằng ông "luôn sợ" các phiên chất vấn và thường uống thuốc ngủ để đảm bảo có sáu tiếng ngủ trước mỗi PMQ.
Bà Thatcher cuối cùng cũng phải từ chức khi các dân biểu tấn công bà trong những phiên chất vấn hồi năm 1990 còn ông Tony Blair cũng 'suýt chết' hồi năm 2007.

'Phòng họp thù nghịch'
Thủ tướng hiện thời của liên minh Bảo thủ - Dân chủ Tự do, ông David Cameron, cũng là tay lão luyện trong võ đài nghị viện.
Khi còn là lãnh đạo phe đối lập hồi năm 2005, ông Cameron từng móc máy Thủ tướng Tony Blair tại PMQ:
"Tôi muốn nói về tương lai. Ông ấy [Tony Blair] đã từng là tương lai."
Còn đối với người kế nhiệm ông Blair, Gordon Brown, đương kim Thủ tướng từng nói tại PMQ rằng ông Brown là "Thủ tướng analogue trong kỷ nguyên digital."
Về tính chất của các phiên chất vấn, ông Cameron nhận xét:
"Nếu quý vị là Thủ tướng, đó là cách tuyệt vời để kiểm tra xem các bộ phận [trong chính quyền] làm việc ra sao.
"Hay tin tôi đi, cứ mỗi sáng thứ Tư, quý vị sẽ muốn biết tất tần tật mọi thứ.
"Thì cứ cho là có nhiều thứ thú vị hơn [PMQ].
"Bước vào phòng họp đầy thù nghịch và biết rằng quý vị có thể bị hỏi bất kỳ điều gì là khá căng thẳng.
"Thực ra nó là cách hay để khái quát chính trị Anh: một nền dân chủ mạnh với khiếu hài hước."

Dân chủ 'độc đáo'
Trong vai trò người công kích, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Charles Kennedy nói ông từng có lúc thấy chán nản khi đóng vai chất vấn nhưng lại thấy vai trò của ông có ý nghĩa khi một bộ trưởng cao cấp trong chính phủ tới gặp ông và nói:
"Ông đã hỏi những câu mà một nửa Nội các muốn hỏi mà không được."
Bản thân ông Kennedy cũng đã vài lần không thể tới dự PMQ mà sau này báo chí phát hiện ra do ông quá say xỉn và kết cục ông cũng phải từ chức.
Các nhà báo Anh nói nền dân chủ nghị viện của Vương Quốc Anh hoàn toàn độc đáo và ngay cả các chính trị gia Hoa Kỳ cũng không muốn bị chất vấn như vậy.
Tổng thống Bush cha từng được dẫn lời nói: "Tôi thấy thật may là không phải bước vào cái hố mà ông John Major phải đứng mặt đối mặt với phe đối lập."
Nhà báo Anh Barry Gibson nói PMQ đảm bảo rằng Anh sẽ không bao giờ có lãnh đạo dốt nát vì một thủ tướng cần khôn ngoan và ăn nói rõ ràng mới có thể vượt qua các thử thách trong chất vấn.
Ông Gibson nói trong số năm Tổng thống Hoa Kỳ gần đây, chỉ có ông Barack Obama và Bill Clinton đủ sắc sảo để vượt qua PMQ.
Tổng thống Ronald Reagan bị cho là không nắm bắt được các chi tiết để đối mặt với chất vấn hàng tuần, ông Bush cha quá tẻ nhạt còn ông Bush con thì không "đáng để nói tới", theo nhà báo Gibson.
Các nhà báo Anh có lẽ khó nhớ hết tên của các vị thủ tướng gần đây của Việt Nam.
So sánh hai hệ thống Anh và Việt, hẳn bạn cũng thấy thú vị khi nghĩ liệu các ông Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng có 'thọ được qua' ít nhất 100 buổi chất vấn kiểu Anh cho một nhiệm kỳ năm năm của họ hay không.

Bài viết của Nguyễn Hùng dựa trên tài liệu từ trang web của Nghị viện Anh, cùng các bài viết của Barry Gibson,  Chris Moncrieff Michael White.
Nguyễn Hùng cũng sẽ tới theo dõi PMQ vào thứ Tư này tại London qua vé mời của dân biểu địa phương nơi anh sinh sống và sẽ tường thuật tại bbcvietnamese.com và qua Facebook của BBC.







No comments:

Post a Comment

View My Stats