Friday 18 January 2013

TẠI SAO KHÔNG NÊN KỲ VỌNG VÀO NGUYỄN BÁ THANH? (Nguyễn Trần Sâm)




Nguyễn Trần Sâm

Có vẻ như có nhiều người đang rất hy vọng rằng ông Nguyễn Bá Thanh sẽ làm cho cả đất nước này trở thành một Đại Đà Nẵng. Tôi thì tôi chẳng thấy cơ sở nào để hy vọng như vậy cả. Thậm chí, toàn thấy những cơ sở để đừng hy vọng.

Hãy cứ cho rằng ông Bá Thanh có đủ mọi phẩm chất tốt của một lãnh tụ anh minh. Giả sử ông thực sự muốn làm trong sạch đất nước, muốn quét sạch bọn tham nhũng, bọn tàn phá giang sơn. Giả sử ông có gan để đối đầu với những thế lực tàn bạo đầy quyền lực, dám chấp nhận hy sinh cả hạnh phúc cá nhân và gia đình vì nghĩa lớn. Để cho cụ thể, giả sử vào cuối năm 2013, quân quyền của ông Bá Thanh đã cung cấp cho ông bằng chứng về việc vi phạm pháp luật của một đồng chí Y nào đó (hổng dám nói đồng chí Ếch vì sợ phạm húy!) đủ để kỷ luật đảng và truy tố đồng chí đó. Nhưng rồi sau đó sẽ thế nào?

Nếu đồng chí Y này không phải là ủy viên trung ương thì, vâng, có thể ông Thanh sẽ “sờ gáy” được đồng chí đó. Có thể cơ quan pháp luật vì nể ông sẽ phải xử lý đồng chí này. Nhưng nếu đồng chí đó nằm trong trung ương thì việc xử lý sẽ phụ thuộc rất ít vào ông Thanh. Vấn đề sẽ phải đưa ra bộ chính trị. Mà lúc đó, nếu đồng chí tổng bí thơ lại bảo “Kỷ luật sinh thù oán” thì ông Thanh làm được quái gì? Chưa nói nhỡ ra có đồng chí còn mạnh hơn cả đồng chí tổng bí thơ nữa mà cũng bênh đồng chí Y thì sao?

Và nếu đồng chí Y này lại nằm trong bộ chính trị thì ông Thanh lại càng không thể sờ được lông chân của đồng chí ấy. Ông Thanh không nằm trong bộ chính trị, làm được gì? Chẳng lẽ cấp dưới có thể trị được cấp trên? Thậm chí, cho rằng ông Thanh sẽ nhanh chóng được bổ sung vào bộ chính trị, thì ông ta cũng làm sao mạnh hơn đồng chí Y được, nếu Y lại là Ếch?!

Trưởng ban nội chính trung ương đúng là một nhân vật có sức mạnh. Ông ta sẽ có đủ “quân” để thực hiện công tác điều tra ngay cả ở những nơi “thâm cung bí sử”. Nhưng quyền lực của ông ta chỉ dừng lại ở đó! Ông trưởng ban này không thể ra lệnh bắt người hay xét xử, không thể ấn định mức án khi xử. Xin quý vị hãy hình dung ra tình huống sau đây: ông Thanh gọi điện cho cơ quan pháp luật, yêu cầu bắt đồng chí bị cáo Y; bên đó vì rất nể ông Thanh nên trả lời “Vâng”, nhưng nói thêm: “Đợi có lệnh.” Khi đó ông Thanh sẽ làm gì? Ra phát luật, trưởng ban nội chính làm gì có quyền trực tiếp “xuất bản” lệnh bắt? (Vẫn biết rằng pháp luật chỉ được dùng “ang áng mây trời” thôi, nhưng khi nó được dùng để “bảo vệ chính trị” thì lại không thể đùa với nó được.) Chưa nói, nếu lực lượng công an lại là thuộc hạ của đồng chí Y, được đồng chí nuôi ăn, thì ông Thanh làm được gì?

Còn nữa. Cho rằng ông Thanh có thể luận tội được đồng chí Y, nhưng nếu bộ chính trị mà đồng ý xử lý theo ý ông Thanh thì chẳng hóa ra các đồng chí tổng bí thư, chủ tịch nước từ trước đến giờ làm không bằng ông Thanh sao? Đúng hay sai chẳng biết, nhưng theo ông Thanh nghĩa là thừa nhận các đồng chí kia không bằng ông. Liệu với truyền thống của Đảng ta, việc thừa nhận như vậy có được phép xảy ra không?

Ở Đà Nẵng, ông Thanh thành công đương nhiên vì ông dám nghĩ, dám làm. Ông không thuộc loại cán bộ ăn hại. Nhưng còn có nguyên nhân khác nữa là ở đó ông không có một đối thủ nào ngang cơ. Và chắc chắn, bằng cách nào đó, ông cũng tìm được sự ủng hộ từ bộ chính trị. Còn ra “Ba Đình” thì ông ở dưới rất nhiều nhân vật, có thể kém tài rất nhiều so với ông, nhưng ở thế thượng phong, lại nằm trong mạng lưới quyền lực nhằng nhịt mà ông không thể phá vỡ. Muốn làm được như khi ông ở Đà Nẵng thì vị trí của ông cũng phải như ở Đà Nẵng: đứng đầu thực sự, nghĩa là mọi người còn lại ở “Ba Đình” đều tuân lệnh ông. Mà điều này thì xin những người kỳ vọng vào ông Thanh và chính ông đừng có mơ!

Những quyết sách về kinh tế – xã hội của “Ba Đình” thì lại càng không phụ thuộc vào ông Thanh, như của Đà Nẵng những năm qua.

Bây giờ giả sử tiếp (một điều siêu tưởng!) là ông Thanh loại bỏ được toàn bộ bộ máy tham nhũng hiện tại. Nhưng rồi sau đó sẽ ra sao? Đất nước ta sẽ vĩnh viễn sạch bóng tham nhũng chăng? Hãy hình dung Nguyễn Bá Thanh trở thành một lãnh tụ già nua, bên dưới toàn là những thuộc hạ của ông cai quản xã hội. Chắc quý vị cho rằng đó sẽ là một tương lai tốt đẹp? Chắc 99% là sẽ không như vậy.

Nhưng đó đã là cái giả thiết quá xa vời. Còn trở lại thực tế thì vài ngày gần đây thủ tướng đã cho thông báo kết quả thanh tra của ban thanh tra chính phủ đối với Đà Nẵng: trừ chính ông Thanh, hầu hết quan chức ở đó đều bị nêu tên làm sai luật nhà nước. Chắc là rung chuông cảnh tỉnh ông Bá đó thôi!

Vậy, xin đừng kỳ vọng!

Một lý do nữa để không nên kỳ vọng vào một nhân vật cụ thể nào trong hệ thống quyền lực hiện tại là vì cái sự kỳ vọng đó nó mang theo một khía cạnh hơi nhục!

Nếu có một ông Nguyễn Bá Thánh, thì có lẽ nên kỳ vọng chăng?

NGUYỄN TRẦN SÂM







No comments:

Post a Comment

View My Stats