Thứ bảy 26 Tháng Giêng 2013
Tuyên bố bên lề Diễn đàn Davos,
Thụy Sĩ hôm nay, 26/01/2013, tổng thống Benigno Aquino tố cáo Trung Quốc sách
nhiễu hai tàu đánh cá của Philippines trên Biển Đông. Theo lời ông Aquino,
chính hai vụ này đã khiến Manila kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên
hiệp quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa hai nước.
Tổng thống Philippines không
nói rõ hai vụ nói trên xảy ra vào lúc nào, mà chỉ cho biết là các tàu của Trung
Quốc đã tiến đến gần một tàu đánh cá Philippines ở khoảng cách 9 hải lý tại khu
vực gần bãi cạn Scarborough của Philippines, khi tàu này đang tạm lánh thời
tiết xấu.
Khi tàu Trung Quốc đến gần, họ
đã kéo còi hụ lớn hết cỡ, làm làu đánh cá của Philippines hoảng sợ. Một chiếc
tàu đánh cá thứ hai của Philippines thì bị tàu của Trung Quốc đẩy đi chỉ ít lâu
sau khi tàu này vào tránh bão tại khu vực Scarborough.
Đối với Manila, đảo Scarborough
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng Bắc Kinh lại coi đảo
này, mà họ gọi là Hoàng Nham, thuộc chủ quyền lãnh hải Trung Quốc.
Tại khu vực này, vào tháng 4
năm 2012 đã xảy ra các vụ va chạm giữa tàu của hai nước. Tàu Trung Quốc đã ngăn
không cho hải quân Philippines bắt giữ các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động
trái phép tại vùng mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình.
Theo lời tổng thống Benigno
Aquino, chính là do hai vụ nói trên mà Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra
trước Tòa án Trọng Tài chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (
UNCLOS ), nhằm “đạt đến một giải pháp hoà bình và bền vững cho tranh chấp chủ
quyền ở Biển Tây Philippines ( Biển Đông )”, theo như thông cáo ngày 22/01/2013
vừa qua của Ngoại trưởng Albert del Rosario.
-----------------
Thanh Phương – RFI
Thứ bảy 26 Tháng Giêng 2013
Trong vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên hiệp quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa hai nước trên Biển Đông, chính phủ Manila đang tìm kiếm một sự đồng thuận tối đa cho giải pháp này. Ngày 22/01 vừa qua, Ngoại trưởng Albert del Rosario thông báo là Philippines vừa đệ đơn kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng Tài chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 ( UNCLOS ), nhằm “đạt đến một giải pháp hoà bình và bền vững cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Tây Philippines ( Biển Đông )”.
Cụ thể, Manila muốn tòa án Liên hiệp quốc tuyên bố bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung
Quốc, xác định chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, là “vô giá trị”, vì nó trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm quyền của Philippines trong lãnh hải của nước này ở Biển Đông.
Tuyên bố với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos hôm nay, tổng thống Philippines Begnino Aquino
cho biết ông đã tham vấn các nghị sĩ và hai người tiền nhiệm của ông Fidel Ramos và Joseph
Estrada, trước khi
quyết định kiện Trung Quốc ra trước Liên hiệp quốc. Theo lời ông Aquino, không một ai phản bác quyết định nói trên.
Thực tế cho thấy là trong hai ngày 23 và 24/01/2013, cả hai viện của Quốc hội Philippines đều đã thông qua nghị quyết ủng hộ mạnh mẽ vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên hiệp quốc, đồng thời kêu gọi toàn dân ủng hộ nỗ lực của chính phủ bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã kêu gọi các cơ quan và doanh nghiệp trong
lĩnh vực hàng hải ủng hộ đơn kiện Trung Quốc ra trước Liên hiệp quốc.
Để giải thích cho mọi người hiểu rõ về quyết định này, Bộ Ngoại giao Philippines ngay từ ngày 23/01 đã đăng trên website của họ một bản hỏi đáp liên quan thủ tục kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài LHQ. Trả lời câu hỏi : Việc này có sẽ ảnh hưởng đến quan
hệ Trung
Quốc – Philippines không, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “ Kiện ra tòa án trọng tài là một hành động hữu nghị và hòa bình, chúng tôi hy vọng điều này sẽ không tác hại đến mậu dịch giữa Philippines với Trung Quốc. ( ... ) Tất cả chúng tôi đều muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng không vì thế mà từ bỏ chủ quyền quốc gia.” .
Về câu hỏi: Vì sao không thể cùng phát triển với Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines xác định: “ Cùng phát triển ( ở khu vực Biển Đông ) theo kiểu Trung
Quốc là vi phạm Hiến pháp Philippines. Hợp tác phát triển phải tuân thủ luật pháp Philippines”.
Đối với Bộ Ngoại giao Philippines, toàn thể người dân Philippines phải ủng hộ tổng thống bảo vệ chủ quyền đất nước, phải thể hiện sự đoàn kết nhất trí trước toàn thế giới.
Hướng về các nước đối tác Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Philippines bảo đảm là Manila sẽ tiếp tục cùng với ASEAN
và Trung Quốc nỗ lực đạt được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ).
Tóm lại, mặc dù nhiều lần bị Bắc Kinh hù dọa, cảnh báo là không nên quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông, chính quyền Manila, qua vụ kiện này, đã chứng tỏ là họ không sợ láng giềng khổng lồ phương Bắc, tuy rằng hành động chứa đựng nhiều rủi ro, vì chắc chắc là Trung Quốc sẽ trả đũa rất nặng nề Philippines, đặc biệt là về mặt kinh tế.
No comments:
Post a Comment