Minh Tâm - Saigon Giai Phong Online
Thứ
hai, 14/01/2013, 10:14 (GMT+7)
LTS: Trong
thời gian gần đây, sách Bên thắng cuộc của tác giả Huy Đức (đang tham dự một
khóa tu nghiệp tại Đại học Harvard, Mỹ) đã xuất bản phát hành trên mạng, gây sự
chú ý của công luận. Tác giả nhìn lại một giai đoạn lịch sử đã qua của nước ta
từ sau ngày giải phóng, với góc nhìn phiến diện, thậm chí xuyên tạc, phủ nhận
thành tựu cách mạng. Với ý thức tôn trọng lịch sử và có trách nhiệm với vận mệnh
đất nước, nhiều bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến phản biện, bày tỏ chính kiến.
Báo SGGP xin giới thiệu một số bài viết của bạn đọc nhận xét về cuốn sách này.
Chỉ phần 1 Bên thắng cuộc (Giải phóng) của tác giả
Huy Đức thôi, tư liệu đã ngồn ngộn, hiếm có tài liệu nào phong phú như thế. Tác
giả đã sưu tầm, tra cứu, tìm hiểu và cung cấp những thông tin được cho là hàng
hiếm, hàng “độc”. Nhưng đọc kỹ những gì tác giả thể hiện trong tác phẩm, người
đọc có quyền nghi ngờ.
1. Xuyên suốt
quyển sách, tác giả cố làm cho rõ ràng những chuyện của bên thắng cuộc. Tác giả
không gọi tên “bên thua cuộc” nhưng với những gì thể hiện trong cuốn sách thì
không thể không có câu hỏi được đặt ra: Bên còn lại là gì nếu không phải là
“bên thua cuộc”? Và “bên thua cuộc” là ai? Với những gì trong tập sách, dường
như tác giả muốn nói đến chính những người đồng bào của mình - như một sự mặc
định?
Ở điểm này, tôi có hai điều băn khoăn. Thứ nhất,
trong sách tuy Huy Đức không nhắc gì đến “bên thua cuộc” thực sự nhưng dường
như tác giả đã lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất của cuộc chiến tranh tại
Việt Nam những năm 1954 - 1975. Đó là một cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc
Mỹ, từ việc dựng lên chính quyền tay sai rồi đến trực tiếp đưa quân tham chiến.
Chiến thắng năm 1975 thực sự là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đối với chủ
nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đế quốc Mỹ sau nhiều năm can thiệp trực tiếp hoặc
gián tiếp, hao tốn nhiều tiền của và sinh mạng, đồng thời cũng gây bao nhiêu
đau thương, mất mát cho dân tộc ta, chính là kẻ thua cuộc. Thứ hai,
tác giả đã “xô” tất cả những người vốn là nạn nhân - gián tiếp hoặc trực tiếp -
của chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam vào “bên thua cuộc”. Dường như Huy
Đức đã để cho người đọc thấy rằng những người đó đã “ngoi ngóp” với những sự
kiện chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước bấy giờ. Kỳ thực, tất cả không
hoàn toàn như Huy Đức thể hiện.
Chúng ta đều biết có những cá nhân trưởng thành,
thành danh từ chế độ cũ và tài năng đã thăng hoa sau ngày thống nhất đất nước.
Diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín là một thí dụ. Anh thực sự được mọi người
nhớ đến với vai chính Nguyễn Thành Luân - hình tượng nghệ thuật của nhà tình
báo Phạm Ngọc Thảo - trong bộ phim “kinh điển” Ván bài lật ngửa. Hay nhà kinh
tế học, một nhân sĩ rất nổi tiếng là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (1921 - 2003),
người từng 2 lần làm quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn, sau này trở thành đại
biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là cố vấn kinh tế cho các nhà lãnh
đạo hàng đầu đất nước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…
Chúng ta cũng đều nhớ rằng sau ngày 30-4-1975, khi
Tổng Bí thư Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, ông nắm tay đưa lên
cao, nói với giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải
của riêng ai”. Vâng, đối với người Việt Nam, đây là một thắng lợi chung của cả
dân tộc chứ không phải thắng lợi của ai đó và số khác bị thua cuộc. Nhìn lại
suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hầu như gia đình nào cũng có mất mát.
Rất nhiều gia đình có người theo bên này hoặc bên kia, ngay cả sự đối đầu nhau
về ý thức hệ, về chiến tuyến cũng đã là mất mát. Rồi tính mạng và tài sản, tự
do và hạnh phúc…, buộc người ta phải lựa chọn, đánh đổi ở hầu hết các gia đình
tại miền Nam.
Không chỉ vậy, rất nhiều đàn ông hiện tuổi từ 60
trở lên, trước năm 1975 đã phải hủy hoại thân thể để tránh đi quân dịch, người
chặt ngón tay, kẻ làm hỏng mắt… Cũng có không ít người khác đã đi quân dịch rồi
phải tự hủy hoại thân thể của mình để được giải ngũ hoặc chỉ để được… ở tù nhằm
tránh phải hy sinh vô nghĩa cho chiến tranh dù họ là những người được trả lương
cao, được “trang bị tận răng”. Họ đều là nạn nhân của chiến tranh. Và, khi
chiến tranh kết thúc, mọi người đều vui mừng, bởi người ta không còn lo bị bom
rơi đạn lạc, không trở thành nạn nhân của những vụ thảm sát kiểu Sơn Mỹ, Thạnh
Phong, không phải tự hủy mình để khỏi đi quân dịch…
Lẽ nào ngày kết thúc chiến tranh, họ lại là người
thua cuộc?
2. Xuyên suốt
trong quyển sách, có vẻ như Huy Đức chỉ thuần túy nêu sự kiện, không bình luận;
nếu có bình luận thì chỉ dẫn lời của ai đó, với nguồn dẫn chứng rõ ràng, cụ
thể, mà như muốn cho người đọc thấy sự khách quan, không định kiến, không phiến
diện của tác giả. Thế nhưng, dù cố “giấu mình” nhưng qua chính những sự kiện
trong cuốn sách, bằng góc độ tiếp cận thông tin, lựa chọn, xử lý thông tin và
trình bày ra cho người đọc các chi tiết của sự kiện, của thông tin đó, tự bản
thân nó đã thể hiện quan điểm, ý đồ của người viết.
Các sự kiện trong Bên thắng cuộc thường xuyên và
liên tục được thể hiện theo cách thức đó. Qua những sự kiện, những tư liệu phục
vụ cho ý đồ của mình, tác giả đã cho người đọc thấy một màu rất tối cho cả
quãng đường mấy mươi năm sau ngày thống nhất đất nước. Chẳng hạn, tác giả nói
khá nhiều về vấn đề “học tập cải tạo” của những người làm việc cho chế độ cũ,
việc “cải tạo tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp”… Nhưng nếu chỉ nhìn một mặt
của vấn đề thì tất yếu là chưa đầy đủ, chủ quan, phiến diện. Và, với một số sai
lầm, hạn chế, không hoàn toàn do chủ trương chung mà do nhận thức, cách hành xử
(sự hăng hái quá mức trong khi lại khá ấu trĩ…) của một số cán bộ, đảng viên
thừa hành lúc bấy giờ.
Do đó, vì không có quan điểm lịch sử cụ thể, không
có cái nhìn bao quát, toàn diện, cộng với ý đồ không thực sự trong sáng, thể
hiện bằng một sự lập lờ, tác giả đã cố ý gây ngộ nhận cho người đọc. Sự ngộ
nhận đó thật nguy hiểm!
3. Châm ngôn có
câu: Một nửa ổ bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật thì không phải là sự thật.
Thế nên những “sự thật” được trưng ra trong Bên thắng cuộc theo cách của tác
giả không khỏi khiến người ta nghi ngờ về tính trung thực, khách quan của nó.
Có thể diễn đạt thế này: trong một chuỗi các sự kiện, người nào quan tâm đến
chi tiết nào hoặc chi tiết nào thấy có lợi cho mình, đúng với ý đồ của mình thì
bóc tách chi tiết đó ra và xem đó là toàn bộ sự kiện, toàn bộ sự thật. Khi đó,
sự chính xác của chi tiết không đảm bảo cho tính khách quan và đúng đắn của sự
kiện. Lẽ dĩ nhiên, không thể có sự thật kiểu như thế. Lắm lúc, nó còn trở nên
giả dối.
Lê Quang Liễn, một thiếu tá của quân đội chế độ Sài
Gòn, trong bức thư phản đối Huy Đức (được đăng trên nhiều trang mạng) đã viết:
“Một nhà báo chân chính phải viết cho sự thật, vì lương tâm thì đừng bao giờ
gán, chụp cho những người vắng mặt những gì vì lợi ích cho bản thân, phe nhóm”.
Nhưng trên thực tế, theo logic của sự “cắt cúp” sự kiện theo ý đồ riêng của tác
giả, thì ngay cả ý kiến của những người “có mặt” cũng khiến người đọc có quyền
nghi ngờ các trích dẫn.
Vì vậy, dù trưng ra nguồn từ những tài liệu được
cho là đáng tin cậy, ý kiến của nhiều nhân vật có uy tín, khi đọc Bên thắng
cuộc, người ta không rõ được đâu là “sự thực tuyệt đối” (tức là có đầy đủ các
chi tiết của sự kiện) và đâu là “sự thực tương đối” (chỉ có một vài chi tiết
của sự kiện), cứ hư hư thực thực. Mà chính cái hư hư thực thực đó làm nên sự
lập lờ khiến tác phẩm thực sự nguy hiểm. “Sự thực tương đối” với một dụng ý
thiếu trong sáng có thể gây nhiều điều nguy hại, bởi nó đem đến trong nhận thức
người đọc sự sai lệch cả về hình thức lẫn bản chất.
Đọc cuốn sách, người ta bị chìm trong sự nghi ngờ
năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực điều hành của Nhà nước. Thế nhưng, có một
sự thực hiển nhiên không ai có thể phủ nhận: trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm
vận, bị các thế lực thù địch công kích trên nhiều mặt trận, cả quân sự, chính
trị, kinh tế, ngoại giao, cả ở biên giới Tây Nam lẫn biên giới phía Bắc, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi các cuộc
tấn công quân sự, nâng dần vị thế chính trị của đất nước.
Cho nên, cần thấy cả điểm và diện, thấy cả cây và
rừng thì mới thuyết phục được người đọc. Cũng như người đọc phải đọc được cả
các chi tiết của sự kiện thì mới có thể khẳng định đâu là sự thật.
------------------
- Bài tiếp theo: Hãy tôn trọng lịch sử!
Minh Tâm (Quận 3, TPHCM)
No comments:
Post a Comment