Việt Hà, phóng viên RFA
2013-01-09
Chỉ
cách đây vài tuần, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chỉ định Thượng nghị sĩ
đảng Dân chủ John Kerry làm tân Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm tới thay
thế bà Ngoại trưởng đương nhiệm Hillary Clinton.
Việc
chỉ định này khiến nhiều người quan tâm đến tình hình Việt Nam phải để ý vì
Thượng Nghị sĩ John Kerry là người có gắn bó lâu dài với Việt Nam và là một
trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ
giữa hai nước. Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn nhà cựu ngoại giao người Mỹ đã
từng làm việc ở Việt Nam, ông David Brown về vấn đề này.
Mục tiêu của Hoa Kỳ
Việt Hà: Thưa ông, Tổng
thống Hoa Kỳ Barack Obama mới đây đã chỉ định Thượng Nghị sĩ John Kerry làm tân
Ngoại trưởng Hoa Kỳ thay thế bà Hillary Clinton. Ông John Kerry sẽ nhận nhiệm
vụ mới khi tình hình ở châu Á Thái Bình Dương mà nhất là biển Đông đang trở nên
căng thẳng. Cùng với việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu
Á Thái Bình Dương thì theo ông tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ làm thế nào để có thể
theo đuổi chiến lược này, nhất là tái khẳng định quyền lợi của Mỹ tại biển
Đông?
David Brown: Mọi người chắc chắn
sẽ theo dõi ông John Kerry rất sát sao để xem liệu ông có duy trì được khẳng
định của bà Hillary Clinton trong việc xây dựng lại mối quan hệ hợp tác với
những người bạn của Mỹ ở châu Á. Mục tiêu này của Hoa Kỳ đã được bà Clinton
cũng như Tổng thống Obama nói rõ. Thách thức mà ông Kerry phải đối mặt trong
việc phát triển mối quan hệ này theo cách để đóng góp cho sự ổn định và tin cậy
tại khu vực là Mỹ sẽ phải duy trì sức mạnh có tính xây dựng trong khu vực.
Ông
ấy có thể làm tốt việc này bằng cách đảm bảo một sự cân bằng hợp lý giữa việc
cho thấy sức mạnh quân sự, mặt khác vẫn giúp xây dựng sức mạnh cho châu Á. Ở
đây, tôi nghĩ đến hợp tác thật sự hiệu quả như trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường, buôn lậu thuốc phiện, giáo dục để hỗ trợ sự phát triển bền vững rộng
khắp và pháp quyền trong mối quan hệ giữa các nước.
Việt Hà: Vậy đâu là những
thuận lợi và thách thức mà ông John Kerry sẽ có khi phát triển mối quan hệ Mỹ
Việt trong 4 năm tới?
David Brown: Ông John Kerry đã
chuẩn bị rất kỹ cho vai trò mới của mình. Ông ấy là thành viên lãnh đạo trong
Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ trong suốt 30 năm qua. Ông ấy có sự
hiểu biết sâu sắc về những thách thức về chính sách ngoại giao mà Mỹ phải đối
mặt. Thượng Nghị sĩ John Kerry đã từng nói về hy vọng của Mỹ tạo điều kiện cho
mọi nước được thịnh vượng, một thế giới cũng giống như Mỹ, đề cao dân chủ và
nhân quyền.
Về
chiều sâu và rộng, theo tôi biết, không có một nhà lãnh đạo Mỹ nào khác đã có
một gắn bó lâu dài với Việt Nam như ông Kerry.
Ông
ấy đã được tặng huy chương bởi những phục vụ anh hùng khi ông còn là sĩ quan
hải quân ở vùng đồng bằng sông Mekong. Và cũng giống như nhiều cựu chiến binh
trẻ khác, ông đã trở về từ cuộc chiến Việt Nam với những trăn trở sâu sắc bởi
những gì mà ông đã trải qua. Ông Kerry nói là “khi tôi trở về từ cuộc chiến,
tôi thấy cuộc chiến đó là sai. Có người không thích sự thật là tôi đã đứng lên
và nói không, nhưng tôi đã làm.”
Hai
thập niên sau, với những cựu chiến binh khác gồmThượng Nghị sĩ John McCain, Dân
biểu Pete Peterson và Thượng Nghị sĩ Chuck Hagel, TNS John Kerry đã làm việc
không biết mệt mỏi để xây dựng mối quan hệ hai nước. Ông ấy đã thăm Việt Nam
hơn chục lần để đàm phán những giải pháp mang tính xây dựng cho vấn đề tù nhân
chiến tranh và chất độc màu da cam. Đối với những người Mỹ, ông đã luôn giải
thích lúc đó là thời điểm để bỏ lại sau lưng quá khứ, giúp quá trình đổi mới ở
Việt Nam và các chính sách toàn cầu hóa.
Tóm
lại, ông John Kerry là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên không cần phải có những buổi
học để hiểu về các vấn đề then chốt trong quan hệ Mỹ Việt. Có thể dự đoán là
ông ấy sẽ giữ mọi việc theo đúng hướng của nó trong tổng thể. Tôi nghĩ mặc dù
ông luôn bị sức ép phải lo về các khủng hoảng ở Trung Đông, Nam Á và các nơi
khác, nhưng ông sẽ coi việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có lợi cho cho
Mỹ và Việt Nam là một ưu tiên khá cao.
Bây
giờ thì Tổng thống Obama chọn Thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc
phòng, tôi tin là cả ông Kerry và ông Hagel sẽ là một nhóm làm việc hiệu quả
với các vấn đề Việt Nam như họ đã từng làm vào hồi đầu những năm 1990 dẫn tới
việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Việt Hà: Theo ông thì quá
trình gắn bó lâu dài của tân ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam sẽ có ảnh hưởng thế
nào tới cách mà ông ấy tiếp cận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam?
David Brown: John Kerry là một
người thực dụng. Ông ấy nói rằng “ở đâu có quyền lợi chung, thì cả Mỹ và Việt
Nam có thể làm việc cùng nhau.” Tất nhiên, ông ấy sẽ thúc giục Việt Nam phải
đảm bảo quyền tự do được quy định trong hiến pháp và cam kết của Việt Nam khi
tham gia vào Tuyên bố về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tôi hình dung là khi
ông ấy gặp các lãnh đạo Việt Nam, ông ấy sẽ nói rằng những nghi ngờ về cam kết
của Việt Nam với tự do thông tin, tự do tín ngưỡng và tự do lập hội, gặp gỡ và
kêu gọi cho những thay đổi – những nghi ngờ này cũng là những nghi ngờ của
nhiều người Mỹ có quan tâm.
Ông
ấy biết là các lãnh đạo Việt Nam muốn có hợp tác chặt chẽ hơn trong trao đổi
quân sự, phát triển năng lượng hạt nhân và mở cửa thị trường. Với những kinh
nghiệm lâu năm khi còn là thành viên trong Quốc hội, ông ấy có thể giải thích
với đối tác Việt Nam rằng có nhiều dân biểu và nghị sĩ quan tâm đến vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam đến mức nó có thể cản trở mối quan hệ chặt chẽ hơn mà các lãnh
đạo Việt Nam đang tìm kiếm.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment