Tháng Một 4, 2013
Hàng tỷ USD đã được các gia đình người Việt chuyển ra
nước ngoài để chi phí cho việc học tập của con em. Đây là ước tính của Phó Vụ
trưởng Vụ hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính Nguyễn Trường Giang.
Con số bấm ngón
tay với một “phép nhân lớp 2” có thể đã tính được: 15.000 USD học phí mỗi năm
và khoảng 106 ngàn du học sinh tại nước ngoài, tức là khoảng 1,5 tỷ USD ra nước
ngoài.
Nhưng cháy máu ngoại tệ trong giáo dục chưa phải là tất cả.
Ngay Singapore, nền y tế của đảo quốc 5 triệu dân này mỗi năm “hút” của người Việt “hàng trăm triệu USD” tiền chữa bệnh. Có quý, 16,5 triệu USD đã được mang đi nhậu rượu. Có năm 165 triệu USD, một cách chính ngạch, được mang ra nhập mỹ phẩm, hay ngót 225 triệu USD chỉ để nhập điện thoại, 200 triệu USD nhập lậu thuốc lá mỗi năm. Hồi tháng 7 vừa rồi, thậm chí những cua của vùng heo hút bắc địa cầu Alaska (Mỹ) cũng nhập về bán tại Hà Nội phục vụ cho một cái thú bỏ rất nhiều tiền để ăn một con cua cũng rất khổng lồ.
Và đã nói đến câu chuyện “chảy máu ngoại tệ”, không thể không nhắc đến những con số khách quan một cách lạnh lùng: Năm 2010, nhập siêu từ TQ là 12,4 tỷ USD và đến tháng 12-2012, con số thâm hụt thương mại đã lên tới 16,7 tỷ USD.
Thế là cả những người dân, cả nền y tế, giáo dục, kinh tế đã, đang, và sẽ còn tham gia vào câu chuyện “chảy máu”.
Với lượng dự trữ ngoại tệ ít ỏi, vào cuối tháng 10-2012 đạt 20 tỷ USD, tương đương 2,4 tháng nhập khẩu, thì rõ ràng, đây chính là những con số minh họa cho căn bệnh “chảy máu ngoại tệ” chưa bao giờ thôi triền miên?
Phải làm sao để ngăn chặn?
Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để giữ học sinh cũng như người bệnh ở lại Việt Nam. Nâng cao khả năng cạnh tranh, cả về chất lượng cũng như giá cả, của hàng Việt, để đồ “Made in VietNam” có thể sống sót trên sân nhà. Khơi dậy tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”… Có quá nhiều câu trả lời và câu nào cũng “xưa như trái đất”.
Nhưng thực ra, cũng có những việc có thể làm ngay và làm được ngay. Chẳng hạn chặn nguồn ngoại tệ đang chảy qua nạn cá độ bất hợp pháp.
Tháng 7-2012, trả lời phỏng vấn VTV, Đại tá Hồ Sỹ Tiến- Cục trưởng Cục CSHS đưa ra ước tính, với hàng triệu người tham gia cá độ trên mạng Internet, “số ngoại tệ dùng để đánh bạc lên tới hàng tỷ USD”.
Tiến trình hợp thức nguồn lực đang chảy mạnh ra nước ngoài này cũng đã được khởi động từ cuối 2006, khi các cơ quan liên quan đặt ra vấn đề quản lý đối với hình thức cá cược bóng đá. Nghị định về kinh doanh đặt cược cho phép thí điểm loại hình đặt cược bóng đá tại Việt Nam thậm chí được Bộ Tài chính xin ý kiến Chính phủ xây dựng từ tháng 11.2010. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm, đến nay, Việt Nam vẫn chưa thừa nhận loại hình kinh doanh này.
Thế nào “Nhạy cảm”? Là bởi cá cược cũng là đánh bạc, thứ mà những người nắm quyền quyết định cho là không thể tồn tại trong một xã hội tốt đẹp như xã hội chúng ta.
Trong khi đó, ngoại tệ vẫn chảy ra xã hội không tốt đẹp.
No comments:
Post a Comment