12-1-2013
Lời người dịch: Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower, Tổng
thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm sang thăm Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 5,
1957. Ông được tiếp đón trọng thể và đầy đủ danh dự dành cho bậc thượng khách
của chính phủ Hoa Kỳ. Thành công của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong công cuộc
xây dựng nước Việt Nam Cộng Hòa còn non trẻ, đặc biệt trong việc tái định cư
thành công hơn 800 ngàn người tỵ nạn từ miền Bắc, đều được các báo uy tín hàng
đầu của Mỹ coi là "phép lạ". Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã đích
thân ra đón ông tại phi trường, và vợ chồng Tổng thống Eisenhower đã dự tiệc
chiêu đãi được tổ chức tại tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Washington.
Trong thời gian thăm viếng Hoa Kỳ,
Tổng thống Ngô Đình Diệm đã có vinh dự phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Hoa
Kỳ. Bài diễn văn của ông "tuy ngắn nhưng đầy xúc động" đã nhận được
nhiều tràng pháo tay hoan hô của các vị dân biểu Mỹ.
Bài diễn văn đã được đăng toàn văn
trên tờ báo New York Times vào ngày hôm sau. Toàn bộ tựa đề và các tiêu đề là
của tờ báo này. Những phần trong ngoặc là từ biên bản của Quốc hội Hoa Kỳ. Và
người dịch chân thành cảm ơn Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã gởi cho biên bản về
bài diễn văn của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
----------------------------------
Ngô Đình Diệm - Nhân dân không còn
cam phận
Thật là một vinh dự hiếm có cho tôi
khi hôm nay có cơ hội phát biểu với quý vị. Phát biểu với quý vị trong tòa nhà
Quốc hội này, nơi đã hun đúc nên số phận của một trong những quốc gia lớn trên
thế giới.
Tôi tự hào mang đến quý vị dân biểu
lỗi lạc của nước Cộng hòa Hoa Kỳ cao quý những lời chúc huynh đệ tốt đẹp nhất
từ nhân dân Việt Nam. Tôi cũng mang đến đây sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của
nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của nhân dân Hoa Kỳ. Nhân
dân chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng rất lớn lẫn ý nghĩa sâu sắc của sự
trợ giúp này.
Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh
vừa qua, khi Châu Á phá tung xiềng xích, lương tâm của thế giới cuối cùng đã
bừng tỉnh trước sự phát triển sâu sắc và tất yếu- sự ra đời của Châu Á độc lập.
Từ đấy, nhận thức này đã đưa đến sự lên án bằng những lời lẽ cụ thể nhất chế độ
bóc lột cũ mà, trong quá khứ, đã chi phối quan hệ giữa Đông và Tây.
Hiện nay thay thế vào đấy là những
nỗ lực bền bỉ nhằm xác lập phương thức hợp tác quốc tế mới, thích hợp hơn với
những nhu cầu thực sự của thế giới và với triết lý mới của Châu Á.
Chính cuộc chiến đấu giành độc lập,
chính ý thức càng ngày càng sâu sắc của các dân tộc thuộc địa rằng nguồn gốc
của sự nghèo khổ của họ là sự cản trở một cách có hệ thống sự phát triễn kỹ
thuật, cùng với tinh thần dân tộc và xã hội ngày càng cao, tất cả đã kết hợp
lại để tạo ra sự thay đổi toàn diện sâu sắc trong tâm trạng Châu Á và tất cả
điều này đã cho dân chúng Châu Á sự năng động không thể nào cưỡng lại được.
Nhân dân không còn cam phận
Nhân dân Châu Á - vốn đã tủi nhục
từ lâu trong nguyện vọng dân tộc của mình, nhân phẩm của họ đã bị tổn thương -
giờ đây không còn cam phận và thụ động như trong quá khứ. Hiện giờ họ háo hức
bồn chồn. Họ khao khát giảm bớt sự lạc hậu quá lớn về kỹ thuật. Họ đòi hỏi mạnh
mẽ sự phát triễn kinh tế cấp bách và nhanh chóng, nền tảng tốt đẹp duy nhất cho
sự độc lập chính trị dân chủ.
Các nhà lãnh đạo Châu Á - dù ý thức
hệ của họ là gì chăng nữa- tất cả đều đối mặt với sự cấp bách bi kịch của những
vấn đề xã hội và kinh tế. Dưới áp lực mạnh mẽ của nhân dân mình, họ buộc lòng
chấp nhận kế hoạch kinh tế. Kế hoạch như thế nhất định gây ra những hậu quả
chính trị nghiêm trọng.
Chính vì lý do này chủ đề chính của
các cuộc tranh luận chính trị trong nước ở các quốc gia Châu Á đều tập trung
vào mức độ kế hoạch cần thiết, phương pháp cần phải có để tạo ra những kết quả
thực tế cấp bách.
Phải chăng mọi thứ nên được kế
hoạch? Hay sự kế hoạch chỉ nên giới hạn vào các khu vực thiết yếu? Phải chăng
nên chấp nhận những phương pháp dân chủ hay những phương pháp toàn trị tàn bạo?
Chính trong cuộc tranh luận này-ở
tại nhiều nước không may bị ảnh hưởng bởi những lời hứa hẹn giả dối nhưng quyến
rũ của chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa cộng sản-những nỗ lực đang nhằm gìn giữ
nền dân chủ tự do qua viện trợ từ các nước công nghiệp Tây phương đóng vai trò
rất quan trọng. Vì danh dự của con người, Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng nhất vào
mục đích này.
Kính thưa quý vị trong Quốc hội,
qua những điểm chính và khái quát chung, những điều này là những vấn đề các
nước Châu Á đang đối mặt. Những điều này là những mục tiêu phải đạt được và là
những phương cách phải được đề xuất. Những điều này cũng là những áp lực và cám
dỗ trong nước mà các nhà lãnh đạo Châu Á đối mặt.
Khu vực nhạy cảm
Ở lục địa Châu Á rộng lớn, Việt Nam
nhận thức mình ở khu vực nhạy cảm nhất. Mặc dù Việt Nam đối mặt với những vấn
đề chung của các nước Châu Á khác, nhưng do vị trí địa lý chính trị nhạy cảm
của mình những vấn đề của Việt Nam nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Nằm ở một trong những điểm tiếp cận
chiến lược những nguyên liệu quan trọng của Đông Nam Á-sở hữu những nguyên liệu
này mang tính chất rất quyết định- bị cản trở phát triễn bởi một trăm năm đô hộ
nước ngoài, bị cạn kiệt bởi mười lăm năm chiến tranh và tàn phá, nửa miền bắc
của lãnh thổ Việt Nam lại rơi vào tay Cộng sản, Việt Nam tự do hiện ở trong
hoàn cảnh bị đe dọa và nghiêm trọng hơn các nước Châu Á khác.
Bằng sự hy sinh to lớn của con
người và nhờ vào viện trợ từ nhân dân Mỹ hào phóng, trong thời gian kỷ lục,
Việt Nam tự do đã khắc phục thành công những hỗn loạn do chiến tranh và hiệp
định Geneva tạo ra. Sự kiến thiết và ổn định quốc gia mà đã đạt được ấy đã giúp
hội nhập hơn 860.000 người tỵ nạn vào nền kinh tế của 11 triệu người khác ở
Việt Nam tự do và đã giúp thông qua những cải cách chính trị và kinh tế quan
trọng.
Tuy nhiên, vào lúc tất cả Châu Á
đang chuyển từ nền văn minh này sang nền văn minh khác, vào thời điểm khi tất
cả các vấn đề quan trọng đều nảy sinh cùng một lúc đối với các nhà lãnh đạo và
đều dường như đòi hỏi giải quyết cấp bách, vào lúc khi tất cả đều phải được
thực hiện trong bầu không khí căng thẳng cách mạng ngày càng cao, hơn các quốc gia
khác, Việt Nam càng thấy cần thiết phải thông qua một số nguyên tắc, đường lối
chỉ đạo hành động nào đấy, không chỉ để bảo vệ mình khỏi những cám dỗ toàn trị
mà còn, trước hết, để giúp cho mình đạt được độc lập thay vì hỗn loạn, để bảo
vệ hòa bình mà không hy sinh độc lập, để đạt được tiến bộ kinh tế mà không hy
sinh các quyền tự do của con người.
Trích dẫn học thuyết năm 1956
Chính vì những lý do này - dựa vào
các cội nguồn văn hóa Châu Á, và trong truyền thống dân chủ Việt Nam của chúng
tôi - tôi đã có danh dự định rõ học thuyết này trong thông điệp đọc trước Quốc
hội Lập hiến vào ngày 17 tháng 4 năm 1956. Tôi xin mạn phép trích dẫn từ thông
điệp ấy những đoạn ý nghĩa nhất, vì chúng tạo thành nền tảng của hiến pháp
chúng tôi.
Tôi trích:
"Trong hoàn cảnh những lực
lượng trấn áp vật chất và chính trị quá mạnh thường xuyên đe dọa chúng ta,
chúng ta cảm thấy, hơn các dân tộc khác, nhu cầu rất quan trọng đặt cuộc sống
chính trị của chúng ta trên một nền tảng vững chắc và thúc đẩy một cách rất
chính xác những bước kế tiếp trong hành động của mình theo những đường lối mà
sẽ chắc chắn tạo ra mức độ tiến bộ dân chủ lớn nhất.
(Vỗ tay.)
"Điều này chỉ có thể là duy
linh, đường lối ấy con người theo đuổi trong hiện thực mật thiết của họ cũng
như trong cuộc sống cộng đồng của họ, trong nghề nghiệp của họ cũng như trong
sự theo đuổi tự do sự hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, và tinh thần.
"Vì thế, chúng ta khẳng định
niềm tin của mình vào giá trị tuyệt đối của con người-nhân phẩm của họ có trước
xã hội và số phận của họ lớn hơn thời gian.
(Vỗ tay.)
"Chúng ta khẳng định mục đích
chính đáng duy nhất của nhà nước là bảo vệ quyền tồn tại, quyền phát triễn tự
do cuộc sống trí tuệ, đạo đức và tinh thần căn bản của con người.
"Chúng ta khẳng định dân chủ
không phải là hạnh phúc vật chất cũng không phải là quyền lực tối cao của thành
viên. Dân chủ về cơ bản là một nỗ lực trường tồn nhằm tìm ra những phương tiện
chính trị đúng để đảm bào cho tất cả mọi công dân quyền phát triễn tự do và
quyền sáng kiến, trách nhiệm, và cuộc sống tinh thần cao nhất."
(Vỗ tay.)
Chủ đề phát triển
Chúng tôi tin chắc rằng với những
nguyên tắc chỉ đạo này như là chủ đề trọng tâm cho sự phát triển các thể chế
chính trị của mình, Việt Nam sẽ có thể tạo ra chế độ chính trị và kinh tế mà
không phải là một hệ thống đóng kín nhưng là hệ thống mở, càng ngày càng mở
rộng cho đến khi nào hệ thống đạt đến các phương diện tự do của con người.
Việt Nam Cộng Hòa, nền cộng hòa non
trẻ nhất ở Châu Á, chẳng bao lâu nữa sẽ tròn hai tuổi. Nền cộng hòa của chúng
tôi sinh ra từ trong vô vàn đau khổ. Nền cộng hòa ấy đang can đảm đương đầu với
cuộc cạnh tranh kinh tế với những người cộng sản, cho dù hoàn cảnh khó khăn và
nghiêm trọng, mà mỗi ngày lại càng trở nên phức tạp hơn.
Việt Nam, tuy nhiên, có lý do chính
đáng để tin tưởng và hy vọng. Nhân dân Việt Nam thông minh, tháo vát và can
đảm. Họ cũng có thêm được sức mạnh nhờ sự giúp đỡ vật chất và tinh thần họ nhận
được từ thế giới tự do, đặc biệt sự giúp đỡ từ nhân dân Mỹ.
Trong hoàn cảnh căng thẳng quốc tế
và áp lực cộng sản ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng tôi không thể nào lập lại
biết bao nhiêu lần cho đủ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam trước sự
giúp đỡ của Mỹ và nhân dân Việt Nam ý thức rất cao về tầm quan trọng, ý nghĩa
sâu sắc, và số lượng của sự giúp đỡ này.
Quả thực, chưa bao giờ lúc nào
trong lịch sử những cuộc xung đột phát sinh giữa các dân tộc lại quan hệ cấp
bách như thế đến nền văn minh như những cuộc xung đột ngày nay.
Sự đóng góp kịp thời của Hoa Kỳ
Chính qua những đóng góp kịp thời
và đầy đủ cho sự kiến thiết cuộc sống kinh tế và kỹ thuật của chúng tôi-nhờ đấy
tạo ra mức sống cao hơn-thế giới tự do, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, đang khẳng
định sự thành công của hệ thống hợp tác quốc tế mới.
Hành động này đã góp phần bảo vệ
Đông Nam Á và ngăn cản những nguyên liệu trong vùng này không rơi vào tay Cộng
sản.
Mặc dù nền kinh tế chúng tôi bị
thiệt hại nặng nề do chiến tranh, tàn phá, và chủ nghĩa thực dân, nhưng bây giờ
nhân dân Việt Nam đang tăng gia đóng góp vào quốc gia mình. Cách đây vài tháng
Quốc hội Lập hiến đã bỏ phiếu thông qua nhiều thuế mới và cao hơn nhằm mang lại
thu nhập cần thiết cho ngân sách quốc gia. Mới đây sắc lịnh quân dịch quốc gia
đã được ban hành và cách đây hai tháng chúng tôi đã đưa ra bản tuyên bố toàn
diện về chính sách nhằm mục đích khích lệ đầu tư tư nhân từ nước ngoài.
Chính trên bình diện đạo đức cao cả
này chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ rộng rãi và quên mình mà chúng tôi
đã nhận được từ nhân dân Hoa Kỳ. Chính trên cũng bình diện này quyền lợi của
Việt Nam hoàn toàn giống với quyền lợi của nhân dân thế giới tự do.
(Vỗ tay.)
Chính trên bình diện này cuộc chiến
đấu của các bạn và cuộc chiến đấu của chúng tôi đều chỉ là một và giống nhau.
Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản.
(Vỗ tay.)
Chính trong niềm xác tín này và
chính trong sự ghi nhớ sâu sắc và không bao giờ phai nhạt trong lòng về việc
nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ đã theo dõi những nỗ lực của chúng tôi với tất cả
sự thấu hiểu cảm thông chí tình tôi xin kết thúc, và lần nữa tôi cảm ơn Tổng
thống, Chủ tịch Hạ Viện và quý vị trong Quốc hội về vinh dự đã dành cho tôi và
cảm ơn quý vị đã ân cần lắng nghe.
(Mọi người đứng lên vỗ tay.)
Trần Quốc Việt dịch
*Nguồn:
1. New York Times ngày 10 tháng 5,
1957. Tựa đề của New York Times
2. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ-
HeinOnline -103 Congressional Record 6699 1957 & 103 Congressional Record
6700 1957
No comments:
Post a Comment