Tuesday 1 January 2013

LỆNH LỤC SOÁT TÀU Ở BIỂN ĐÔNG CÓ HIỆU LỰC (BBC)




BBC
Cập nhật: 12:13 GMT - thứ ba, 1 tháng 1, 2013

Quy định mới của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc về chặn và lục soát tàu nước ngoài bắt đầu có hiệu lực cùng ngày Việt Nam thực thi Luật Biển.
Hồi cuối tháng 11, Cảnh sát Hải Nam đã được trung ương trao  quyền khám xét tàu thuyền đi vào vùng mà Trung Quốc coi là “vi phạm lãnh hải” của họ ở Biển Đông và quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

Trong một nỗ lực dường như nhằm để giảm bớt căng thẳng với các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói quy định mới chỉ được áp dụng gần khu vực bờ biển của Hải Nam.

Bà Hoa Xuân Oánh được Reuters dẫn lời nói quy định mới sẽ chi được áp dụng trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển đảo Hải Nam theo luật đã được Trung Quốc thông qua năm 1999.
 “Điều tôi cần nhấn mạnh là các quy định cấp địa phương được chính quyền tỉnh Hải Nam thiết lập là để củng cố việc kiểm soát biên giới biển và mục đích là để xử lý tội phạm hàng hải cũng như duy trì hòa bình ngoài biển.
“Không có sự thay đổi nào về qui mô đối với quy đinh này khi được thực thi so với các qui định năm 1999”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại rằng lập trường của chính phủ Trung Quốc là không thay đổi, và rằng Bắc Kinh ủng hộ việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển qua đối thoại với các nước tuyên bố có chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông.
“Tôi nghĩ rằng tất cả các bên nên có thái độ công bằng và khách quan về chủ đề này cũng như nên có thiện chí và tinh thần xây dựng”.

Trong khi đó Tân Hoa Xã chạy tin cho hay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thúc giục Việt Nam kiềm chế hành động làm phức tạp và leo thang các vấn đề liên quan tới hai nước trong bối cảnh Luật Biển của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2013.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn, được dẫn lời nói rằng “Trung Quốc hết sức quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực đối với việc thực hiện Luật Biển của Việt Nam trong đó Hà Nội mô tả đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Truyền thông trong nước mô tả điều họ gọi là Luật Biển Việt Nam, được Quốc hội thông qua vào giữa năm 2012, có thể xem là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng bin, đảo thuc ch quyn ca Vit Nam theo đúng công ước Luật Biển năm 1982.

Luật Biển 2012 này tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Việt Nam đã có phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong đó ông Nguyễn Tấn Dũng  khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Luật Biển này cũng quy định chi tiết về các hoạt động trong vùng biển Việt Nam, quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua.

Ngoài ra Hà Nội cũng khẳng định, thông qua luật biển này, rằng Việt Nam nhất quán “giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982, luật pháp và thực tiễn quốc tế”.


----------------------------------------



BBC
Cập nhật: 15:52 GMT - thứ ba, 1 tháng 1, 2013

Có tin nói Trung Quốc triển khai thêm tàu khu trục có vũ khí chống tàu ngầm và các tính năng tàng hình ra Biển Đông.
Báo China Times của Đài Loan cho hay khu trục Liễu Châu lớp 054A sẽ là tàu chiến thứ sáu thuộc chủng loại 054 được Hải quân Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Hoa điều động ra cùng Hạm Đội Nam Hải.
Mặc dù Liễu Châu không có thiết kế mới nhưng đây sẽ là khu trục có lợi thế công nghệ mới nhất.
Được trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung, tàu chiến này có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 50 km.
Ngoài ra tàu Liễu Châu còn được đóng với vật liệu triệt tiêu radar đối phương để tránh bị phát hiện khi di chuyển.
Mặc dù không có sức công phá lớn bằng tàu chiến lớp Sovremenny của Nga, Liễu Châu được đánh giá là dạng tàu chiến đa năng trong hạm đội tàu chiến của Trung Quốc, theo China Times.
Các nhà phân tích tin cho rằng rằng nhiệm vụ chính của khu trục Liễu Châu, nằm trong số 16 tàu khu trục cùng chủng loại và đang được Hải quân đưa vào hoạt động, là để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong khu vực đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Vào ngày 27/12/2012 cho biết họ đã cử tàu Hải Tuần 21, thuộc loại chuyên đi đại dương và có bãi đáp cho trực thăng ra vùng Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.
Tàu Hải Tuần, có tầm hoạt động tối đa mà không cần tiếp liệu bốn nghìn hải lý (7.408 km), thuộc sự quản lý của Cơ quan An toàn Hàng hải của tỉnh Hải Nam.
Vào tháng 11, Trung Quốc cho hay chiến đấu cơ J-15 lần đầu tiên hạ cánh thành công trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập mới đây.

'Chạy đua vũ trang'
Giới quan sát đánh giá việc tăng cường hải quân của Trung Quốc gần đây là để phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Việc tăng cường tàu của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và ở vùng biển Đông Trung Hoa nơi có đảo tranh chấp Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku.
Hồi đầu tháng này một máy bay của Trung Quốc bay trên vùng biển Đông Trung Hoa trong điều mà Nhật Bản coi là sự vi phạm không phận lần đầu tiên xảy ra từ năm 1958.
Các nước tuyên bố có chủ quyền tại Biển Đông gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đang cố gắng tìm cách tạo cân bằng trước sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Cả những nước không dính trực tiếp vào tranh chấp này như Indonesia, Thái Lan và Singapore cũng tập trung chú ý tới vấn đề an ninh hàng hải.
Hơn 90% vũ khí của Việt Nam - bao gồm các tàu khu trục, máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa bờ biển Bastion - là do Nga cung cấp trong khoảng thời gian 2007-11, nhưng Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa bằng cách đàm phán với các nước khác trong đó có Hà Lan và Hoa Kỳ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats