Sunday, 20 January 2013

LÀM SAO LẤY LẠI QUYỀN LÀM NGƯỜI CHO VIỆT NAM (Trần Phương - Con Đường Việt Nam)




Trần Phương  -   Con đường Việt Nam
Đăng bởi Lê Quốc Tuấn vào Sun, 01/20/2013 - 11:34.

Vì sao Việt Nam vẫn là một đất nước toàn trị chà đạp lên quyền con người trong khi hầu hết các nước trong khu vực đã ít nhiều thay đổi? Vì sao chỉ một nhóm nhỏ có vài chục ngàn người lại thống trị chuyên chế được đến gần 100 triệu dân? Làm sao để nhân dân Việt Nam lấy lại quyền làm người đã bị tước đoạt hàng thế kỷ rồi?

Đã có rất nhiều nghiên cứu để lý giải và trả lời những câu hỏi trên. Hầu hết đều đúng và hay nhưng tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu đi thảm hại. Vì sao vậy? Theo phân tích của tôi đó là vì chúng ta nói nhiều hơn làm. Hay chính xác hơn là các giải pháp và hành động của những người và tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền thiên về nói, về viết; chứ không phải bằng những hoạt động cụ thể, thực tế và mang tính biểu tượng cao để thu hút và thuyết phục quần chúng. Ở nước ta bây giờ không thiếu những tiếng nói mạnh mẽ, từ các nhà văn, nhà khoa học, sinh viên, đảng viên đến đại biểu quốc hội và cả chủ tịch nước. Người dân đều nghe, đều đọc được hết, ngay cả ở vùng xa xôi. Đầu tiên nghe hay, lạ thì họ thích và cũng không tiếc lời ca tụng. Đến lần thứ hai, thứ ba nghe thì họ vẫn thích và bảo những người này dám nói, dũng cảm đây. Nhưng đến lần thứ tư, thứ năm và thứ n thì họ bắt đầu ngán vì thấy hiện trạng vẫn thế. Người nóng nảy, bi quan thì bảo biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Người bình tĩnh, lạc quan khi thì nghĩ “cũng phải từ từ”. Nhưng đa số xem những lời nói, bài viết mạnh dạn sau rất nhiều lần như vậy chỉ như những món “giải trí” tinh thần trong một không khí mà báo chí và sự thật bị bóp nghẹt quá mức.

Đúng là chúng ta thiếu sự hoạt động hiệu quả. Ngay cả những người được tiếng là dũng cảm, nói và viết rất hay lại rất thiếu, chính xác hơn là sợ, những hoạt động thực tế. Điều đáng buồn là lý do làm họ sợ là ở chỗ: vì những hoạt động đó có thể tạo ra kết quả thực tế. Vì có thể tạo ra kết quả thực tế nên an ninh sẵn sàng ngăn chặn, đe dọa đến an nguy của họ. Do vậy, họ chọn một cách an toàn bằng cách vạch một đường giới hạn cho việc làm của mình chỉ dừng lại bằng những hành động nói và viết. Bây giờ số người nói và viết mạnh dạn đã khá nhiều rồi, còn đang rộ lên như nấm mùa mưa. Nên an ninh không đủ sức để ngăn chặn những việc làm này. Hơn nữa an ninh cũng đủ ma mãnh để hiểu rằng những hành động trên giấy, trên miệng này không đủ để tạo nên sự đe dọa đối với chế độ toàn trị. Do đó chỉ cần thỉnh thoảng “ khều” nhẹ vài người để những người này “la toáng” lên mạng. Như vậy cũng đủ “rung cây nhát khỉ” những người khác để nấm không quá nở rộ là được rồi. Nhiệm vụ trọng tâm của an ninh bây giờ là tập trung phá những hoạt động hữu hiệu có thể mang lại kết quả thực tế, đe dọa sự toàn trị. Cánh an ninh làm bộ như lo ngại ghê gớm về những bài viết, lời nói như vậy, như là chúng sắp giật sập chế độ đến nơi rồi. Nhưng theo đánh giá của tôi thì dù nấm có nở rộ tiếp 10 năm nữa thì sự toàn trị của cộng sản vẫn cứ y xì nếu những hành động đấu tranh vì nhân quyền vẫn thiếu vắng các hoạt động thực tế hữu hiệu.

Nếu bạn yêu cầu tôi một dẫn chứng cụ thể thì xin lấy trường hợp một phong trào vì quyền con người ra đời cách đây 6 tháng. Nó đã muốn thực hiện một hoạt động thực tế mà nếu thành công thì sẽ đưa đến hiệu quả lớn. Đó chính là ngay khi ra đời nó đã mời gọi gần như toàn bộ những người có tiếng là dám đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền của cả nước. Nhưng những người này đáp ứng ra sao thì bạn biết rồi. Một số người đã phản ứng ngay theo bản năng để bảo vệ ranh giới an toàn của họ bằng cách thể hiện mình “vô tội” với những lời lẽ cay độc miệt thị phong trào này và người phát động nó. Một cây viết được gọi là cự phách không ngần ngại khẳng định nó là con đường vào tù. Nhiều chủ blog có tiếng thì thay nhau phân tích về sự nguy hiểm của phong trào này đối với sự an toàn cá nhân bằng những trí tưởng tượng xuất phát từ sợ hãi. Tôi còn được biết rằng an ninh đã cho người gọi đến một số người được mời với một câu hỏi ngắn gọn nhưng đầy giọng đe dọa: “anh tham gia cái phong trào ấy à?” Và nhận được nhiều câu trả lời với đại ý là: “không, tôi có biết gì đâu. Chúng nó chơi tôi đấy”. Rồi như để chứng minh sự trung thực của mình với an ninh, họ chẳng tiếc bất kỳ lời lẽ nào mà một trí thức chẳng bao giờ nên phát biểu trước công chúng. Không biết họ có biết rằng cùng lúc đó cánh an ninh đang ngồi quan sát và mỉm cười đắc ý. Nhà hoạt động Nguyễn Thanh Giang đã phải nhiều lần than trời vì những thủ đoạn như vậy của an ninh Việt Nam: “mượn dao giết người”, “lấy mỡ nó rán nó”.

Xin được nói rõ là tôi ủng hộ những tiếng nói mạnh mẽ. Đó là cần thiết. Nhưng chưa đủ, và sẽ không bao giờ đủ để thay đổi chế độ toàn trị. Tôi chưa thấy một đất nước nào mà những nhà đấu tranh ở đó không sẵn sàng để vào tù mà có thể chuyển đổi được chế độ độc tài cả. Toàn trị cộng sản còn thâm sâu hơn nữa khi nó lợi dụng và đặt những tiếng nói mạnh mẽ ở ranh giới an toàn để biến chúng thành một cách xả stress cho xã hội đang bị dồn nén quá mức không nổ bung ra. Giả sử an ninh Việt Nam thiếu khôn ngoan, bắt vài chục người được mời hoặc tham gia cái phong trào nói trên thì cuộc cách mạng nhân quyền Việt Nam đã có được một sự kiện tuyệt vời tạo ra một cột mốc xoay chuyển quan trọng rồi. Nó sẽ dẫn đến một sự bùng nổ vì người dân sẽ thấy được một lực lượng tinh hoa không chỉ dám lên tiếng mạnh mẽ mà còn sẵn sàng dấn thân gian khổ để đấu tranh vì quyền con người cho họ. Đừng nghĩ dân trí thấp mà quần chúng không nhận ra được ai thực sự dấn thân, ai chỉ đấu tranh bằng mồm và ai chỉ mượn việc đấu tranh để đạt mục tiêu cá nhân mà không mang lại lợi ích cho họ. Đương nhiên sự thất bại của phong trào này còn có lý do ở người phát động thiếu kỹ năng tổ chức tốt và có phần ngây thơ. Nhưng không phải sự ngây thơ vô tình làm cái bẫy cho an ninh như một người được mời tham gia phong trào đó nhận định. Mà là sự ngây thơ không hiểu được lằn ranh an toàn của những người mình mời gọi họ. Tiếc thay cái lằn ranh đó cũng là ranh giới đảm bảo sự an toàn cho chế độ toàn trị.

Cũng đừng tưởng người dân Việt Nam không quan tâm, chưa mong muốn có đủ quyền làm người. Họ biết họ bị tước đoạt, biết sự cần thiết của các quyền đó để làm cuộc sống họ tốt hơn. Nhưng họ chưa thấy, chưa tin được những ai, lực lượng nào mà họ có thể gửi gắm sự dấn thân của họ để đấu tranh đến được kết quả cuối cùng. Có người phân tích theo tháp nhu cầu Maslow để cho rằng chỉ khi nào nhu cầu vật chất của con người được thỏa mãn thì họ mới quan tâm đến những nhu cầu tinh thần như văn hóa, chính trị. Nhưng lý thuyết này không giải thích được vì sao ở Việt Nam hoặc Trung Quốc đã có nhiều người giàu có, đầy đủ vật chất rồi nhưng đa số họ vẫn sẵn sàng để cho chính quyền đè đầu cưỡi cổ mình nhằm kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Cũng không giải thích được rằng vì sao sinh viên miền nam Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân xuống đường hy sinh cả tính mạng để đấu tranh chống nền độc tài. Rồi những thanh niên nghèo Hồi giáo đã làm nên kỳ tích mùa xuân Ả rập. Và vì sao Miến Điện chuyển hóa dân chủ trong khi thu nhập đầu người ở hàng bét thế giới, thua xa Việt Nam?

Tâm lý chung của số đông quần chúng, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có một mẫu số chung là chỉ muốn nhìn gần vào những gì cụ thể. Đòi hỏi đám đông nhìn xa trông rộng là một việc luôn luôn ảo tưởng. Những nhà lãnh đạo xuất chúng là những người huy động được sức mạnh từ tầm nhìn ngắn hạn của quần chúng để chuyển hóa thành những giá trị dài hạn tốt đẹp cho họ. Từ một tâm lý như vậy nên một biểu tượng để thu hút quần chúng vào những hình ảnh cụ thể thực tế cho một cuộc cách mạng xã hội luôn có giá trị rất lớn dẫn đến thành công. Tâm lý đó không chỉ phổ biến ở châu Á mà ngay ở châu Âu như trường hợp của Valesa (Ba Lan), Havel (Tiệp Khắc) trong việc lật đổ chế độ toàn trị cộng sản ở đó.

Từ những lý do trên, tôi xin mạo muội đưa ra những cách thức sau đây để cuộc cách mạng nhân quyền ở Việt Nam có thể hình thành, lớn mạnh và đạt được kết quả cuối cùng:

1- Các lực lượng đấu tranh cho dân chủ hiện nay cần liên kết ngay lại với nhau bằng cách cam kết cùng nhau đấu tranh cho một mục tiêu duy nhất là lấy lại quyền làm người cho nhân dân Việt Nam. Đây chắc chắn là mục tiêu chung mà tất cả các lực lượng dân chủ đều có, vừa là mong muốn của bất kỳ người dân nào. Hơn nữa để tránh bị mâu thuẫn và chia rẽ thì cần gác bỏ những mục tiêu riêng hoặc đặc thù của mỗi lực lượng chẳng hạn như xóa bỏ chế độ cộng sản. Mục tiêu quyền con người là tối thượng tự thân nó giải quyết được tất cả những mục tiêu khác, từ xóa bỏ sự toàn trị đến thiết lập tam quyền phân lập từ gốc. Cái gốc đó đảm bảo cho một nền dân chủ chứ không phải ngược lại. Nếu có nhiều hơn một mục tiêu thì khó tránh được những tranh cãi, giành giật làm suy yếu sự liên kết và thống nhất. Hơn nữa mục tiêu duy nhất này còn là một chính nghĩa, một sức mạnh to lớn cho một cuộc cách mạng nhân quyền của nhân dân chúng ta. Nếu chế độ toàn trị đàn áp thì chắc chắn nó sẽ không chỉ bị lên án mạnh mẽ bởi cộng đồng tiến bộ quốc tế mà còn gây phẫn uất nghiêm trọng trong lòng dân.

2- Các lực lượng liên kết nay hãy cùng nhau xây dựng một biểu tượng cho cuộc cách mạng nhân quyền này. Đó có thể là hình ảnh kết hợp của một vài người bất khuất, đã hoặc đang bị tù đày ác nghiệt vì đấu tranh cho quyền con người của nhân dân. Hình ảnh đó nếu gắn kết được với một niềm tin về khả năng mang đến sự thịnh vượng cho dân chúng thì sẽ tạo nên được sức mạnh cực lớn. Những hình ảnh biểu tượng này nếu được hỗ trợ bởi những hình ảnh và sự cam kết của vài chục người sẵn sàng dấn thân vào tù để tiếp nối sự đấu tranh cho cuộc cách mạng nhân quyền đi đến kết quả cuối cùng thì chắc chắn sẽ tạo nên một làn sóng mãnh liệt thu hút quần chúng vào cuộc cách mạng, hết lớp này đến lớp khác. Đồng bào bên ngoài sẽ tiếp sức để duy trì ngọn lửa đấu tranh trong nước. Cộng sản hiểu rất rõ giá trị của biểu tượng nên sẵn sàng bỏ bao nhiêu công sức tôn tạo hình ảnh của Hồ Chí Minh để duy trì sức mạnh cho chế độ toàn trị. Cuộc cách mạng nhân quyền mà không biết tận dụng thế mạnh này thì đã thua mất một sức mạnh quan trọng rồi. Nhưng cần lưu ý là xây dựng biểu tượng chứ không phải thần tượng như các chế độ cộng sản. Thần tượng luôn gắn với sự mù quáng nên không mang đến tương lai tốt đẹp lâu dài.

3- Hãy cùng nhau đưa ra một hiến chương đòi quyền thật ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu đối với quần chúng, trực tiếp và dứt khoát đối với chính quyền. Vận động nhân dân cùng lên tiếng đòi hỏi đáp ứng hiến chương này bằng nhiều hình thức khác nhau, từ thỉnh nguyện thư cá nhân đến các yêu cầu tập thể. Yêu cầu chính quyền đáp ứng và đề nghị cộng đồng quốc tế trợ giúp. Khi tới một mức độ nào đó mà chính quyền không đáp ứng thì sẵn sàng xuống đường biểu tình để đòi cho bằng được. Cần chuẩn bị tốt để nếu chính quyền đàn áp thì sẽ tự dấy lên một sự kiện lớn thu hút dư luận của quốc tế. Lúc đó cuộc cách mạng nhân quyền Việt Nam sẽ bước vào một bước ngoặt hết sức quan trọng. Đây là điều mà chúng ta thiếu hẳn từ trước đến giờ. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc không đủ sức thuyết phục cộng đồng quốc tế quan tâm khi bị đàn áp. Phải là biểu tình đòi quyền con người, đòi dân chủ.

4- Theo dõi sát tình hình để nắm bắt được thời cơ. Kinh tế đang đi xuống không phanh sẽ làm lòng dân ắt lay chuyển mạnh. Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Sửa đổi hiến pháp, lủng củng nội bộ chính quyền và sự thất bại của đảng cộng sản trong việc giải quyết những vấn nạn và nhu cầu cấp thiết của đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia và Trung Quốc ngày càng lấn lướt táo tợn, v.v… chắc chắn sẽ tạo nên một thời điểm chín muồi cho cuộc cách mạng nhân quyền Việt Nam không lâu nữa.

5- Đưa ra được một thông điệp ngắn gọn cho hiến chương đòi quyền ẩn chứa được các giải pháp cho các vấn đề trên và gợi lên một niềm tin thành công sắp đến cho quần chúng. Đây là việc rất khó nhưng nếu có được một thông điệp như vậy vào thời cơ chín muồi thì sẽ hiệu triệu được quần chúng để đưa cuộc cách mạng nhân quyền Việt Nam về đích.

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn không diễn đạt hết được những lý giải sâu xa. Nhưng có lẽ không cần nói nhiều vì sẽ có không ít người thấu hiểu.

Tôi viết bài này để chia sẻ sự quan sát của tôi nhiều năm nay về con đường đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Nhưng cũng là để dự thi tìm một giải thưởng. Tuy nhiên tôi lại không nhắm cái giải nhất, nhì, ba mà là giải do bạn đọc bình chọn. Vì tôi nghĩ nếu nhiều người bỏ phiếu cho bài này tức là suy nghĩ của tôi đúng và phù hợp với nguyện vọng của đa số quần chúng. Đấy sẽ là một minh chứng thuyết phục cho những lực lượng đấu tranh vì một Việt Nam tự do, dân chủ, giàu mạnh.

Do vậy rất mong các bạn bình chọn cho tôi.

Trần Phương









No comments:

Post a Comment

View My Stats