Trọng Nghĩa – RFI
Thứ sáu 25 Tháng Giêng 2013
Trong cuộc điều trần vào hôm qua 24/01/2013, tại Thượng viện để được chuẩn y làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John Kerry đã phác họa các ưu tiên mà ông muốn thực hiện trong công việc của mình. Đó là giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran, điều hòa quan hệ với Trung Quốc, cũng như đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước các đồng nhiệm vốn không tiếc lời khen ngợi người đã chủ trì Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong bốn năm qua, ông Kerry đã không ngần ngại xác định ngay tính chất hòa hoãn trong đường lối ngoại giao mà ông sẽ theo đuổi, khi bác bỏ xu hướng dùng sức mạnh quân sự để hỗ trợ chính sách ngoại giao.
Ông đồng thời nêu bật một số ưu tư của ông là tình hình Iran cũng như quan hệ với Trung Quốc.
Từ Washington, thông tín viên Raphael Reynes tường trình :
Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ không bó hẹp vào việc gởi máy bay không người lái và binh lính đến hiện trường. Đấy là những lời khẳng định của ông John Kerry vào hôm qua, ngay lúc đầu cuộc điều trần ở Thượng viện.
Đây là câu trả lời cụ thể cho những ai vẫn còn hoài nghi : Ngoại trưởng tương lai của Hoa Kỳ là một người không mấy tin tưởng vào đường lối can thiệp vô tội vạ.
Quan điểm đó được áp dụng đối với cả Iran. Nhưng ông John Kerry cảnh báo là Hoa Kỳ vẫn quyết tâm : “làm mọi điều cần phải làm để ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân”. Ông nhấn mạnh : “Tôi nhắc lại hôm nay, ở đây, chính sách của chúng ta không phải là chính sách vây chặn mà là chính sách phòng ngừa...”.
Theo ông John Kerry, thời gian cũng cấp bách trên một hồ sơ khác : Tiến trình hoà bình Israel - Palestine : Cánh cửa cho giải pháp hai Nhà nước có khả năng khép lại. Riêng về Syria, Ngoại trưởng tương lai nhìn thấy là Bachar al Assad sẽ “không ngồi lâu nữa ở chiếc ghế lãnh đạo ”.
Phải nói là quan điểm tránh việc lúc nào cũng dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn cho chính sách ngoại giao
của ông Kerry không có gì mới. Cũng như người được bổ nhiệm là bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, ông John Kery đi theo đường lối đối ngoại đã từng được tổng thống Obama áp dụng từ năm 2009, với nhiều dấu mốc như quyết định rời khỏi Irak, triệt thoái khỏi Afghanistan, từ chối can thiệp võ trang vào Syria hay Mali…
Đối với châu Á, và đặc biệt là với Trung Quốc, người kế nhiệm bà Hillary Clinton cho biết là ông sẽ tiếp tục chính sách tái cân bằng lực lượng qua vùng châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, việc củng cố quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề thiết yếu cho nước Mỹ.
Điểm mới lạ hơn trong chính sách ngoại giao của ông John Kerry là khái niệm có thể gọi là ngoại giao
mở rộng của ông, bao gồm cả lãnh vực “an ninh lương thực và năng lượng, viện trợ nhân đạo hoặc phát triển ”. Ông không ngần ngại nêu lên thành hàng ưu tiên “vấn đề quan trọng của biến đổi khí hậu”.
Bên cạnh đó, lãnh vực phát huy nhân quyền và dân chủ tiếp tục được coi
trọng, vì theo ông Kerry, ngoài nước Mỹ, “ không một quốc gia nào khác có thể thúc đẩy (manh mẽ hơn) dân chủ và nhân quyền ”. Trên địa hạt này thì rõ ràng là chính sách ngoại giao
của Hoa Kỳ không có gì mới !
------------------------------------------------
BBC
Cập nhật: 04:04 GMT - thứ sáu, 25 tháng 1, 2013
Tại phiên điều
trần ở Quốc hội trước khi được chuẩn y làm ngoại trưởng mới của Hoa
Kỳ, Thượng nghị sỹ John Kerry cảnh báo rằng thất bại của giải pháp
hai nhà nước ở Trung Đông sẽ là ‘thảm họa’.
Tuy nhiên ông
nói rằng ông tin có ‘con đường tiến về phía trước’ trong tiến trình
đàm phán giữa Israel và Palestine.
Các cuộc đàm
phán hòa bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian đã sụp đổ hồi năm 2010.
Là một cựu
binh từng tham chiến ở Việt Nam và vào Thượng viện từ năm 1985, John
Kerry từng đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống hồi năm 2004
nhưng để thua vào tay George W Bush.
Hiện tại ông
là chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện – cơ quan đứng ra chất
vấn ông hôm thứ Năm ngày 24/1. Phiên điều trần do Thượng nghị sỹ Robert
Menedez của tiểu bang New Jersey chủ trì.
Hồ sơ Trung Đông
Kerry cảnh báo
rằng ‘cánh cửa cho giải pháp hai nhà nước có thể đóng lại – và khi
đó sẽ là thảm họa cho tất cả các bên liên quan’.
“Có lẽ đây là lúc chúng ta tái
khởi động các nỗ lực để đưa các bên vào bàn đàm phán ngõ hầu đi
trên một con đường khác biệt với con đường chúng ta đã đi trong những
năm qua,” ông phát biểu
và nói rằng hiện vẫn chưa rõ Israel sẽ có chính phủ mới như thế
nào sau cuộc tổng tuyển cử mới đây.
Tuy nhiên, vị
thượng nghị sỹ của tiểu bang Massachusetts không nêu chi tiết của một
kế hoạch khả thi. Ông nói ông không muốn làm thiên lệch bất kỳ nỗ
lực mới nào cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
Trong suốt
phiên điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ, John Kerry cũng nói rằng
‘sẽ làm những gì phải làm để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt
nhân’.
“Hôm nay tôi nói lại một lần
nữa: chính sách của chúng ta không phải là kiềm chế. Đó là ngăn
chặn và thời gian đang gần cạn để chúng ta cố gắng đạt được một sự
tuân thủ có trách nhiệm,” ông giải trình trước Ủy ban đối ngoại.
Ông nói ông hy
vọng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ tiếp tục duy trì sức ép ngoại giao lên
Iran nhưng cũng nói rằng quốc gia Hồi giáo này cần chứng minh chương
trình hạt nhân của họ chỉ đơn thuần nhằm mục đích hòa bình.
Ngoại trưởng
tương lai của Mỹ cũng nói về những nỗ lực tăng cường quan hệ với
Trung Quốc. Ông nói đây sẽ là một ‘công việc khó khăn’.
Ông cũng mô tả
mình là một ‘người ủng hộ nhiệt thành’ trong hành động chống hiện
tượng ấm lên toàn cầu.
‘Lãnh đạo mẫu mực’
Ngoại trưởng
Hillary Clinton, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sỹ
của tiểu bang Massachusetts Elizabeth Warren đã giới thiệu John Kerry
trước Ủy ban điều trần.
“John là lựa chọn thích hợp,” bà Clinton nhận xét, “Ông ấy sẽ đem đến một bề dày lãnh
đạo và phục vụ mẫu mực.”
Lời nhận xét
của bà Clinton cũng được John McCain hưởng ứng ngay lập tức.
“Chứng kiến hầu như mỗi ngày
phong cách lãnh đạo mẫu mực của ông ấy là một trong những đặc ân cao
quý nhất mà tôi có được ở Thượng viện,” thượng nghị sỹ của tiểu bang
Arizona ca ngợi.
Thượng nghị
sỹ John Kerry là lựa chọn thứ hai của Tổng thống Obama sau khi Đại sứ
Susan Rice tại Liên Hiệp Quốc bị dính vào những tranh cãi xung quanh
vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, hồi tháng 9 năm
ngoái.
Phe Cộng hòa
đã cáo buộc bà Rice là cố tình làm cho người dân Mỹ hiểu sai về
bản chất của vụ tấn công mà đã giết chết bốn người Mỹ này.
Chính phủ
Obama đã giận dữ bác bỏ những cáo buộc này, nhưng bà Rice đã phải
rút lui khỏi đề cử cho vị trí ngoại trưởng.
No comments:
Post a Comment