Wednesday, 16 January 2013

ĐIỀU 4 VỪA TỐN VỪA KHỐN CHO ĐẤT NƯỚC (Phạm Nhật Bình & Lê Vĩnh - Đảng Việt Tân)





Phạm Nhật Bình – Lê Vĩnh
Thứ Tư, 16/01/2013

Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Dù ít ai thấy thiện chí của lãnh đạo đảng CSVN muốn thực sự thay đổi cơ chế hiện tại, nhưng nhiều tiếng nói phân tích giá trị vẫn vang lên khi đảng mở màn "cho dân góp ý sửa đổi hiến pháp". Trong đó, điều 4 -- quy định sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN -- được chú ý và thảo luận nhiều nhất. Những cơ quan tuyên giáo của đảng cũng phải chống đỡ về vấn đề này nhiều nhất.
Kính mời quí vị đọc bài viết Điều Bốn vừa Tốn vừa Khốn cho đất nước của hai tác giả Phạm Nhật Bình - Lê Vĩnh và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng

Mai Hương

Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân


---------------------------------------------------


Dù ít ai thấy thiện chí của lãnh đạo đảng CSVN muốn thực sự thay đổi cơ chế hiện tại, nhưng nhiều tiếng nói phân tích giá trị vẫn vang lên khi đảng mở màn "cho dân góp ý sửa đổi hiến pháp". Trong đó, điều 4 -- quy định sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN -- được chú ý và thảo luận nhiều nhất. Những cơ quan tuyên giáo của đảng cũng phải chống đỡ về vấn đề này nhiều nhất.

Trước hết về nguồn gốc, chúng ta cần nêu ra đây điều luật tương tự của hai chế độ độc tài khét tiếng Đức Quốc Xã và Liên Bang Xô Viết để có thể thấy điều 4 hiến pháp Việt Nam được rước từ đâu về.

Bộ luật ngày 14 tháng 7 năm 1933 quy định Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Đảng Quốc Xã):
Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa là đảng chính trị duy nhất ở Đức.
Bất kỳ người nào duy trì cơ cấu tổ chức của một đảng chính trị khác hoặc thành lập một đảng chính trị mới sẽ bị phạt với mức án đến ba năm khổ sai hoặc với án tù giam từ sáu tháng đến ba năm, nếu hành động không chịu hình phạt cao hơn chiếu theo quy định khác.

Điều 6 hiến pháp năm 1977 của Liên Bang Xô Viết:
Đảng Cộng Sản Liên Xô là: Lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô Viết, là trọng tâm của hệ thống chính trị, mọi tổ chức nhà nước và tổ chức quần chúng. Đảng CSLX hiện hữu vì dân và phục vụ nhân dân. Đảng CSLX trang bị bởi chủ thuyết Mác - Lê, quyết định tổng quát đường hướng phát triển xã hội cho các chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Bang Xô Viết, lãnh đạo công tác xây dựng vĩ đại của nhân dân Xô Viết, đem lại tính kế hoạch, hệ thống và nội dung lý thuyết cho công cuộc tranh đấu đem lại chiến thắng cho chủ nghĩa cộng sản. Mọi cơ cấu của đảng hoạt động trong phạm vi hiến pháp Liên Bang Xô Viết.

Và điều 4 hiến pháp Việt Nam 1992 (bổ sung và sửa đổi năm 2001):
Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Xem ra điều 4 hiến pháp Việt Nam chỉ là sản phẩm sao chép lại của một chủ nghĩa đã không còn ngay tại đất nước sản sinh ra nó. Hay nói rộng hơn, điều 4 hiến pháp Việt Nam là tàn dư của một giai đoạn mà hầu hết nhân loại đã bỏ lại phía sau khi bước lên tầm văn minh mới của thế kỷ 21. Độc tài từ lâu đã đồng nghĩa với bất bình thường, u tối và lạc hậu.

Chính vì thế mà nhiều trí thức Việt vừa buồn vừa bực khi nghe lãnh đạo đảng CSVN vừa bày trò sửa hiến pháp, vừa khẳng định điều 4 vẫn là vùng cấm kỵ - chỉ được phép "bổ sung củng cố" chứ không được bàn chuyện bỏ đi. Khổ nỗi, thực tế đã chứng minh, chính điều 4 này cho đến nay vô hiệu hóa tất cả những điều còn lại và biến bản hiến pháp Việt Nam thành một văn bản hoàn toàn vô giá trị.

Công luận lại càng bực khi lãnh đạo Đảng còn dự tính bổ sung vào điều 4 hiện nay những chữ mà ai cũng biết là sáo rỗng và mị dân, như: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Trước những chỉ trích ngày càng gay gắt, tuyên giáo trung ương bắt đầu tung ra các luận điệu biện hộ cho nỗ lực "đổi mới cho giống cũ" của đảng. Một trong những cái loa lớn của họ lần này là ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đương nhiệm, đồng thời là Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật biện minh cho điều 4 hiến pháp bằng bốn luận điểm chính:

Luận điểm 1: Vì công trạng
Ông Lý chứng minh đảng độc quyền là đương nhiên vì đã được “lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh”. Lịch sử ông Lý nói ở đây hẳn nhiên là lịch sử cách mạng vô sản do Đảng CSVN tạo dựng từ 1930 đến khi cướp được chính quyền năm 1945 và công lớn nhất là “đánh Pháp đuổi Mỹ, thống nhất đất nước”.

Nhiều người đã chỉ ra, đặc biệt là qua ngòi bút của ông Hà Sĩ Phu, đây là kiểu “ăn mày dĩ vãng” khi hiện tại quá bệ rạc. Nhưng cứ tạm coi các điều trên là công trạng đi, và thử theo mạch lý luận của lãnh đạo đảng qua miệng ông Lý xem có thuyết phục không.

Trước hết, nếu theo công thức ai có công người đó ngồi ghế cai trị, thì người cai trị cho đến giờ này, tính theo sổ ghi công của đảng, phải là ông Võ Nguyên Giáp chứ không ai khác. Hoặc nếu tính theo công trạng gần nhất, thì phải để các tướng từng chỉ huy đánh xâm lược Tàu từ năm 1979 đến năm 1988 lên lãnh đạo cả nước mới đúng chứ. Còn hàng lãnh đạo hiện giờ có ai “đánh Pháp đuổi Mỹ chống Tàu” ngày nào đâu? Ngược lại, họ chỉ làm được mỗi việc là sụp lạy 16 chữ vàng - 4 tốt và nhượng liên tục chủ quyền quốc gia cho Trung Quốc. Công trạng mang tính "lịch sử cách mạng" của họ ở đâu ra?

Còn nếu theo công thức thừa tự, nghĩa là lãnh đạo đảng ngày nay đương nhiên hưởng nhờ công trạng của lãnh đạo đảng ngày xưa vì cùng đảng cùng chí hướng, thì lại càng có những người đáng hơn. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều dòng họ đã lập công trạng cứu nước và dựng nước hơn xa đảng CSVN, và sự thừa tự của con cháu các dòng họ này vì cùng huyết thống, cùng hoài bão của ông tổ dòng họ hợp lý hơn và mạnh hơn lý do "đồng đảng" rất nhiều. Do đó, nếu xét theo công thức thừa tự thì chiếc ghế cai trị ngày nay phải thuộc về con cháu họ Lý, họ Lê, họ Trần hay con cháu Nguyễn Huệ mới đúng.

Hơn thế nữa, tại sao cứ kể công của đảng - cứ tạm gọi là công đi - mà không kể công của dân? Lịch sử cho thấy cuộc chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp, đặc biệt trong giai đoạn 1945 đến 1954, đã có mặt của toàn dân tộc không phân biệt thành phần tôn giáo, đảng phái, chính kiến, chứ không chỉ có Đảng Cộng sản. Con số đảng viên CSVN vào thời đó rất nhỏ. Và tỉ số đảng viên cộng sản chết so với sự hy sinh tính mạng của dân chúng trên ba miền đất nước lại càng cực nhỏ. Thực tế cho thấy trong chiến đấu, các đảng viên cộng sản thời đó đều đóng vai chính ủy đứng sau hô hào binh sĩ và dân công tiến lên hàng đầu. Do đó, nếu nhìn công trạng theo góc này, thì đáng lẽ phải để các thương binh hay con cháu các liệt sĩ lên lãnh đạo đất nước mới đúng.

Sau hết, lãnh đạo đảng CSVN đòi thưởng công mà sao không nói tới phạt tội? Tội lớn nhất của Đảng là lôi đất nước vào con đường XHCN đầy máu, nước mắt, và lụn bại suốt nhiều chục năm. Đầu thập niên 1990, chủ nghĩa Cộng Sản đã thất bại và sụp đổ ngay trên “cái nôi” của nó ở Liên Xô, thành trì của cách mạng vô sản, kéo theo sự tan vở của 13 nước xã hội chủ nghĩa anh em. Khi hầu hết thế giới đã ném chủ nghĩa tai hại này vào sọt rác lịch sử, đảng CSVN vẫn cố bám víu để bắt dân tộc tiếp tục đeo cái gông cùm này trên cổ. Đó là chưa kể các tội ác do đảng gây ra trong cuộc chiến tranh núi xương sông máu gọi là “đánh Mỹ cứu nước” để làm ngọn cờ đầu bành trướng thế giới cộng sản, và các chính sách làm tàn mạt đất nước từ sau cuộc chiến đó đến tận ngày nay, biến Việt Nam thành mồi ngon cho tham vọng xâm lăng của Trung Quốc hiện nay.

Luận điểm 2: Vì Đảng khẳng định như thế
Ông chủ tịch Ủy ban Pháp luật Quốc Hội Phạm Trung Lý nói Đảng của ông phải tiếp tục cai trị vì “Thực tế hiện nay Đảng Cộng sản cũng khẳng định vai trò lãnh đạo”.
Về mặt lý luận, đây là lối ngụy biện ngang ngược. Sự khẳng định này chẳng khác gì kiểu nói ngang ngược của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông. Họ bảo biển Đông là của họ vì Bắc Kinh đã “khẳng định” chủ quyền trên vùng biển này bằng cái bản đồ “lưỡi bò”.

Nói cách khác, đảng của ông Lý bảo rằng: Không cần biết chủ trước là ai. Cứ cái gì Đảng khẳng định là của Đảng thì Đảng lấy… và cấm đứa nào có khẳng định gì khác.

Lại cũng cần nói thêm, Đảng khẳng định nhiều thứ lắm nhưng xem ra Đảng chỉ áp dụng tuyệt đối các khẳng định về cai trị độc quyền, còn các điều khẳng định khác thì Đảng cứ lờ đi dù cả người Việt lẫn thế giới nhắc nhở liên tục. Cụ thể là các khẳng định về các quyền của người dân ghi ngay trong hiến pháp Việt Nam, khẳng định “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, các khẳng định về các quyền đương nhiên của con người trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính trị mà Đảng long trọng cam kết thi hành.
Và trong nhiều lãnh vực, Đảng còn nhất định làm ngược lại điều họ đã khẳng định hết năm này sang tháng khác. Lúc nào Đảng cũng khẳng định "nhân dân là chủ nhân của đất nước” nhưng mọi chính sách của Đảng đều nhằm mục tiêu làm sao để những người chủ đích thực của đất nước này không thể làm bất kỳ điều gì mà Đảng không cho phép. Thậm chí, trong mấy năm gần đây, khi những người chủ đất nước chỉ mới bày tỏ ước nguyện bảo vệ đất nước của họ trước nạn ngoại xâm, họ đã bị Đảng đánh đập tơi tả.
Như vậy, cái gọi là "vì Đảng đã khẳng định" với đầy tính du đãng đó có chút giá trị gì không?

Luận điểm 3: Vì thực tế cuộc sống
Ông Lý cũng nói rằng lý do đảng ông nên tiếp tục cai trị độc tài vì "Thực tế cuộc sống cũng yêu cầu liên tục khẳng định và giữ điều 4”.

Có lẽ đây là luận điểm mà ông Lý và Tuyên Giáo Trung Ương tự bắn vào chân mình nặng nhất. Vì nhìn vào thực tế cuộc sống hiện nay người ta thấy những gì?

Cái thực tế rành rành hiện nay ai cũng thấy là Đảng làm đâu hỏng đấy, luôn tìm mọi cơ hội ăn cắp, tham nhũng khắp nơi và vô độ, hèn với giặc ác với dân, làm mọi mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa và đời sống suy vi cùng cực. Đó là cái thực tế ảm đạm và là hệ quả trực tiếp của chế độ độc tài.

Nhưng quan trọng hơn nữa, chính các lãnh tụ cao cấp của Đảng như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã thừa nhận: Đảng không có khả năng tự chữa vì tình trạng bê bết toàn diện hiện nay là các “lỗi hệ thống”. Nghĩa là người chữa và người bị đè ra chữa đều có căn bệnh như nhau.

Gần đây nhất, ông Nguyễn Bá Thanh bí thư thành ủy Đà Nẵng, người được đưa lên giữ chức trưởng ban Nội chính trung ương cũng đã từng thừa nhận "Như vậy là suốt 5 nhiệm kỳ 25 năm, chặng đường mà Hàn Quốc dư sức để chuyển từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp, vấn đề xây dựng đảng luôn được đề cập và hết sức quyết liệt, hô hào rất mạnh, nhưng càng xây càng ra nhiều nghị quyết thì tình hình ngày càng xấu thêm, yếu kém và phức tạp hơn".

Vì vậy, tiếp tục duy trì độc tài cai trị của đảng CSVN chỉ đồng nghĩa với tiếp tục làm tệ hại thực tế cuộc sống hiện nay mà thôi.

Và hiển nhiên, không phải lãnh đạo đảng CSVN không biết con đường thoát ra khỏi tình trạng thảm thương hiện nay. Tấm gương Miến Điện quá gần, quá mới, và quá rõ. Lãnh đạo của đất nước độc tài nghèo đói và lệ thuộc Trung Quốc nặng nề hơn Việt Nam gấp nhiều lần đã nhận ra qui luật trong thế kỷ 21: Dân chủ hay là chết - chết cả đảng, cả dân, và cả nước một khi rơi hẳn vào tay ngoại bang.

Do đó, càng nhìn vào thực tế cuộc sống, người ta càng muốn nguyền rủa những kẻ còn cố kéo dài điều 4.

Luận điểm 4: Vì muốn nhấn mạnh trách nhiệm
Ngoài 3 luận điểm trên, ông Lý còn thêm nét trang điểm sau cùng. Ông bảo mục đích của điều 4 là để "Đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng”.
Câu nói này làm nhiều người nghe, người đọc phải phì cười vì toàn bộ sự kiện Hội Nghị 6 Trung Ương đảng CSVN còn mới tinh ngay trước mắt. Một đất nước nghèo như Việt Nam mà mất gần cả trăm tỉ mỹ kim vào các tập đoàn kinh tế rồi chỉ nghe ông thủ tướng nói: “Tôi chỉ chịu trách nhiệm chính trị… tôi không làm gì sai”; Ông chủ tịch nước không dám ngay cả nhắc tới tên người trách nhiệm các đổ bể mà chỉ dám nói nói bóng gió về "Đồng chí X"; Và ông tổng bí thư đảng thiết tha giải thích: “Trọng tâm của Nghị quyết 4 không phải là kỷ luật như nhiều người mong đợi mà là cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn”, vì theo ông “kỷ luật sẽ tạo hận thù”. (Dĩ nhiên còn dân đen như Điếu Cày, như Lê Quốc Quân thì chỉ cần nghi thiếu thuế là đã đủ để bỏ tù). Và thế là sau Hội Nghị 6, mọi người, mọi ngành lại tiếp tục "làm ăn" như chưa hề có cái hội nghị tốn kém và cực vô ích này.

Hiển nhiên tình trạng vô trách nhiệm này không chỉ giới hạn ở thượng tầng chế độ. Với nguyên tắc bất thành văn: luật pháp chỉ áp dụng cho dân chứ không áp dụng cho cán bộ đang nắm quyền và càng không áp dụng cho công an, không ai có trách nhiệm ngăn chận những hành vi cướp bóc công khai ở mọi ngõ ngách xã hội Việt Nam. Các vụ cướp đất của dân cứ tiếp tục lan tràn từ nơi này đến nơi khác, hết Cồn Dầu, lại Tiên Lãng, rồi Văn Giang, … Tòa án tiếp tục làm ngơ trước nỗi khổ của dân oan, thậm chí còn bao che và đứng về phía các thế lực ăn cướp. Các vụ công an đánh chết người trên đường phố hay trong đồn công an vì không đòi được hối lộ tiếp tục lập lại càng lúc càng nhiều hơn và trắng trợn hơn.

Nay, theo ông Lý, chỉ nhờ lập lại điều 4 hiến pháp - một điều vốn vẫn có suốt bao nhiêu năm nay - mà đột nhiên cả Đảng ý thức được trách nhiệm của họ???

* * *

Với bằng đó dẫn chứng thực tế, ông Phạm Trung Lý và Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN không thể nào tiếp tục khỏa lấp điểm dối trá, lừa bịp trắng trợn, đó là ngay trong văn bản luật pháp cao nhất nước mang tên hiến pháp thì nhân dân đã bị tước đoạt cái quyền quan trọng nhất -- quyền lựa chọn lãnh đạo. Và từ đó, bản hiến pháp, thay vì qui định nền tảng điều hành đất nước cho mục tiêu hạnh phúc của toàn dân, lại trở thành nền tảng để tước đoạt hết các quyền khác của toàn dân.







No comments:

Post a Comment

View My Stats