23-1-2013
Tôi chưa đọc Bên Thắng Cuộc đầy đủ để viết về tác phẩm này.
Sách do một người em gởi từ California vẫn chưa đến. Có thể khi đọc xong cả hai
cuốn, sẽ nhận xét Bên Thắng Cuộc với tư cách một người miền Nam đã sống
những năm khắc nghiệt ở Sài Gòn, “sinh viên chế độ cũ”, đi kinh tế mới, vượt
biển và trăn trở cùng đất nước. Bài viết
này chỉ bàn đến luận điểm mà các báo lề đảng dùng khi viết về tác phẩm Bên
Thắng Cuộc.
Hầu hết báo lề đảng đều đòi hỏi “Hãy
tôn trọng lịch sử”, vâng, nhưng lịch sử nào?
Một trong những đề án lớn của các quốc gia thuộc khối CS Liên Xô
cũ không chỉ phục hồi kinh tế, ổn định xã hội sau gần 80 năm sống trong chế độ
toàn trị kinh hoàng nhưng là viết lại lịch sử. Các nhà sử học Nga dành nhiều
năm để đánh giá các sự kiện diễn ra từ thời Vladimir Lenin đến Mikhail
Gorbachev và cho đến nay vẫn còn đang đánh giá. Nhiều chi tiết như các điều
khoản bí mật trong hiệp ước Molotov-Ribbentrop, việc chiếm đóng các quốc gia
vùng Baltic, sự giúp đỡ của đồng minh trong thế chiến thứ hai v.v... đã bị xóa
trong sử CS. Một số sự kiện có nhắc đến nhưng lại cố tình viết sai thủ phạm như
vụ tàn sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan tại Katyn vào tháng 3 năm 1940 được viết là
Đức Quốc Xã chứ không phải do mật vụ Sô Viết hành hình. Không chỉ sử Nga mà cả
lịch sử thế giới, sự sụp đổ của đế quốc La Mã, các hình thái kinh tế cũng được
giải thích theo quan điểm CS.
Các nhà sử học Việt Nam trong tương lai cũng sẽ nhức đầu như thế.
Lịch sử không có một dòng chảy chính thống và trong suốt qua các thời kỳ đất
nước. Lịch sử Việt Nam từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên phạm vi cả
nước là lịch sử của kẻ thắng trận, được giải thích theo quan điểm của kẻ thắng
trận và để phục vụ cho mục đích của kẻ thắng trận. Lịch sử Việt Nam mà sinh
viên học sinh đang học là lịch sử được phát ra từ cái loa, biểu tượng cho bộ
máy tuyên truyền của chế độ, giống như cái loa mà Huy Đức có thể đã ám chỉ
trong bìa sách Bên Thắng Cuộc.
Rất nhiều tranh luận về lý do tồn tại của chế độ CS tại Việt Nam.
Trong cái nhìn của riêng tôi, chế độ CS tại Việt Nam chưa sụp đổ, không phải
nhờ đổi mới kinh tế, ổn định xã hội nhưng chính là nhờ tác dụng của cái “loa
lịch sử” đó. Đảng CS ít nhiều đã thành công trong việc che giấu được tội ác và
khoác cho mình chiếc áo chính danh, chính nghĩa hay ít nhất không một thành
phần dân tộc nào chính danh, chính nghĩa hơn đảng CS.
Đảng Cộng sản tại năm quốc gia sót lại từ phong trào CS quốc tế,
đặc biệt Trung Quốc và Việt Nam đã pha chế chủ nghĩa Dân tộc vào chủ nghĩa Cộng
sản thành một loại hợp chất gây mê man nhãn hiệu Dân tộc Xã hội chủ nghĩa. Đảng
CS lý luận rằng họ ra đời để đáp ứng một nhu cầu lịch sử và, như một tác giả
viết trong báo Pháp Luật, “những người cộng sản chỉ nối tiếp sứ mệnh mà lịch
sử giao phó”. Lịch sử nào giao phó?
Chủ trương nhuộm đỏ Việt Nam của đảng CS rõ như ban ngày khi đẩy
hàng triệu thanh niên miền Bắc mang súng đạn Nga Tàu vào cưỡng chiếm miền Nam. Pháp rút sớm hay rút muộn, Mỹ đến hay không đến cũng chẳng ảnh hưởng gì
đến mục tiêu thiết lập một nhà nước CS trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhất quán từ
ngày thành lập đảng CS vào năm 1930. “Độc lập dân tộc”, “Thống nhất
đất nước” chỉ là những chiêu bài. Nếu không dùng khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước”
bộ máy tuyên truyền tinh vi của đảng cũng thừa khả năng để nặn ra hàng trăm
chiêu bài, khẩu hiệu hấp dẫn khác để kích thích và vận dụng lòng yêu nước. Bộ
máy tuyên truyền của đảng nhồi nhét vào nhận thức của các thế hệ Việt Nam, nhất
là thế hệ sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến, rằng cuộc chiến tranh gọi là
“Chống Mỹ cứu nước” trước 1975 là cuộc chiến chính nghĩa, “đánh Mỹ” là bước kế
tục của chiến tranh chống Thực Dân Pháp. Đó là lý luận của kẻ cướp. Đảng CS
không chỉ cướp đất nước mà cướp cả niềm tin và khát vọng của những người đã
chết.
Như tôi đã viết trước đây, miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng
có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào
chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông
tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân
biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Xây dựng một xã hội dân chủ vừa bước ra khỏi
phong kiến và thực dân là một tiến trình vinh quang nhưng cũng đầy trắc trở.
Dân chủ ở miền Nam như một chiếc cây non lớn lên trong mưa chiều nắng sớm.
Nhưng dù có khó khăn, tham nhũng thối nát bao nhiêu đi nữa, đó cũng là vấn đề
riêng của Việt Nam Cộng Hòa không dính dáng gì đến đảng CS ở miền Bắc. Những
ông như Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết có đủ không gian và phương tiện để đấu
tranh một cách hợp pháp tại miền Nam cho một xã hội tốt đẹp hơn như hàng trăm
chính khách quốc gia khác. Dĩ nhiên, họ có thể thất bại, bị tù đày và ngay cả
bị giết nhưng vẫn là những người quốc gia chân chính. Tuy nhiên, khi tham gia
Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, chấp nhận làm công cụ cho đảng
CS, họ đã tự chắt chiếc cầu biên giới giữa họ và nhân dân miền Nam.
Tác giả viết trong Sài Gòn Giải Phóng nhắc đến
"10 cô gái Đồng Lộc” mà không biết rằng nếu có thể hiện hồn về, công việc
đầu tiên của các cô chết trong hố bom Đồng Lộc là đi tìm lãnh đạo đảng CS để
thanh toán cả vốn lẫn lời vì cái chết oan uổng của các cô chỉ để đổi lấy một
đất nước nghèo nạn, lạc hậu, một chế độ độc tài, tham nhũng, phản văn minh tiến
bộ như ngày nay.
Tác giả trên báo Sài Gòn Giải Phóng cũng nhắc đến đến “nhà
tù Côn Đảo”, “nghĩa trang Hàng Dương” làm tôi nhớ đến nơi này. Tôi cũng đã từng
đến đó, không phải vì phải ở tù mà chỉ vì muốn biết một di tích lịch sử của dân
tộc. Đảng xem nhà tù Côn Đảo như một “trường đại học CS”, tài sản riêng của
đảng CS nhưng đừng quên nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp lập ra năm 1862 tức 68
năm trước khi đảng CS ra đời. Năm 1945, đảng CS ước lượng có khoảng 5 ngàn đảng
viên. Cho dù thực dân Pháp bắt và đày nguyên cả đảng ra Côn Đảo cũng không thể
so với số tù nhân thuộc các phong trào yêu nước khác. Với tôi, cuộc chiến chống
thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng
tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn
và đã hy sinh trên Côn Đảo. Những đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến chống
Thực Dân và bỏ xác trên đảo đều xứng đáng được tôn vinh.
Nếu họ đã từng là đảng viên Cộng sản thì sao? Không sao cả. Như
tôi đã có dịp viết trong tiểu luận Từ buổi
chiều trên nghĩa địa Hàng Dương, việc tham gia vào đảng
Cộng sản của một số người Việt Nam, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục
đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn chứ không phải vì tin
vào chủ nghĩa Cộng Sản. Ngày đó, vì điều kiện giao thông khó khăn, núi non cách
trở, sự phát triển của các đảng phái chống thực dân ít nhiều bị giới hạn bởi
các đặc tính địa phương, bà con giòng họ, hoàn cảnh trưởng thành. Nếu họ sinh
ra ở Quảng Nam họ sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ
gia nhập Đại Việt, sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang họ sẽ gia nhập Dân xã
Đảng. Đó là trọng điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu
của thế kỷ 20. Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn
một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập. Những nông dân hiền hòa chất
phác, những công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không
dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm
sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc
đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay. Đảng Cộng sản như một tổ
chức thì khác. Mục đích của đảng CS không chỉ nhuộm đỏ miền Nam, nhuộm đỏ Việt
Nam mà còn nhuộm đỏ cả dòng lịch sử.
Tác giả viết trên báo Pháp Luật so sánh
việc chính quyền miền Nam tra tấn các đảng viên CS và tù “cải tạo” sau 1975 khi
kết án tác giả Bên Thắng Cuộc đã “Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các
trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử
của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước.”
Những kẻ ném lựu đạn vào nhà hàng, ám sát, đặt mìn trên quốc lộ 1,
quốc lộ 4, đặt bom trong sân vận động, đốt chợ, đốt làng, giết người vô tội
không phải tù chính trị hay tù binh chiến tranh mà chỉ là những tên khủng bố.
Chúng là những kẻ yêu đảng chứ không phải là “những người yêu nước”. Bấm vào đây để xem các “chiến công
hiển hách” của Biệt động thành Sài Gòn Gia Định khi ám sát hàng loạt “Mỹ ngụy”
còn mặc tã ở nhà hàng Mỹ Cảnh. Tội ác giết phụ nữ trẻ em của chúng phải được
xét xử theo đúng luật pháp. Điều đó đã và đang được áp dụng tại mọi quốc gia
trên thế giới không riêng gì Việt Nam Cộng Hòa.
So sánh tù CS ở Côn Đảo và tù “cải tạo” là một cách so sánh vụng
về và không cân xứng. Tổng số tù tại Côn Đảo khác nhau tùy
theo bên nào tống kết, 5 ngàn theo con số của VNCH công bố và 17 ngàn theo con
số của Hà Nội. Dù chọn con số 17 ngàn của đảng thổi phồng vẫn không thể so với
hơn 200 ngàn công nhân viên chức và sĩ quan quân đội VNCH bị giam giữ trong 150
trại tù, đa số tận rừng sâu nước độc kéo dài từ 1975 đến 1992 mà chính Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng thừa nhận.
Các tổ chức quốc tế ước lượng cho đến 1982 số viên chức và sĩ quan VNCH bị giam
giữ vẫn còn lên đến 300 ngàn người. Theo tổng kết của báo chí Mỹ, khoảng 165 ngàn người đã chết trong
các trại tù CS. Ngoài ra, hàng triệu thân nhân, gia đình, con cái họ bị đày ra
các vùng kinh tế mới, bị bạc đãi như nô lệ thời CS chỉ vì lý lịch VNCH.
Một điều quan trọng mà người dân miền Nam sẽ không bao giờ quên,
không giống tù Côn Đảo xảy ra trong thời chiến, tội ác “tù cải tạo” vô cùng phi
nhân đã được đảng thực thi sau khi đất nước đã hòa bình, sau khi Lê Duẩn ngọt
ngào tuyên bố “chiến thắng này thuộc về nhân dân Việt Nam” và sau khi
Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn Gia Định vuốt ve các viên chức
VNCH còn trong Dinh Độc Lập “Nhân dân Việt Nam chính là người chiến thắng và
chỉ đế quốc Mỹ mới thật sự là kẻ bại trận mà thôi.”
Phân tích như vậy để thấy lý luận trong bài viết trên báo Pháp
Luật cho rằng cuộc chiến chấm dứt sáng 30-4-1975 “không phải là chiến
thắng của một “bên thắng cuộc” hạn hẹp mà là chiến thắng của mọi người Việt
Nam, trong đó cả những người từng ở phía bên kia” đúng là sản phẩm của
chính sách tẩy não. Miền Nam sau 30-4-1975 là một nhà tù và nhân dân miền Nam
là tù nhân dưới nhiều hình thức khác nhau.
Từ 1983, để tồn tại, đảng CS phải
tự diễn biến hòa bình bằng cách mở
thêm một vài ô cửa sổ cho gió vào nhưng thực chất đất nước vẫn còn bị bao bọc
bằng bức tường dày bưng bít
thông tin và một chế độ trấn áp không thua tiêu chuẩn một nhà tù khắt khe quốc
tế nào. Lý thuyết Mác Lê có thể chỉ còn trong đầu môi
chót lưỡi, trong các diễn văn, trong các bài ai điếu của các lãnh đạo đảng
nhưng các phương tiện chuyên chính, toàn trị CS vẫn không khác gì nhiều so với
thời triệt để cách mạng trước đây. Một nhạc sĩ trẻ Việt Khang chỉ viết hai bài hát chống
Tàu bị kết án bốn năm tù. Một cô gái Đỗ
Thị Minh Hạnh mới ngoài hai mươi tuổi, đấu tranh cho quyền lợi công nhân
phù hợp với luật pháp của đảng CS quy định bị kết án bảy năm tù, một thanh niên
trẻ Lê Sơn chỉ đưa tin tức các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc và chống khai thác Bauxite tại Tây Nguyên bị kết
mười ba năm tù. Và hàng trăm, hàng ngàn người khác đã sống và đã chết, nhiều
trường hợp rất âm thầm, trong nhà tù CS chỉ vì dám nói lên khát vọng dân chủ tự
do.
Tác giả trên báo Sài Gòn Giải Phóng viết “Có thể lúc này
lúc khác, Đảng có sai lầm. Cuộc sống khó khăn, đôi khi tôi cũng mất lòng tin
vào đường lối của Nhà nước.” Hãy chỉ dùm tôi, không phải một năm, một tháng
mà chỉ một ngày thôi đảng CS đã “lúc này lúc khác”. Bản chất của chế độ
chưa hề thay đổi dù chỉ một giờ.
Lãnh đạo đảng có 38 năm để chọn một hướng đi phù hợp với trào lưu
tiến hóa của nhân loại, có hàng trăm cơ hội để sửa sai nhưng họ không làm. Tất
cả chính sách của đảng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là củng cố quyền cai trị
mặc cho dân tộc bị bỏ lại phía sau một đoạn đường quá xa so với đà tiến của
nhân loại sau cách mạng tin học và toàn cầu hóa kinh tế cuối thập niên 1980.
Tội ác của đảng với “tù cải tạo”, “kinh tế mới”, “đổi tiền”, “đánh tư sản”, có
viết hàng tủ sách cũng không hết. Nỗi đau và sự chịu đựng vô bờ bến của nhân
dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, không thể nào diễn tả cạn dòng.
Hàng ngàn câu chuyện thật đau lòng đã xảy ra trên con đường máu nhuộm Việt Nam
sau 1975 và chỉ được phơi bày khi bức tường chuyên chính CS bị đạp đổ.
Có hai cách để đạp đổ bức tường chuyên chính. Thứ nhất, đi mượn
một cái búa lớn của các cường quốc đem về đập phá bức tường và thứ hai xoi mòn
bằng những bàn tay nhỏ Việt Nam kiên nhẫn. Sau 38 năm, những người đi tìm búa
hoặc chết trên đường hoặc trở về không. Còn lại hôm nay là những bàn tay Việt Nam
nhỏ nhoi. Bàn tay Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn
Huy Chương, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê
Quốc Quân, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn và hàng ngàn người Việt Nam
yêu nước khác. Dù đang ngồi trong bốn bức tường đen, họ mới chính là những
người đang viết sử và thấy đâu là sự thật.
No comments:
Post a Comment