Friday, 11 January 2013

CỤ NGUYỄN HIẾN LÊ & GIẢI TUYÊN DƯƠNG SỰ NGHIỆP VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT [VNCH] - (Vũ Thế Phan)




11-1-2013

Lời nói đầu: Sự kiện nữ nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi gửi bức thư từ chối "báo cáo thành tích để được Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) khen thưởng", trong đó có câu nói khẳng khái, nức lòng người: "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm", vô hình chung làm tôi nhớ lại trường hợp tương tự của học giả Nguyễn Hiến Lê, cách nay đúng 40 năm (1973) tại miền nam Việt Nam tức nước Việt Nam Cộng Hoà (1954-1975). Nhắc đến ba chữ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), tôi tin rằng người đọc sách chữ Việt nào cũng biết, nhất là với phương tiện Internet ngày nay, chỉ cần gõ tên cụ trong Google là tỏ tường, nên trong bài tôi xin được bỏ qua phần Cuộc đời & Sự nghiệp của cụ.

*

1. Báo Đại Dân Tộc số 13/12/1972 - Mục Hí trường:

Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa loan báo sẽ có thêm ba Giải thưởng Tuyên Dương sự nghiệp Văn chương và Mỹ thuật cho giới văn nghệ sĩ. Mỗi giải một triệu đồng, sẽ phát vào dịp Tết Quí Sửu (1973).

Xin đề nghị một danh sách các học giả, văn nghệ sĩ để đồng bào và văn nghệ giới tuyển chọn:

1) Học giả Nguyễn Hiến Lê, 2) thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải, 3) thi sĩ Vũ Hoàng Chương, 4) kịch sĩ Năm Châu, 5) họa sĩ Nguyễn Gia Trí và 6) nhạc sĩ Lê Thương…

Trong sáu vị chỉ chọn ba, vậy xin chọn quí vị nào lớn tuổi nhất, vì sợ rằng không tuyên dương sự nghiệp của quí vị đó trong năm nay, sang năm các ngài sẽ vắng mặt khi trao giải! Đó là các cụ Nguyễn Hiến Lê, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Gia Trí (1) (ký giả Vương Hữu Bột).

2. Cũng tờ báo trên, số 29/12/1972, cũng mục trên, và cũng ký giả Vương Hữu Bột.

Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa đã gởi cho nhà báo bảng thể lệ về Giải Tuyên Dương sự nghiệp văn chương - Học thuật - Mỹ thuật.

Theo thể lệ thì ai cũng có thể đứng ra giới thiệu người được tuyên dương, rồi Hội đồng tuyển trạch sẽ chọn lựa.

Một đặc điểm là trong phiếu giới thiệu phải có chữ ký của người được giới thiệu để tỏ ý chấp thuận sự giới thiệu dự tranh giải thưởng.

Đây là một điều phòng xa tốt. Lỡ có những người được giới thiệu, để tuyển trạch để giao giải, nhưng lại không chịu nhận giải thưởng thì sao? Như trước đây mấy năm (1966), Ban tổ chức đã trao giải thưởng biên khảo (2) cho cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê lại không tới lãnh giải. Không lẽ chúng ta phải ban hành một sắc luật buộc các nhà văn hóa khi được trao giải thưởng phải tới lãnh? (2).

3. Cũng tờ báo trên, số 18/01/1973, cũng mục trên, cũng cùng ký giả.

Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần lãnh giải về học thuật cũng xứng đáng, dù rằng các tác phẩm của cụ có tính cách phổ thông hơn là thâm cứu. Gần đây có người ký trùng tên với cụ Nguyễn Duy Cần, viết trên báo Khoa Học Huyền Bí, một tờ báo quá bình dân, không biết có đúng là cụ chăng? Không lẽ một học giả lão thành được tuyên dương sự nghiệp mà lại tham dự vào cả các tờ báo rất phổ thông như vậy?

4. Báo Tiền Tuyến, (của chính quyền) ngày 20/01/1973.

Mục Tạp ghi - Về giải Tuyên Dương Văn học-Nghệ thuật năm nay. Về ngành biên khảo ở Việt Nam (VNCH) hiện tại, người mà tôi cho là có công nhất phải kể đến Nguyễn Hiến Lê, nhưng vì một lẽ nào đó, ông không muốn nhận giải. Thật là một sự đáng tiếc. Nếu không có ông Nguyễn Hiến Lê, ông Thu Giang (Nguyễn Duy Cần) nhận vinh dự kể trên cũng là một điều ổn thỏa (ký giả Lô Răng).

Đúng như ông Lô Răng viết, tôi không muốn nhận giải.

Năm đó ông Mai Thọ Truyền làm Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa, ông Nguyễn Duy Cần là cánh tay mặt ông Truyền, ông Giản Chi ở trong ban tuyển trạch.

Ông Đông Xuyên - bạn chung của ông Giản Chi và tôi, bàn với ông Giản Chi giới thiệu tôi để dự giải Tuyên Dương, ông Giản Chi gạt đi, bảo: "Bác ấy không chịu đâu, đừng giới thiệu". (3)

Cũng vào khoảng đó, ông Lê Ngộ Châu và ông Võ Phiến ở tạp chí Bách Khoa lại chơi vào một buổi chiều (trong khi tôi đương tiếp ông Từ Mẫn, Giám đốc nhà xuất bản Lá Bối) và cũng ngỏ ý muốn giới thiệu tôi. Trước mặt ông Từ Mẫn, tôi đáp:

- Cảm ơn hai anh, nhưng thể lệ là tôi phải ký vào phiếu giới thiệu của hai anh. Tôi không muốn tranh với ai cả, không chịu ký đâu. Tôi không muốn nhận số tiền nào của chính phủ này.

Giải thưởng đó là một triệu đồng mà giá vàng hồi đó khoảng 40.000 đồng một lượng.

(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 700 đến 703 - NXB Văn nghệ TP. HCM 2001)

______________________

(1) Vì cụ Nguyễn Hiến Lê từ chối, sau Phủ Quốc Vụ Khanh chọn ông Nguyễn Duy Cần, thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nhạc sĩ Lê Thương nhận giải.

(2) Về cuốn thượng bộ Đại cương Triết học Trung Quốc tôi soạn chung với Giản Chi, xuất bản năm 1965 (cước chú của Nguyễn Hiến Lê).

(3) Châu Hải Kỳ: Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Sự nghiệp, trang 111 cũng ghi đúng như vậy.

*

Nhân sinh quan của học giả Nguyễn Hiến Lê

Rải rác trong các tác phẩm của tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan:

* Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại quả đã tiến về rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

* Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

* Quan niệm thiện ác thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa, mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ, không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội.

* Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc nào văn minh cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bằng, sự tự do, tự chủ…

* Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

* Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.

* Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

* Mỗi người đã phải đóng vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền.

* Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

* Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.

* Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.

* Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người.

* Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư, không phải nghề tự do, thì không thể gọi là một xã hội tự do được.

* Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn thì mới giữ được độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

* Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

* Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội.

* Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà còn có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội.

* Có những hoa màu sắc vô hương mà ai cũng quí như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nết gì thì là hạng rất tầm thường.

* Chơi hoa tôi thích loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.

* Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.

* Cơ hồ không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già cũng vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.

* Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.

* Thay đổi bản tính loài người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. (*)

* Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời này đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.

* Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền sau quẻ ký tế (đã xong) tiếp ngay tới quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi còn thì để lại cho các thế hệ sau.

* Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa : sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

(Châu Hải Kỳ: Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & sự nghiệp, trang 350 đến trang 352 - Nxb Văn Học TP. HCM 2007).

Thay lời kết:

Cụ Nguyễn Hiến Lê hai lần khước từ Giải Tuyên Dương nhưng sau đó không hề bị chính quyền trù dập hay nhũng nhiễu và hậu thế sẽ mãi mãi trân trọng tư cách tự trọng cũng như những tác phẩm nghiêm túc của cụ; còn trường hợp cực kỳ hy hữu mới đây của nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi từ chối Xin để ngài Thủ tướng - kiêm giảng sư về lòng tự trọng - ký Cho một lời khen thưởng, sự thể rồi sẽ bị / được ‘biện chứng’ ra sao?

CHXHCN Việt Nam là "một xã hội văn minh thì nhà nước (đời nào) đàn áp những công dân không ưa những gì mình thích, chẳng hạn, món thịt kho ‘Trung Quốc’; cùng lắm chỉ ngăn cản họ để họ đừng chê chích thôi, chứ (đời nào) bỏ tù, khủng bố họ. Đời nào. Nhà nước xhcn tuyệt đối tôn trọng khẩu vị của từng người dân, miễn đương sự phải ‘tự giác, tự nguyện’ lấy đảng vị làm vị chính".

Một chữ ký hiện thực trên một tờ giấy lộng kiếng và cả triệu chữ ký vu vơ trong cả triệu con tim: dễ dầu ai cũng biết khinh-trọng. Câu "hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập (Có xạ thời tất có hương / Cần chi đầu gió, phô trương với người)" vẫn đúng!

(sưu tầm & lược soạn)



____________________________________

Chú thích:

(*) Trong chế độ độc tài đảng trị, người có học vị, học hàm càng cao bao nhiêu càng như cục đất sét bấy nhiêu, đảng muốn nắn, muốn vo thế nào cũng được và khi đương sự lờ mờ tỉnh thức, muốn tẩy hết chất đất sét trong óc không phải là chuyện ngày một ngày hai. Tôi nghĩ, quốc dân nên và cần kiên trì thông cảm họ.

Đề nghị đọc / nghe hay đọc / nghe lại:











------------------------------------------

Đọc thêm :





No comments:

Post a Comment

View My Stats