Monday, 14 January 2013

CHẾT CHO TỔ QUỐC hay CHẾT CHO HÒA BÌNH & ỔN ĐỊNH KHU VỰC ? (Trương Nhân Tuấn)




Dimanche 13 Janvier 2013

Trên mộ bia chung ghi tên các chiến sĩ đã hy sinh ở Biển Đông, trong đó có 3 chiến sĩ hy sinh ngày 14-3-1988  tại Gạc Ma, có tạc dòng chữ như sau: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực.”

Tức là những người này hy sinh không phải vì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc mà “vì hòa bình và ổn định khu vực”.

(hình: Blog Mai Thanh Hải)

Vấn đề là, tại sao lại phải hy sinh máu xương người Việt để bảo vệ “hòa bình và ổn định” cho người khác?

“Khu vực” ở đây không phải của “người khác” thì của ai ? Của VN thì mình nói của VN chứ không nói là “khu vực”.

Những dòng chữ này chứng minh đảng CSVN đã đặt tinh thần quốc tế lên trên quyền lợi của tổ quốc. Điều này bình thường. Đảng viên cộng sản chân chính thì ai cũng có tinh thần quốc tế như vậy.

Nhưng việc này có tác dụng tiêu cực đến hồ sơ chủ quyền của VN tại các đảo Trường Sa. Điều này hoàn toàn tương phản với lập trường và thái độ của phía VNCH trong cuộc chiến Hoàng Sa tháng giêng năm 1974. Trong cuộc chiến này, phía VNCH đã gọi đích danh “con chó là con chó, con mèo là con mèo”.

VNCH tuyên bố rằng :

“Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên quần đảo ấy.

Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.”

Tuyên bố của VNCH là một tuyên bố đơn phương, có giá trị trước pháp luật quốc tế, vì nó rõ rệt. Nội dung của tấm bia liệt sỹ ở trên là có thể hiểu như là một thái độ mặc nhiên từ khuớc chủ quyền của VN tại các đảo Trường Sa.

Rõ ràng, những người đã chết cho cuộc chiến 14-3-1988, là chết vì “hòa bình và ổn định khu vực” chứ không vì bảo vệ các đảo Trường Sa, lãnh thổ của tổ quốc.

Buổi lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, được BBC mô tả mới đây, cho thấy báo chí trong nước đã nói về cuộc chiến “bảo vệ đất nước”, thay vì cuộc chiến bảo vệ cho “hòa bình và ổn định khu vực”. Nhưng họ vẫn không dám nói đích danh kẻ xâm lăng là Trung Quốc.

Ăn cướp nó vào nhà mình mà mình không dám nói nó cướp của mình cái gì, không dám nói thằng ăn cướp đó là ai, thì mình là người như thế nào ? Hèn !

Mình hèn như thế thì ai sẽ bênh vực mình ?

Đó có phải là thái độ đúng đắn của tập đoàn lãnh đạo quốc gia hay không ?

Publié par Nhan Tuan Truong à l'adresse 00:39


---------------------------------------


BBC
Cập nhật: 03:57 GMT - thứ bảy, 12 tháng 1, 2013

Một số báo Việt Nam khi tường thuật lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh năm 1988 tại Trường Sa tiếp tục tránh nêu tên Trung Quốc.
Ít nhất có hai báo mạng lớn là VnExpress và báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có tường thuật về 'Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu gìn giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm 1988'.
Buổi lễ này do Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân tổ chức trên tàu mang tên Khánh Hòa 01 vào chiều ngày 6/1 tại vùng biển Cô Lin, quần đảo Trường Sa.
Các báo này đều đưa chi tiết cách đây 25 năm, vào tháng 3/1988 tại các bãi đá ngầm thuộc Trường Sa mà Việt Nam gọi tên là Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam đã "dũng cảm chiến đấu kiên quyết giữ đảo".
VOV chạy tường thuật ngay hôm tổ chức buổi lễ, trong khi VnExpress đăng chùm ảnh hoạt động tưởng niệm vào hôm 10/1.
Tuy nhiên không thấy các báo này nói các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh khi chiến đấu với ai.
VnExpress viết: "Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì các tàu chiến của đối phương lao đến dùng pháo lớn bắn vào tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma, nổ súng vào bộ đội".

Hải chiến Trường Sa
Trận chiến tháng 3/1988 là sự kiện gây thương vong nhiều nhất cho quân đội Việt Nam khi bảo vệ chủ quyền trước sự tấn công của quân Trung Quốc kể từ sau cuộc chiến biên giới 1979.
Theo thống kê chính thức, ngoài con số 64 thủy thủ thiệt mạng, Việt Nam bị đánh chìm ba tàu vận tải.
Sau trận này, Trung Quốc đã chiếm kiểm soát đảo Gạc Ma.
Trong trận này, cũng giống như trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 của quân đội Việt Nam Cộng hòa, hải quân Việt Nam đã không hề nhận được trợ giúp của đồng minh khi quân Liên Xô lúc đó đóng căn cứ ở Cam Ranh không xa nơi xảy ra chiến sự.
Báo Việt Nam nói trong trận Trường Sa 1988, "đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của cán bộ chiến sỹ trên tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 80 Hải quân".
Những người tham gia lễ tưởng niệm hôm 6/1 đã có giây phút mặc niệm, thắp hương và thả vòng hoa tưởng niệm xuống biển.
Tàu Khánh Hòa 01 đang trên đường ra Trường Sa để mang quà Tết và thay quân cho cán bộ chiến sỹ trên các đảo mà Việt Nam giữ chủ quyền.








No comments:

Post a Comment

View My Stats