Monday 14 January 2013

CAN TRƯỜNG & SĨ KHÍ [Nhân Lễ Bách Nhật của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện] - (Huy Phương - Người Việt)




Tạp ghi Huy Phương
Sunday, January 13, 2013 6:32:49 PM

Nhân Lễ Bách Nhật của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Hôm nay kỷ niệm 100 ngày nhà thơ qua đời, nhớ đến Nguyễn Chí Thiện chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ đến cuộc đời đầy ải, bất hạnh của ông, và ông xứng đáng là biểu tượng cho sự thánh thiện chống lại cái ác, biểu tượng sự thật chống lại sự dối trá.

Nguyễn Chí Thiện đã dùng hết cuộc đời của ông, vắt cạn hết tuổi trẻ, trí tuệ của mình để viết nên những vần thơ, tưởng chừng như vũ bão, sấm sét nhắm vào chế độ cộng sản tàn ác, phi nhân; nhắm đến thủ phạm Hồ Chí minh, đã mang đến thảm họa cho dân tộc Việt Nam, đày đọa hàng chục triệu con người chúng ta suốt nửa thế kỷ lầm than này.

Bất hạnh bởi lớn lên nhầm chế độ, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã chọn con đường của “một nhà văn suốt đời chân thật,” biết ghét và can trường chống lại cái Hiểm Ác, điều Dối Trá, và sự Xấu Xa của chế độ Cộng Sản.

Cũng bởi tôn trọng sự thật, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã vào tù lần thứ nhất, chỉ trong một giờ dạy sử giúp bạn, ông đã không theo kinh điển dối trá của đảng CS để nói rằng lực lượng Hồng Quân của Liên Xô là nguyên do khiến Nhật Bản phải đầu hàng, chấm dứt Thế Chiến Thứ 2. Can trường giữ vững khí tiết với những vần thơ nhắm vào đảng Cộng Sản, ông đã liên tiếp chịu hai lần giam cầm tiếp theo, đã tàn phá hết cả tuổi thanh xuân của ông.

Bằng những vần thơ vào trận, Nguyễn Chí Thiện đã chịu tất cả 27 năm giam cầm trong những trại tù khắc nghiệt, tồi tệ nhất của nhân loại, và chấp nhận cuộc sống 17 năm lưu vong từ năm 1995 cho đến khi ông qua đời.

Máu và nước mắt của ông trong tập thơ đầu tiên đã được ông mạo hiểm đưa vào tòa Ðại Sứ Anh với những dòng chữ thống thiết:

“Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc.”

Chúng tôi thiết nghĩ không cần nhắc lại những giải thưởng văn học quốc tế dành cho ông, vì thơ Nguyễn Chí Thiện được phổ biến trên thế giới, là tiếng nói oan khuất của những người đang bị áp bức, thiếu tự do, của những ai là nạn nhân của chế độ cộng sản, dù Ðông hay Tây.

Nguyễn Chí Thiện có thể có một chỗ đứng xứng đáng nào đó trên văn đàn thi ca thế giới, nhưng gần gũi và đẹp đẽ nhất là ông đang đứng trong lòng bạn bè, đồng bào xa gần, những nhà tranh đấu dân chủ trong nước, đã thương yêu, cảm phục ông, và thơ ông sáng-tỏa trong lòng hàng triệu người là nạn nhân hay đang tranh đấu chống lại chế cộng sản.

Thơ Nguyễn Chí Thiện là vũ khí sắc bén nhất, là ngọn lửa bừng lên từ con tim, từ tiếng nói xót xa của những người bị áp bức, của cả người sống lẫn người chết.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không nhận mình là thi sĩ hay nhà thơ:

“Thơ của tôi không phải là thơ.
Mà là tiếng cuộc đời nức nở.
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở.
Tiếng khò khè hai lá phổi hoang sơ.
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ.
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ.”

Ông không hề kêu gào, máu trả máu, đầu trả đầu với chế độ đã giết hết hạnh phúc và tuổi thanh xuân của ông cũng như đưa hàng triệu người Việt Nam vào địa ngục với tai ương và bất hạnh.

Ðối với ông, trong tương lai, sự thương yêu và tính nhân ái sẽ thay thế độc tài, sắt máu:

“Khai sáng kỷ nguyên Tả Trắng thắng Cờ Hồng...
Tiếng mục đồng êm ả, tình quê bao la
Thay tiếng “Quốc tế ca”
Bằng tiếng diều cao vút trong chiều tà
Trên ruộng đồng quê ta...”

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng, ông không có tuổi thanh xuân, không có tình yêu, không có cả một mái ấm gia đình.

Ông cho biết thời gian giữa những trại tù, là những ngày đói khổ, phải lo miếng ăn, chưa hưởng được một ngày no ấm, hạnh phúc.

Mang thân phận một nhà văn lưu vong, từ ngày sang Mỹ, tuy không còn chật vật trong cuộc sống, ông vẫn có một cuộc đời đơn giản, chay tịnh, dành dụm từng đồng đô la để giúp cho bạn nghèo ở quê nhà, cho những công cuộc đấu tranh dân chủ trong nước.

Dù đau ốm bệnh tật, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng đã dùng thời gian đi đây đó, nói cho tuổi trẻ, nói cho hải ngoại về khát vọng tự do của đồng bào và về những thủ đoạn gian trá của chế độ Cộng sản ở quê nhà.

Kỷ niệm 100 ngày nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời, chúng ta học hỏi được từ nơi ông: một nhân cách lớn, một thành tâm, thiện chí như cái tên của ông và tấm lòng trăn trở của ông đối với quê hương dân tộc, từ tuổi thanh niên cho đến lúc nhắm mắt buông tay.

Gần gũi ông, trong đời sống hằng ngày mới thấy tấm lòng đôn hậu của ông. Ông không hề lợi dụng tấm lòng tử tế của ai, của cải, phương tiện và cả tình yêu, để giữ khí tiết, vị trí độc lập và thân phận của riêng mình.

Ông là người trọng nghĩa khinh tài, đã có dịp “cho đi nhiều mà chẳng nhận bao nhiêu,” không hề lo lắng cho đời sống cá nhân của riêng ông.

Chúng ta học hỏi ở ông sự can đảm và bình thản tột cùng trước nghịch cảnh, ở trong tù không xin xỏ kêu van; mạo hiểm vào tòa Ðại Sứ Anh để lúc ra, biết rằng phải bước thẳng vào xà lim, cùm kẹp mà vẫn làm. Ra đến hải ngoại, ông đã bị bêu riếu, đánh phá, vùi dập, trong trường hợp này, chúng ta mấy ai đã giữ được tâm bình thản như ông. Gần ông mới thấy tấm lòng bình an, tha thứ của ông, tiết trực mà tâm hư, để cho tấm lòng rỗng không, không hề để tâm hận thù, oán trách, giận hờn ai.

Ðó chính là thái độ của một kẻ sĩ.

Trên thế gian này, không có vị giáo chủ nào được ca tụng và tôn sùng mà không bị chửi bới, chỉ trích, xỉ vả.
Ðó là số phận của những bậc vĩ nhân.

Ðiều mà cuối cùng chúng ta cần học hỏi nơi ông, quý báu nhất, là phải luôn luôn giữ vững lòng tin, lạc quan về một tương lai của dân tộc.

“Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lũ người đói rét
Phục sẵn một đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử...”

Vì:

“Ðảng như hòn đá tảng
Ðè lên vận mạng quê hương
Muốn sống trong hòa hợp yêu thương
Việc trước nhất phải tìm phương hất xuống!”

Cả một cuộc đời tranh đấu như thế, nhắm mắt từ giã cuộc đời mà chưa thấy chế độ cộng sản tàn lụi, hẳn lòng ông chưa yên, linh hồn ông chưa siêu thoát. Hình như ông vẫn chưa đi đâu xa, đang ở gần chúng ta để hỗ trợ, công việc chúng ta đang làm, ông đang ở cạnh các nhà tranh đấu dân chủ, đồng bào khổ nạn, để cùng với ông một niềm tin như ông đã viết:

“Tôi tin chắc một điều.
Một điều tất yếu.
Là ngày mai mặt trời sẽ chiếu.
Tôi lại nghĩ một điều.
Một điều sâu thẳm.
Là đêm tàn Cộng Sản tối tăm.”

(Ðọc trong buổi tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ngày 8 Tháng Giêng, 2013 tại Ðài VHN, Nam California)






No comments:

Post a Comment

View My Stats