(Về giai cấp “siêu giàu” mới nổi)
Trần Hữu
Dũng
3-1-2013
Một
trong những sự kiện gây nhiều phản ứng trên thế giới trong vài năm gần đây
(nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) là sự phân hoá thu nhập ngày
càng rộng ra ở một số quốc gia, cụ thể là Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, và
ngay cả Mỹ. Thiểu số giàu có thì càng giàu hơn cực nhanh, đến độ “khủng”, còn
đa số trung lưu và nghèo thì hoặc là chững lại, hoặc là nghèo hơn. Ở Mỹ chẳng
hạn, trong hai năm 2009-2010, khi mà thu nhập bình quân của 99% gia đình Mỹ chỉ
tăng lên 0,9% thì thu nhập của 1% giàu nhất tăng lên 11,6%! Một điều đáng lưu ý
nữa là trong năm quốc gia có nhiều tỷ phú (đô la) nhất thế giới (Mỹ, Nga, Trung
Quốc, Đức, Ấn Độ) thì hai nước vẫn còn tự xưng là “xã hội chủ nghĩa”, và hai
nước vẫn còn được xem là đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ)
.
Sự
gia tăng bất công bằng thu nhập này đã gây ra nhiều làn sóng công phẫn ở các
quốc gia liên hệ, không những từ thành phần xã hội bị “bỏ lại phía sau”, như
phong trào “chiếm Wall Street” ở Mỹ năm 2011, và nhiều hội đoàn tiến bộ khác,
mà còn được sự chú ý của nhiều học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng (ví dụ như nhà
kinh tế Joseph Stiglitz,[1] nhà báo Timothy Noah,[2] Chrystia Freeland[3]...). Nhiều bình luận gia (ví dụ như
Jonathan Chait) cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua có biểu hiện của một
“chiến tranh giai cấp” trong đó giai cấp trung lưu và nghèo của Mỹ mà đại diện
là Obama đã đánh bại giai cấp cực giàu của Mỹ mà Romney là đại diện.
Tại
sao có những người “siêu giàu”?
Chủ
đích bài này không là những người đã cực giàu từ lâu (như các vua chúa ở các
vương quốc dầu hoả Á Rập, hay những lãnh tụ độc tài ở một số quốc gia). Ngoài
ra, cũng phải nhìn nhận rằng nguồn gốc của những người siêu giàu mới nổi ở mỗi
nước một khác.[4] Tuy nhiên, nói chung, vài lý do chính (mà
độ chính xác sẽ được thẩm định) của sự xuất hiện những người “siêu giàu” thường
được viện dẫn là như sau:
Ở
một thái cực, một số (tương đối rất ít) trở thành siêu giàu vì tài năng (kể cả
tài tổ chức), sáng kiến xuất chúng (có thể thêm chút may mắn) của họ. Đây là
cách giải thích của kinh tế học hàn lâm chính thống phương Tây. Nói đến những
người này thì ta nghĩ ngay đến những nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Steve
Jobs, Mark Zuckerberg... Ở thái cực đối nghịch là những người siêu giàu nhờ
những hoạt động bất hợp pháp (tham nhũng, cướp đoạt, đầu cơ, buôn lậu..)
Song
nhìn kỹ thì cách phân loại trắng đen như trên là chưa đủ ngọn ngành. Như
Stiglitz cho thấy, tài sản kếch xù của Bill Gates, chẳng hạn, không phải chỉ
nhờ vào tài năng (dù quả là xuất chúng) của ông ta nhưng phần lớn là nhờ vào vị
trí độc quyền (hoặc hầu như độc quyền) của công ty Microsoft sau khi ông thành
lập nó. Chính sự độc quyền này đã đưa Bill Gates từ hạng cực giàu lên hàng cực
siêu giàu. Công ty Apple của Steve Jobs cũng thế. Mỗi năm những công ty này bỏ
ra hàng tỷ đô la trong các vụ kiện tụng để giữ độc quyền cho một sản phẩm nào
đó (kể cả bằng sáng chế) của họ. Tất nhiên, những hoạt động này là hoàn toàn
hợp pháp, song chúng chứng tỏ họ đã nhân tài sản của họ lên hàng trăm, hàng
nghìn lần bằng cách lợi dụng, khai thác (những khe hở) thể chế và luật pháp,
thậm chí uốn nắn thể chế và pháp luật (qua việc “lobby”) theo hướng có lợi cho
họ.
Mặt
khác, khách quan mà nói, cũng phải công nhận rằng những người siêu giàu nhờ
tham nhũng, cướp đoạt, đầu cơ, buôn lậu, cũng có một cái tài nào đó, dù cái
“tài” ấy chỉ là những mánh khoé luồn lách pháp luật, mua chuộc quan chức, lập
vây cánh, khuynh đảo thị trường. Một điều nữa là dù tài sản này có nguồn gốc
bất chính, những người (tham nhũng, cướp đoạt, đầu cơ, buôn lậu...) này (hoặc
gia đình họ) đã “rửa” tài sản ấy qua những hoạt động kinh doanh hợp pháp (nhất
là bất động sản, ngân hàng). Nói khác đi, nhìn thoáng qua tài sản của nhiều
người “siêu giàu” hiện nay thì có thể cho rằng nó hợp pháp, nhưng nếu truy
ngược về quá khứ thì nguồn gốc của nó là phi pháp. Tài sản đã là khá to lớn từ
những hoạt động rõ ràng là phi pháp đã được nhân ra hàng trăm, hàng nghìn lần
qua những hoạt động hợp pháp, biến họ từ những người giàu phi pháp thành
những người siêu giàu hợp pháp... Đi sâu thêm một bước, thử xem cách
thức mà những người này “nhân” ra những tài sản ấy là ra sao? Đại đa số là nương
nhờ vào những quan hệ cá nhân, những lỗ hổng trong luật pháp. Đó là không nói
đến việc chính họ có thể chủ động “lobby” để nhà nước ra những luật lệ có lợi
cho họ. Như Stiglitz nhận xét, dù ngoài mặt thì những thế lực kinh tế đã tạo
nên sự bất công bằng thu nhập, nhưng chính chính sách của nhà nước đã tạo nên
các thế lực kinh tế ấy. Phần lớn sự bất công bằng hiện nay là hậu quả của những
gì mà nhà nước đã làm, và cũng là hậu quả của nhiều việc mà nhà nước không
làm.
Một
nguồn gốc nữa của sự siêu giàu là do tích cực khai thác sự thiếu kém thông tin
của đa số những người khác. Chẳng hạn như giới ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh
bất động sản ở Mỹ đã trở nên cực giàu nhờ “nghĩ ra” những công cụ tài chính,
bảo hiểm, những loại chứng khoán vô cùng phức tạp, không ai hiểu nỗi.[5]
Cũng
nên để ý rằng các nguồn gốc khác nhau của sự “siêu giàu” này có “liên hệ hữu
cơ” với nhau, đặc biệt là với tham nhũng: trong nhiều trường hợp, tham nhũng
cho một cái “vốn” để những người giàu trở thành cực giàu (một cách hợp pháp).
Và chính những người cực giàu này khuyến khích, mớm đút, tạo cơ hội tham nhũng
ở những người khác.
Gần
đây ở Việt Nam hai ý niệm “tham nhũng” và “nhóm lợi ích” thường được ghép
chung. Điều này không hoàn toàn đúng. Theo nguyên ngữ thì “nhóm lơi ích” là một
tập họp của những người có cùng quyền lợi kính tế, hợp lực với nhau để bảo vệ,
tranh đấu cho quyền lợi ấy. Đó là một hiện tượng đương nhiên, tự nó không có gì
là xấu (chẳng hạn, xét cho cùng, công đoàn để bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao
động cũng là một nhóm lợi ích chứ gì?). Song khi các nhóm lợi ích thông đồng,
cấu kết với tham nhũng ̶ trong đó
tham nhũng dựa vào
đòn bẫy của
nhóm lợi ích
để tác động đến nền kinh tế, đến xã hội, và vâng, đến thể
chế chính trị nữa.. .̶ thì
sự nguy hại của
tham nhũng được nhân
lên nhiều lần.
Không những thế,
khi tham nhũng có được
một nhóm lợi
ích làm hậu
thuẫn thì dù
vài cá nhân
tham nhũng có sa vào
vòng lao lý, nhóm lợi ích đàng
sau những người ấy vẫn còn đó, tác hại của nó vẫn tiếp tục.
Kinh
tế thị trường là một trò chơi cực kỳ phức tạp và những người thắng cuộc chơi ấy
hẵn là khôn lanh ít nhiều hơn người khác. Song những người thắng cuộc cũng
thường có những bản chất không đáng ngưỡng mộ: khả năng luồn lách pháp
luật, hoặc uốn nắn pháp luật theo cách có lợi cho họ, sự sẵn sàng lợi dụng kẻ
khác – ngay cả những người nghèo; và chơi những trò “bẩn”, nếu cần.
Ảnh
hưởng kinh tế của sự cực giàu
Cho
đến gần đây, khi bàn về vấn đề chênh lệch thu nhập, giới kinh tế chính thống
thường chỉ nói đến ảnh hưởng của nó đến tốc độ tăng trưởng vĩ mô. Những người
theo phái thị trường tự do (hay “tân phóng khoáng” – neoliberalism) thì cho
rằng bất công bằng thu nhập, dù tự nó không phải là tốt, là đáng cổ vũ, cũng là
một tiền đề khó tránh của một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh: những nguời
giàu sẽ có xu hướng đầu tư nhiều hơn... Nói cách khác, dù tầng lớp cực giàu có
tích tụ tài sản của họ cách nào đi nữa (miễn là hợp pháp) thì họ cũng có ích
cho xã hội vì nhờ họ mới có đầu tư, tạo công ăn việc làm cho lao động, đầu tàu
cho sự tăng trưởng của cả nước. Chẳng những mức độ tài sản của họ là có ích cho
xã hội, sự chênh lệch thu nhập cũng là cần thiết để phát
triển bởi nó tạo động lực cho lao động (cả tay chân lẫn trí tuệ). “Cào bằng”
thu nhập thì còn đâu những khuyến dụ (incentive) để nỗ lực làm việc? Nói cách
khác, theo những người này, có sự đánh đổi không thể tránh giữa “hiệu quả kinh
tế” và “công bằng thu nhập”.
Có ba cách phản biện
quan điểm này.
Một là, quan điểm ấy dựa trên giả định là nền kinh tế có sự
cạnh tranh hoàn hảo: ngay khoa kinh tế học chính thống cũng đã chứng minh từ
lâu rằng chỉ trong một nền kinh tế như thế thì lợi ích cá nhân mới trùng hợp
với lợi ích cộng đồng (nghĩa là, người thu được lợi ích cá nhân cũng đem lại
lợi ích cho tập thể). Trên thực tế, không nền kinh tế nào có một sự “cạnh tranh
hoàn toàn” như thế: những sự méo mó (như độc quyền, chẳng hạn) sẽ khiến lợi ích
cá nhân lớn hơn lợi ích tập thể, và những người theo đuổi lợi ích cá nhân không
hẵn sẽ có ích cho tập thể. Nói rộng ra, trong một nền kinh tế bị “méo mó” vì
những “hoạt động tìm lợi nhuận trên bình thường” (rent seeking activity) thì
những người được hưởng những khoản tư lợi khổng lồ không nhất thíết là những
người có đóng góp lợi ích tương ứng cho tập thể.
Hai là, nhiều nhà tâm lý học, nhà khoa học xã hội (và thậm chí
một số nhà kinh tế học) đã điều tra cặn kẽ để tìm xem cái gì là động lực lao
động của con người, và họ khám phá rằng, ít nhất là trong nhiều trường hợp,
giới kinh tế gia đã lầm khi cho rằng thu nhập là động cơ duy nhất. Đa số chúng
ta thường làm việc hăng say hơn khi được thúc đẩy bởi những động lực nội tại
(chẳng hạn như sự mãn nguyện khi làm một việc gì đó một cách hoàn hảo) hơn là
bởi những phần thưởng đến từ bên ngoài (như lương tiền). Lấy một ví dụ, trong
hai thế kỷ vừa qua, hầu hết các nhà khoa học góp phần nâng cao đời sống của
nhân loại không phải vì họ theo đuổi tiền tài. Đó là điều may mắn cho chúng ta,
bởi nếu những người xuất chúng ấy theo đuổi tiền tài thì họ đã trở thành chủ
ngân hàng, kinh doanh bất động sản, mà không là nhà khoa học. Chính sự say mê
tìm tòi chân lý, niềm vui của hoạt động trí tuệ, hạnh phúc tuyệt vời của khám
phá, phát minh – và, vâng, sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp ̶ là
quan trọng nhất đối
với các nhà
khoa học.
Ba là, ngay trong trường hợp mà “thù lao” của những người cực
giàu (nhất là trong giới tài chính, ngân hàng) là “kỷ lục” với lý do rằng mức
độ thù lao ấy là cần thiết để những người này “cố gắng” hơn, nhiều nghiên cứu
đã phát giác rằng cái “gói thù lao” kếch xù (làm trầm trọng thêm sự bất bình
đẳng trong xã hội) đang được các đại công ty, các ngân hàng, quỹ đầu tư áp
dụng, đã khiến những người này có những quyết định làm méo mó hơn, thay vì gia tăng
hiệu quả của nền kinh tế. Kinh tế học đã chứng minh rằng, vì thông tin và giám
sát không bao giờ là đầy đủ, rất khó (gần như không thể) thiết kế một “gói thù
lao” tối hảo (nhìn từ quan điểm quyền lợi cổ đông, đừng nói chi đến lợi ích
toàn xã hội) cho lãnh đạo các ngân hàng, giám đốc các đại công ty.
Ngoài
những tác động (có thể gọi là vi mô) nói trên, sự cực giàu của một thiểu số còn
có những ảnh hưởng vĩ mô tai hại: nó sẽ bóp méo tỷ lệ các loại hàng nhập khẩu.
Những người cực giàu, với sức mua lớn, sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu những món
hàng xa xỉ (xe xịn, hàng hiệu).[6] Việc này sẽ làm giảm giá trị nội tệ, và
làm mắc hơn những loại hàng nhập khẩu mà đa số người tiêu dùng là có thu nhập
thấp.
Ảnh
hưởng xã hội của tầng lớp “siêu giàu” mới nổi
Đối
với một số chế độ (như ở Trung Quốc) thì tình trạng cực kỳ bất bình đẳng có một
hậu quả tai hại duy nhất là gây bất ổn trong xã hội, hăm doạ sự tồn tại của chế
độ ấy. Nhận định này là đúng nhưng chưa đủ
● “Thu nhập tương
đối” và “hạnh phúc con người”
Gần
đây, một số nghiên cứu đã phát hiện rằng hạnh phúc con người còn tuỳ vào thu
nhập tương đối (ngoài mức thu nhập tuyệt đối để thoả mãn những nhu cầu sinh
tồn). Thu nhập càng chênh lệch thì những người có thu nhập trung bình, hoặc
thấp, càng thấy “kém hạnh phúc”. Tình trạng này càng trầm trọng khi những người
có thu nhập cao lại thích phô trương, hào nhoáng, khiến những người có thu nhập
kém hơn họ phải ganh tỵ, thèm muốn.
Một
ảnh hưởng nữa là ở cơ hội tiến thủ của những người xuất thân từ gia đình có thu
nhập thấp: Họ sẽ thất vọng, nản chí khi thấy rằng chỉ con cái nhà giàu là có
nhiều cơ hội học trường giỏi (và nếu nước họ là chậm tiến thì sẽ được xuất
ngoại du học). Sau khi tốt nghiệp thì những “con cái nhà giàu” này tất nhiên sẽ
ưu tiên có những địa vị béo bở trong xã hội, cho họ cơ hội làm giàu thêm. Cứ
như thế, sự bất bình đẳng trong xã hội sẽ truyền từ thế hệ này sang thế hệ
khác.
● Bất bình đẳng thu
nhập và đời sống văn hoá
Trong
một xã hội cực kỳ bất bình đẳng, và nhất là khi tài sản của những người cực
giàu là phi pháp, hoặc những người này thiếu căn bản văn hoá, phô trương sự
giàu có của mình một cách vô ý thức, thì đời sống văn hoá của toàn xã hội cũng
sẽ bị xấu đi: Những lối ăn chơi phù phiếm, sa đoạ, xa xỉ, đua đòi hàng hiệu
nhập khẩu (nhất là khi lối sống này không bị kết án mà còn được các phương tiện
truyền thông đại chúng quảng bá, trầm trồ ngợi khen), sẽ cuốn hút toàn thể xã
hội vào con đường ấy, ngày càng lệch xa những lối sống văn minh thật sự.
Phải
làm gì?
Có
những người cực đoan cho rằng sự xuất hiện của tầng lớp siêu giàu mới nổi là
một hiện tượng tự nhiên, thậm chí có lợi cho xã hội, và những ai chống lại hiện
tượng này chỉ là những kẻ ganh tỵ xấu nết... Theo những người cực đoan này, nhà
nước không cần làm gì cả. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, hiện tượng siêu
giàu mới nổi không phải là “tự nhiên” mà là hậu quả của sự khôn lanh khai thác
những “lỗ hổng” của thể chế, của nền kinh tế, và gây nhiều hậu quả cực kỳ
nghiêm trọng cho chính sự phát triển của quốc gia, và rộng ra là cho mức độ an
sinh của tuyệt đại đa số trong xã hội.
Đàng
khác, không ai có thể khách quan mà nghĩ rằng thu nhập của mọi người trong xã
hội đều phải như nhau. Một sự bất bình đẳng thu nhập nào đó là không thể tránh,
thậm chí cần thiết. Vấn đề ở đây là sự xuất hiện một thiểu số cực giàu, trong
một khoảng thời gian tương đối ngắn, mà thu nhập dù hiện tại có là hợp pháp, đã
vượt quá xa tài sức và sự đóng góp của họ cho xã hội.
Hầu
hết các nhà lãnh đạo trên thế giới, từ tổng thống Mỹ Barack Obama đền nguyên
tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đếu ít nhiều nghĩ rằng nhà nước cần can
thiệp để làm giảm sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Một chính sách cấp
thời có thể là tăng suất thuế đánh vào người giàu (như ông Obama hiện đề nghị).
Tuy nhiên, như đã trình bày trong bài này, một chính sách dài hạn phải là chấn
chỉnh những méo mó kinh tế (ưu tiên gỡ bỏ những độc quyền, đặc lợi, chế độ
“xin/cho”, và tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi người). Sự tái cấu trúc thể
chế này sẽ cực kỳ khó khăn vì chắc chắn nó sẽ gặp sự kháng cự mãnh liệt, công
khai lẫn ngấm ngầm, của giai cấp cực giàu hiện hữu (cấu kết thành các “nhóm lợi
ích”) với những thế lực tài chính, kinh tế, và vâng, chính trị nữa, vô cùng to
lớn của họ. Một sự tái cơ cấu như thế chỉ có thể thành công nếu nó không bị ảnh
hưởng của bất cứ nhóm lợi ích nào, nhất là trong một thực trạng mà những nhóm
lợi ích ấy lại “tay trong tay” với tham nhũng.
Trần
Hữu Dũng
21/12/2012
[1] Joseph Stiglitz,
2012, The Price of Inequality: How Today's Divided Society Endangers Our
Future, New York: Norton
[2] Timothy Noah, 2012,
The Great Divergence: America's Growing Inequality Crisis and What We Can Do
about It, New York: Bloomsbury Press.
[3] Chrystia Freeland,
2012, Plutocrats: The Rise of the New Global Super-Rich and the Fall of
Everyone Else, New York: Penguin
[4] Một cuốn sách thú
vị về tầng lớp siêu giàu mới nổi ở Nga là The Oligarchs: Wealth And Power In
The New Russia của David Hoffman (New York: PublicAffairs, 2002)
[5] Tương truyền rằng
chính ông Ben Bernanke, chủ tịch Fed của Mỹ, lúc mới nhậm chức cũng không hiểu
nỗi tất cả những công cụ này, phải mời một chuyên viên ngân hàng đến giải thích
cho ông!
[6] Nếu nhà nước cấm
nhập khẩu chính thức những loại hàng này thì họ sẽ nhập khẩu qua những kênh bất
hợp pháp, tạo thêm cơ hội cho tham nhũng.
No comments:
Post a Comment