Saturday, 12 January 2013

CÁC VĂN NGHỆ SĨ CÓ THEO GƯƠNG NGHỆ SĨ KIM CHI ? (Bùi Công Tự)




Bùi Công Tự
Blog Tễu  -  Thứ bảy, ngày 12 tháng một năm 2013

Việc đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng Nguyễn Thị Kim Chi mới đây từ chối việc làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng đã được dư luận ngợi ca, khâm phục. Nó phản ánh việc bất tín nhiệm cao độ của nhân dân đối với một lãnh đạo trọng yếu của nhà nước. Lý do bà Kim Chi nêu ra khiến tôi cứ nhớ đến tên một truyện ngắn (hình như của Nam Cao) là “Cái mặt không chơi được”!

Chúng ta đều biết người ta có thể qua trường học để trở thành kỹ sư điện tử, bác sĩ nha khoa nhưng không mấy ai qua trường học mà trở thành nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nói chung. Khác với mọi người văn nghệ sĩ có một hệ thần kinh cảm xúc nhạy bén khác thường. Vì vậy họ dễ dàng rung động trước cái đẹp, rơi lệ trước cái bi thương và giận dữ trước cái độc ác, cái phi lý, phi luân. Thông thường văn nghệ sĩ bằng trực giác của mình đã cảnh báo sớm nhất về những vấn nạn, những nguy cơ cho đất nước.

Những vấn nạn, những nguy cơ ấy (trừ nạn ngoại xâm) thường là hệ luỵ của sự suy vong một thể chế, sự đồi bại của những người cầm quyền (còn gọi là suy thoái biến chất về tư tưởng đạo đức lối sống). Vì vậy nhà cầm quyền thường căm ghét, trả thù, trừng phạt những văn nghệ sĩ nào dám lên tiếng (bằng phát ngôn hoặc tác phẩm) phản đối họ.

Ở Việt Nam những văn nghệ sĩ, những nhà văn hoá bị gộp vào nhóm Nhân văn – Giai phẩm chính là những người đã vạch ra sớm nhất những sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất. Mặc dù Đảng Lao động Việt Nam đã thừa nhận sai lầm phải thực hiện sửa sai, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải rơi nước mắt trước quốc dân đồng bào nhưng rồi các văn nghệ sĩ nói trên đã bị thẳng tay trừng phạt. Có người bị tù đày hàng chục năm như Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An; có người phải chịu lao động cải tạo, bị cấm viết như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán...

Cái yếu của giới văn nghệ sĩ là thường chạy theo cái danh, thích nổi tiếng. Cho nên nhiều người muốn được khen thưởng, được có danh hiệu này nọ. Để được khen thưởng, được danh hiệu không khỏi có những văn nghệ sĩ đã quỵ luỵ, đã câm lặng trước những vấn nạn, những nguy cơ và những bi hài xã hội. Nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ, chưa đến mức “không nhỏ” trong giới văn nghệ sĩ.

Người nghệ sỹ và vị lãnh đạo XHCN - Mối quan hệ vua tôi phong kiến (BTV-Xcafevn)

Khoảng hai chục năm lại đây càng ngày việc khen thưởng của nhà nước ta càng mất giá trị. Đã có chuyện chạy danh hiệu, chạy huân chương. Đã có kẻ đồi bại được phong danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới. Vì thế đã không ít người chính trực từ chối khen thưởng, giải thưởng. Họ sợ sự khen thưởng ấy làm vấy bẩn thanh danh hay nói như nghệ sĩ Kim Chi “là một sự xúc phạm”. Còn với nhiều người bình thường thì tôi thấy các bằng khen đem về vứt đầy xó nhà cho chuột gặm.

Nhà nước ta hiện có Ban thi đua khen thưởng từ cáp trung ương đến các địa phương, lại có cả viện huân chương. Kèm theo các huân huy chương, các giải thưởng là một món tiền to nhỏ khác nhau. Vậy thì việc khen thưởng với các tấm bằng ghi nhận có chữ ký của đồng chí X, đồng chí Y, đồng chí Z, ... sẽ còn ban phát đều đều như vãi thóc cho gà.

Thưa các văn nghệ sĩ mà tôi yêu quý trân trọng! Từ nay nếu được khen thưởng, kể các những giải thưởng lớn như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, các anh chị có dũng cảm khước từ theo gương nghệ sĩ Kim Chi kính mến của chúng ta không?

Mở rộng ra nếu dấy lên một trào lưu từ chối khen thưởng trong toàn xã hội thì sẽ góp phần xoá bỏ sự giả dối, thúc đẩy sự tiến bộ và đề cao nhân cách con người.

TP Hồ Chí Minh, 12/1/2013.



No comments:

Post a Comment

View My Stats