Sunday, 6 January 2013

BẤT BÌNH ĐẲNG TRONG XÃ HỘI TRUNG QUỐC (Nguyễn Hưng Quốc)




06.01.2013

Một trong những lý tưởng cao nhất của chủ nghĩa xã hội là tạo ra sự bình đẳng trong xã hội. Vì lý tưởng đó, họ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, từ sự phát triển (sẵn sàng chấp nhận lạc hậu so với các quốc gia gọi là tư bản chủ nghĩa) đến sự nhân đạo (sẵn sàng trấn áp tất cả những người thuộc thành phần giàu có dưới chiêu bài chuyên chính vô sản). Với họ, sự bình đẳng ấy có hai cấp độ thuộc hai thời kỳ khác nhau: bình đẳng một cách tương đối dưới thời xã hội chủ nghĩa và bình đẳng một cách tuyệt đối dưới thời Cộng sản chủ nghĩa.

Cuối thập niên 1980, chủ nghĩa xã hội ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ như một cách trả giá cho những lý tưởng viển vông ấy. Những điều họ muốn hy sinh không những không chết mà còn vùng dậy đòi phục thù khi dân chúng không thể chấp nhận tình trạng lạc hậu và nghèo đói mãi cũng như không thể chấp nhận sự độc tài và vô nhân đạo cho những lời hứa hẹn đầy hoang tưởng của giới lãnh đạo.

Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn năm quốc gia vẫn tiếp tục “kiên định” đi theo hệ thống xã hội chủ nghĩa: Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên, Cuba và Việt Nam.

Trong năm quốc gia ấy, Trung Quốc và Việt Nam chọn con đường dung hòa về kinh tế: Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, như một cách dung hòa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, dung hòa giữa quy luật thị trường và tham vọng độc quyền lãnh đạo cũng như quản lý của đảng Cộng sản, dung hòa giữa nhu cầu phát triển và lý tưởng bình đẳng.

Suốt hơn 20 năm qua, công cuộc dung hòa ấy không phải lúc nào cũng trôi chảy. Càng ngày người ta càng nhận thấy đó chỉ là một hôn nhân gượng ép, đầy bất trắc, chỉ làm chậm lại quá trình hiện đại hóa của đất nước: Hầu hết các cơ sở kinh tế quốc doanh, nằm trong tay nhà nước, dù ngốn rất nhiều vốn, lại rất ít có hiệu quả, thậm chí, bị phá sản, để lại những món nợ lớn, trở thành những gánh nặng cho quốc gia, không phải với thế hệ hiện nay mà còn cả với nhiều thế hệ con cháu trong tương lai.

Trước những thất bại nhãn tiền như thế, cả chính quyền Việt Nam lẫn chính quyền Trung Quốc đều tự biện hộ: bù lại, người ta ngăn chận được nạn cá lớn nuốt cá bé, hiện tượng người bóc lột người, khoảng cách quá xa giữa người giàu và người nghèo trong xã hội. Nói cách khác, người ta bảo đảm được sự bình đẳng.

Nhưng sự thật thì ngược lại.

Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, đặc biệt Việt Nam, tuy hy sinh sự phát triển, nhưng họ cũng không giữ được sự bình đẳng.

Kết quả một cuộc nghiên cứu vào năm 2010 mới được công bố cho thấy chỉ số bất bình đẳng ở Trung Quốc hiện nay thuộc loại cao nhất thế giới.

Cách tính chỉ số này dựa trên đề nghị của Corrado Gini, người Ý, cách đây đúng 100 năm: Ông chia mức phân phối tài sản của người dân thành nhiều bậc, từ 0 (nơi mọi người có cùng một mức thu nhập giống nhau) đến 1 (nơi chỉ có một người có thu nhập; còn lại đều không có gì cả). Như vậy, xã hội có chỉ số 0 là xã hội bình đẳng tuyệt đối và ngược lại, xã hội có chỉ số 1 là xã hội bất bình đẳng tuyệt đối. Dĩ nhiên hai loại tuyệt đối ấy đều không có. Tất cả các xã hội loài người hiện nay đều xê dịch giữa trên số 0 và dưới số 1. Càng gần với số 1 bao nhiêu mức độ bất bình đẳng lại càng cao bấy nhiêu. Tất cả các xã hội có chỉ số bất bình đẳng trên 0.4 đều được xem là đáng báo động.

Chỉ số bất bình đẳng ở Trung Quốc vào năm 2010 là 0.61. Cao hơn hẳn chỉ số trung bình trên thế giới: 0.44.

Ở đây có hai điều cần nhấn mạnh:

Thứ nhất, với chỉ số 0.61 ấy, mức độ bất bình đẳng, tức khoảng cách giữa giàu và nghèo, ở Trung Quốc cao hơn hẳn các quốc gia tư bản, những nơi bị họ nguyền rủa là bóc lột tàn bạo: chỉ số ấy, trong cùng thời điểm, ở Mỹ chỉ trên 0.4.

Thứ hai, mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc càng ngày càng gia tăng chứ không giảm. Năm 2000: 0.412; năm 2008, tăng lên 0.54; và năm 2010 là 0.61.

Sự bất bình đẳng trong thu nhập ấy cũng được thể hiện qua sự bất bình đẳng trong tiêu dùng. Những năm gần đây, mức độ tiêu thụ hàng hóa ở Trung Quốc tăng vọt. Nhưng tăng nhiều nhất lại là những hàng tiêu dùng dành cho giới nhà giàu. Chứ không phải cho dân chúng bình thường. Ví dụ, so với năm trước, các loại hàng tăng nhiều nhất là: nữ trang (46%) và xe hơi (34%). Nói chung, các loại hàng xa xỉ dành cho giới thượng lưu chiếm đến khoảng 33% tổng số hàng tiêu dùng qua hệ thống bán lẻ ở Trung Quốc.

Tôi không thấy chỉ số bất bình đẳng ở Việt Nam thời gian gần đây. Có lẽ không bằng Trung Quốc. Nhưng chắc chắn là cao hơn hẳn mức trung bình trên thế giới. Chỉ cần quan sát chung quanh một chút, chúng ta cũng thấy ngay được điều đó. Trong khi đại đa số dân chúng vật lộn với cuộc sống hàng ngày, kiếm ăn được ngày ba bữa đã toát mồ hôi hột, vô số cán bộ giàu có đến độ tiêu xài cách mấy cũng không hết. Gần đây, khi thực phẩm Việt Nam bị nhiễm độc trầm trọng, nhiều người có sáng kiến sang Singapore đi chợ. Cứ mỗi tuần hay hai tuần, họ sang Singapore một lần. Để mua thịt, rau và trái cây tươi.

Chưa bao giờ người Việt Nam xài sang đến như vậy.

Chỉ tiếc, đó chỉ là một số ít. Những người có quyền chức. Những người “đầy tớ của nhân dân”.



* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats