Sunday, 27 January 2013

BA GÓC NHÌN TỪ VỤ PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC (Phap Luat TP)




27/01/2013 - 06:00

Các nước ASEAN hiện nay đều thua xa Trung Quốc về quân sự và kinh tế.

Việc Philippines đưa các tranh chấp với Trung Quốc (TQ) ở biển Đông ra tòa án quốc tế đã tạo nên một tiền lệ khá hiếm hoi nhưng lại rất quý giá cho Việt Nam.

Góc nhìn 1: Nước nhỏ nên dùng luật
Việc sử dụng thể chế dựa trên luật pháp quốc tế là phương án tối ưu cho các nước yếu thế hơn trong tranh chấp biển Đông. Bởi hiện nay, các nước ASEAN đều thua xa TQ cả về tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh quân sự khi TQ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có lực lượng quân sự lớn thứ ba thế giới, sở hữu tàu sân bay, là một trong tám quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân… và đặc biệt là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Góc nhìn 2: Lời nói và hành động của nước lớn
Mặc dù Bắc Kinh đã đồng ý đàm phán với ASEAN về COC hay kêu gọi cần tuân thủ luật quốc tế nhưng việc thực thi luật pháp quốc tế và các hành động của Bắc Kinh trên biển Đông vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Có hai khả năng để giải thích cho sự khác thường này. Khả năng thứ nhất là TQ không muốn đàm phán một COC ràng buộc pháp lý và cũng không muốn giải quyết tranh chấp biển Đông theo cơ sở luật quốc tế. Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng tuyên bố: UNCLOS nhằm thiết lập một trật tự pháp lý cho các biển và đại dương “với sự quan tâm thích đáng cho chủ quyền của tất cả quốc gia” nhưng không thể được xem như một công ước quốc tế để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia và cũng không phải là chứng cứ sử dụng để đưa ra đánh giá cho các tranh chấp.

Công dân Philippines biểu tình phản đối TQ xâm phạm bãi cạn Scarborough bên ngoài lãnh sự quán TQ ở Makati (Philippines).

Khả năng thứ hai là TQ đang cố kéo dài thời gian cho các chiến lược “chia rẽ nội bộ ASEAN” và gia tăng “ưu thế thương lượng”. Việc thể hiện sức mạnh quân sự và nỗ lực biến các vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp đều nhằm giành lấy “ưu thế thương lượng”, đồng thời đẩy các nước khác vào thế yếu khi đàm phán. Khả năng này có thể lý giải thêm bằng quan điểm đàm phán song phương của TQ với các nước có tranh chấp về vấn đề biển Đông.

Góc nhìn 3: “Ván bài lật ngửa”
Việc thiếu vắng một cơ chế pháp lý hiệu quả trong việc quản lý tranh chấp được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng leo thang. Sự chấp nhận tương đối của các bên tham gia với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được xem là một trong những “trụ cột pháp lý” để quy phạm và phân xử các hành động của các bên liên quan. Tuy vậy, UNCLOS lại đang gặp phải nhiều vấn đề khi sự diễn dịch của nó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Một trong những vấn đề nan giải khác trong việc sử dụng UNCLOS - một khuôn khổ pháp lý cho giải quyết xung đột tại khu vực biển Đông - là sự khác biệt góc nhìn giữa các bên tham gia về bản chất kết cấu tự nhiên ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự khác biệt góc nhìn ảnh hưởng đến lập luận của các bên trong việc xác định các vùng biển có thể được yêu sách. Dựa trên hồ sơ báo cáo chung Việt Nam-Malaysia 2009 trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLSC), hai nước này đi gần với quan điểm phủ định quy chế pháp lý của đảo dành cho các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa, ngay cả những hòn đảo hai nước này đang quản lý.

NGUYỄN CHÍNH TÂM - VŨ THÀNH CÔNG





No comments:

Post a Comment

View My Stats