Thomas Việt, VRNs
Đăng bởi lúc 8:58 Sáng 6/01/13
VRNs (06.01.2013) –
Sài Gòn – Chào quý vị, hầu giúp quý vị hiểu hơn quan điểm của các chính đảng
không cộng sản về việc có thể đối thoại giữa nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam
với các chính đảng không cộng sản của người Việt trên toàn thế giới, hôm nay
mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa Thoma Việt, thuộc Truyền Thông Chúa Cứu
Thế với Ông Nguyễn Sĩ Bình, đại diện Đảng Dân Chủ Việt Nam.
Thomas Việt: Chào
Ông Nguyễn Sĩ Bình, đại diện Đảng Dân Chủ Việt Nam, gần đây có một số ý kiến
nhắc đến việc đối thoại giữa các chính đảng người Việt và nhà cầm quyền Cộng
sản Việt Nam. Đảng Dân chủ Việt Nam có chấp nhận hay có kế hoạch nào trong việc
đối thoại với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không, thưa Ông?
Nguyễn Sĩ Bình: Khi chúng ta gặp vấn đề, dù trong gia đình hay giữa các
thành phần trong xã hội, đối thoại luôn là cần thiết. Đối thoại để hiểu biết
nhau hơn cũng như để làm sáng tỏ nguyên nhân của vấn đề và nguyện vọng của các
bên, dựa vào đó tìm ra điểm đồng thuận cho hướng giải quyết. Tinh thần hòa hợp
vì mục đích xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, phát triển là trọng điểm cần
đối thoại hiện nay.
Chế độ cộng sản tại Việt Nam từ lâu nay là
một vấn đề lớn trong xã hội. Trong trường hợp nhà cầm quyền Cộng sản đối thoại
với các đảng chính trị, đó là lúc họ phải chấp nhận thực tế xã hội, chấp nhận
dân chủ, chấp nhận bình đẳng xã hội, chấp nhận sự hiện hữu của các đảng chính
trị. Đất nước đã thống nhất, chiến tranh giữa hai miền đã chấm dứt gần bốn thập
kỷ mà nhà cầm quyền vẫn chưa thể ngồi lại với các thành phần xã hội thì đó là
biểu hiện của sự lãnh đạo yếu kém, thiếu tinh thần dân tộc. Bây giờ mới nghĩ
đến chuyện ngồi lại với nhau có phải đã là quá muộn? Đây là trách nhiệm của nhà
cầm quyền.
Quan điểm của Đảng Dân chủ là đã đến lúc Việt
Nam cần khép lại quá khứ và cùng nhau hướng về tương lai, dù đã trễ. Đảng Dân
chủ Việt Nam hướng đến phối hợp với mọi thành phần xã hội, tất cả người dân
Việt Nam trong và ngoài nước không phân biệt quá khứ chính trị. Chúng ta không
nên lặp lại các sai lầm trong quá khứ gây chia rẽ giữa người Việt với người
Việt. Việc các đảng viên Đảng Cộng sản yêu nước sát cánh với các thành phần dân
chủ từng bước chuyển đổi cho phù hợp với những đòi hỏi thiết thực của xã hội là
đúng đắn và cần thiết. Giới cầm quyền, thay vì độc tôn và độc quyền chiếm giữ
quyền lợi cho phe nhóm hay cá nhân mình, cần có trách nhiệm hòa giải vì tương
lai của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thomas Việt: Trong
nhiều năm qua nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã liên tục trấn áp, tùy tiện bắt
giam và tuyên án nhiều người có tư tưởng tiến bộ trong việc cổ vũ tạo dựng xã
hội dân chủ, công bằng, những thanh niên lên tiếng về chủ quyền quốc gia như
Nguyễn Phương Uyên hay những đảng viên của các chính đảng như Phạm Minh Hoàng,
Nguyễn Quốc Quân, Trần Thị Thúy của Việt Tân, Trương Minh Đức của Đảng Vì Dân,
hoặc Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Phùng Lâm,…của Đảng Dân chủ
Việt Nam và Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải thuộc CLB Nhà báo Tự
do hay Cù Huy Hà Vũ. Vậy nếu trong trường hợp Đảng Dân chủ Việt Nam nếu chọn
hướng đối thoại hay không đối thoại thì có ràng buộc gì đối với vấn đề này hay
với những vấn đề nào khác không thưa Ông?
Nguyễn Sĩ Bình: Đảng Dân chủ cho rằng, Đảng Cộng sản cầm quyền không
chính danh và pháp luật của Đảng Cộng sản không phải là pháp luật của toàn dân.
Do đó, các phiên tòa đối với đảng viên Đảng Dân chủ, cũng như tất cả các phiên
tòa chính trị khác, chỉ là tuồng diễn pháp lý của một đảng tiếm quyền đàn áp
các tiếng nói lương tâm.
Trấn áp và tù đày không phải là cách để bảo
vệ ổn định chính trị. Ngược lại, chúng chỉ phơi bày sự bất an của nhà nước
không chính danh trước những đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Bỏ tù những tiếng
nói lương tâm còn là một việc làm đáng xấu hổ cho nhà cầm quyền, gây mất thể
diện quốc gia.Trong thời điểm hiện nay khi chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh
thổ bị đe dọa, lãnh đạo yếu kém và quốc nạn tham nhũng bất trị, việc đoàn kết
dân tộc và điều hành xã hội theo nguyên tắc dân chủ là cấp thiết. Nhà nước Việt
Nam cần tôn trọng sự thật và lẽ phải, tôn trọng công luận trong nước và quốc
tế, sớm trả tự do cho các tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam cần cải tổ cơ chế nhà nước
một cách dứt khoát, không nên mãi cố chấp, tranh cãi và hận thù quá khứ nhằm
duy trì độc tôn chính trị. Cụ thể, cần thông qua bản Hiến pháp của toàn dân để
tháo gỡ vấn đề nhà nước không chính danh và cùng nhau xây dựng cơ chế nhà nước
minh bạch, tạo lập xã hội công bằng.
Thomas Việt: Một
số lượng đáng kể các thanh niên Công giáo và Tin lành sẽ ra tòa sơ thẩm vào
ngày 8.1.2013 tới đây mà theo như cáo trạng thì họ có tham gia các hoạt động
của Đảng Việt Tân. Đảng Dân chủ Việt Nam nhân định gì về việc này? Qua việc mới
nhất này có phải đó là cách đối thoại của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam? Đảng
Dân chủ Việt Nam có chấp nhận cách hành động này nếu nhà cầm quyền cộng sản
Việt Nam nói họ muốn đối thoại?
Nguyễn Sĩ Bình: Việc này cũng không có gì lạ, các đảng viên Đảng Dân
chủ Việt Nam cũng đã và đang ở trong những hoàn cảnh tương tự. Tất cả các chí
hữu của Đảng Dân chủ Việt Nam cũng như các nhà hoạt động dân chủ đều không ai
có tội, không vi phạm pháp luật quốc gia hay quốc tế. Những hoạt động dân chủ
mà anh chị em tham gia là những hành động yêu nước, chính đáng. Vấn đề công
luận cần đặt ra là nếu luật pháp phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân,
được ban hành một cách chính danh, công bằng và minh bạch thì lâu nay Việt Nam
đã không có tình trạng giam giữ tù nhân chính trị. Đây không phải là các vụ án
hình sự hay vụ án đơn lẻ nhằm vào những cá nhân, mà là kế hoạch đàn áp chính
trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các hoạt động dân chủ.
Khi Đảng Cộng sản chấp nhận đối thoại tức họ
đã công nhận các chính đảng và nguyên tắc dân chủ, trả tự do cho các tù nhân
chính trị là thiện chí đầu tiên. Đảng Dân chủ nhắc lại, tòa án không phải nơi
giải quyết những bất đồng chính trị, mà nghị trường mới là nơi phù hợp. Đảng
Cộng sản Việt Nam nên vì mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ như đã hô hào mà
sớm trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Thomas Việt: Có
phải đến lúc các chính đảng không cộng sản cùng với các hội đoàn và tổ chức dân
chủ của người Việt trong và ngoài nước nên nắm tay nhau trong việc đòi hỏi một
cách ôn hòa cho dân chủ nước Việt? Nếu chưa thì đến khi nào thì có thể, còn nếu
đã đến lúc thì theo Đảng Dân chủ Việt Nam, chúng ta phải làm như thế nào từ lúc
này?
Nguyễn Sĩ Bình: Như đã nói ở trên, Đảng Dân chủ luôn mong muốn đất nước
sớm thoát khỏi tình trạng hận thù, bất hòa, và phân hóa. Đất nước đã thống nhất
nhưng lòng người vẫn chưa thống nhất sau gần 40 năm. Đây là vấn đề hệ trọng.
Bây giờ đã là quá trễ trong việc hàn gắn vết thương lòng. Nhà cầm quyền Việt Nam
lâu nay chỉ nói nhưng vẫn chưa thật tâm thực hiện.
Lý do giới lãnh đạo bảo thủ chưa đáp ứng đòi
hỏi của xã hội là vì các lực lượng dân chủ chưa thống nhất và thành phần cấp
tiến trong Đảng Cộng sản chưa dứt khoát, còn nhân dân thì mất quyền làm chủ mà chỉ
phản kháng đơn lẻ. Việc các lực lượng dân chủ phối hợp và đồng nhất trong mục
tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền cần là công việc thường xuyên, công khai và
là mục tiêu lâu dài của xã hội.
Mục tiêu chung của tất cả chúng ta là tranh
đấu cho dân chủ, công bằng thì phương tiện để tiến đến mục tiêu đó cũng không
thể khác. Để tranh đấu hiệu quả thì nhất thiết phải có phương hướng nhất quán
và phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Chúng ta không nên bận rộn với những vấn đề
có tính cách cá nhân, để rồi có thể vô tình rơi vào quỹ đạo đối nghịch làm sao
lãng mục tiêu phục vụ xã hội. Thay vì gây thêm vấn đề, chúng ta cần hoạt động
trong tinh thần dân chủ, bình đẳng cho các mục tiêu chung. Còn hô hào phục vụ
xã hội mà hoạt động đơn lẻ, chú trọng cho cá nhân hơn tập thể, thì khó có đủ
sức mạnh cho công việc và khó tạo sự thống nhất cần thiết cho công cuộc chung.
Một khi các thành phần dân chủ trong và ngoài
Đảng Cộng sản phối hợp thì lúc đó việc hòa hợp dân tộc sẽ bắt đầu và xã hội sẽ
chuyển biến nhanh theo chiều hướng tích cực. Một số người e ngại rằng trong quá
khứ cũng đã diễn ra các cuộc đối thoại nhưng phía Đảng Cộng sản Việt Nam đã
không tôn trọng các cam kết. Tuy vậy, tình thế chính trị mỗi thời điểm mỗi
khác. Tinh thần dân chủ trong xã hội cũng đã khác với thế kỷ trước và ngay
chính trong nội bộ của Đảng Cộng sản đã có những dấu hiệu sẵn sàng cho sự thay
đổi.
Đảng Dân chủ thông cảm và chia sẻ những chỉ
trích, chống đối những sai trái của chế độ hiện hành từ các anh chị em tranh
đấu cho dân chủ cũng như anh chị em trong Đảng Cộng sản. Nhưng tương lai của
đất nước đòi hỏi tinh thần hòa hợp qua sự đối thoại tương đồng là cần thiết.
Ngoài ra, đối thoại sẽ giúp tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề xã hội thay vì gây
xáo trộn xã hội.
Thomas Việt: Riêng
với Đảng Dân chủ Việt Nam thì quý vị có đòi hỏi gì đối với nhà cầm quyền Cộng
sản Việt Nam về việc dân chủ hóa nước Việt nói chung và về những việc liên quan
đến Đảng Dân chủ Việt Nam nói riêng?
Nguyễn Sĩ Bình: Hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công bằng,
dân chủ mà vẫn chưa có hiến pháp dân chủ thì chỉ là nói suông, mọi giải thích
đều là ngụy biện. Đảng Cộng sản luôn hô hào xây dựng xã hội công bằng nhưng lại
chủ trương chế độ một đảng, áp đặt hiến pháp và pháp luật của một đảng lên toàn
xã hội. Dù vấn đề này đã bị Đảng Cộng sản biến thành chuyện thường ngày, không
để người dân quan tâm, nhưng đây chính là vấn đề lớn nhất cần phải làm sáng tỏ.
Độc đảng đồng nghĩa với quyền lực không có đối trọng và không có kiểm soát. Đây
chính là nguồn gốc của quốc nạn tham nhũng, cường quyền, là nguyên nhân cốt lõi
gây ra bất công dai dẳng trong xã hội.
Vấn đề khẩn thiết hiện nay Việt Nam cần hóa
giải là nhà nước phải được chính danh. Chính vì chính quyền không đại diện cho
nhân dân nên những điều luật trấn áp mới có thể được thông qua, và những kiến
nghị tâm huyết của nhân sĩ, trí thức và nhân dân mới bị quên lãng.
Chủ trương của Đảng Dân chủ là thúc đẩy cho
Việt Nam có một bản hiến pháp chính danh để tạo dựng xã hội dân chủ, công bằng.
Hiến pháp tiến bộ là nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ. Dù theo chủ nghĩa hay tư
tưởng chính trị nào, đất nước cũng cần phải có Hiến pháp dân chủ với một cơ chế
nhà nước minh bạch và điều hành xã hội bằng pháp luật. Một Hiến pháp dân chủ
phải là Hiến pháp của toàn dân, được nhân dân đồng thuận thông qua và áp dụng
vào cuộc sống. Về các chi tiết cụ thể, năm 2010 Đảng Dân chủ Việt Nam đã giới
thiệu bản đề xuất soạn thảo Hiến pháp của toàn dân gồm 2 phần, (1) Tại sao Việt
Nam cần sửa đổi căn bản và toàn diện Hiến pháp và (2)Bản đề xuất khung Hiến
pháp của toàn dân với các điều khoản về quyền con người.
Cốt lõi của vấn đề cần giải quyết tận gốc
chính là vấn đề tư duy và cơ chế. Ngày nào Việt Nam chưa có hiến pháp dân chủ,
chưa thực hiện bầu cử tự do và công bằng thì nhà nước vẫn không chính danh, và
những hô hào của giới cầm quyền vì mục tiêu dân chủ, xã hội công bằng… vẫn chỉ
là nói, không thành thật.
Thomas Việt: Lời
cuối mà Đảng Dân chủ Việt Nam muốn gửi đến Quốc dân về việc có thể đối thoại
với cộng sản Việt Nam cũng như về việc dân chủ hóa nước Việt là gì?
Nguyễn Sĩ Bình: Đảng Dân chủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại với các chính
đảng, trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng.
Về việc dân chủ hóa Việt Nam, mục tiêu tranh
đấu dân chủ công bằng cần phải thực thi thay vì chỉ có nói suông. Cụ thể là bắt
đằu bằng một bản Hiến pháp dân chủ được soạn thảo bởi các thành phần trong xã
hội và quan trọng hơn hết là phải được nhân dân phúc quyết thông qua. Giữa lúc
Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp, rõ ràng đây là thời điểm và cơ hội để nhà cầm
quyền Cộng sản Việt Nam sửa đổi bản Hiến pháp cho chính danh đáp ứng mục tiêu
xã hội dân chủ, công bằng thay vì loay hoay áp đặt hiến pháp và pháp luật tùy
tiện để duy trì chế độ một đảng. Bản dự thảo hiến pháp của Đảng Cộng sản đưa ra
ngày 2/1/2013 đang làm thất vọng công luận và chứng tỏ giới lãnh đạo cộng sản
Việt Nam vẫn chưa thật tâm sửa sai mà còn thách thức cả công luận trong và
ngoài nước.
Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn thấy một
nhà nước chính danh thực sự phục vụ cho dân, của dân, vì dân, tôn trọng quyền
làm chủ của nhân dân. Những điều vừa nêu trên cũng chỉ là những nguyên tắc cơ
bản về dân chủ, và những nguyên tắc đó dĩ nhiên không ngoài chủ trương của Đảng
Dân chủ Việt Nam.
Tóm lại, trước quốc nạn tham nhũng dai dẳng
và tình trạng yếu kém của nhà cầm quyền trong việc lãnh đạo đất nước, giới lãnh
đạo cộng sản đang đối mặt với lựa chọn giữa thật tâm cải tổ hay quanh co để sụp
đổ chế độ. Chúng ta đã tranh đấu vì dân chủ thì không nên làm ngược lại nguyên
tắc dân chủ. Đối thoại chính là biểu hiện của tinh thần dân chủ.
Đảng Dân chủ Việt Nam là một tổ chức chính
trị ôn hòa của người Việt, sinh hoạt chính trị lành mạnh theo hệ thống và các
nguyên tắc dân chủ chuẩn mực. Đảng Dân chủ là môi trường phát huy dân chủ, là
nơi rèn luyện đảng viên, đặc biệt về tư tưởng dân chủ và tư cách lãnh đạo. Đảng
Dân chủ Việt Nam được xây dựng bằng tư duy tiến bộ và hệ thống dân chủ, sẽ là
một hệ thống chính trị nhân bản cân bằng các thế lực chính trị khác, giúp xã
hội phát triển toàn diện và bền vững.
Chúc bình an
Thomas Việt, VRNs
-----------------------------------------------
AI ĐƯỢC LỢI KHI ĐỐI THOẠI VỚI ĐẢNG CỘNG SẢN ?
(Just my 2 cents) - VRNs
4/1/2013
Quan điểm cơ bản về việc đối thoại
mà Đảng Vì Dân khẳng định là:
- Nếu nhà cầm
quyền CSVN muốn hòa giải dân tộc và tìm kiếm một giải pháp chính trị thích hợp
cho Việt Nam, họ cần khởi đầu bằng việc đối thoại với những nhà dân chủ và đoàn
thể bất đồng chính kiến ở Việt Nam trước.
- Nếu CSVN
muốn hòa giải với cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì họ phải chính thức lên
tiếng với các đoàn thể đối kháng, và việc đối thoại phải được thực hiện bình
đẳng, công khai ở cả trong và ngoài nước, với sự chứng kiến của các cơ quan
truyền thông và hiệp hội nhân quyền.
- Việc đối
thoại phải được thực hiện trên tinh thần hòa giải dân tộc và tìm kiếm giải pháp
chính trị thích hợp cho đất nước, chứ không phải là một sự thỏa hiệp chính trị
để chia quyền lãnh đạo với đảng CSVN.
No comments:
Post a Comment