Tuesday, 1 January 2013

ĐẢNG CSVN NHẤN MẠNH CÔNG TÁC LÝ LUẬN (BBC)




BBC
Cập nhật: 13:48 GMT - thứ ba, 1 tháng 1, 2013

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi huấn thị với cơ quan lý luận của Đảng hôm thứ Hai ngày 31/12 để kiểm điểm công việc của cơ quan này và chỉ đạo chương trình làm việc trong thời gian tới.

Bản thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là lý thuyết gia hàng đầu của Đảng và từng đứng đầu Hội đồng lý luận trung ương vốn có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề lý thuyết để lý giải về học thuyết chủ nghĩa xã hội, sự cầm quyền tuyệt đối của Đảng và các vấn đề thực tiễn nảy sinh.

Trong buổi làm việc này, ông Trọng đã nghe ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ chính trị và là chủ tịch đương nhiệm của hội đồng, báo cáo công tác năm 2012, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật.

Báo cáo thành tích

Các thành tích của hội đồng trong năm 2012 được ông Huynh báo cáo là ‘cuộc đấu tranh lý luận bước đầu có những chuyển biến tích cực’, ‘đã xây dựng quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống diễn biến hòa bình’ và ‘phê phán một số quan điểm tư tưởng-lý luận sai trái trong tình hình hiện nay’.

Để giương cao ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng, ông Huynh cũng cho biết là cơ quan của ông sắp xuất bản cuốn sách ‘Kiên định độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội’.

Ông Huynh cũng nói là hội đồng của ông đã có những cuộc tham vấn về lý thuyết với các Đảng cộng sản trên thế giới.

Chỉ thị cho Hội đồng lý luận trung ương, Tổng bí thư Trọng nhấn mạnh rằng khối lượng công việc trong năm 2013 của hội đồng này sẽ ‘rất nặng nề’ vì đây là năm bản lề trong nhiệm kỳ 5 năm của khóa 11 và trong bối cảnh ‘tình hình thế giới diễn biến phức tạp đặt ra nhiều vấn đề mới về mặt lý luận’.

Ông đề nghị hội đồng báo cáo công việc mỗi nửa năm một lần và báo cáo theo kiểu ‘thu hoạch được gì, nội dung lý luận có gì mới’.

Ông đặt ra nhiệm vụ cho hội đồng này là ‘phục vụ tổng kết 30 năm đổi mới’ và nghiên cứu, hệ thống hóa ‘phong cách Hồ Chí Minh’ để đảng viên học tập.

Một nội dung quan trọng nữa mà ông Trọng yêu cầu Hội đồng lý luận trung ương tập trung nghiên cứu là mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước trong phương thức lãnh đạo.

Ông Trọng được dẫn lời nói là ‘Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước thì phải kiểm tra, giám sát xem có bảo đảm thực hiện đúng đường lối, nghị quyết không, không để lợi ích nhóm chi phối, làm sai lệch đường lối của Đảng’.

‘Ngày một u tối’

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang, chỉ trích rằng công tác lý luận của Đảngngày càng xa rời thực tiễn của tình hình thế giới, ngày càng xa rời thực tế xã hội Việt Nam, ngày càng xa rời suy nghĩ, trăn trở của giới trí thức chân chính Việt Nam nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung’.

Ông nêu ra hai vấn đề lớn mà ông cho rằng công tác lý luận Đảng ‘đã sai lầm’ đó là ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ và cách xác định bạn thù trong quan hệ đối ngoại.

“Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng bộc lộ xung khắc với thực tế, càng làm cho thực tế trở nên rối bời và đẩy xã hội Việt Nam đến những mâu thuẫn lớn khiến cho bùng nổ phản kháng, biểu tình và dân oan ngày càng đông đảo lên,” ông phân tích.

“Trong nền kinh tế này phải đưa kinh tế quốc doanh làm chủ đạo nên phải dốc của, dốc sức của nhân dân, đất nước để nuôi béo doanh nghiệp nhà nước,” ông giải thích, “Hậu quả là ăn tàn phá hoại.”

“Về đối ngoại, do có dính đến xã hội chủ nghĩa nên phải tách xa thế giới tiên tiến, phải bám đuôi chủ nghĩa xã hội Trung Quốc,” ông nói thêm.

“Vẫn xác định Trung Quốc dù có xâm lược vẫn là ân nhân và Mỹ vẫn là kẻ thù. Đây là điều trật với tình hình thế giới và không đúng cả trong lòng nhân dân Việt Nam.”

Ông than phiền là công tác lý luận của Đảng đã đưa Việt Nam vào ‘cái vòng lẩn quẩn’ mà hậu quả nhãn tiền là tình hình kinh tế xã hội suy sụp của đất nước hiện nay.

Khi được hỏi có phải nghiên cứu của các bộ não của Đảng đã ngày càng ‘làm sáng tỏ con đường đi lên xã hội chủ nghĩa’ như Đảng tuyên bố, ông Giang nói rằng ‘nếu sáng tỏ thì đất nước đã không rơi vào cái vòng lẩn quẩn này rồi’.

Lý do mà đội ngũ tinh hoa trí tuệ của Đảng nghiên cứu bao nhiêu năm mà, theo như lời ông Giang, mà vấn đề không trở nên sáng tỏ mà ‘ngày càng u tối’, là do Đảng ‘chỉ tập hợp những trí thức nô lệ’.

Những người trí thức của Đảng này được ông Giang miêu tả là ‘nhắm mắt ca ngợi Đảng chỉ vì quyền lợi kinh tế hoặc một vài chức tước như kiểu Đại tá Trần Đăng Thanh’.

Ông nói những ‘trí thức nô lệ’ này ‘không có bản lĩnh’ vì ‘phải biết nịnh Đảng thì mới tồn tại’ và ‘không có thực lực’ vì họ chỉ là ‘tiến sỹ lý lịch’ hay ‘trí thức xuất thân từ công nông’ và vì ‘nạn mua cấp bằng’.

“Đảng dốc cả bạc tỷ vào trí thức nô lệ để làm sáng tỏ đường lối sai lầm của họ,” ông chỉ trích.

Lý do mà các ‘trí thức’ này ‘ngày càng u tối’, theo ông Giang, là do họ ‘không phục vụ cho nhân dân, cho đất nước mà chỉ phục vụ cho Đảng’.

“Họ không chịu nhìn vào quy luật vận động của nhân loại nói chung và của xã hội Việt Nam nói riêng,” ông nói.






No comments:

Post a Comment

View My Stats