Ngô Nhân Dụng
Friday,
January 18, 2013 6:27:03 PM
Các chế độ cộng sản chiếm được chính quyền theo phương cách
giống nhau, nhưng khi suy tàn thì mỗi đảng cộng sản tan rã theo một cách khác
nhau. Anh hay đọc Lev Tolstoi thì nhận ra ngay cả câu này nhại theo câu mở đầu
một tiểu thuyết nổi tiếng của ông (Anna Karenina).
Các
đảng cộng sản lên nắm quyền đều dùng vũ lực, như Lenin nói, “Chiến tranh là bà
mụ đỡ cho cách mạng.” Hoặc Mao nói, “Súng đẻ ra quyền.” Nhưng các chế độ cộng
sản ở Liên Xô và Ðông Âu khi sụp đổ thì mỗi nơi bể vỡ một kiểu. Ðảng Cộng Sản
Ba Lan tự chuyển giao quyền hành cho Công Ðoàn Ðoàn Kết sau khi lâm cảnh hoàn
toàn bế tắc. Ðông Ðức, Tiệp Khắc phải nhượng bộ ý nguyện của người dân, sau các
cuộc biểu tình dồn dập. Hungary đã bắt đầu thay đổi từ vài chục năm rồi nhưng
phải đợi đến năm 1989 mới sụp đổ, một cách ôn hòa. Cộng sản Rumania hoàn toàn
nhắm mắt bịt tai, cưỡng lại đến cùng; đưa tới cái chết thảm khốc của vợ chồng
lãnh tụ sau cùng. Cộng Sản Nga khởi đầu chuyện thay đổi, cốt tìm đường tự cứu
vãn, hy vọng nhờ thế sẽ cai trị lâu dài hơn; nhưng cuối cùng không tự cứu nổi,
biết là hết thuốc chữa. Một yếu tố quyết định tình trạng sụp đổ của các chế độ
cộng sản trên là trình độ nhận thức của người dân trong các nước đó đã lên cao
đến mức chín mùi. Khi chế độ cộng sản sụp đổ, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm,
kể cả các đảng viên. Không một chi bộ đảng nào đưa một ngón tay ra để cứu đảng.
Ðảng Cộng sản Việt
Nam sẽ tan rã như thế nào? Ðây là một câu hỏi cần nêu lên, càng sớm càng tốt. Thứ
nhất, vì điều đó chắc chắn xẩy ra, cứ theo như tình hình nội bộ ung thối của họ
cũng như trình độ nhận thức của người dân Việt Nam đã lên cao. Thứ hai, vì cần
đoán trước cảnh tan rã của đảng Cộng sản sẽ diễn ra làm sao thì người Việt mới
có thể trù tính việc xây dựng chế độ dân chủ tự do sắp tới phải tiến hành thế
nào. Cần chuẩn bị ngay từ trước, nếu không thì sẽ lúng túng kéo dài thời kỳ
chuyển tiếp quá lâu, tại hại cho tương lai dân tộc. Phải nói rằng việc xóa bỏ
chế độ cộng sản ở nước ta bây giờ không phải là điều khó nữa. Nhưng sau đó thì
công việc xây dựng lại đất nước mới sẽ khó gấp trăm, gấp ngàn lần. Nhất là sau
khi đất nước ta đã bị đảng Cộng sản phá cho hư nát từ trong ra ngoài, từ trên
xuống dưới. Ðây là một đề tài người Việt Nam cần thảo luận với nhau, có thể nên
viết thành cả cuốn sách ngay từ bây giờ.
Ðảng Cộng sản Việt
Nam đang tan rã. Ðây là một sự thật.
Ðó
là một tập đoàn tham nhũng, thối nát và hoàn toàn bất lực trước các khó khăn
kinh tế của người dân. Nhưng họ nhất định khư khư ôm lấy chính quyền không chịu
nhả ra. Họ sẵn sàng đàn áp những đòi hỏi của “dân oan” bị bóc lột và tiếng nói
của giới trí thức trung thực muốn cứu vãn đất nước. Từ mấy năm nay trong đảng
Cộng sản họ la hoảng về “diễn biến hòa bình,” chuyển sang báo động tình trạng
“tự diễn biến.” Tất cả cho thấy chính họ biết ngày tàn đang sắp tới; hiện tượng
tự diễn biến là có thật. Không phải tự diễn biến về tư tưởng, đường lối nào cả,
vì bây giờ đâu còn ai chứa tí ti tư tưởng nào nữa! Tình trạng tự diễn biến xẩy
ra trong lãnh vực cơ cấu quyền lực. Nói giản dị, là không biết ai có quyền gì,
ai phải nghe theo ai; nói cách khác, thằng nào được ăn miếng lớn, thằng nào
phải ăn miếng nhỏ. Nếu diễn biến hòa bình là may mắn. Bế tắc quá thì sẽ diễn
biến mà không được hòa bình. Ðể giải quyết vấn đề cơ cấu quyền lực người ta
đang sẵn sàng lên đài đấu võ chết thôi. Biết tình trạng suy tàn đang tiến tới
trước mắt, nhưng đám người đang hưởng những đặc quyền đặc lợi không thể tự cởi
các dây trói chằng chịt để thoát khỏi ngõ bí. Bởi vì hễ một tay đầu sỏ muốn cởi
bỏ một chỗ này thì lập tức có tay đầu sỏ khác thấy sắp mất phần ăn, nhẩy vào
phá đám, đòi cởi bỏ chỗ khác. Tóm lại, hết thuốc chữa.
Các
tay đầu sỏ biết nạn tham nhũng là hố sâu sẽ chôn vùi đảng. Nhưng tham nhũng
cũng là sợi dây liên kết cả đảng lại với nhau. Nếu không có tham nhũng, nếu
không hy vọng dùng quyền lực để làm giầu cho gia đình, thì các đảng viên cầm
quyền đâu còn thấy lý do nào để bảo vệ ách độc tài của đảng? Không thể nào chấm
dứt tham nhũng nếu còn chế độ độc tài, cho nên họ chỉ còn cách dùng món võ tố
tham nhũng làm khí cụ hại lẫn nhau.
Cuộc đấu đá công
khai trong vụ Nguyễn Bá Thanh là một thí dụ dễ thấy nhất. Nguyễn Phú Trọng
đưa Nguyễn Bá Thanh về Hà Nội coi Ban Nội Chính để dùng Thanh tấn công Nguyễn
Tấn Dũng. Sau khi đem được ủy ban chống tham nhũng về trong tay, Nguyễn Phú
Trọng thật ra cũng không biết có cách nào diệt phe Dũng hay không. Thanh có thể
đóng vai tiên phong tấn công vào thành trì kiên cố của đồng chí Ếch.
Ðồng
chí Ếch bèn ra tay trước. Thanh tra Nguyễn Ðức Hạnh tố giác những vụ thất thoát
ở Ðà Nẵng, căn cứ địa của Nguyễn Bá Thanh làm thiệt hại công quỹ hàng ngàn tỷ
đồng. Thủ đoạn tiết lộ bản báo cáo của thanh tra nhắm triệt hạ uy tín của
Nguyễn Bá Thanh, giống như chặt chân ngựa trước khi tướng tiên phong này lên ngựa!
Ngày hôm sau, phe Nguyễn Bá Thanh lập tức phản công, bác bỏ tất cả những kết
luận của nhóm thanh tra.
Khi
đọc cả bản báo cáo của Nguyễn Ðức Hạnh và lời phản công của đàn em Thanh là Văn
Hữu Chiến, người ta thấy bản chất của chế độ trong việc bóc lột người dân. Vấn
đề lớn nhất là của người dân là Ðất. Tai họa của bao nhiêu “dân oan mất đất,”
của bao nhiêu anh Ðoàn Văn Vươn từ mấy chục năm nay là đảng Cộng sản đã có đủ
cách bóc lột người dân qua chính sách ruộng đất để làm giầu cho nhóm lãnh tụ
lớn nhỏ đang nắm quyền, từ trung ương xuống tới cấp thành phố, cấp huyện, cấp
xã.
Ðọc
những lời biện bạch của Văn Hữu Chiến, chúng ta thấy rõ mấy điều. Thứ nhất là các
cán bộ địa phương nắm toàn quyền về việc phân phối quyền sử dụng đất. Họ định
giá đất bao nhiêu, trao quyền sử dụng cho người nào, đó là lợi khí làm giầu mà
họ chiếm độc quyền. Quyền của họ dựa trên Hiến Pháp, nói rằng tất cả đất, ruộng
là của công, và đảng Cộng sản chiếm độc quyền lãnh đạo. Dựa trên hai điều đó,
các cán bộ tha hồ thao túng các luật lệ về đất đai để làm giầu.
Nhưng
luật lệ về đất đai lại thay đổi như tin khí tượng, có lúc nói thế này, có lúc
nói khác đi. Luật lệ lại mơ hồ, như khi nói “tùy từng thời điểm,” để các cán bộ
nắm quyền tha hồ giải thích theo quyền lợi của mình. Trong vụ tranh cãi về đất
đai ở Ðà Nẵng ta thấy cảnh bên nào cũng có thể biện minh cho công việc cấp phát
quyền sử dụng đất của họ. Nói là thiên vị, dĩ công vi tư, làm giầu cho phe đảng
cũng đúng. Nói ngược lại, cũng đúng nốt!
Tất cả
chỉ vì những luật lệ về đất đai luôn thay đổi chủ yếu là lúc nào cũng giữ một ý
tưởng, là mọi quyền quyết định về giao đất cho ai sử dụng đều nằm trong tay
nhóm cán bộ cầm đầu ở địa phương. Các luật lệ đặt ra
lung tung, chằng chéo, nhưng các cán bộ lúc nào cũng nắm nắm quyền giải thích
luật theo ý mình, tức là theo quyền lợi của phe mình. Văn Hữu Chiến nêu ra một
thí dụ ai cũng phải thấy là “kinh khủng,” nếu không sống trong chế độ cộng sản.
Một người được giao quyền sử dụng đất với giá là 100 tỷ đồng. Nếu đi vay ngân
hàng thì chỉ vay được 60 tỷ thôi. Người đó chuyển quyền cho chị em ruột, với
giá mới là 600 tỷ; để có thể tới ngân hàng vay được 360 tỷ!
Không
có một nền kinh tế nào trên thế giới lại để xẩy ra hiện tượng kỳ lạ như vậy!
Nên nhớ là những đồng tiền mà ngân hàng đem cho vay là tiền của người dân ký
thác trong đó. Nên nhớ là đất công là của toàn dân, chứ không phải do đảng Cộng
sản làm ra. Bây giờ đảng nắm quyền quyết định giá bán là 100 tỷ, rồi người mua
vẫn dựa theo luật lệ dùng đất cầm thế mà đi vay được 360 tỷ. Họ dùng hàng trăm
tỷ bạc đó làm gì, dân chúng không ai được biết hết! Sau cùng, họ có hoàn trả
được ngân hàng món tiền vay hay không, cũng không người dân nào được biết. Một
chính quyền thực sự do dân cử ra, trong một xã hội tự do dân chủ và nền kinh tế
có luật lệ, sẽ không bao giờ cho phép những quái thai kinh tế như vậy xuất
hiện! Còn ở nước ta, người ta kể ra những chuyện như vậy lại cốt để biện minh
là mình vô tội!
Vậy
nguồn gốc tội lỗi nằm ở đâu? Tại sao ở nước ta câu chuyện “khủng long
thời tiền sử” này lại xẩy ra? Tất cả chỉ vì đảng Cộng sản nắm toàn quyền, quyền
hành vô giới hạn; cho phép các cán bộ thao túng, sử dụng đất, sử dụng đồng tiền
của người dân theo quyền lợi riêng của họ!
Các
lãnh tụ cộng sản đã ngồi mát ăn bát vàng như vậy từ mấy chục năm nay. Vì họ
tranh giành miếng ăn, xâu xé lẫn nhau cho nên người dân mới được thấy rõ những
hiện tượng kỳ quái như thế. Cuộc đấu giữa các lãnh tụ cộng sản phơi bày bộ mặt
thật của chế độ.
Không
biết trong thời gian tới vụ cãi lộn giữa Nguyễn Ðức Hạnh với Văn Hữu Chiến và
Nguyễn Bá Thanh sẽ đi tới đâu. Không biết cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng,
Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi tới đâu. Tất cả là dấu hiệu cho thấy
họ khó “tự diễn biến” trong hòa bình được. Chế độ đang trên đường tan rã.
Đọc
thêm :
No comments:
Post a Comment