Friday 11 January 2013

ÂN SỦNG CỦA CHÚA, CƠ CHẾ XIN CHO & HIỆN TƯỢNG KIM CHI (Gocomay)




Posted on Tháng Một 11, 2013 by gocomay

Mấy hôm nay cư dân mạng bàn ra tán vào nhiều về chuyện NSƯT Kim Chi gửi thư cho Hội Điện Ảnh từ chối làm hồ sơ (đơn) xin bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Với lý do giản dị: “Không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”. Thông điệp ngắn ngủi ấy ngay lập tức đã gây sự chú ý rất lớn của dư luận cả trong và ngoài nước. Vậy cái bằng khen kia danh giá tới cỡ nào? NSƯT Kim Chi là ai mà dám to gan khước từ ân sủng của vị chúa tể (thủ tướng) vào hàng quyền lực nhất đất nước như vậy?

Cơ chế xin cho
Các ngành khác ra sao thì tôi không rõ. Riêng ngành nghệ thuật (dưới sự quản lý của Bộ Văn hoá) thì chỉ có đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) và Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) đợt đầu vào năm 1984 là các nghệ sỹ không phải làm đơn. Còn từ đợt 2 trở đi đều phải có đơn từ xin xỏ đàng hoàng. Các đơn này phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của các hội đồng cơ sở như từ các Hãng xưởng lên đến Cục; Hội; Bộ… cho tới hội đồng của nhà nước. Sự xét duyệt tưởng như vô cùng chặt chẽ này tuy đều có các tiêu chuẩn (mà tiêu chuẩn về chính trị là hàng đầu) sau đó đến các tiêu chuẩn qui định về các tác phẩm đoạt giải… Nhưng vẫn không tránh khỏi những tiêu cực, bất công.

Cố đạo diễn-NSND Ngọc Quỳnh

Đó là lý do tại sao đạo diễn Ngọc Quỳnh người đạo diễn 2 bộ phim Tài liệu nổi tiếng là “Đầu sóng ngọn gió” và “Luỹ thép Vĩnh Linh” đều được giải cao trong các Liên hoan phim quốc tế và trong nước đã bị trượt danh hiệu NSND đợt đầu. Khiến cả hai vợ chồng bỏ ăn và ôm nhau khóc suốt mấy ngày giời…

Lại có bà đạo diễn hữu danh vô thực, nếu xét về đầu phim được giải (theo tiêu chí đề ra) thì đủ tiêu chuẩn. Nhưng xét về năng lực thì ai cũng thấy bàn tay của người khác làm thay. Do đó bà chỉ đạt danh hiệu NSƯT mà tõn NSND khiến bà đâm đơn kiện khắp nơi. Làm chậm cả đợt công bố danh hiệu nghệ sỹ tới hàng năm trời. Cho tới đợt 2012 vừa rồi, mặc dù bà đã về hưu, không có tác phẩm nào mới đoạt giải. Nhưng quan trên vẫn “bốc xôi làng” cho bà ta. Chắc là để tưởng thưởng một điển hình tiêu biểu về sự kiên trì làm đơn (cả đơn xin lẫn đơn kiện) chăng?

Ngoài hai danh hiệu NSND và NSƯT cao qúi (chủ yếu được xác lập trên cơn sở tham gia làm các phim đoạt giải), các nghệ sỹ còn có thể nộp đơn xin các giải thưởng như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải Thưởng Nhà Nước. Tất cả những ai nộp đơn (dù xin danh hiệu nghệ sỹ hay xin xét giải thưởng ) đa phần đều phải giữ gìn phẩm hạnh về chính trị (“đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” với tất cả mọi người…) có như vậy mới mong thành chánh qủa được. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Như trường hợp nhạc sỹ Phạm Tuyên chẳng hạn. Ông cương quyết không chấp nhận phải làm đơn từ để xin xỏ. Mà nói nếu nhà nước thấy ông xứng đáng mà trao giải thì ông cũng không khước từ. Nhưng trường hợp của ông Tuyên vẫn phải có đơn, đơn này do Hội nhạc sỹ của Hà Nội thay mặt nhạc sỹ làm giúp. Nên cơ chế xin cho vẫn được thiết lập một cách nghiêm ngặt cho tới giờ phút này.

Trường hợp của NSƯT Kim Chi

Nghệ sỹ Kim Chi và Bà Nguyễn Thị Định (chụ ở R)

Nghệ sỹ Kim Chi, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Chi (chị còn có tên thời sống ở R là Dương Khánh Phương) là sinh viên miền Nam tập kết ra bắc và vào học lớp diễn viên khoá 1 Trường Điện ảnh VN (năm 1959), trước May đúng 14 năm (May học QF-K.6 năm 1973). Học xong, ra trường được khoảng 2 năm, cả hai vợ chồng chị Kim Chi (chồng cũng quê Nam Bộ là nhà quay phim nổi tiếng Hồng Sến) được cử vào chiến trường B-3 (Đồng Tháp Mười-Nam Bộ). Chồng quay phim tài liệu còn vợ thì trong Đoàn Văn công Giải phóng. Nếu ai đã từng được xem 2 bộ phim tài liệu nổi tiếng của Hồng Chi (tên ghép của Hồng Sến-Kim Chi) ”Đường ra phía trước” (giải Huy chương vàng LHP QT Moscow-1969; Bông sen vàng LHP Việt Nam 1973) và phim “Nghệ thuật tuổi thơ” (giải Ap-xa-ra vàng tại Liên hoan phim Phnôm Pênh 1969 và giải Bông Sen vàng tại LHP Việt Nam 1973) thì sẽ hiểu những năm tháng đẹp nhất của đôi nghệ sỹ trai tài gái sắc này trong thời chiến tranh ác liệt sống và làm việc như thế nào.

Nhà quay phim Hồng Chi (con trai thứ 2 của Kim Chi và Hồng Sến)

Họ có với nhau 2 mặt con. Mai Phương, là con gái đầu, hiện là biên kịch (Mai Phương có 2 cô con gái đang là các diễn viên có nhiều triển vọng…).
Hồng Chi là con trai thứ 2, hiện là quay phim nổi tiếng của Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS).

Có nột chuyện vui, cách đây 2 năm có bác nhà văn rất nổi tiếng, khoe Mai Phương là con của ông ta trên báo chí. Chả biết thực hư ra sao nhưng bác này đã bị ăn một cái tát nẩy đom đóm mắt của phu quân hiện nay của bà Kim Chi trước đông đảo đồng nghiệp về dự Đại Hội Nhà văn ở Hà Nội. Làm xôn xao dư luận xã hội.

Trở lại chuyện phong danh hiệu nghệ sỹ! Trong số 30 hồ sơ được phong danh hiệu NSƯT của ngành Điện ảnh đợt gần đây nhất (2012), có 3 vị nữ diễn viên nổi tiếng là Tố Uyên; Đức Lưu và Kim Chi thuộc diện đặc cách. Tại sao lại gọi là đặc cách? Vì cả 3 vị đã đóng góp nhiều cho ngành điện ảnh, nay đã già, về hưu đã lâu nên hầu như không còn đóng phim để gọi là đem ra thi thố để có giải thưởng nữa. Nên Hội Điện ảnh đã để nghị đưa vào “danh sách đặc cách” để các nghệ sỹ đó đỡ bị thiệt thòi. Điều này là sự ghi nhận (tuy muộn màng) nhưng rất phục thiện của Hội ĐAVN. Khiến Nghệ sỹ Kim Chi rất cảm động mà bày tỏ rằng:
“Mặc dù tôi từ chối làm hồ sơ Thủ tướng khen, nhưng tôi đầy lòng biết ơn Hội Điện Ảnh Việt Nam đã luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của tôi:
- Đã ủng hộ để tôi được phong tặng nghệ sỹ ưu tú
- Đã cho tôi tham dự trại viết điện ảnh năm 2011
- Đã bình xét tôi là cá nhân xuất sắc năm 2011
Hội viên Hội Điện ảnh có hàng ngàn người trong cả nước. Tôi nghĩ mình được quan tâm như thế cũng đã nhiều và tôi thấy vui”

Diễn viên Kim Chi và các đồng nghiệp thờ ở R…

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như cát tát nẩy đom đóm mà Kim Chi ủy nhiệm cho phu quân của mình đối với kẻ ba hoa chích choè giữa Đại hội Nhà văn kia, thật chả thấm gì so với cát tát trực diện vào “những kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” như thế này. Đó chính là khí phách can trường của người nghệ sỹ chân chính. Trong thời loạn đã dám xả thân, hy sinh cuộc sống an bình nơi hậu phương để lao vào tuyến lửa ăn bờ ở bụi, đối mặt với bao gian khó hiểm nguy. Những tâm hồn và khí phách lớn như thế họ đâu cần phải “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” để nhận ban phát những nắm “xôi chùa ngọng miệng” để phải hổ thẹn với biết bao đồng đội can trường của mình đã bỏ mạng sống qúi giá… đến bây giờ vẫn chưa được trở về… dù chỉ là nắm xương khô.

Muốn lý giải cho thấu hiện tượng Kim Chi, phải trở về cội nguồn cái “dòng sông định mệnh” khắc nghiệt ấy mới có thể cắt nghiã tại sao bà đã hành động một cách “bất thường” như thế.

Nghệ sỹ Kim Chi hiện nay

Khi được (BBC) hỏi liệu bà có sợ bị ảnh hưởng tới bản thân khi đưa ra lá thư này, nghệ sỹ nói, thậm chí cả khi người ta tạo ra những tai nạn để bà “chết” đi nữa, thì điều đó cũng không đáng sợ vì “tôi sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.

Những ý kiến trái chiều

Xung quanh việc làm của nghệ sỹ Kim Chi, bên cạnh những ý kiến khâm phục, khen ngợi, cho đây là sự kiện “sấm sét giữa trời quanglàm không ít trí thức, văn nghệ sĩ – vẫn chỉ chăm chăm tỉa tót cho « bộ lông cánh » của họ phải giật mình hổ thẹn.

Mặc dù vậy, cũng có vài ý kiến phản biện, lập luận rằng, với cơ chế XIN-CHO như hiện nay, không ngửa tay XIN thì ai người ta CHO. Kể cả khi có thành tích mà xin không khéo chắc gì đã đậu? Từ đó họ suy diễn đại loại rằng:
“Tôi không dám nói Bà Kim Chi có xứng đáng và có bao nhiêu % cơ may được khen, nếu làm hồ sơ xin. Tuy nhiên, nói rằng Bà Kim Chi từ chối lời khen của Thủ tướng là chưa chính xác vì … ai lại ký cho những người “chưa xin” hoặc “không chạy” danh hiệu “cao quý” bao giờ!
Nghe nhiều rồi, bây giờ nếu nghe nữa cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ấy là: đóng kịch ấy mà, biết trước là Hội có đề nghị cũng không được cho nên bày trò “giãy nãy” từ chối làm hồ sơ. Ưa được nổi tiếng ấy mà …”

Lại còn kèm thêm cả lời đe doạ nữa:
“Tưởng trước sau gì cũng không có cơ may được giấy khen của Thủ tướng bèn bày trò xin giấy khen của LÒNG DÂN để kiếm tiền tài trợ nước ngoài!? Sắp tới, có dư luận gì về đời tư của Bà Kim Chi thì tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.
Không muốn uống rược mời thì phải chuẩn bị uống rượu phạt thôi. Không muốn được KHEN tất sẽ bị cười chê, chê bai rồi thì chế nhạo, chế tài, cưỡng chế, thậm chí cưỡng… cưỡng gì đó không chừng.
Vợ chồng nghệ sỹ Xuân Quỳnh với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một TAI NẠN giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương.
Dù không phải lập hồ “XIN”, Bà Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Cũng chưa nghe báo mộng bà thấy buồn, thấy nhục vì “chữ ký” ai đó trên giấy khen.”

Có người cho rằng đây là giọng điệu của một trong đám âm binh của thầy trò “đồng chí X” (mà gần đây trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ HN - Hồ Quang Lợi gọi bằng cái tên rất kêu “Dư luận viên xã hội”). Chắc tụi này muốn bôi bác và đe doạ cái dũng khí “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ” (chữ của Võ Văn Tạo) của con cháu Bà Trưng đây. Nhưng thưa đồng chí “Dư luận viên XH” ơi, năm nay đã là 2013 rồi. Chứ không phải là năm 1988 nữa đâu nhé. Với lại khi nghệ sỹ Kim Chi viết thư cho Hội ĐAVN và lại đồng ý cho hậu duệ của nhà thơ Xuân Sách công bố trên Facebook thì chị đã coi cái chết tựa lông hồng rồi. Chính vì thế đừng đem chết chóc của vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi ở dốc Cầu Phú Lương-Hải Dương cách đây 1/4 thế kỷ ra đe doạ làm gì cho mất công.

Thư của NS Kim Chi gửi Hội Điện Ảnh Việt Nam

Thay lời kết
Các đây hơn 7 năm, trong một bức thư hiếm hoi (có hồi âm) của tôi gửi cho một người bạn đồng môn trong nước (lúc đó anh ta đã ngấp nghé ở vai trò lãnh đạo cao nhất ngành điện ảnh), bàn về chuyện danh hiệu và giải thưởng tôi đã viết thế này:

Những giải thưởng cao trong nước và quốc tế cũng như điạ vị, các danh hiệu nghệ sỹ lớn nhỏ do nhà nước phong tặng là vô cùng cao quí nhưng vẫn chưa đủ. Nếu được đổi tất cả những cái danh giá ấy để mang lại những khởi sắc cho sự nghiệp mà bạn đang là một nguời đứng mũi chịu sào thì có lẽ bạn cũng không đắn đo gì có đúng không? (* Xem thêm ở dưới đây)

Lúc đó anh bạn của May đang thăng tiến vững chắc trên con đường tới cái ghế danh giá bậc nhất của ngành điện ảnh. Hẳn anh ta cũng cho những ý kiến của May như dạng: “người ở lĩnh vực khác, ở nơi khác, sống trong điều kiện khác…. lại tỏ ra quan tâm…” (http://www.hongngatfilm.com/2012/12/nam-moi-tay-2013.html) nên chắc gì đã để vào tai. Bởi vậy, chắc chắn việc làm đầy bản lĩnh của nghệ sỹ Kim Chi vừa qua sẽ làm cho các “nghệ sỹ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu” (chữ của Võ Văn Tạo) ở xứ ta phải suy ngẫm và xem lại những việc làm bon chen một cách thái quá của mình. Để khỏi phải ngộ nhận ”sống chết với nghề” một cách hoang tưởng phù du!

____

(*) P/S:

Dec 14, 2009 1:13

Phi Nga & Mạnh Linh (Một cảnh trong phim “Chung một dòng sông”) - Ảnh TL.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về phim ảnh. Làng quê tôi là cái nôi đầu tiên của nghề làm ảnh ở Việt Nam. Bố tôi từ năm 13 tuổi đã thoát ly đi học và làm ảnh ở Hà Nội và Hải Phòng. Cụ chỉ thực sự rời nghề ảnh khi mắt không còn có thứ kính lúp nào trợ giúp cụ để hành nghề được nữa (trên 60 năm liên tục sống chết với nghề). Cậu ruột tôi, là một trong những viên gạch đầu tiên xây đắp nên ngành Điện Ảnh Cách Mạng VN. Người quay phim chính trong bộ phim truyện đầu tiên! Phim “Chung một dòng sông”.

Làng quê tôi đã sản sinh ra hàng trăm nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đầu tiên của nước mình. Riêng Điện Ảnh, tính tới thời điểm này cũng góp tới 10 người (*), có người nổi tiếng có người không. Nhưng có lẽ, khó một làng quê nào hơn được thế!

Phải dài dòng như vậy để chứng tỏ kẻ đang “loạn bàn” này không phải ngoại đạo mà rỗi hơi chõ vào chuyện của thiên hạ như kiểu “chọc gậy xuống nước” để kiếm chuyệm làm quà!

15 phim truyện nhựa dự thi. Ảnh: V.T

Hôm thứ bảy (12/12/2009) đọc trên VietNamNet, trang Văn hoá đưa tin về Liên Hoan Phim Quốc Gia lần thứ 16, thấy những dòng buồn như thế này:

“…. khán giả đến liên hoan phim thì được gì? Xem một số bộ phim cũ kỹ về nội dung, thiếu hấp dẫn trong thủ pháp thể hiện? Gặp những nghệ sĩ đã mòn mặt không trong những bộ phim truyền hình dài tập thì cũng tại nhiều “event” này kia thời mà ai có tiền cũng có thể mời nghệ sĩ đến để lấy oai? Một nền điện ảnh chưa có ngôi sao, mà nhiều nghệ sĩ lại chịu khó xuất hiện quá dày đến nhàm chán, thì liên hoan phim lấy đâu ra những nhân vật hấp dẫn, một yếu tố quan trọng, để lôi kéo công chúng.
Những tưởng tổ chức ở thành phố gần chục triệu dân với thị trường phim ảnh khá nhộn nhịp, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 sẽ là nam châm thu hút sự quan tâm hơn nữa của công chúng đối với phim ảnh nội địa. Nhưng nó gần như rơi tõm vào nhịp sống gấp ở địa phương này, lẫn vào bao điều phải bận tâm trong đời sống của người dân.”

Quang cảnh một buổi chiếu phim, giao lưu với đoàn phim tại Liên hoan phim lần thứ 16. Ảnh: V.T

Ở đoạn trước đó còn có dòng: “…bà Nguyễn Thế Thanh, đại diện của đơn vị tổ chức sự kiện đêm nhạc phim trong khuôn khổ liên hoan phim tiết lộ: nhà tổ chức “chỉ bán được 100 vé” trong tổng số hơn 2.000 chỗ của Nhà hát Hòa Bình.
Kỳ lạ là những sự kiện cùng lĩnh vực diễn ra bên cạnh liên hoan phim vẫn thu hút đông đảo khán giả. Buổi giao lưu với diễn viên Hàn Quốc Cha Tae Hyun và công chiếu bộ phim Ông ngoại tuổi 30 do ngôi sao này đóng vai chính, dù được tổ chức ở một rạp phim nằm xa trung tâm thành phố nhưng khán giả vẫn đến cổ vũ tưng bừng. Buổi giao lưu với diễn viên và chiếu trailer phim Tết Những nụ hôn rực rỡ cũng có không khí tương tự… Vì công tác tổ chức, quảng bá dở, hay vì bản thân sự kiện kém hấp dẫn?” (Trích: “Khán giả thờ ơ, người làm phim hững hờ” - của Võ Tiến - http://www.vietnamnet.vn/vanhoa/200912/LHP-VN-Khan-gia-tho-o-nguoi-lam-phim-hung-ho-883863).

Còn trong bài “Liên hoan phim Việt Nam 16: Khi tấm màn nhung khép lại”đăng trên TuanVietNam, hôm nay (14.12), tác giả Hoài Hương cũng chia xẻ: “Con đường điện ảnh” là tên gọi của LHPVN 16 đặt cho đoạn đường 3 tháng 2, quận 10, trước nhà hát Hòa Bình, mong muốn nơi đây được sắp đặt nhiều hình ảnh về ĐAVN, hướng khán giả quan tâm, chú ý đến các hoạt động của LHPVN 16. Nhưng tiếc rằng cả đoạn đường chỉ treo pano, bandrol quảng cáo LHPVN 16 là chính, không có hình ảnh gì về các phim của LHPVN 16, hay của ĐAVN.
Phim chiếu miễn phí cũng không hơn gì. Ngoại trừ phim truyện nhựa với 15 xuất/15 phim/5 ngày/1 rạp còn có khán giả, còn các thể lọai khác rất hẩm hiu. Phim tài liệu lác đác, có khi chỉ có 5 người xem, phim họat hình thê thảm hơn, có xuất chỉ có 2 người.
Nghịch lý nhất là trong đêm khai mạc và bế mạc LHPVN 16, số lượng công chúng hâm mộ ĐAVN không nhiều, không đến mức “hot”, cho dù sự xuất hiện của các “sao” diễn viên điện ảnh, sân khấu, truyền hình, người mẫu… lộng lẫy trên thảm đỏ. Chẳng bù cho việc “sao” Hàn, khách mời của LHPVN 16, xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào nửa đêm, mà có bao nhiêu “fan” cuồng nhiệt mang hoa, bandroll chào đón…

Những lúc tĩnh tâm, tôi luôn chập chờn một câu hỏi mà chưa bao giờ tìm ra được câu trả lời cho thoả đáng. Nhớ lại, kỷ niệm nhỏ cách đây chừng hơn 4 năm, khi thấy người bạn thuở hàn vi (**) của mình trả lời những điều gan ruột về nghề trên VTV4, thì mình cũng thấy bức xúc không kém!

Đêm hôm đó tôi đã thức trắng đêm viết thư tâm tình gửi bạn. Thư gửi đi, đã có sự hồi âm. Mà bức xúc vẫn không nguôi ngoai. Bạn thì vẫn chưa quên được mình. Đang đắc thế. Còn mình thì có nghề mà không còn hành. Còn tư thế gì để được ai, dù bạn bè cũ đang ăn nên làm ra lắng nghe nữa…

Hôm nay, khi Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 khép lại, những tồn tại cũ về nghề vẫn còn nguyên đó! Trong tương lai gần, chưa hề thấy dấu hiệu gì khởi sắc. Đành mạn phép bạn, chép lại lá thư riêng mà chung ra đây (***) để tự an ủi cho mình và để những ai còn quan tâm tới phim ảnh xứ mình cùng suy ngẫm!

Bức thư đó như sau:

Bạn thân mến !
Vừa được nhìn thấy bạn rõ nét lắm trên chương trình “Văn Hóa – Sự Kiện – Nhân Vật” phát sóng trên VTV4 hôm thứ ba, 01.11.2005 tuần qua. Nhoằng một cái mà đã mười mấy năm không gặp nhau, bạn có đẫy đà hơn, tóc thưa hơn, mặt cũng nhiều nếp nhăn rồi. Mình cũng vậy, ngoại Ngũ tuần, “Tri Thiên Mệnh” cả rồi.
Qua cuộc trò chuyện cuả bạn, những bế tắc cuả Điện ảnh phim Tài Liệu từhồi mình dứt áo ra đi vẫn còn nguyên đó. Vào thời điểm ấy, bỏ nghề, bỏ đi, cá nhân mình đâu có bị ai hắt hủi. Chỉ đơn giản là thiếu việc làm, thiếu ăn, mình đi. Như cách nghĩ cuả các nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao thời xưa là “thà bớt đi một miệng ăn cho những nguời ở lại được no hơn một chút” còn hơn. Nay xem trên báo chí, truyền hình hàng ngày thấy mừng vì đất nước ta đang thay đổi theo chiều hướng đi lên một cách không ngờ. Nhưng Điện ảnh Tài liệu của chúng ta thì những khó khăn vẫn còn nguyên trạng. Nhớ lại, lúc ấy mình cũng đã có một bài báo nhan đề: “Phim Tài liệu cuả chúng ta sẽ đi về đâu ?” đăng trên tạp chí cuả Hội Điện ảnh(thời điểm đạo diễn Đặng Nhật Minh đang làm tổng thư ký). Mười mấy năm đã qua, nghe nói Hãng phim Tài liệu KH TW được thay đổi nhiều từnhân sự tới cơ sở vật chất, mừng lắm. Nhưng số đầu phim vẫn ít ỏi, những khó khăn về đầu ra (chỗ và cách thức chiếu phim Tài liệu) đặc biệt là vấn đềđào tạo mới đội ngũ… như bạn nói là chưa đuợc cải thiện gì đáng kể, thì lại buồn.
Mình bây giờ vô tích sự thật rồi. Vì đã bỏ cuộc, đã không còn “sống chết với nghề” như anh em ở nhà. Đầy mặc cảm nên cũng không dám lạm bàn bấtkể điều gì không phải việc cuả mình. Nhưng thông điệp với những bức súc cuả bạn gửi đi khắp nơi như hôm vừa rồi lại chạm vào cái nỗi đau, nỗi trăn trở cũ cuả mình, và bệnh “ngứa” cũ lại tái phát. Mình lại thèm được gãi. Mặc dù biết rằng, một người đang thành đạt về mọi mặt như bạn chắc gì sẽđón chờ những ý kiến cuả cái thằng vô công dồi nghề như mình ?
Trước khi lạm bàn tới đề tài này, ta thử nhìn rộng ra bên ngoài hình chữ S nhỏ xinh cuả chúng ta xem nền Điện ảnh nói chung và phim Tài liệu nói riêng của người ta tồn tại và hoạt động như thế nào ?
Hiện nay tập quán đi “xem Cinema” rạp như hồi thập niên 50, 60, 70 ở các nuớc Phương Tây là cũng thay đổi nhiều. Họ chỉ còn tới rạp để xem những phim truyện mới đang có tiếng vang hay những phim kinh điển, để được cảm thụ và thưởng thức hết cái không gian, không khí đích thực cuả nghệthuật thuật thứ 7 tại các trung tâm chiếu phim vô cùng sang trọng và hiện đại. Ở hầu khắp các rạp, hiện tại không còn chiếu phim Tài liệu nữa vì nhưmột qui luật tất yếu cuả thị trường:
“Anh không thể bán được những thứ mà anh muốn bán. Anh chỉ bán đượcnhững thứ mà người ta muốn mua” nên phim Tài liệu các loại chủ yếu chỉcòn được phát trên sóng truyền hình.
Mặc dù vậy, phim Tài liệu đến được với khán giả màn ảnh nhỏ lại cực nhanh và cập nhật được nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Chỉ tính riêng trong phạm vi nước Đức thôi (nơi mình đang sống) có khoảng 34 kênh truyền hình được người ta dòng dây cáp nối đến từng nhà (không tính các dịch vụ bán cáp riêng hay các kênh thu qua chảo Satellit). Trong đó tỷ lệ được phân chia như sau: Nhà nước ngoài 2 kênh chính còn có khoảng 7 kênh khu vực; Châu âu có 2 kênh; Pháp: 1 kênh; Anh: 1 kênh; Mỹ: 2 kênh ; Thổ Nhi Kỳ: 1 kênh. Còn lại là các kênh chuyên đề cuả tưnhân. Thể loại cũng được phân định rõ như ngoài các kênh do nhà nước tài trợ 100% phát đủ các thể loại, có kênh chuyên thể thao, kênh chuyên thời sự, kênh chuyên ca nhạc, kênh phục vụ cho thiếu nhi, kênh chuyên quảng cáo tiếp thị và đặc biệt có những kênh chuyên chiếu phim Tài liệu, phim Khoa học, phim Hoạt hình, phim về Môi sinh, phim Thế giới Động vật đủloại.
Nguồn phim do các hãng truyền hình đặt hàng với các hãng phim là các Studio tư nhân lớn nhỏ trong nước hoặc đặt hàng mua sản phẩm cuả các cơsở s/x phim nước ngoài. Ngay cả phim truyện cũng được làm bởi các hãng phim Tư nhân hay mua bản quyền phát sóng cuả nước ngoài theo một tỷ lệmà nhà nước qui định. Và như vậy, các nghệ sỹ sáng tác như Biên kịch, Đạo diễn, Quay phim, Diễn viên, Hoạ sỹ … là đều không có một biên chế cố địnhở một cơ sở sản xuất phim nào. Vốn làm phim cuả các hãng s/x là sau khi có hợp đồng trong tay rồi thì sẽ được các ngân hàng cho vay vốn tuỳ theo biểu mức lãi xuất ưu đãi nhiều hay ít theo luật hiện hành cuả nhà nước. Nói tóm lại từ cơ chế tưởng chừng lỏng mà lại rất chặt đó nên với một loại hình vô cùng hữu ích cho cuộc sống như thể loại phim Tài liệu cuả chúng ta chẳng hạn thì không thể có chuyện tuỳ tiện hay độc đoán nào mà ngăn cản được. Chẳng hạn trong giấy phép kinh doanh cuả một kênh truyền hình (dù là tư nhân) nào đó được nhà nuớc cấp phép hoạt động có tỷ lệ đăng ký là 10, 20, 30, hay 70% … số giờ phát sóng trong tuần về phim tài liệu các thể loại thì nếu không có các sự kiện thời sự chính trị thể thao nào đặc biệt thì các Bản Đài không được phép tự ý thay đổi thời lượng phát sóng nhưqui định đã đăng ký lúc ban đầu.
Chuyện đào tạo cũng vậy, tuỳ theo yêu cầu đòi hỏi cuả thực tế sản xuất cuảcác cơ sở mà Bộ Đào tạo hay Bộ Lao động đề ra chỉ tiêu cụ thể cho các cơ sởđào tạo. Cho tới nay nước Đức vẫn là một nước không bắt các sinh viên hay học sinh (kể cả sinh viên nước ngoài) trong các trường Đại học, Cao đẳng hay trường Dạy nghề phải trả tự trả tiền (trừ trường hợp du học tự túc) mà đều do nhà nước tài trợ (hoặc cho vay không lấy lãi) toàn bộ kinh phí đào tạo. Nhưng không có chuyện một sinh viên vừa lười vừa rốt không vượt qua được các kỳ thi sát hạch nghiêm ngặt từng học kỳ một trong năm mà lại được châm trước hay nhân nhượng trả tiền tài trợ cho ăn học vô tội vạ bao giờ. Nghe nói sắp tới sẽ có những thay đổi mới trong Luật Đào tạo nhưng tới giờ phút này thì nhà nước vẫn bao cấp như vậy. Các hãng Tư nhân, nếu đủ tiêu chuẩn về khâu thực hành cũng được phép tuyển học sinh vào học nghề theo kiểu vừa học vừa làm nhưng về các môn lý thuyết bắt buộc cuảngành học là vẫn phải tới các trung tâm đào tạo lớn cuả nhà nước học và sát hạch để lấy cho đủ các chứng chỉ theo qui chuẩn cần thiết. Lẽ dĩ nhiên nếu ai có điều kiện về tài chính vẫn có thể tự túc để tới các trường Đại học danh tiếng cuả nước ngoài. Bằng cấp cũng được công nhận để làm việc tại Đức. Ngược lại nếu sau khi tốt nghiệp các trường đại học trong nước mà có công ty hay hãng xưởng nào đó cuả nước ngoài mời gọi với mức lương hấp dẫn thì vẫn có thể tự do ra đi làm ở nước ngoài mà không hề gặp bất kỳ trởngại nào.
Trở lại với sự nghiệp Đào tạo Điện ảnh cuả chúng ta thì có lẽ chưa ổn vì như bạn đã nói, phải đi làm giám khảo, đi phản biện luận án tốt nghiệp cho nhiều lứa đào tạo nghệ sỹ điện ảnh tương lai mà chả được nhận một đạo diễn trẻ làm phim Tài liệu nào về làm việc ở Hãng, vì trường ĐHSKĐA trong Mai Dịch từ hàng chục năm nay không có đào tạo chuyên ngành vềđạo diễn phim Tài liệu. Mặc dù luận án ra trường cuả sinh viên trẻ phần đa đều là phim Tài liệu. Chuyện khôi hài đó cũng giống như chuyện cùng là đào tạo công nhân xây dựng cả nhưng do ngành thợ Mộc có nhiều người muốn theo học hơn ngành thợ Nề nên trường nghề chỉ dạy học sinh nghềthợ Mộc. Học xong khi thi sát hạch vì không có đủ gỗ để làm bài tốt nghiệp về nghề Mộc, trường nghề đành phải chấp nhận cho học sinh trả bài bằng cách xây một đoạn tường là công việc quen thuộc cuả người thợ Nề để các thầy chấm. Và sau đó nhà trường sẽ cấp bằng “đã tốt nghiệp ngành xây dựng” chung chung (hay có khi còn ghi rõ tốt nghiệp ngành Mộc hẳn hoi cho oai) để sau này những sinh viên đó ra trường tinh làm nghề thợ Mộc như sự lựa chọn cuả họ.

Cách đào tạo nghệ sỹ điện ảnh đặc thù kiểu như vậy có lẽ hiện chỉ có ở nước ta là còn mà thôi.
Những chỗ bất cập về đào tạo đó không phải chỉ do lỗi của một trường Đại học SKĐA, hay của bất cứ cá nhân nào. Mà đó là lỗi cuả tất cả những nguời quản lý có trách nhiệm lớn nhỏ trong ngành Điện ảnh từ trước tới nay. Những người quản lý trước đây có tình trạng là khi không còn sáng tác được nữa thì tiến thân bằng con đường “quan lộc” làm cán bộ quản lý. Các bổng lộc như các xuất đi liên hoan hay hội thảo về Điện ảnh ở nước ngoài là họ giành cả. Khi không đi được thì họ rũ rối không tạo đ/k cần thiết cho các nghệ sỹ có cơ hội được tham gia học hỏi kinh nghiệm cuả các nền Điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Ngay chuyện đi du học hay tu nghiệp về ĐA ở nước ngoài cũng vậy, nếu không phải cổ cánh hẩu hay có chút tiềm lực về kinh tế mà lo lót chạy vạy với giới quyền sinh sát trong ngành thì khó mà được đi nước ngoài cho dù có trẻ có triển vọng đến mấy. Sau này, có một số nghệ sỹ có thành tựu về chuyên môn lên kiêm nhiệm nắm các cương vị quản lý thì lại sinh ra một tật nguyền khác, đó là tệ giành nhiều đặc quyền đặc lợi về sáng tác cho riêng mình như chọn đề tài hay nhất, kinh phí nhiều nhất, máy quay tốt nhất, tỷ lệ phim cao nhất, đội ngũ làm phim mạnh nhất cho mình … và sau đó với vị thế và quyền lực trong tay họ vận động cho phim cuả họ giành đuợc các giải thưởng trong nước này nọ hay được duyệt một cách dễ dàng để được mang phim đi dự các LHP ở nước ngoài cho dù có xứng đáng hay không? Sau này có các đợt nhà nước có chủ trương động viên giới sáng tác bằng các danh hiệu nghệ sỹ này nọ thì hầu như các nhà quản lý có tác phẩm đều được phong các danh hiệu nghệ sỹ bậc cao cả. Thậm chí do tỷ lệ hạn chế nên có tình trạng vài trường hợp nghệ sỹ là thứ dân có thành công cao, có nhiều cống qúi báu cho ngành hẳn hoi nhưng do bạch định không có chút chức tước điạ vị nào nên lại không được công nhận tương xứng với công lao đã gây nên sự kêu ca thắc mắc, kiện cáo kéo dài gây tai tiếng om sòm không ít.

Sự tranh giành danh lợi còn nảy sinh một tâm lý không lành mạnh nữa là các nhà chuyên môn có kiêm nhiệm quản lý luôn có động cơ săn giải thưởng bằng cách chỉ chọn các đề tài làm phim có tính “bắt mắt” để dễ lọt vào mắt xanh cuả các LHP Quốc tế lớn nhỏ bất chấp các đề tài đó có thiết thực cho đất nước hay chưa trong khi đầu phim cuả chúng ta còn quá hạn chế.

Với thực trạng chả mấy sáng suả đó có ai lo cho sự nghiêp đào tạo đâu mà có được lực lượng nghệ sỹ kế cận tục xứng đáng cho tương lai ?

Nhìn lại thời vàng son, sự nghiệp đào tạo đội ngũ sáng tác ở trong nước mặc dù còn quá thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng ngay từ trước 1975, từthời còn nhà nứa liếp gianh nhưng trường ĐAVN trên đường Hoàng Hoa Thám cũng đã đào tạo được những lứa nghệ sỹ có thể nói là làm dạng danh cho nền Điện ảnh cách mạng nước nhà. Đó là các nghệ sỹ tên tuổi lớn như: Hồng Sến, Huy Thành, Bạch Diệp, Lý thái Bảo, Hải Ninh, Kiều Thẩm, Lò Minh, Trà Giang, Tuệ Minh, Lê mạnh Thích v.v… . Ngay nhà đạo diễn tài ba nổi tiếng về phim Tài liệu cuả chúng ta là Trần Văn Thuỷ cũng đã sớm có giải thưởng Quốc tế như phim “Những người dân quê tôi” ngay khi vừa tốt nghiệp lớp Quay phim trong nước, đi B, lúc còn chưa sang Liên xô học đại học Điện ảnh.

Thời đất nước còn chưa mở cửa, cuộc sống làm việc cuả các nhà sáng tác thật vất vả. Phim đã vào giai đoạn bấm máy, nếu muốn lên đường sớm thì phải “làm luật” với các cửa ải duyệt và xuất vốn để có chút tiền còm làm lương khô ăn đường. Cũng như phải tranh giành nhau từ chiếc máy quay, cái ống kính, cái chân máy hay cái kính cản màu… Tới điạ phương, cần chính quyền sở tại giúp đỡ mà không chiều họ, không tiểu xảo quay cho họvài Cassette không phim (thuật rút Cassette ra quay máy không) thì đừng có hòng mà mong được tạo đ/k làm việc chứ đừng nói tới chuyện có nơi ăn chốn ở tử tế mà sáng tác. Khi về mà không có thăm hỏi bộ phận in tráng và KCS thì khó mà nhận được đủ phim nháp mà dựng… Rồi tới khâu cuối chiếu duyệt hoà âm mà không “cuời tươi” với các “cửa ải” (như bộ phận máy chiếu là một ví dụ) thì khó mà mong buổi duyệt được trôi chảy.

Ngày nay có lẽ mọi việc đã đổi khác. Người nghệ sỹ hiện tại không còn cọc cạch xe đạp nữa, đi công tác về muốn có chút quà cho vợ con có lẽ không còn phải lo xin đủ dấu củ khoai khống để đối phó bộ phận tài vụ luôn xoi mói vòi vĩnh ăn chia. Hàng ngày tới cơ quan, muốn rủ nhau đi khao nhau uống cốc bia ngon cũng không còn phải đắn đo nhiều. Mặt bằng chung cuảđời sống đô thị được nâng lên. Nhưng sự bế tắc cuả Điện ảnh nói chung và phim Tài liệu nói riêng vẫn còn nguyên đó. Không cần quá thông thái, người trong cuộc có nhận thức trung bình cũng nhận rõ tất cả sự thật ấy. Ai sẽ là người phải nỗ lực để tìm lối thoát cho cái sự nghiệp mà những nghệ sỹthuỷ chung, dũng cảm đã không chịu bỏ cuộc, đã “sống chết với nghề” nhưlời bạn từng nói ?

“Đất lành chim đậu” là tính phổ biến cuả qui luật tự nhiên. Đến như cốNSND, nhà Quay phim, nhà Đạo diễn kiêm Giám đốc nổi tiếng Lê Mạnh Thích cả đời gắn bó “sống chết với nghề” là thế, lúc sinh thời có đứa con trai nối nghiệp duy nhất học quay phim xong cũng phải gửi sang bên truyền hình chứ nhất định không chịu về làm phim tài liệu. Nghe nói kể cả con gái của bạn! Cháu học về biên tập biên kịch gì đó cũng lại sang Truyền hình? Rồi con ông Mai Thế Song, con bà Khiếu Nga… toàn lớp trẻ khoẻ sung sức cả nhưng do không nhìn thấy được một tương lai sán lạn bên này nên phải đi kiếm sống cửa khác chăng?

“Kỷ sở bất dục, mạc thi ư nhân” là câu nói có còn đúng nữa không?, hay cần phải sửa lại cho phù hợp với hoàn cảnh mới?

Trong một cuộc khai phá đất mới vô cùng gian khổ và anh dũng, tất cả các thế hệ Thủ lĩnh cầm quân và các công thần do lập đuợc nhiều thành tích với nhiều huân, huy chương, bằng khen các loại, nên hễ cứ sắp về nghỉ hưu đều được nhà nước phong anh hùng cả. Nhưng sự nghiệp mà họ trao gửi lại cho hậu thế thì tựa như một bãi đất bạc màu, không còn canh tác sinh lợi được nữa nên con cháu cuả họ bỏ đi hết. Họ than vãn với ai? Khi chính họ cũng không muốn con cái họ phải “sống chết” với cái mà họ đã từng “sống chết”?

Những đóng góp cuả Điện ảnh cách mạng Việt nam nói chung, Điện ảnh Tài liệu nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất dân tộc, đất nước là rất đáng tự hào. Có những nghệ sỹ- chiến sỹ gan dạ đã ngã xuống nơi chiến trường khói lửa mà chưa kịp nhìn thấy ánh hào quang cuảTổ quốc hoà bình. Sự nghiệp Điện ảnh mang bản sắc riêng cuả dân tộc trong xây dựng một đất nước văn minh phát triển cũng không phải nhỏ. Nhưng nếu sự nghiệp “trồng cây” hay “trồng người” cho nền Điện ảnh tương lai mà những người có trách nhiệm cao trong ngành như bạn hiện tại mà không làm được thì ai làm thay được bây giờ? Những giải thưởng cao trong nước và quốc tế cũng như điạ vị, các danh hiệu nghệ sỹ lớn nhỏdo nhà nước phong tặng là vô cùng cao quí nhưng vẫn chưa đủ. Nếu được đổi tất cả những cái danh giá ấy để mang lại những khởi sắc cho sự nghiệp mà bạn đang là một nguời đứng mũi chịu sào thì có lẽ bạn cũng không đắn đo gì có đúng không? Cũng không nên đối lập hay tuyệt đối hoá như thế. Nhưng nếu giả định phải làm vậy, nếu không có một tấm lòng và sự sẵn sàng hy sinh vì nghiã lớn từ những cái tuởng như nhỏ bé hàng ngày cuảchính những người trong cuộc như bạn thì chắc chắn sẽ không cải thiện được tình hình.

Thôi chúc bạn và các đồng nghiệp đang lèo lái con thuyền Điện ảnh Tài liệu nước nhà có được nhiều sức khoẻ, nghị lực để đưa tác phẩm cuả chúng ta nhanh tới được đến công chúng. Xứng đáng với vai trò mà nó cần có trong cuộc sống tương lai!

Thân mến!

Chủ nhật, ngày 06.11.2005
(Để kỷ niệm đúng 13 năm, ngày này mình ra đi.)
Gocomay

————–

Chú thích:
(*) 10 người (có tên trên Réneríc cả màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ ở VN) bao gồm:
1. Nguyễn Đắc (Quay phim); 2. Bạch Diệp (Đạo Diễn); 3. Nguyễn Giá (Quay phim); 4. Phạm Thà (Phó Quay phim); 5. Đinh Văn Viện (Quay phim); 6. Phạm Cường (Quay phim & Đạo diễn); 7. Phí Tiến Sơn (Quay Phim & Đạo diễn); 8. Phí Đức Quang (Quay phim); 9. Phạm Bình (Phó Quay phim); 10. Nguyễn Như Vũ (Quay phim & Đạo diễn).
(**) Hồi đó là Giám đốc hãng phim TL&KH TW, nay đã là Cục Trưởng Cục ĐAVN.
(***) Có một vài chữ đã sửa cho phù hợp với ngữ cảnh mới, song toàn nội dung thì vẫn giữ nguyên!








No comments:

Post a Comment

View My Stats