Trọng Thành – RFI
Thứ ba 16 Tháng Mười 2012
Ngày 15/10/2012, Hội nghị của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc sau 2 tuần lễ họp kín. Một trong những điều đặc biệt gây bất ngờ được công luận chú ý từ hội nghị này là, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã không chấp nhận đề nghị của Bộ Chính trị xin nhận một hình thức kỷ luật cho tập thể các lãnh đạo cao nhất và cho riêng cá nhân « một lãnh đạo », mà hầu như ai cũng biết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang khủng hoảng về nhiều mặt, trong đó, công luận đặt rất nhiều câu hỏi về vai trò của đảng Cộng sản, vai trò của Bộ Chính trị và Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau đây là phần nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từ Hà Nội.
Nghe
(09:29) : Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (Hà Nội) 16/10/2012
RFI : Kính chào Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Như ông biết, ngày hôm qua, Hội nghị 6 của đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc, rất mong ông cho biết các nhận định của ông về quá trình diễn ra hội nghị này, về kết quả cũng như triển vọng của những diễn tiến tiếp theo.
Lê Đăng Doanh : Hội nghị 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chắn chắn là một hội nghị hết sức quan trọng. Đây không phải một hội nghị có tính thủ tục bình thường. Hội nghị này có lẽ sẽ đi vào lịch sử như là một trong
những nỗ lực hết sức cao của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là chấn chỉnh lại tổ chức, chấn chỉnh lại kỷ luật của Đảng, và chuẩn bị cho những bước phát triển tới đây của Đảng.
Mọi người đã hết sức nóng lòng theo dõi, và trên mạng cũng có rất nhiều tin đồn đoán. Đến buổi tối ngày hôm qua, đài truyền hình Việt Nam đã đưa toàn văn bài của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thông cáo báo chí của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Dĩ nhiên mọi người đều tập trung sự chú ý vào sự « phê bình và tự phê bình ». Điều đáng chú ý là, Bộ Chính trị đã 100% đồng ý là xin nhận khuyết điểm, và xin Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một thành viên, một Ủy viên của Bộ Chính trị. Điều đáng ngạc nhiên là sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã không đồng ý, cả kỷ luật Bộ Chính trị, cũng như kỷ luật « đồng chí » đó.
Điều này hơi ngạc nhiên, vì Ban Chấp hành lại chỉnh sửa quyết định của Bộ Chính trị. Và đấy là một điều từ trước đến nay hầu như chưa xảy ra. Và đây là một điều làm cho các nhà quan sát đang hết sức quan tâm, theo dõi, thảo luận, và mọi người đang chuẩn bị để xem xem rằng, sau Hội nghị Trung ương 6 thì diễn biến trong thực tế sẽ như thế nào.
RFI : Xin ông giải thích về cái thực tế gần như chưa có tiền lệ này trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Lê Đăng Doanh : Bình thường thì Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam là một cấp lãnh đạo rất có uy tín, và thường thì, nếu Bộ Chính trị đã có quyết định, thì Bộ Chính trị có đủ uy tín, lập luận, sức thuyết phục, để thuyết phục được Ban
Chấp hành Trung ương, để thuyết phục thực hiện quyết định mà 100% thành viên Bộ Chính trị đã đồng ý.
Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào ?
Bởi vì quá trình « phê bình và tự phê bình » này là quá trình đấu tranh nội bộ rất thẳng thắn và mất rất nhiều công sức, như ông Tổng bí thư đã nói. Tức là đã họp đến 21 ngày từ tháng Bảy cho đến vừa rồi. Rồi Trung ương lại họp thêm 15 ngày. Trong đó, riêng về chủ đề này đã họp 5 ngày. Tôi nghĩ rằng, đây là một điều rất không bình thường, và không biết rằng là sắp tới đây Bộ Chính trị sẽ thực hiện sự lãnh đạo của mình như thế nào, nếu như mà việc Bộ Chính trị quyết định 100% đồng ý rồi, mà ra đến Trung ương lại không thuyết phục được.
Đây là điều mà cá nhân tôi, đã từng phục vụ cho một số đồng chí lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam trong một thời gian tương đối dài, hết sức lấy làm chú ý. Và hiện nay tôi chưa có thể giải thích được điều này.
RFI : Dường như xét theo quy định của đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng, về mặt chính danh là cấp lãnh đạo, còn Bộ Chính trị chỉ là cấp thay mặt trong một thời gian nhất định. Do đó, phải chăng việc Ban Chấp hành Trung ương có ý kiến ngược với Bộ Chính trị thì cũng là điều bình thường về nguyên tắc ?
Lê Đăng Doanh : Theo điều lệ Đảng thì Trung ương là cấp lãnh đạo cao nhất, và có quyền quyết định về những vấn đề quan trọng và Bộ Chính trị nếu có quyết định thì phải báo cáo ra Trung ương, để Trung ương cho ý kiến, sẽ chuẩn y, hoặc đồng ý, hoặc bác bỏ. Về điều lệ, thì rõ ràng là như vậy.
Song, thực tế là Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị, và Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo tiêu biểu, tập trung trí tuệ, uy tín, chịu trách nhiệm về đường lối. Bộ Chính trị chính là cơ quan chuẩn bị các quyết định của Trung ương. Về uy tín, về trình độ, về sức thuyết phục thì, thường cho đến nay, người ta thường trông đợi rằng, Bộ Chính trị có đủ sức thuyết phục, có đủ uy tín, và có đủ khả năng để trình bày, thuyết phục Ban Chấp hành Trung ương,
theo các quyết định (của Bộ Chính trị), mà trong trường hợp này là 100% đồng ý. Vậy mà Trung ương lại không đồng ý và bác bỏ.
Về mặt điều lệ, quyết định của Trung ương là cao hơn và quyết định của Trung ương như vậy là hợp lý (hợp theo
điều lệ của Đảng). Nhưng người ta sẽ đề ra câu hỏi : Uy
tín, sức thuyết phục của Bộ Chính trị như thế nào ? Đấy là cái điều làm cho tôi suy nghĩ. Vả lại rằng, sau việc Trung ương quyết định như thế này, thì sắp tới đây, diễn biến của tình hình sẽ như thế nào ? Sẽ tốt lên, sẽ có một sự sửa chữa và chỉnh đốn hết sức nghiêm túc ? Nếu như điều đó chưa xảy ra, thì lúc bấy giờ Bộ Chính trị có thể có những quyết định như thế nào, và liệu Bộ Chính trị quyết định lần này, thì liệu có thuyết phục được Trung ương không ?
Điều này sẽ là một thách thức và đem lại những hệ quả mà trong thời điểm hiện nay tôi chưa có thể lý giải được hết.
RFI : Thưa Tiến sĩ, có một số người quan sát nhận xét rằng, trong hội nghị rất đặc biệt này, Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức nhận lỗi về phần mình và xin chịu kỷ luật. Như vậy, có bình luận rằng, đây là một thành công của ê-kíp lãnh đạo, đã biết đứng ra chịu trách nhiệm, không phải trước xã hội và quốc gia, trước đất nước, mà là trước Ban Chấp hành Trung ương, tức là trong nội bộ Đảng. Đây có thể nói là một thành công của ban lãnh đạo hiện nay, có phải không ?
Lê Đăng Doanh : Rõ ràng là như vậy, việc ông Tổng bí thư thay mặt Bộ Chính trị, với một giọng nói hết sức nghẹn ngào, đã nhận khuyết điểm, đã gây ra sự xúc động lớn, đã gây ra sự chú ý, bởi vì đây là một nỗ lực rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, của cá nhân ông Tổng bí thư.
Như vậy, thành công ở đây, theo tôi là thành công trong việc thể hiện sự nỗ lực chân thành và trách nhiệm đối với dân tộc, đối với Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng người ta sẽ đặt câu hỏi là, tại sao Bộ Chính trị lại không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương ?
Nếu như có kỷ luật này, thì tôi tin rằng, sức thuyết phục của Bộ Chính trị, và của đợt kiểm điểm « phê bình và tự phê bình », chắc chắn sẽ cao hơn. Nhưng điều này không xảy ra, vậy hệ quả sẽ là thế nào ? Sức thuyết phục và khả năng quyết đoán của Bộ Chính trị đến đâu trong thời gian tới đây ?
Bộ Chính trị đã có những quyết tâm như thế, đã có thảo luận kỹ như thế, rồi thì đã có một nỗ lực chân thành đến như thế, rồi ông Tổng bí thư đã có lời nhận khuyết điểm thống thiết đến như thế mà lại không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương. Phải chăng Ban Chấp hành Trung ương có những cân nhắc khác ? Có những căn cứ khác với Bộ Chính trị chăng ? Và điều này, (sự mâu thuẫn) giữa lập luận của Ban Chấp hành Trung ương và lập luận của Bộ Chính trị, sẽ được lý giải ra làm sao ? Đấy là những điều cần phải được giải thích và làm rõ thêm.
Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
No comments:
Post a Comment