Wednesday 10 October 2012

VIỆT NAM : CĂNG THẲNG CHÍNH TRỊ GIỮA LÚC KHỦNG HOẢNG KINH TẾ (Grudgings Stuart - Reuters)




Grudgings Stuart

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
10/10/2012

Khi một trong những chủ ngân hàng giàu có và nổi tiếng nhất tại Việt Nam bị bắt vào tháng Tám, một động thái đã làm thị trường chứng khoán nước này sụp đổ, thì nơi đầu tiên đưa thông tin lại là một trang blog ít có tiếng tăm thay vì các phương tiện truyền thông nhà nước.

Đó là dấu hiệu đầu tiên trang mạng Quan Làm Báo hé lộ các thông tin liên quan đến những căng thẳng giữa các lãnh đạo trong lúc quốc gia Cộng sản này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng và làm Việt Nam mất đi hình ảnh của một nền kinh tế mới nổi nóng nhất châu Á.

Trang mạng này có nghĩa là “cán bộ làm báo chí”, đã trở thành một trong những trang có số lượng truy cập nhiều nhất với các bài viết chỉ trích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cáo buộc ông tham lam, chủ nghĩa thân hữu và quản lý yếu kém.

Một số các bài viết tấn công ông được đăng trên trang web và hai trang blog khác đến từ những người bên trong [Đảng Cộng sản], theo một đảng viên từ chối đưa danh tính và các học giả chuyên theo dõi về tình hình chính trị bí ẩn của Việt Nam. Họ nói rằng các trang mạng phản ánh cuộc đấu đá nội bộ dữ dội về việc làm thể nào để đối phó với vụ bê bối nợ nần của các ngân hàng và công ty nhà nước.

Nhiều áp lực chỉ trích rằng Việt Nam đã thất bại trong việc thích ứng với nền kinh tế thị trường toàn cầu, các lãnh đạo hàng đầu tại Hà Nội đã bắt đầu nhóm họp hồi tuần trước – chỉ vài ngày sau khi Moody’s hạ cấp tín dụng của Việt Nam vì lo ngại vụ bê bối nợ nần do ngành ngân hàng gây ra có thể buộc chính phủ phải đưa ra các gói cứu trợ khổng lồ.

Nhiều nhà quan sát mong đợi Chủ tịch Trương Tấn Sang có thể giành lại quyền kiểm soát chính sách phần nhiều từ phía Dũng, một cựu thống đốc ngân hàng trung ương bị các nhà phê bình cáo buộc có quan hệ gần gũi với các doanh nhân giàu có. Ông Dũng cũng là người có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp nhà nước đang mắc nhiều sai lầm.

“Họ phải lựa chọn một số các quyết định khó khăn”, Adam McCarty – kinh tế gia tại công ty tư vấn Mekong Economics có trụ sở tại Việt Nam, nói về các lãnh đạo Cộng sản. “Họ đã không còn chỗ dựa thoải mái nữa”.
“Một số người giàu và các nhóm giàu sẽ phải xóa sổ rất nhiều tài sản và rất nhiều của cải. Nhưng chính xác những người này là ai thì vẫn chưa rõ”, McCarty cho biết thêm.

Suy sụp đạo đức chính trị?

Thời gian qua ông Sang đã công khai chống lại chủ nghĩa thân hữu. Trước khi cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu – cơ chế mạnh mẽ nhất của đảng – ông đã đổ lỗi rằng những vấn đề hiện tại của Việt Nam là do suy sụp đạo đức chính trị mà ra. Tuy nhiên, các nhà phân tích thấy rằng sự cạnh tranh giữa Sang và Dũng là một vở kịch phần lớn nhắm vào quyền lực, và nghi ngờ rằng cả hai đều chưa chuẩn bị tốt để đưa ra các cải cách kinh tế mà Việt Nam đang cần.

Điều quan trọng hiện nay là không có gì chắc chắn Việt Nam sẽ sớm kết thúc việc thiếu minh bạch trong hệ thống ngân hàng. Đến nay thì vẫn chưa rõ ngân hàng nào còn đủ khả năng hoạt động, ai là chủ sở hữu chúng và các ngân hàng này cho các doanh nghiệp bên trọng nội bộ của họ vay bao nhiêu vốn.

“Nếu không tăng cường tính minh bạch và kỷ luật trong ngành ngân hàng thì cải cách ngân hàng sẽ tiếp tục là một cuộc đuổi bắn”, ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước và hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn Tiền tệ và Tài chính Quốc gia nói.

Việc Moody’s hạ cấp tín dụng là đòn mới nhất đối với cựu ngôi sao kinh tế trong khu vực Đông Nam Á giữa lúc nước này đang hứng chịu cảnh tín dụng ngày càng xấu đi, để lại khoản nợ khổng lồ và nền kinh tế mất thăng bằng.
Việt Nam thúc đẩy cuộc cải cách lần đầu tiên vào những năm 1980, sau đó tăng trưởng kinh tế lên đến 8,5% vào năm 2007. Nhưng riêng năm nay, chính phủ dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 5,2% – thấp hơn mục tiêu được đề lúc ban đầu là 6,0–6,5%. Trong khi phần lớn các nước Đông Nam Á đang thu hút mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn so với những nơi khác, riêng trong chín tháng đầu năm thì vốn FDI đổ vào Việt Nam đã giảm 1,2% so với năm trước đây.

Bất động sản sụt giảm

Các ngân hàng hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất động sản sụt giảm và nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước. Dựa trên các số liệu gần đây của ngân hàng nhà nước thì tổng số nợ xấu được ước tính lên đến 15,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng con số này trong thực tế thì cao hơn rất nhiều.

Trong khi đó, làm sạch các khoản nợ xấu này cần phải có các gói cứu trợ tài chính nhưng kế hoạch 5 tỷ USD dành để giải quyết nợ từ ngân hàng trung ương và một kế hoạch riêng do Bộ Tài chính đề xuất đến nay đã bị đình trệ.
Một dấu hiệu đã làm vấn đề này trở nên tồi tệ hơn là các ngân hàng thương mại đã thất bại trong việc chuyển tải lại lãi xuất cắt giảm 5% mà ngân hàng trung ương đã thực hiện trong năm nay. Thay vì giải ngân số tiền mới và cộng thêm nguy cơ vào đống nợ, các ngân hàng đã phân phối kinh phí cho các doanh nghiệp triển vọng giữa lúc tình hình không mấy khả quan.

Tiền gửi vào ngân hàng đã tăng 11% trong tám tháng đầu năm nay, trong khi tín dụng chỉ tăng 1,4% so với một năm trước đó – đây là cú sốc đối với một nền kinh tế có chỉ số tăng trưởng tín dụng hai con số hàng năm trong vòng một thập kỷ qua.

“Đây là thời điểm rất khó khăn để vay mượn tiền. Đây thời gian khó khăn nhất trong những năm qua”, Tòng Trọng Nghĩa nói, giám đốc công ty nội thất gồm 70 nhân viên ở tình Bắc Ninh, khoảng 30 km (18 dặm) về hướng đông của Hà Nội .

Nghĩa cho biết sản lượng của công ty ông đã giảm 40% trong năm nay và sản xuất tại nhiều doanh nghiệp khác đã đi vào bế tắc.

Đây cũng chưa hẳn là một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện nhưng sự trì trệ như hiện nay là một mối nguy hiểm lớn nếu không có các chính sách cải cách táo bạo để đối phó với các khoản nợ xấu và làm sáng tỏ thực trạng hệ thống ngân hàng.

Vết nứt chính trị?

Chính quyền đã hành động khá ấn tượng đối với Nguyễn Đức Kiên hồi tháng Tám vừa qua, người sáng lập Ngân hàng Thương mại châu Á (ACB). Tuy nhiên, có vẻ như tội danh gian lận kinh doanh đối với ông Kiên lại là một động thái phản ánh những căng thẳng giữa các lãnh đạo [Đản Cộng sản] ở cấp thượng tầng.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng Kiên có mối quan hệ gần gũi với Dũng, và việc bắt giữ ông như một nỗ lực nhằm phá hoại thủ tướng, người đã mở rộng quyền lực sau khi nhậm chức vào năm 2006.

Sự xuất hiện của Quan Làm Báo và các blog khác như – Dân Làm Báo và Biển Đông – đã ngầm gây thêm căng thẳng về tình hình chính trị tại nước này.

Mặc dù Dũng chỉ trích công khai vào tháng Chín rằng các trang mạng này là “âm mưu xấu xa của các thế lực thù địch”, nhưng ba trang mạng cho đến nay vẫn tiếp tục đăng bài. Việc này làm một số người nghi ngờ rằng đối thủ của ông Dũng trong Đảng Cộng sản có thể đang tham gia vào các trang mạng trên.

Đó sẽ là một sự mỉa mai tột đỉnh trong một đất nước mà các blogger phải đối mặt với các án tù dài hạn vì ra mặt chỉ trích chính phủ.

Quan Làm Báo còn có các bài viết đầy bóng gió và sử dụng các thuật ngữ đề cập đến Dũng là “3D”, “quái vật” và “y tá” – vai trò cuối cùng của ông trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Một số bài viết khác đã chí trích Dũng vì ông hỗ trợ các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả.
“Người Việt Nam có thể thấy rõ rằng Bộ Chính trị đã có những sai lầm nghiêm trọng trong việc tiếp tục nhân nhượng 3D”, một trong các bài viết hồi tuần trước cho biết, và thêm rằng ông đã trở thành một con quái vật mà không ai có thể kiểm soát được”.

(Bài viết đã được bổ sung bởi John Ruwitch ở Thượng Hải; biên tập bởi by Jason Szep và Richard Borsuk)

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012






No comments:

Post a Comment

View My Stats