Wednesday, 10 October 2012

ĐỌC "I LOVE YOUS ARE FOR WHITE PEOPLE" của LAC SU (Nguyễn Mạnh Trinh)




Nguyễn Mạnh Trinh
10.10.2012

Khi một cậu bé nói tiếng yêu thương lần đầu với người cha của mình thì thay vì đáp trả lại bằng những lời yêu mến cảm động thì ở cửa miệng của người cha lại là những lời cay đắng trái ngược lại: “Con nghĩ ba là loại người gì? Người da trắng hả? Nếu có yêu thương ba thì nên thể hiện bằng hành động và việc làm. Ba tiếng của ngôn từ ‘con yêu ba’ chỉ dành riêng cho người da trắng.”

I Love Yous Are for White Peoplelà một cuốn hồi ký của tác giả Lac Su khởi đầu từ câu chuyện ấy. Lac Su khi nghe người cha nói với mình như vậy lúc anh bày tỏ lòng yêu thương của mình đã bất ngờ bị một nỗi đau xót quặn thắt. Bình thường, như anh đã từng xem và thấy trên TV là những hình ảnh đẹp và những câu nói trìu mến của tình cha con. Nhưng trên thực tế là nỗi đau xót của một đứa con không có thâm tình phụ tử. Những câu nói đã gây ra những vết cào trong tâm thức của một cậu bé và chút nữa đã biến một cậu bé chăm học và ngoan ngoãn thành một tên du đãng bụi đời, thành viên của băng đảng.

Lac Su đã rời bỏ quê cha đất tổ trong chuyến đi đầy nguy hiểm dưới làn đạn bắn theo con thuyền vượt biển cũng như trước đó đã trải qua những ngày đi bằng đường bộ ở đất Kam Pu Chia để tìm tự do. Đến Hoa kỳ định cư lúc 5 tuổi và cả gia đình đã sống ở một khu apartment trên đường Sunset tràn ngập ma túy và gái điếm ở Hollywood. Thiên hồi ký “I Love Yous Are for White People” nói về câu chuyện của một cậu bé đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống với giá phải trả khi có một người cha hay hành hạ đánh đập con cái. Việc ấy thành nguyên nhân để người con có liên hệ đến những băng đảng du đãng địa phương. Thật là những trang viết đau xót, nhưng lại là những tâm tư chân tình, của trái tim thương yêu, của cay đắng khôi hài, của thông minh trong sáng. Nhưng, tất cả, là hy vọng, là tìm được trong cuộc sống ý nghĩa để vươn lên.

Lac Su sinh quán ở Đà Nẵng và trong gia đình giàu có ở Việt Nam. trong bờ ranh của sự hư hỏng thời tuổi trẻ, anh vượt qua được và thành một mẫu chân dung tuổi trẻ đầy nghị lực của những người tị nạn. Anh hiện là Vice President đặc trách marketing điều hành công ty “global think tank” TalentSmart, trên địa hạt cố vấn về tổ chức, huấn luyện và điều hành cho các công ty hạng 500 fortune trên thế giới. Về học vấn anh tốt nghiệp B.A. về tâm lý học tại UC Irvine và M.A., Ph.D. và A.B.D. về tổ chức kỹ nghệ tâm lý học tại The California School of Professional Psychology. Tóm lại anh là một mẫu người thành công về sự nghiệp lẫn học vấn dù đã trải qua nhiều khó khăn khi lập lại cuộc đời ở xứ sở mới với một nền giáo dục cũng như văn hóa khác với ở Việt Nam. Trên trang bìa của cuốn sách đã mô tả thiên hồi ký này của anh là những chuyện thật đau buồn xé ruột, là những va chạm giữa hai nền văn hóa và là sự vượt thoát khỏi những tệ nạn xã hội của đường phố Los Angeles.

Tác phẩm mở đầu với những bước chân đi đánh cuộc với nguy hiểm từ hồi ức của một người con trong gia đình Việt Nam với cuộc vượt thoát tìm tự do và những thay đổi liên tục trong bản thể đời sống của một gia đình tị nạn ở Los Angeles. Chủ gia đình, cha của Lạc là một người độc đoán và hay hành hạ con cái và trong suốt bao nhiêu năm dài cả gia đình phải sống trong sự sợ hãi và căng thẳng.

Sự không giúp đỡ cũng như thiếu năng lực của người cha, đã làm cho cậu bé Lạc của một gia đình bình dân chân chất xem những show hoặc phim ảnh trên truyền hình và cả ở những nhà của những đứa bạn cùng lớp hư hỏng đã dẫn dắt Lạc vào thế giới của băng đảng của những tên giết mướn sát nhân. Cậu bé đã đi tìm một nơi chốn khác có thể dung chứa cậu và có thể tự do làm những việc mà mình thích thú khi sống cùng những bạn bè cùng nhóm.

x
Description: http://gdb.voanews.eu/55F2079C-300D-4833-9A1F-881C475BDB53_w640_s.jpg
Cun sách đặt căn bn trên mt lot nhng mu hình nh ri rác mà Lc viết mi ngày v đề tài xoay quanh nhng ngày ca th thách tui tr. Tht là khó tưởng tượng v nhng gì mà Lc đã làm sng li quá khứđể viết thành những chương sách của tác phẩm này.

Đó cũng là một để lại kỳ thú cho người đọc với những cảm giác về đời sống đã thành khuôn mẫu mà người ta không thể nào tưởng tượng được. Sự bất ngờ khi chúng ta, những độc giả, theo dõi những loạt bài viết liên tục để hiểu biết tận tường về đời sống của một cậu bé ở tuổi vừa mới lớn. Nhưng, trong hồi ký, chúng ta không gặp những bi thảm bất toàn của thời niên thiếu. Lạc được chọn vào học ở trường “magnet school” của những học trò xuất sắc và rồi cậu lên đại học rồi tốt nghiệp tiến sĩ. Đó là một thành tích của một ý chí tâm cảm mạnh mẽ và Lạc đã vượt qua được những cám dỗ của đời sống khi còn trẻ và đã thành tựu cuộc đời với tất cả sinh lực sống động.

Tác giả không những mang những kỷ niệm đau buồn của mình ở tuổi ấu thơ mà còn muốn nêu lên một vấn đề quan trọng ở xứ sở định cư này là quan niệm về gia đình và về giáo dục. Những va chạm về quan niệm sống về gia đình giữa hai nền văn hóa.

Gần đây như có vụ một người con là sinh viên sắp tốt nghiệp dược sĩ đã vô tình ngộ sát mẹ vì bà này đã ép buộc và thúc đẩy người con theo chủ đích và quan niệm của bà mà không để ý đến khả năng và sở thích của người con.

Có một cuốn sách thuộc loại best-seller cũng viết về đề tài giáo dục của những người trẻ thuộc sắc dân thiểu số. Tác phẩm “The Battle Hymm of the Tiger Mother” của Amy Chua, giáo sư luật trường đại học Yale. Bà sinh trưởng trong một gia đình cha người Phi Luật Tân mẹ người Trung Hoa và đến Hoa Kỳ định cư với hai bàn tay trắng. Có những xung đột văn hóa. Người Đông phương, nhất là người Trung Hoa, coi trọng truyền thống gia đình và nghiêm khắc với con cái và hay áp dụng hình phạt như một kiểu bạo hành trong gia đình hoặc ngược đãi con cái. Trong khi người Tây phương thì coi trọng quyền tự do cá nhân hơn và luật pháp ngăn cấm không cho thi hành những biện pháp trừng phạt như đánh đập hoặc sỉ nhục con cái. Amy Chua cho rằng hễ là cha mẹ thì đều mong muốn con trở thành người tốt hữu dụng trong xã hội nhưng lại có nhiều đường lối và nhiều quan niệm giáo dục để thực hiện mục đích ấy. Mỗi nền văn hóa đều có nét tích cực riêng nhưng những người di dân phải dung hòa để có một đường lối dạy dỗ con cái kiến hiệu.

Gia đình của Lạc Su là một gia đình tị nạn Việt gốc Hoa, cha người Hoa mẹ người Việt, nhưng chịu ảnh hưởng của lễ giáo Trung Hoa rất nặng. Người cha có uy quyền tuyệt đối trong gia đình mà người mẹ và các con phải tuân theo. Gia đình Lạc Su là một gia đình giàu có ở Đà Nẵng và trong mô tả của Lạc là một thành phố ồn ào mà đường phố đầy những cảnh không tốt đẹp của một xã hội hỗn loạn.

Cuốn sách bắt đầu với chương thứ nhất hồi tưởng về cuộc đào thoát của cả gia đình trên chiếc thuyền nhỏ khi quân Cộng sản tiến vào chiếm thành phố Đà Nẵng. Lạc nhớ đến những hành động can đảm của người cha để cứu cả gia đình trên chiếc thuyền đang chìm. Gia đình nhỏ ấy đã đạt được mục đích là đi tạo dựng đời sống mới ở Hoa Kỳ.

Cuốn sách mở ra những xung đột văn hóa tạo ra những trở ngại trong đời sống của người tị nạn. Cha của Lạc là một người giàu có tại Việt Nam. Ông đã rất buồn vì phải bỏ lại tất cả tài sản một đời gầy dựng được tại quê hương và đến sống tại Hoa Kỳ với không có một sở hữu nào trên tay. Gầy yếu, không biết Anh ngữ, không thích hợp với đời sống mới. Điều đáng buồn hơn là ông lại bị bệnh nên không thể nào chăm sóc gia đình chu đáo được.

Lạc đã lớn lên và trưởng thành trong một nền giáo dục mới đối với cậu còn xa lạ và cần nhiều nỗ lực để vượt qua những trở ngại ngôn ngữ. Sự thiếu vắng tình thương cũng như ít giúp đỡ của người cha đã tạo thành mặc cảm cho cuộc đời của cậu. Trong thiên hồi ký cậu đã tỏ ra vui mừng và hãnh diện khi đã phải trải qua cuộc sống gian khổ lúc nhỏ trong một gia đình nghèo nàn nhất trong xã hội Hoa kỳ này để có được những thành quả về học vấn và sự nghiệp mà hiện tại cậu đã có. Giấc mơ của người tị nạn phần nào đã đạt được và là thành quả xứng đáng với nỗ lưc của không những riêng cậu mà cả gia đình nữa. Và có lẽ, cũng là giấc mơ của cha cậu: mong muốn con mình thành đạt trên con đường học vấn. Ở xứ sở này, con đường học tập rộng mở cho tất cả mọi người và chỉ cần cố gắng cho nỗ lực cá nhân là có thể thành công.

Cha của Lạc dù chỉ có học lực của lớp nhì tiểu học nhưng kỳ vọng rất nhiều ở những đứa con. Ông đến định cư ở Hoa Kỳ là mong cho các con có môi trường học tập tốt để có thể tiến thân trên xã hội hiện tại. Hy vọng của Lạc là ông sẽ có nhiều tự hào về thành quả của các con đạt được. Dù rằng, ông không thể nói. Nhưng trong thâm tâm ông sẽ phải cảm thấy như vậy. Tác giả Lạc hy vọng ông sẽ hiểu thấu khi đọc xong cuốn hồi ký này. Viết những điều chất chứa trong tâm tư cũng là một cách thế để nói. Dù gián tiếp nhưng cũng là một cách thông đạt và chia sẻ.
Tác phẩm cũng đề cập đến nhiều vấn đề làm bận tâm nhiều người. Như hành động dùng bạo lực trong gia đình hay lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên. Những vấn đề làm kinh hoàng cho người đọc nhưng là những kinh nghiệm sống thực mà Lạc đã trải qua trong đời. Không phải tất cả những gia đình tị nạn đều có những tình cảnh tương tự nhưng những bi thảm nêu trên lại khá phổ biến. Trường hợp của Lac chỉ có tính tiêu biểu riêng của cậu và gia đình mình. Lạc đã trải qua những nỗi khổ và cậu muốn nói chuyện với cha của mình về những vấn đề không thể nói được trước đó. Khi cậu bị lạm dụng tình dục, cậu rất muốn nói chuyện với cha mẹ mình về sự thực này hay muốn có một ai khác để thổ lộ hay tâm sự nhưng thật buồn thay lại chẳng có ai để nghe và để hiểu nỗi khổ tâm của riêng mình. Chính vì lý do đó đã khuyến khích Lạc viết lên những vấn đề này để có thể nói lên được tiếng nói câm lặng và cam chịu của những người chịu chung cảnh ngộ. Và quả thật cũng rất khó khăn khi viết được một tác phẩm gây nhiều tranh cãi như viết “I Love Yous Are for White People”.

Khi người vợ mang thai đứa con đầu tiên, Lạc quyết định viết quyển sách. Quá khứ nặng chĩu những tâm sự đau buồn như một ám ảnh. Một nỗi đau tưởng kéo dài suốt đến cả tương lai. Lạc có cảm tưởng lúc nào cũng như bị sợi dây thòng lọng siết ngang cổ. Chỉ một cách duy nhất là cắt sợi dây đó đi, trực diện với quá khứ. Và những hành trang nặng nề không còn đeo nặng trên vai nữa. Đó là viết lại những kinh nghiệm thực, chân thành, và không bị những ý tưởng chủ quan làm những nhận xét bị thiên lệch. Viết về những ngày đã qua, là những thời gian mà đời sống đen tối đến tưởng như không chịu đựng nổi được.

Tác phẩm như kéo Lạc về vùng bóng tối mà trong thâm tâm anh không muốn bước vào. Lạc đã cố gắng để đi trên một con đường khác để vượt qua thực tại. Nhưng tâm hồn thì chẳng thể yên ổn được. Như một người phải bị ở lì trong nhà vì bệnh hoan, nhìn đời rộn rịp qua ô cửa sổ, thấy đời đẹp qúa mà không thể tham dự. Và thật là nguy hiểm và bất an nếu cứ sống mãi trong hoàn cảnh như thế.

Người cha đã quá nghiêm khắc với con cái. Một ngày ngoài tám tiếng đồng hồ ở trường học người cha còn bắt Lạc học tiếng Trung Hoa hai thứ Quan thoại và Quảng Đông chừng bốn tiếng đồng hồ và rồi nếu có lơ đễnh hoặc gây ra lầm lỗi là bị đòn cho tới khi học năm thứ hai đại học mới chấm dứt.

Có lần Lac bị phạm tội, đã ăn cắp của mẹ 500 dollars để mua game chơi. Khi người cha hỏi thì Lạc chối không nhận nhưng cũng bị người cha đánh đòn và lột trần quần áo bắt quỳ ở ngoài cửa trong khi xe cộ vẫn qua lại trên đường Sunset. Lạc rất xấu hổ vì hình phạt này nhất là ở tuổi mới lớn mà bị cô con gái ở nhà bên cạnh chế diễu.

Viết và kể lại là một cách để tự chữa bệnh, để quên đi những mặc cảm và hờn tủi lúc trước. Dù bây giờ Lạc đã thành danh thành tài nhưng những vết cào của vết thương cũ vẫn chưa lành. Dù rằng người cha cũng có hãnh diện về sự thành đạt của con cái nhưng riêng với Lạc thì anh vẫn không thể nói hết với cha nỗi lòng của mình. Cho nên, viết là một cách trực tiếp để nói và giãi bày.

Trong đời sống mới, với những vấn nạn, cha mẹ của Lạc không bao giờ giải đáp những thắc mắc và chia sẻ với con. Nhưng lại xây đắùp quá nhiều hình tượng cho người con. Phải thế này phải thế kia trong khi khả năng thì giới hạn.

Với Lạc, Anh ngữ là ngôn ngữ thứ tư. Cha của anh nói hai thứ Hoa ngữ, người mẹ nói tiếng Việt. Lạc đã cố gắng nhồi nhét những ngôn ngữ trên, không kể đến tiếng Mễ, tiếng Pháp.Đời sống của người tị nạn thì nghèo và phải dựa vào hệ thống an sinh xã hội. Những điều tiêu cực luôn luôn xảy ra trước mắt Lạc và hình như những người láng giềng thường ít để ý tới luật lệ, hoặc những cách xử sự lịch sự tuy thông thường ở trong xã hội này. Họ sống với phong tục và thói quen ở Việt nam chứ không phải ở Hoa Kỳ.

Lạc Su viết nhiều sự thực, những sự thực làm buồn lòng những người Việt Nam. Nhưng theo Lạc đó chỉ là của riêng gia đình anh và vùng anh ở. Thành ra, đó không phải là những tiêu cực chung của cả một cộng đồng.

Những xung đột văn hóa giữa Đông phương và Tây phương không phải là chỉ ở những hiện tượng giản dị mà sâu xa hơn, nó là nguồn gốc cho những tệ nạn xã hội ở Hoa Kỳ. Nhưng những thành công thì vẫn nhiều hơn như trường hợp của Lạc Su, vẫn vượt qua được khó khăn để thành người và thành tài.

Một người trẻ nhìn lại đời sống của mình, hồi ức về những ngày truân chuyên đã qua, để cho nhẹ nhàng đi những tâm sự của một người con nói với cha mẹ. Chọn lựa cách thế cư xử thế nào trong thời gian của những người khi cả gia đình sống ở một xứ sở mà họ không có một sửa soạn nào cho tương lai. Sống ở những vùng dân cư có thu nhập thấp, biết bao nhiêu nguy cơ để biến đứa trẻ thành hư hỏng. Đàn đúm bạn bè xấu, hút sách, nghiện ngập, rồi từ từ đi vào đời sống bất lương. Lạc Su đã ở trong hoàn cảnh ấy và vượt qua được để thành một người có học vấn và có sự nghiệp. Nhưng con đường đi không phải là dễ dàng mà trái lại là cả một biển trời khó khăn, chiến đấu với mình với gia đình mình và cả xã hội mình đang sống để vươn lên. Viết “I Love Yous Are for White People”, một hồi ký ghi lại một phận đời tuy của riêng Lạc Su nhưng có khi là nét tiêu biểu của những người hội nhập vào xã hội mới, tác giả có lẽ ngầm chỉ một con đường an toàn cho tuổi trẻ giữa những đối chọi của hai nền văn hóa và giáo dục.[NMT]


* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats