Monday 8 October 2012

VĂN HÓA NGHI KỴ (Nguyễn Hưng Quốc)




08.10.2012

Trong bài Văn hóa và tham nhũng”, chúng ta đã thấy vai trò quan trọng của sự tin cậy (hay tín nhiệm - trust) trong việc hình thành một xã hội lành mạnh và trong sạch. Tin cậy cũng đồng thời là một trong những điều kiện thiết yếu của xã hội dân sự, trong khi xã hội dân sự lại là điều kiện thiết yếu của dân chủ. Từ đó, cũng có thể nói tin cậy là một trong những nền tảng của dân chủ.

Trong các loại tin cậy, quan trọng nhất là sự tin cậy đối với cơ chế. Ở Mỹ, theo các cuộc điều tra dư luận, đa số quần chúng không tin, hoặc không hoàn toàn tin vào các chính khách, từ những người đang cầm quyền, kể cả Tổng thống, đến các Thượng nghị sĩ và Dân biểu. Tuy nhiên, không ai có ý định làm loạn hay toan tính lật đổ chính quyền bằng bất cứ phương tiện gì, trừ việc sử dụng lá phiếu trong các cuộc bầu cử. Tại sao? Câu trả lời đơn giản: Họ có thể không tin vào con người, nhưng họ tin vào cơ chế. Tin đến độ nhiều người cho hình thức dân chủ ở Mỹ hiện nay là đỉnh cao nhất trong lịch sử. Nó không thể hoàn hảo hơn được nữa. Đó là một trong những lý do chính khiến một số người đi đến nhận định về cái chết của lịch sử nói chung (the end of history).

Trong bài “In China We (Don’t) Trust” đăng trên The New York Times ngày 11.9.2012, Thomas L. Friedman nêu lên một ý kiến quen thuộc: người Trung Quốc chỉ giỏi bắt chước chứ ít có khả năng sáng tạo. Giải thích cho ý kiến ấy, người ta chỉ tay vào lãnh vực giáo dục: ở đó, học sinh chỉ được nhồi nhét kiến thức một cách thụ động. Nhưng Friedman lại đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc vốn là một dân tộc có lịch sử vô cùng vẻ vang, đã từng phát minh ra giấy, thuốc súng, pháo bông, la bàn… mà bây giờ lại chỉ làm được một công việc vô cùng khiêm tốn là lắp ráp iPod cho Mỹ? Câu trả lời của Friedman là: Điều Trung Quốc thiếu nhất hiện nay không phải là văn hóa cách tân (culture of innovation) mà là ở một điều căn bản nhất: sự tin cậy.

Theo Friedman, chỉ ở những xã hội con người tin cậy nhau, người ta mới cảm thấy an tâm chia sẻ ý kiến và tư tưởng với nhau, mới chịu hợp tác với nhau một cách tích cực và lâu dài, từ đó mới dẫn đến những sự sáng tạo bất ngờ và lớn lao. Nếu ai cũng cứ phập phồng lo sợ người khác ăn cắp ý tưởng của mình, đâm sau lưng hay chơi gác mình, thì không thể có bất cứ một sự dấn thân hay cam kết trọn vẹn nào. Ở Trung Quốc hiện nay, có tình trạng là mạnh ai nấy làm, mục tiêu duy nhất là những lợi tức ngắn hạn cho cá nhân mình. Hậu quả là người ta chỉ làm được những việc vùn vụn, nho nhỏ.

Friedman cũng phân tích: đó là điều vốn xa lạ với bản chất của người Trung Quốc.

Trước, người Trung Quốc không thế. Ngày xưa, cấu trúc xã hội Trung Quốc được đặt nền tảng trên gia đình và làng xã, ở đó, mọi người quan tâm đến nhau và tin cậy nhau. Sau này, Trung Quốc muốn xây dựng một cấu trúc xã hội mới dựa trên nền tảng pháp trị. Vấn đề là: họ đã phá vỡ cấu trúc xã hội truyền thống nhưng lại chưa xây dựng được cấu trúc xã hội hiện đại. Thành ra, xã hội Trung Quốc hiện nay đang ở trong một khoảng trống khủng khiếp. Hậu quả của nó là sự biến mất của lòng tin cậy đối với nhau.

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc cũng đang diễn ra tại Việt Nam. Văn hóa truyền thống Việt Nam dựa trên sự tin cậy và tình nghĩa đã bị phá vỡ trong khi một thứ văn hóa hiện đại đúng nghĩa lại chưa được xây dựng. Thứ văn hóa phổ biến làm nền tảng cho sinh hoạt xã hội Việt Nam hiện nay là văn hóa chụp giựt. Ai cũng cố chụp giựt để thỏa mãn những lợi ích riêng tư và tức thời của mình. Trong một hoàn cảnh như thế, rất khó giữ được sự tin cậy.

Ở Úc, tôi có một số bạn bè làm việc trong các lãnh vực ngân hàng và kỹ thuật. Họ thường được công ty của họ cử về Việt Nam để vận động cho một số dự án liên kết giữa Úc và Việt Nam. Mỗi một cuộc vận động và chuẩn bị như thế có thể kéo dài cả một hai năm trời. Rồi người ta thường về lại Úc với đôi bàn tay trắng. Phần lớn các dự án, được hình thành một cách cực kỳ công phu và tốn kém, không thể biến thành hiện thực. Quần quật tìm tài liệu, phỏng vấn người này người nọ, tính toán các chi tiêu và khả năng thu nhập về sau, lập nên một kế hoạch chi tiết, rồi nộp lên Bộ liên hệ. Và chờ. Chờ từ tháng này qua tháng khác. Cuối cùng, nhận được câu trả lời chính thức: Không được.

Nhưng chưa hết, một thời gian sau, người ta phát hiện: một dự án tương tự như vậy, do một công ty khác nộp, đã được chấp nhận. Tìm hiểu, người ta phát hiện thêm một chuyện khác: dự án mới được chấp nhận ấy, thật ra, chính là dự án mà những người bạn tôi đã hoàn tất. Té ra, các giới chức liên hệ đã lấy ý tưởng và kế hoạch trong bản dự án ấy giao cho một người hoặc một công ty quen biết nào đó để họ tiến hành. Công của bạn tôi hóa thành công cốc. Tiền bạc của công ty của họ đổ ra trong mấy năm trời như muối đổ biển.

Trước những cung cách làm việc như thế, thật khó giữ được sự tin cậy.

Người ta không tin cậy nhà nước. Người ta cũng không tin cậy nhau. Trong quan hệ liên cá nhân (interpersonal) giữa người này và người khác, người ta cũng đầy nghi ngờ. Lúc nào cũng có cảm giác là người khác lợi dụng hay lừa gạt mình. Đi mua hàng thì lúc nào cũng thấp thỏm sợ bị bán hàng giả hoặc bán quá giá. Có việc cần vào cơ quan nhà nước thì phập phòng lo bị bắt chẹt và bị đòi hối lộ. Trao đổi ý kiến về một dự án gì đó với đồng nghiệp thì lại ngại người ta ăn cắp ý tưởng của mình. Đáng buồn hơn nữa: ngay trong gia đình người ta cũng nghi ngại nhau.

Không thể xây dựng bất cứ một giá trị bền vững nào cho xã hội và đất nước trên nền tảng của sự thiếu tin cậy trầm trọng như vậy.

Trở ngại căn bản trên con đường hiện đại hoá đất nước, như vậy, nằm ngay ở văn hóa: văn hóa nghi kỵ.

------------------------------------------


04.10.2012

Tham nhũng là một hiện tượng vô cùng phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước, phần lớn giới nghiên cứu chỉ chú ý đến hai nguyên nhân chính: kinh tế và chính trị. Về kinh tế, nói chung, có hai quy luật chính: một, nước có thu nhập trên đầu người càng cao càng ít tham nhũng; và hai, trong khi thu nhập dựa trên kỹ nghệ làm giảm thiểu tham nhũng, ở những nơi thu nhập chủ yếu dựa trên tài nguyên thiên nhiên (như dầu lửa, chẳng hạn) thì tham nhũng không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng trầm trọng hơn những nơi khác.

Về chính trị, nói chung, cũng có mấy quy luật chính: một, quốc gia càng dân chủ, càng minh bạch và càng tự do, đặc biệt tự do ngôn luận, tham nhũng càng ít; hai, tính chất dân chủ ấy càng lâu đời và càng ổn định, tham nhũng lại càng ít (ngược lại, như nhiều nước Đông Âu sau 1990 chứng minh, trong quá trình chuyển tiếp từ độc tài đến dân chủ, nạn tham nhũng càng hoành hành dữ dội hơn hẳn trước đó); và ba, hầu hết các nước độc tài đều tham nhũng, nhưng mức tham nhũng mỗi nơi mỗi khác: độc tài dựa trên ý thức hệ ít tham nhũng hơn độc tài dựa trên gia đình hoặc cá nhân. Gần đây, ngoài hai nguyên nhân kinh tế và chính trị ấy, giới nghiên cứu còn chú ý đến một nguyên nhân khác: văn hóa.

Về phương diện văn hóa, ở cấp độ vĩ mô, người ta phát hiện một số điểm khá thú vị. Một, trong các nước phát triển, những nước theo đạo Tin Lành ít tham nhũng hơn các nước khác (xin lưu ý: các nước theo đạo Tin Lành cũng là những nước có nền dân chủ sớm, cao và ổn định nhất!). Hai, trong số các nước đang phát triển, các cựu thuộc địa của Anh ít tham nhũng hơn cựu thuộc địa của Pháp hay Tây Ban Nha. Ba, những nước có tinh thần tập thể (collectivism) mạnh thường tham nhũng nhiều hơn những nước có tinh thần cá nhân chủ nghĩa cao (có một ngoại lệ hầu như duy nhất: Singapore). Bốn, trong các nước có tinh thần cá nhân chủ nghĩa, những nơi chủ nghĩa cá nhân phát triển theo chiều dọc (vertical individualism, nhấn mạnh vào tính độc lập của cá nhân đồng thời chống lại những dị biệt mang tính đẳng cấp trong xã hội ) thường tham nhũng nhiều hơn những nơi chủ nghĩa cá nhân phát triển theo chiều ngang (horizontal invidualism, nhấn mạnh cả tính độc lập lẫn tính cạnh tranh, muốn chiếm vị trí trên cùng trong bậc thang đẳng cấp) (1). Năm, ít nhiều liên hệ với đặc điểm vừa nêu, những nơi nặng tinh thần gia tộc bao nhiêu càng dễ tham nhũng bấy nhiêu: ở đó, những người có quyền thế dễ có khuynh hướng phân phối quyền lực và quyền lợi, trước hết, cho những người thân trong dòng họ, và những người ấy lại trở thành những đầu mối của tham nhũng (2). Sau, những nước càng đề cao nam quyền càng có nguy cơ tham nhũng nhiều.

Ở cấp độ vi mô, nhiều nhà nghiên cứu tập trung sự chú ý vào tâm lý cá nhân cũng như liên cá nhân (interpersonal) để giải thích hiện tượng tham nhũng. Lý do cũng dễ hiểu. Tham nhũng là một mối quan hệ hai chiều: người nhận tiền - thường là người có quyền lực) - và người đưa tiền - người ít hoặc không có quyền lực nhưng đang cần sử dụng quyền lực của người khác (đó là chưa kể sự hiện hữu của thành tố thứ ba: môi giới).

Lý do để người ta nhận hối lộ không khó giải thích: thứ nhất, vì tham; thứ hai, vì người ta có thể; và thứ ba, vì tính toán: khó bị phát hiện, hoặc nếu bị phát hiện, cái giá phải trả rẻ hơn những gì người ta nhận được. Nguyên nhân thứ nhất gắn liền với bản tính con người; nguyên nhân thứ hai với cơ chế; và nguyên nhân thứ ba với pháp luật.

Nhưng vấn đề là: Tại sao những người đưa hối lộ lại sẵn sàng móc tiền túi ra để đút lót cho người khác? Lý do, thật ra, cũng không khó hiểu: Vì muốn được việc. Nhưng cái gọi là được việc ấy lại có thể được nhìn từ hai góc độ: kinh tế và đạo đức.

Về kinh tế, người ta thấy số tiền đút lót rẻ hơn số tiền người ta đáng lẽ phải trả. Ví dụ, một người nào đó, ở Việt Nam, muốn mua nhà. Đã chọn và đã ngã giá xong xuôi. Bây giờ đến giai đoạn quan trọng nhất: làm giấy tờ mua bán nhà. Muốn làm giấy tờ, phải lót tiền cho các cán bộ liên hệ. Người ta có hai lựa chọn: một, không chịu lót tiền để hoặc, không làm được giấy tờ hoặc làm một cách chậm trễ, cuối cùng, không mua được căn nhà mình thích; và hai, chi ra một số tiền nào đó để mọi thủ tục hành chính được tiến hành nhanh chóng và êm ả. Người chọn giải pháp thứ hai sẽ lý luận: mất một ít tiền hối lộ nhưng đỡ mất công chạy tới chạy lui, hơn nữa, còn được việc. Tính ra, số tiền hối lộ ấy được xem là rẻ, hoặc ít nhất, có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác: đạo đức. Ở một số nơi, nhiều người biết hối lộ sẽ được việc nhưng người ta vẫn từ chối làm như thế vì nó trái với nguyên tắc về sự công chính hay công bằng mà người ta tin tưởng và theo đuổi. Chính ở đây, người ta nhận thấy có sự khác biệt về văn hóa: tham nhũng càng dễ phát triển ở những nơi có sự dễ dãi đối với tham nhũng (corruption permissiveness), ở đó, người ta cho rằng, một, việc hối lộ không thuộc phạm trù đạo đức; hai, ai và ở đâu cũng có tham nhũng nên người ta không có chọn lựa nào khác; và ba, chính vì hai lý do ấy, tham nhũng là điều có thể chấp nhận được.
Nguyên nhân chính của thái độ dễ dãi đối với tham nhũng như vậy nằm ở sự tin cậy. Có hai khía cạnh thường được chú ý: sự tin cậy liên cá nhân (interpersonal trust) và sự tin cậy đối với cơ chế (institutional trust). Cả hai sự tin cậy này đều là những sự đối lập của tham nhũng, tuy mức độ đối lập ấy, ở mỗi loại tin cậy, có sự khác biệt khá rõ. Sự đối lập giữa tham nhũng và sự tin cậy liên cá nhân có mức độ giao động khá cao (3). Nhưng trong phạm vi cơ chế, tham nhũng chỉ xảy ra khi người ta không có sự tin cậy. Ở Úc (hay tất cả các quốc gia có chỉ số minh bạch cao), làm bất cứ một thứ giấy tờ gì đó, ít có người nghĩ đến chuyện hối lộ. Vì người ta tin tưởng vào bộ máy công quyền. Hơn nữa, người ta cũng sợ sẽ bị tác dụng ngược: không những không được việc mà còn có thể bị phạt. Ở Việt Nam, hay ở bất cứ nơi nào có nạn tham nhũng cao, người ta hoàn toàn không có sự tin cậy ấy. Nhiều người Việt ở nước ngoài, mỗi lần về nước, có thói quen hay nhét vài chục đô la vào passport. Lý do: họ sợ bị làm khó dễ. Mà bị làm khó dễ ở Việt Nam thì không thể khiếu nại với ai được. Nhưng cũng người ấy, khi quay lại quốc gia nơi họ định cư thì lại tuyệt đối không bao giờ có ý định nhét tiền vào passport khi đi qua cửa khẩu.

Ở Việt Nam, cũng như một số nước Á châu khác, việc tham nhũng, nhất là việc đưa hối lộ, bị loại trừ ra khỏi phạm trù đạo đức còn vì một lý do khác nữa: nó được xem là một thứ văn hóa giao tiếp với một tên gọi rất ư ngọt ngào: quà. Tặng quà không phải là hối lộ và nhận quà cũng không phải là nhận hối lộ. Hối lộ gắn với sự tham lam và sự gian dối, hơn nữa, là một hành vi phạm pháp. Quà thì khác: quà gắn liền với tình nghĩa và truyền thống, do đó, là một hành động cao đẹp. Một bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân để thu xếp giường nằm cho bệnh nhân ấy trong bệnh viện không xem số tiền ấy là hối lộ mà là “quà”.

Một giáo sư nhận phong bì của nghiên cứu sinh làm luận án để cho điểm luận án ấy một cách rộng rãi cũng tự xem phong bì ấy chỉ là “quà”. Tết, nhân viên cấp dưới tặng cho thủ trưởng những phong bì có khi lên đến cả hàng chục ngàn đô la thì vẫn xem đó là “quà”. Nghe kể, ở Việt Nam, khi có con chuẩn bị đi du học ở nước ngoài, nhiều bậc có chức quyền thường khuyên chúng đi quanh chào từ biệt các nhân viên cấp dưới. Để làm gì? Mục đích chính là để nhận quà cáp trước lúc lên đường. Để lấy lòng thủ trưởng, người nào cũng cố sức quan tâm đến con cái thủ trưởng. “Cháu đi học ở châu Âu hả? Mùa này lạnh lắm. Để chú tặng cháu cái áo da.” “Cháu đi học xa, chắc cần liên lạc với gia đình và bạn bè, để cô tặng cháu cái Iphone mới nhé?”, “Em lên đại học rồi, chắc cần Ipad và Laptop lắm? Để chị tặng cho!” Vân vân. Tất cả đều không phải là hối lộ. Mà là quà.

Nhớ, cách đây khá lâu, trong một cuộc họp Khoa, một đồng nghiệp của tôi đặt vấn đề: Một số sinh viên Á châu thường đến tặng quà; thầy cô giáo có nên nhận hay không? Một số giáo sư ngành Á châu học nhấn mạnh: đó là một nét trong văn hóa Á châu. Sau một hồi bàn cãi, mọi người “nhất trí” với nhau mấy nguyên tắc chính: thứ nhất, đó là văn hóa thì mình phải tôn trọng; thứ hai, nhưng dù là văn hóa, cũng không được quyền biến thành một sự đổi chác; thứ ba, để khỏi bị biến thành “đổi chác”, chỉ nhận những món quà có tính chất tượng trưng (nghĩa là rất rẻ) và đặc biệt, quan trọng nhất, sau khi thi xong, chấm điểm xong, nộp điểm xong và điểm đã được công bố chính thức!

Sau cuộc họp ấy, tôi cứ phân vân tự hỏi: Ở Việt Nam, có bao giờ người ta bàn với nhau như vậy không nhỉ? Và nếu bàn, có thực hiện không nhỉ?

***
Chú thích:
Xem bài “Cultural Orientation and Corruption” của Shu Li, Harry C. Triandis và Yao Yu trên báo Ethics & Behavior số 16 năm 2006, tr. 199-215.
Xem bài “Corruption, Culture and Communism” của Wayne Sandholtz & Rein Taagepera trên International Review of Sociology số 15, tháng 3, 2005, tr. 112.
Xem www.worldvaluessurvey.org/wvs/articles/folder.../5_Moreno.pdf

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats