Richard Aidoo
Trần Ngọc Cư dịch
28-10-2012
Chính sách
“không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác” của Bắc Kinh từng được sự ủng
hộ của các lãnh đạo châu Phi, vốn tìm cách phát triển kinh tế mà không chấp
nhận những điều kiện tiên quyết về chính trị. Hiện nay, tình hình chính trị
châu Phi đang thay đổi, liệu chính sách này của Trung Quốc có trở thành lỗi
thời hay không?
Kể từ thập niên
1950 đến nay, Trung Quốc (TQ) đã thực sự sử dụng học thuyết bất can thiệp
(non-interference) để chỉ đạo nghị trình chính sách đối ngoại của mình tại thế
giới đang phát triển. Trong những cam kết kinh tế và ngoại giao gần đây của TQ
tại châu Phi, chính sách này đã bị kiểm điểm và khiển trách gay gắt khi Bắc
Kinh âm mưu theo đuổi những luồn lách chiến lược để thu mua tài nguyên thiên
nhiên dựa trên tình liên đới giữa các nước đang phát triển ở phía nam
(south-south solidarity) với các chính phủ châu Phi. Phương Tây thường xuyên
chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng nước này đã lợi dụng chính sách bất can thiệp
của mình để đảm bảo một nguồn cung cấp liên tục các tài nguyên thiết yếu cho
Trung Quốc và để tiếp tục bán vũ khí cho các chế độ côn đồ tạiSudanvàZimbabwe.
Với một loạt các vụ trục xuất người TQ từ một số nước châu Phi và dấu hiệu gần
đây cho thấy sự bất bình của nhiều bộ phận dân chúng châu Phi đối với Trung
Quốc, liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng lại bằng cách đẩy mạnh luận điệu tuyên truyền
về chính sách bất can thiệp hay sẽ giảm nhẹ nghị trình đối ngoại này tại châu
Phi?
Chính sách bất
can thiệp nằm trong Năm nguyên tắc chung sống hòa bình chủ yếu để ngăn cản các
lãnh đạo Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của một nuớc khác. Việc tôn
trọng sự bất khả xâm phạm chủ quyền này đã được Bắc Kinh sử dụng như một trục
xoay cho các hành vi chính trị quốc tế năng động hay thụ động (không làm gì cả)
của TQ, đưa đến những lựa chọn gay gắt và lắt léo trong cộng đồng quốc tế. Từ
việc bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, một nghị
quyết cấm bay trên không phận Lybia đã chấm dứt chế độ Gaddafi, đến vai trò ù
lì của Trung Quốc tại Sudan, Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng (đôi khi quá thận
trọng) nhằm duy trì dấu chân ngoại giao khổng lồ của mình tại châu Phi.
Thật may mắn cho
Bắc Kinh, thập niên vừa qua tương đối là một thời kỳ trăng mật của Trung Quốc
tại châu Phi, khi mà các lãnh đạo của lục địa này đâm ra bất mãn với nghị trình
tân tự do (neoliberal agenda) của Washington, khiến họ sẵn sàng theo đuổi một
lựa chọn khác – một hứa hẹn tăng trưởng kinh tế mà không kèm theo những điều
kiện tiên quyết về chính trị, mà nếu có điều kiện thì cũng chỉ ở một giới hạn
nào đó thôi. Rõ ràng là, chính sách bất can thiệp rất được lòng giới lãnh đạo
phi Châu hơn là đối với dân chúng sở tại, vì chính sách này không bắt buộc các
lãnh đạo phải chấp nhận các chuẩn mực dân chủ trong quan hệ đối tác với Trung
Quốc. Tuy vậy, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã chứng kiến một sự gia
tăng các vụ trục xuất kiều dân của mình từ châu lục này, cũng như tinh thần bài
Hoa ngày một dâng cao trong một số bộ phận dân chúng phi Châu nhất định. Trong
tình hình này, lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cần phải đánh giá để xem, liệu là Bắc
Kinh đã quá xâm lo vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đến mức không thể
tiếp tục chính sách bất can thiệp của mình được nữa, hoặc, ngược lại, liệu là
chính sách này có nên tiếp tục trong một nỗ lực nhằm tránh bị qui kết là “một
nước thực dân” hay “bóc lột tài nguyên thiên nhiên của nước khác” hay không?
Khi Trung Quốc
thọc sâu vào lục địa này và liên tục ký kết những hiệp đồng khai thác tài
nguyên rất quyến rũ đồng thời mở thị trường cho hàng hóa TQ, việc duy trì chính
sách không can thiệp vào nội bộ trở nên ngày càng khó bền vững. Trong hầu hết
mọi đối tác với các quốc gia châu Phi, Bắc Kinh chủ yếu quan tâm duy trì quyền
tiếp cận liên tục với các tài nguyên chiến lược của châu lục này. Những hành
động này gồm có việc Trung Quốc ào ạt đầu tư vào các công nghiệp khai thác dầu
lửa tại Angola và Sudan; vào nguồn lợi to lớn về đồng (copper) tại Zambia và
thậm chí nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm nắm một số cổ phần từ các mỏ dầu
lửa mới tìm được tại Ghana và Uganda. Việc TQ tham gia vào các khu vực chiến
lược này đã đẩy vốn đầu tư lên cao trong nỗ lực cạnh tranh và can thiệp vào nội
bộ nước khác khi mà các lợi ích đối nội và đối ngoại chồng chéo lên nhau trong
việc thu mua và khai thác các tài nguyên. Năm 2010, chẳng hạn, báo chí cho biết
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) – một công ty tầm cỡ quốc tế
do Nhà nước TQ làm chủ – đã giành mua 4 tỉ Mỹ kim cổ phần dầu lửa của Kosmos
Energy từ tay của ExxonMobil. Đi kèm với những hợp đồng khai thác tài nguyên có
sức cạnh tranh cao như thế, Trung Quốc cũng đưa ra những miếng mồi ngày càng hấp
dẫn để thường xuyên ve vãn các lãnh đạo địa phương đầy quyền lực nhằm đảm bảo
việc tiếp cận liên tục những tài nguyên chiến lược này, đồng thời phải tìm cách
giảm thiểu sự bất bình của người dân bản địa. Tình trạng khó xử này sẽ tiếp tục
đi ngược lại chính sách bất can thiệp, một chính sách có mục đích phân biệt Bắc
Kinh với các chính phủ phương Tây [từng là thực dân] tại châu Phi.
Mùa Xuân Ả Rập
và các phong trào chính trị khác tràn qua nhiều nước trong khu vực, cũng gây
căng thẳng cho chính sách không can thiệp của Trung Quốc. Vì tự mình ràng buộc
vào chính sách không can thiệp, phản ứng của Bắc Kinh trước phong trào chính
trị bất ngờ này đang được các nhà phê bình chăm chú theo dõi. Một vài phản ứng
có ý nghĩa chiến lược của Bắc Kinh trong Mùa Xuân Ả Rập, như quyết định tiếp
xúc với các lực lượng đối lập của Libya trước khi Muammar Gaddafi bị giết, đã
cho thấy tính mềm dẻo của chủ trương bất can thiệp, khi Bắc Kinh muốn tạo cho
mình thế đứng của một cường quốc chính đáng trong khu vực tiếp theo sau những
biến động chính trị và xã hội tại đó. Trong trường hợp này và nhiều trường hợp
khác, người ta có thể cho rằng, Trung Quốc đã từ bỏ những tín điều trong chính
sách bất can thiệp để dọn đường cho các thế hệ tương lai “đầy sáng kiến”. Vả
lại, đây là một điều có thể xảy ra, nếu căn cứ vào sự kiện rằng sau sáu thập
niên, chính sách bất can thiệp của Trung Quốc vẫn còn được định nghĩa rất mù
mờ, do đó thường được coi là một lý thuyết nói lên tính cách thụ động của Bắc
Kinh trong một hệ thống quốc tế khá phức tạp, nơi đó các quốc gia thường phải
thể hiện nhiều lựa chọn khó khăn. Cuộc xung đột vũ trang giữa Sudan và tân quốc
gia Nam Sudan đã và đang diễn ra chủ yếu giữa những lời kêu gọi Trung Quốc phải
hành động một cách vô vị kỷ (selflessly), bằng cách đóng vai trò cường quốc
toàn cầu có trách nhiệm thay vì chỉ cố nắm quyền lực toàn cầu với động cơ khai
thác tài nguyên của nước khác. Sau một thời gian liên tục giữ thái độ thờ ơ
dưới chiêu bài không can thiệp vào nội bộ nước khác, câu hỏi sau cùng cần phải
đặt ra là, liệu Bắc Kinh sẽ tiếp tục đứng bên lề mà không bị tổn thất về mặt
ngoại giao bao lâu nữa, trong khi các xung đột nội bộ đang đe dọa các lợi ích
kinh tế tối quan trọng của Trung Quốc tại châu Phi?
Vì Bắc Kinh luôn
luôn được [các lãnh đạo châu Phi] khuyến khích phải phân biệt chính sách và sự
hợp tác của mình với các hành vi của phương Tây, nên “hình ảnh” là một vấn đề
hết sức quan trọng. Đối với Trung Quốc, việc duy trì một hình ảnh được quản lý
chu đáo tại châu Phi sẽ là một yếu tố quan trọng để giảm bớt các tranh luận về
chủ nghĩa thực dân mới mà các thành phần chỉ trích đang nhắm vào Trung Quốc.
Chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác luôn luôn được Bắc Kinh đem ra
để trả lời những chất vấn về chính sách ích kỷ và những thắng lợi kinh tế của mình
tại châu Phi. Một khi thời kỳ trăng mật ban đầu đã qua lâu rồi, với vô số doanh
nghiệp Trung Quốc đổ bộ lên đất châu Phi, nhiều bộ phận dân chúng của châu lục
này không còn chấp nhận hình ảnh của Trung Quốc như là một đối tác không vụ lợi
và không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, do đó người dân bản địa gần
đây đã bày tỏ thái độ bài Trung Quốc tại những nơi như Zambia và Sudan và các
vụ công dân Trung Quốc bị trục xuất khỏi các nước như Angola, Ghana và Nigeria
ngày một gia tăng. Để đối phó với những nhức nhối trong quan hệ Hoa-Phi
(Sino-African relations) hiện nay và vạch ra một đường lối khác với đường lối
[thực dân trước đây] của phương Tây, tại châu Phi, Bắc Kinh đang lãnh một nhiệm
vụ khó tưởng tượng nỗi, vừa làm một cường quốc có trách nhiệm, biết ban khen và
biết khiển trách, vừa làm một đối tác biết tôn trọng các nhà nước bản địa, nêu
cao chính sách “không can thiệp vào nội bộ nước khác”. Trong việc duy trì thế
quân bình mong manh này, chính sách bất can thiệp đang trở thành một ảo vọng (mirage),
vì việc Trung Quốc gia tăng đầu tư kinh tế có thể đưa đến cám dỗ là phải góp
tay tạo dựng và duy trì một môi trường tiên quyết, cần thiết cho những đầu tư
này phát triển.
Sau cùng, Bắc
Kinh hiện đang đối phó với một thế hệ lãnh đạo mới tại châu Phi, một thế hệ
đang nằm dưới sức ép phải chấp nhận những lý tưởng tự do dân chủ và một nghị
trình kinh tế thực tiễn. Mặc dù luôn luôn bị phương Tây vạch trần là một chiếc
bánh vẽ, chính sách bất can thiệp của TQ ở dưới nhiều dạng thức khác nhau đã
từng chinh phục thiện cảm của các lãnh đạo châu Phi; họ đã coi chính sách này
như một lối thoát cần thiết để ra khỏi quan hệ đổi chác sòng phẳng (quid pro
quo relations) với phương Tây.
Tuy nhiên, với
giới lãnh đạo mới này, Trung Quốc đang gặp phải một tình thế khó xử. Tại nhiều
nước châu Phi, “những thủ lĩnh chính trị” từng mặn mà với Trung Quốc – như
Meles Zenawi, Muamma Gaddafi, Hosni Mubarak, và Abdoulaye Wade – không còn tại
chức. Thay thế họ ở vị trí quyền lực là những lãnh đạo dân cử chịu trách nhiệm
trước nhân dân hay những lãnh đạo từng bị răn đe bởi cái chết thảm khốc hay đột
ngột của các vị tiền nhiệm. Bắc Kinh sẽ phải đối phó với thế hệ lãnh đạo mới
này tại châu Phi, một thế hệ muốn dứt khoát với dĩ vãng và vì thế sẽ tìm cách
tiếp cận với Trung Quốc và chính sách bất can thiệp của đại cường này bằng một
thái độ dè dặt.
Nhiên hậu, với
nỗ lực lùng sục tài nguyên và thị trường trong một cơn nghiện, những động lực
thầm kín đằng sau chính sách ngoại giao bất can thiệp của Bắc Kinh tại châu Phi
sẽ bị thế giới đem ra tranh luận trong một thời gian. Nhưng, chính sách bất can
thiệp có thể là một con dao chiến lược hai lưỡi, hoặc là nó tách biệt sự hiện
diện của Trung Quốc tại châu Phi với các thế lực thực dân trong quá khứ, hoặc
là nó trở thành một gánh nặng đè lên lương tâm của cái gọi là sự trỗi dậy hoà
bình của Trung Quốc. Để thể hiện tiền đề thứ nhất, Bắc Kinh sẽ phải đặt chính
sách này trong bối cảnh thực tiển của châu Phi, phải xét đến tình hình chính
trị đang thay đổi trên châu lục này.
R.A.
Richard Aidoo là
một Phó giáo sư trong Khoa Chính trị và Địa lý của Đại học Duyên hải Carolina
(Coastal Carolina University).
No comments:
Post a Comment