Saturday, 13 October 2012

TRUNG QUỐC CÓ THỂ LÀ MỘT CƯỜNG QUỐC LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI KHÔNG ? (Elizabeth C. Economy - The Diplomat)




Elizabeth C. Economy
The Diplomat, 9 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư dịch
14/10/2012

Elizabeth C. Economy là nhà nghiên cứu thâm niên trong Chương trình C.V. Starr và là Giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á tại Cơ quan nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại). Bà là một chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại Trung Quốc, về các quan hệ Mỹ-Trung và là tác giả của cuốn sách được giải thưởng ‘The River Runs Black: The Environmental Challenge to China’s Future’ (Dòng sông nước đen: Thách thức môi trường đối với tương lai Trung Quốc). Bà còn viết trên trang blog Asia Unbound, nơi bài này xuất hiện lần đầu.


Mới đây tôi có tham dự một cuộc tranh luận về cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ và chính sách đối với Trung Quốc, do BBC và Cơ quan Nghiên cứu Carnegie Endowment tổ chức, với hai vị cựu Đại sứ Mỹ nổi tiếng và khả kính Chas W. Freeman, Jr. và J. Stapleton Roy, cùng với học giả Diêm Học Thông của Đại học Thanh Hoa. Xin bấm vào ĐÂY để biết nội dung cuộc tranh luận [bằng tiếng Anh].

Cuộc thảo luận này bàn về nhiều vấn đề sâu rộng nhưng điều làm cho tôi ngỡ ngàng nhất là, một trong các hội thảo viên đã quyết đoán rằng vị Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới sẽ phải đối phó với thực tế là Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành cường quốc số một (căn cứ trên sức mạnh kinh tế). Do đó, theo quan niệm của ông, Trung Quốc không còn cảm thấy cần phải kiêng nể Mỹ và hệ thống định chế quốc tế hiện nay.

Nhìn trên bề mặt, đây không phải là một quyết đoán phi lý. Dẫu sao, từ lâu nay tại Trung Quốc, dù ở bên trong hay ở bên ngoài giới quyền lực Bắc Kinh, người ta thấy lưu hành một quan điểm cho rằng trong một cách nào đó Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt thòi vì phải nằm dưới cái ách của các định chế mà Trung Quốc không góp bàn tay tạo dựng. Nhưng nếu duyệt xét kỹ càng hơn, người ta không thấy một bằng chứng rõ ràng nào cho thấy có bao giờ Trung Quốc kiêng nể Hoa Kỳ và hệ thống toàn cầu hiện nay đâu. Đúng là, Trung Quốc (TQ) có gia nhập một số định chế đa phương và ký kết một số hiệp định, nhưng TQ làm điều này không phải vì kiêng nể Mỹ mà vì TQ tin rằng TQ sẽ hưởng nhiều lợi lộc do việc tham gia. Nhưng khi Trung Quốc quyết rằng lợi ích của mình không còn được phục vụ bằng cách chạy theo Mỹ nữa, thì TQ tự ý tách ra – chúng ta có thể thấy sự hợp tác của hai bên đang trở nên khấp khểnh, nhạt nhẽo, hay hoàn toàn bất hợp tác trên các vấn đề như Libya, Iran, Bắc Triều Tiên, thay đổi khí hậu, an ninh mạng, v.v.

Vấn đề to lớn sau đây cũng rất mơ hồ: khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và một cường quốc chính trị quan trọng nhất thế giới, thì sự kiện này sẽ có ý nghĩa gì? Những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại mà lãnh đạo Trung Quốc sẽ theo đuổi là gì? Châm ngôn “không được trộn lẫn kinh doanh với chính trị” gần như không thể nói lên một giá trị cao cả nào trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, và việc rêu rao “tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ nước khác” trước sự đàn áp dã man đối với con người chắc chắn không mang lại uy tín cho một cường quốc lãnh đạo. Điều này không có nghĩa là Mỹ nắm được lẽ phải khi hành động trước rồi mới suy nghĩ sau, nhưng thái độ bất can thiệp mà Trung Quốc ưa chuộng cũng có vấn đề không kém, nếu không muốn nói là có vấn đề hơn.

Ngoài ra, những biến cố trong những tuần vừa qua cho thấy rằng vào thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa đủ tư cách làm một cường quốc lãnh đạo đối với các nước láng giềng. Trong việc phản ứng lại một hành động không thể chối cãi là có khiêu khích của chính phủ Nhật Bản khi chính phủ này mua lại của tư nhân vài đảo trong quần đảo đang tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, Bắc Kinh đã không hành động bằng lời lẽ và việc làm có cân nhắc, mà bằng những hành động thô bạo sau đây: cho phép công dân Trung Quốc phá hoại các cửa hàng và hãng xưởng Nhật Bản đồng thời tấn công những ai dùng hàng hoá Nhật Bản; lên án Nhật Bản tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; gửi tàu hải giám đến tiếp tục tuần tra tại vùng biển ngoài khơi quần đảo này; hủy bỏ các nghi lễ ngoại giao với các đồng sự Nhật Bản; và ngăn cấm các ngân hàng và quan chức Trung Quốc tham dự hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF), đang diễn ra tại Tokyo tháng này. Trước những hành động như thế, khó mà quan niệm được như học giả nổi tiếng Trung Quốc Wang Jisi (Vương Tập Tư) khi ông cho rằng “Trung Quốc xứng đáng có một tiếng nói lớn hơn tại IMF và Ngân hàng Thế giới”, và “Vì đã đạt được nhiều thành công to lớn, Trung Quốc đáng được kính trọng nhiều hơn”.

Biên tập viên Trương Kiếm Kinh của tờ Trung Quốc Cải cách đã đưa một góc nhìn hơi khác với quan điểm nói trên. Trong một bài viết sâu sắc và đáng suy nghĩ đăng trên tờ Cải cách, ông quả quyết rằng trước sự khiêu khích của Nhật Bản, “Đã đến lúc Trung Quốc phải đáp trả bằng một thái độ bình tĩnh và phải duy trì quân bình lực lượng ở trong khu vực… theo đuổi lập trường này có ngụ ý là cuối cùng Trung Quốc sẽ hỗ trợ cộng đồng quốc tế… Trở ngại lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là một tập thể ngày càng đông đảo gồm những người đang chặn đứng các cải tổ trong nước. Nói một cách tương đối, việc quản lý vùng địa chiến lược này là một ván cờ không quan trọng lắm”.

Tôi không trả lời được câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể lãnh đạo thế giới được hay không và lãnh đạo bằng cách nào, nhưng ít ra tôi cũng hi vọng rằng một phần đáp án có lẽ nằm trong tay những nhà tư tưởng và lãnh đạo Trung Quốc có quan điểm như họ Trương.

E.C.E.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN






No comments:

Post a Comment

View My Stats