20-10-2012
Như trong bài "Trí thức Việt Nam trước nội tình đất nước"
tôi đã viết thanh niên VN nói chung trong đó có hàng ngũ SVHS trong thời gian
1965-1975 đa phần tương đối mơ hồ về chính trị, ý thức chính trị và lập trường
tư tưởng không vững vàng và có thể nói là mất phương hướng. Nắm được lợi điểm
này CS mà trực tiếp là thành đoànTNCSHCM, đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia
Định trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy dấy động phong trào SVHS yêu nước phản
chiến, chống Mỹ ngụy đòi hòa bình cho VN. Từ đó phong trào được thổi
bùng lên như một kho xăng khi "ngọn đuốc Lê Văn Tám" chạy vào
và gió lớn Thành đoàn thổi mạnh từ phía sau.
Gói gọn trong bài này tôi chỉ nói
lên cái âm mưu phá rối hậu phương của chế độ VNCH ngay tại thủ đô Sài Gòn để làm
bận tay "Phủ Đầu Rồng" trong việc thực hiện sách lược lẫn chiến lược
trên 4 vùng chiến thuật.
Trong tình hình như dầu sôi lửa
bỏng, chính quyền VNCH phải đối phó với 2 cuộc chiến ngoài tiền tuyến và ở hậu
phương. Ngoài tiền tuyến là một mặt trận bằng bom đạn, máy bay, xe tăng thiết
giáp... và bằng những xác người trên khắp ruộng đồng rừng núi. Riêng trong mặt
trận hậu phương là cuộc chiến thứ 2 bằng biểu tình, tuyệt thực, đả đảo... rồi
cũng có kẽm gai, dùi cui, vòi rồng phun nước và có cả nước mắt của người già
lẫn trẻ thơ. Cuộc chiến này tuy cân não nhưng nó không gây chú ý nhiều trong
đại đa số nhân dân cả nước, nhất là ở các tỉnh lẻ vùng quê... bởi cuộc chiến
này thiếu vắng xác người tuy cũng có những vụ ám sát xảy ra nhưng tiếng vang
không rộng khắp. Tuy thế trong chừng mực nào đó nó cũng làm suy yếu tiềm lực, ý
chí chiến đấu của QLVNCH và góp phần làm cho chế độ lung lay. Hơn nữa, trong
cuộc chiến này nó có đặc thù là không có giới tuyến Quốc-Cộng rõ ràng.
Cuộc chiến tranh trên đường phố
nội đô này cũng có 2 phần là mặt nổi và mặt chìm:
Về mặt nổi: Đó là lực lượng SVHS bị
sự kích động và lôi kéo của các đảng viên thành đoàn bải khóa, xuống đường đấu
tranh bài Mỹ chống ngụy, đòi hòa bình cho VN, đòi thả tự do cho một số cán bộ
CS nằm vùng, SV Việt cộng (hợp pháp) như Vũ Hạnh, Huỳnh Tấn Mẫm (L71), Dương
Văn Đầy (ba Đầy, bảy Không), Phùng Hữu Trân, Lê Thành Yến...
Trong bài "Rồi hòa bình sẽ
đến" GS Lý Chánh Trung đã viết "Tôi đã đến đây tham dự buổi
tuyệt thực của 20 giáo chức đại và trung tiểu học tại tòa viện trưởng đại học
Sài Gòn để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các SV trong đó có anh Huỳnh
Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt
ẩm trong khám Chí Hòa. Trong lúc mấy em hát tôi cảm động không dám nhìn lên,
chỉ nhìn xuống..." (trích
trong Một Thời Bom Đạn, Một Thời Hòa Bình - Lý chánh Trung trang 62).
Cùng lúc này còn có lực lượng phụ
nữ đòi quyền sống, các ông Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Văn Cước, Thượng tọa Thích
Nhật Thường, Thích Mãn Giác. Hòa trong cao trào đó cũng không thiếu mặt thiền
sư Thích Nhất Hạnh.
Lúc bấy giờ thủ đô Sài Gòn toát lên
hình ảnh một thành phố chiến tranh có một gam màu, sắc thái thật lạ kỳ. Trên
đường phố ngoài những cuộc biểu tình bừng bừng như bão lớn đối nghịch lại với
dùi cui lá chắn, lựu đạn cay, vòi rồng phun nước còn có những nữ SVHS đầu tóc
mặt mũi bèm hem, nước mắt lưng tròng... te tua tà áo trắng và trên tay là những
bịch chanh để chống đỡ hơi cay và sẻ chia cho các bạn.
Rồi từng tốp thanh niên SVHS manh
động hơn lật xe Mỹ lên đập phá và đốt cháy. Có đêm SVHS, TN Phật tử từng đoàn
dài, rầm rộ xuất phát từ chùa Ấn Quang tiến về chùa VN Quốc Tự rồi bị bao vây
giữa những vòng kẽm gai rộng lớn tạo thành đêm không ngủ đốt lửa sáng rực một
góc trời... Họ hát vang những bài ca trong phong trào "Hát cho đồng bào
tôi nghe" với khí thế ngất trời, đầy vẻ tự hào. Có toán tiến thẳng về
chiếm tòa đại sứ Campuchia ngay ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng mà Hòa
thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 phản đối Tổng Thống Ngô Đình Diệm đàn
áp Phật giáo. Bên ngoài các vòng lửa đó là xe nhà binh, xe cảnh sát pha đèn
chạy như bướm lượn, hòa với khói mù lẫn sương đêm cùng âm thanh còi hụ, lẫn
tiếng đồng ca tưng bừng. Tất cả giống như cảnh chạy loạn thì không đúng mà trẩy
hội lại càng không! Tôi chẳng biết phải dùng từ gì cho đúng nghĩa?
Lúc này chính quyền Sài Gòn mà trực
tiếp là Giám đóc Nha Cảnh sát Đô thành, ông Trang Sĩ Tấn dùng lực lượng cảnh
sát áo trắng và cảnh sát dã chiến để vãn hồi trật tự cũng không hiệu quả. Chỉ
biết dùng dùi cui, lựu đạn cay, với kẽm gai phong tỏa đã gây ra phản tác dụng
mà còn làm gia tăng thêm sự phản cảm của quần chúng nhân dân và nhất là trước
ống kính của các phóng viên trong và ngoài nước trong đó có các nhà báo VC nằm
vùng. Xa xa ở dưới những hàng hiên, bên những gốc cây ven vệ đường có những anh
thợ sửa xe, phu xích lô ban đêm sụp nón hí hoáy chép ghi diễn biến sự việc báo
cáo về cho "tổ chức". Như vậy lúc này nước cờ của đảng đã triển khai
đúng hướng và tiến thêm mấy bước.
Một hậu phương rối ren như vậy thì
nơi tiền tuyến các chiến binh làm sao yên tâm cầm súng để chiến đấu bảo vệ tự
do?
Về mặt nổi trong cuộc chiến ở nội
Đô còn có sự góp mặt của các nhân vật chính khách, trí thức và giới báo chí đã
bị CS lợi dụng và giựt dây nữa.
Trong những bài thơ của Thiền sư
Nhất Hạnh có đoạn:
Làng tôi hôm qua vì có sáu người
cộng sản về.
Nên đã bị dội bom hoàn toàn tan
nát.
Cả làng tôi hoàn toàn chết sạch.
Lũy tre ngơ ngác.
Miếu thờ ngã gục.
Trong đoạn thơ trên tác giả dùng
đến 2 lần chữ "hoàn toàn" có nghĩa rằng làng mạc đã thành bình địa,
người thì chết sạch không còn một bóng. Thế mà còn tồn tại một lũy tre sừng
sững đứng giữa trời để có bóng hình "ngơ ngác" và còn sống sót thì
chỉ có một thi nhân Nhất Hạnh tỉnh táo để sáng tác đoạn thơ này! Cũng nhờ thế
mà CS đã tuyên dương cho ông. Ông đã bị CS lợi dụng và ông chỉ là một cá nhân
không đại diện cho một đoàn thể tôn giáo nào vậy mà VC đã vô tình trong sự cố ý
tuyên dương cho những "nhà sư chân chính" và Phật tử như sau:
"... Người Sài Gòn, tuổi trẻ SG
biết ơn những bậc tu hành chân chính đã quên mình vì nghĩa lớn, những phật tử
hy sinh trong bão lửa đấu tranh làm suy yếu kẻ thù, làm rối loạn hậu phương của
chúng..." (trích Trui Rèn Trong Lửa Đỏ
trang 349).
Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu hạ viện
(VNCH) đối lập đã viết trong hồi ký của mình về việc giải cứu Huỳnh Tấn Mẫm khi
người sinh viên VC này bị bao vây truy bắt như sau: "...Trung tâm SV
phật tử một lần nữa dậy sóng. Một chiếc xe Jeep nhà binh... chúng tôi đã ập vào
trung tâm Quảng Đức, bốc Huỳnh Tấn Mẫm chạy thẳng về dinh quốc khách góc đường
Công Lý-Hiền Vương... chiếc xe Jeep ập vào bốc Mẫm là của phó Tổng thống Nguyễn
Cao Kỳ". Hồ Ngọc Nhuận còn viết tiếp "...Tiếp tay cho CS như
vậy không chỉ có mình tôi mà lần này vai chánh không là tôi mà là tướng Nguyễn
Cao Kỳ!" (trích hồi ký Đời, bản thảo, HNN
trang 142) (Phần này tôi sẽ có một bài viết
riêng tỉ mỉ về " Huỳnh Tấn Mẫm tranh thủ PTT Nguyễn Cao Kỳ).
Lúc này trung tâm Quảng Đức, chùa
Phổ Hiền, chùa Ấn Quang - do Thượng tọa Thích Thiện Hoa trụ trì - là những nơi
đã giúp và che chở cho VC nằm vùng hoạt động làm sụp đổ chế độ miền Nam Việt
Nam. Bởi một lẽ đơn giản là những nơi cơ sở tôn giáo thuần túy với sự bao dung
và hướng thiện vô tình đã bị sập bẩy mưu gian của VC, với luận điệu tuyên
truyền vô cùng xảo quyệt tạo nênhàng ngũ SVHS Phật tử với "hào khí non
sông", bừng bừng sức sống. Thêm vào đó VC đã cài người vào hàng ngũ tu sĩ
làm nòng cốt, che mắt các vị chân tu mà thực hiện kế hiểm mưu gian. Ta thử nghĩ
như ở "Phủ Đầu Rồng" mà còn bị gián điệp VC Phạm Ngọc Thảo chui vào
ngồi bên cạnh anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và còn được trùm
tình báo Trần Kim Tuyến, trùm an ninh quân đội tướng Đỗ Mậu tin dùng thì việc
qua mắt, gạt lừa những vị chân tu thân phàm mắt thịt thì có gì là quá khó?
Ngoài lực lượng SVHS Sài Gòn bị CS
lợi dụng, giựt dây đấu tranh sôi nổi ra còn có các chính khách, trí thức cũng
bị CS lợi dụng tiếp tay cứu nguy cho những đảng viên, SVHS đã bị bắt được thoát
tù gồm 16 người trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Lê Thành Yến, Phùng
Hữu Trân, Võ Ba, Hồ Nghĩa (Hồ Tâm), Cao Thị Quế Hương, Võ Thị Thu Nga... Sau
này còn có một cuộc giải thoát thêm 21 người nữa. Tiêu biểu có lãnh đạo thành
đoàn như Phạm Chánh Tâm (ba Vạn) Phạm Chánh Trực (năm Nghị). Sau năm 1975 các
ông này đều là các lãnh đạo chủ chốt ở Tp.HCM.
Quá trình giải thoát cho các đảng
viên CS nằm vùng, SVHS VC nói trên làm cho các nhà trí thức, nhà văn và các tờ
báo dưới hình thức này, hình thức nọ đã bị VC lừa mỵ và lợi dụng. Trong đó cụ
thể CS đã tổ chức thành lập các tờ báo như tờ Tin Văn. Đầu xuân năm 1966 đặc
khu ủy Sài Gòn-Gia Định giao cho Vũ Hạnh nhà văn CS nằm vùng đứng ra xin phép
thành lập tờ báo Tin Văn với chiêu bài bảo vệ văn hóa, chống văn hóa ngoại lai,
đồi trụy đầu độc thanh niên. Tờ báo được chỉ đạo trực tiếp bởi cán bộ CS kỳ cựu
Trần Bạch Đằng, Chủ nhiệm Trần Mạnh Lương cùng các nhà văn và các cây bút như
Lữ Phương, Hồng Cúc, Nguyễn Hữu Ba, Vũ Hạnh... Các cây bút này còn viết cho tờ
Hồn Trẻ cùng với Anh Vũ, Trần Cảnh Thu, Lê Uyên Nguyên, Tuyết Hữu, Cao Hoài Hà,
Trần Triệu Luật... Tờ Hồn Trẻ do Mười Hải - Bí thư khu ủy văn hóa làm chủ biên.
Tòa soạn đặt ở ngôi chùa số 29 đường Trần quang Khải SG.
Một số chùa chiền đã thành cơ sở bí
mật cho CS như đã nói ở trên còn có thêm Đại học Vạn Hạnh. Theo tài liệu của
thành đoàn trong sách "Trui rèn trong lửa đỏ" đã viết về Đại
học Vạn Hạnh như sau "...Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập năm
1964... trước năm 1968, tổ chức CM cũng có hoạt động ở đây... tháng 10/1968
tình hình tổ chức CM ở trường sau thời gian bị đánh phá coi như trắng. Thành
đoàn chỉ đạo đ/c sáu Tỉnh tức Đỗ Quang Tỉnh nay là cán bộ hợp tác kinh tế UBND
TP HCM về xây dựng lại bằng tổ chức liên đoàn SV Phật tử Vạn Hạnh và kể từ
tháng 5/1972 một chi bộ chính thức của Vạn Hạnh được thành lập". Đặc biệt
trong đó có câu quan trọng " Từ những ngày đó, Vạn Hạnh trở thành một pháo
đài xuất quân đi đốt xe Mỹ và chống bầu cử..." (sđd trang 96).
Còn đối với chùa Ấn Quang thì ghi: "...
Những ngọn lửa bùng lên tuyệt đẹp trên đường phố. Các báo gọi các chiến sĩ đốt
xe Mỹ là du kích quân SVHS và chùa Ấn Quang trong những ngày ấy là một chiến
lũy của họ. Những người mẹ, người chị vượt qua những hàng rào cảnh sát, lựu đạn
cay, vòi rồng phun nước... đến với những đứa con ngoan của thành phố... Tụi bay
cứ đốt, đốt hết quân chó đó đi... các mẹ, chị căn dặn, nhắc nhủ với một lòng
căm thù như vậy."(sđd trang 110).
Cuốn theo vòng xoáy đó thì ở các
phân khoa đại học cũng xuất hiện các báo như Hoa Súng của Dược khoa, Văn Khoa
với Hạ Đình Nguyên, Đại học khoa học có tờ Lửa Hồng, tờ Dấn Thân được GS Trần
Kim Thạch đỡ đầu. Luật khoa có tờ Đất Mới với Lê Hiếu Đằng, Nguyên Hạo. Tờ Học
Sinh do Lê Văn Triều chủ nhiệm, Nguyễn Thị Liên Hoa quản lý. Nhưng quan trọng
nhất là tờ Hồn Trẻ đã mượn danh của những cây bút nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy
giờ để gây thanh thế như GS Nguyễn Văn Trung, Võ Quang Yến, Trụ Vũ v.v... Riêng
sinh viên Phật tử có tờ Tin Tưởng năm 1968 do Phạm Phi Long làm chủ nhiệm, Đặng
Minh Chi thư ký tòa soạn. Năm 1970 thì thay Nguyễn Xuân Lập chủ nhiệm, Trần Công
Sơn chủ bút và Trịnh Thị Xuân Hồng thư ký tòa soạn. Tất cả các báo trên đều
dưới sự chỉ đạo của CS thành đoàn, đặc khu ủy.
Đặc biệt trong thời gian này nhân
vật quan trọng trong lĩnh vực báo chí là nhà văn Vũ Hạnh với bút hiệu cô Phương
Thảo đã bị chính quyền SG bắt giữ ngày 02/6/1967 và cứ mỗi lần như vậy thì liên
minh các nhà báo (VC), nhà văn, trí thức, SVHS lại đấu tranh quyết liệt bằng
mọi cách lôi ông ra khỏi khám Chí Hòa.
Tất cả các mặt nổi tôi nêu ở trên
chỉ là một trong những cánh bèo bồng bềnh trên sông nước Cửu Long Giang.
Phần chìm: Song song với những mặt
nổi, thì mặt chìm của cuộc chiến nội đô tôi cũng xin vén một phần bức màn. Một
phần thôi vì vũ đài chính trị Sài Gòn lúc này là một vở kịch trường thiên.
Ngoài mặt nổi là lợi dụng các lực
lượng SVHS, lừa dối các tổ chức tôn giáo, các nhà trí thức, báo chí để thực
hiện mưu gian ra thì về mặt chìm cũng vô cùng sôi động. Đó là những toán đặc
công, biệt động thành do Thành đoàn, Đặc khu ủy tổ chức và đảm trách gài bom
các công sở, cơ quan quân sự Mỹ, VNCH, các xe quân sự đồng thời ám toán các
nhân vật quốc gia nào có thể và nhất là các đối tượng mà đã biết về họ mà từ
chối không theo để giữ bí mật với nhiều lý do trong đó tiêu biểu có sinh viên
Lê Khắc Sinh Nhật, nhân vật chính khách quan trọng như GS Nguyễn Văn Bông cùng
các SV, GS khác nữa và tôi cũng sẽ có một bài viết chi tiết về trường hợp của
GS Nguyễn Văn Bông và SV Lê Khắc sinh Nhật trong thời gian gần. Trong giai đoạn
thập niên 60s nữ tướng đốt xe Mỹ là Võ Thị Bạch Tuyết. Sau năm 1975 về làm giám
đốc nông trường Đỗ Hòa, Duyên Hải và sau đó là làm giám đốc bù nhìn ở sở LĐTBXH
Tp.HCM
Các tổ chức hoạt động về mặt chìm
trong bài này có liên quan đến máu xương và chiều sâu của ý thức hệ. Do đó tôi
cần phải viết rõ và phải có những tài liệu và luận chứng thật chính xác, thuyết
phục, rõ ràng để cho những người trong cuộc còn hiện hữu không thể đưa ra lời
phản biện cho những tội ác do họ gây ra. Trong đó những người đang vất vưởng
bên lề xã hội, kẻ vẫn còn bám đuôi theo đảng mặc cho nước chảy xuôi dòng...
mong được chút lợi danh an hưởng tuổi xế chiều và những người lương tâm có phần
nào cắn rứt, trong lòng có chút hổ thẹn nhưng không đủ dũng khí để rũ áo sang
ngang mà miễn cưởng phản biện ậm ờ như một ngọn đèn dầu leo lét trong căn chòi
ở cuối bìa rừng.
Qua những gì tôi đã viết trong bài
này chắc quí vị cũng đã phần nào nhận thấy giới trí thức MNVN, SVHS SG đã bị CS
lợi dụng như thế nào.
20/10/2012
No comments:
Post a Comment