VietSoul:21
2012/10/19 at 23:50
Cuối tuần vừa rồi người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hoa-kỳ đã
tiễn đưa nhà thơ, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện ra đi vĩnh viễn. Dù chúng tôi chưa
bao giờ gặp mặt nhưng có đọc nhiều bài thơ của ông và lấy lòng cảm phục với tấm
lòng chân thật và tinh thần bất khuất của con người ấy.
Cái giá mà ông Nguyễn Chí Thiện trả cho việc nói lên sự thật quả rõ đắt và đắng[1]. Dù đó chỉ là sự thật của một sự kiện trong
lịch sử:
“Anh chuẩn bị kỹ, giải thích cho học sinh biết rằng phát
xít Nhật bị bắt buộc phải đầu hàng vào tháng 8-1945 là do 2 quả bom nguyên tử
của Mỹ ném xuống Nagasaki và Hiroshima. Thế là có phụ huynh học sinh cùng một giáo viên ganh tỵ với anh tố cáo
với công an quận rằng anh cố tình truyền bá tư tưởng đế quốc, không theo giáo
án, nói trái quan điểm của đảng, không giải thích rằng phát xít Nhật thua là do
công ơn của Nguyên soái Stalin đã chỉ huy Hồng quân tiêu diệt đạo quân Quan
Đông ở Mãn Châu.”
Có lẽ cái giá của sự thật không bao giờ rẻ, nhất là ở
những nơi mị dân đầy xảo trá lọc lừa thì phải rất đắt. Đắt bằng 3 lần đi tù,
gần nửa đời người cho nhà thơ.
Đắt bằng 34 năm tù còn tiếp tục cho anh Nguyễn Hữu Cầu[2], người cương quyết không ký
nhận tội danh của bản án.
Đắt bằng 12 năm tù cho anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, 10 năm cho cô Tạ Phong Tần và 4 năm cho Anhbasaigon Phan Thanh Hải[3].
Đắt bằng với 16 năm tù cho Trần Huỳnh Duy Thức, 5 năm cho LS Lê Công Định.
Đắt bằng 9 năm cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 7 năm cho Đỗ thị Mỹ Hạnh và 7 năm cho Đoàn Huy Chương[4].
Đắt bằng 7 năm tù cho anh Cù Huy Hà Vũ.
Đắt bằng giam cầm vô thời hạn cho Paulus Lê Sơn[5] và các thanh niên công giáo vì
công lý và sự thật.
Đắt bằng cái chết lần mòn cả tinh thần và thể xác cho LS Nguyễn Mạnh Tường kẻ bị “mất phép thông công[6], và triết
gia Trần Đức Thảo[7] sống trong tăm tối cho đến cuối đời. Cái chết
của những con người lương thiện trong một thể chế dị dạng vô lương tri.
Và đắt hơn cả là vô số cái chết và tù đày của trăm vạn ngàn người suốt 67 năm dài …
Cực đoan (Cực kỳ)
Đối với những quyền lực, nhất là những quyền lực gần như
tuyệt đối thì bất cứ những ý kiến trái ngược hoặc phản kháng nào – dù phản
kháng đó bằng lời hay bằng hành động – nếu không theo “khuôn khổ” được quy định
thì sẽ được gán cho từ “cực đoan”.
Nhà Thiên văn học Galileo sau bao nhiêu tháng
năm quan sát, tìm tòi và đã khám phá ra rằng “trái đất quay quanh mặt trời”.
Thế nhưng sự thật đó không được công nhận bởi Tòa thánh La Mã. Giáo quyền thời
đó đã xem ông Galileo là kẻ cực đoan, dị giáo (heretics) muốn phao tin giả
(hearsay) trái với giảng giải trong kinh thánh. Ông đã trả giá cho sự thật bằng
một bản án giam tại gia cho đến cuối đời.
Triết gia Socrates lúc làm ủy viên của
hội đồng thành phố (boule) đã bất chấp đe dọa truất phế và tù tội, kiên quyết
không bỏ phiếu cho một cuộc xử án vi hiến – kiểu đấu tố (collective trial) –
ngay cả đối với những tên bạo chúa tiếm quyền. Dù rằng trước đó không lâu ông
suýt bị nhóm 30 tên bạo chúa này (Thirty Tyrants) xử tử chỉ vì ông lặng lẽ từ
chối không làm đồng lõa cho các cuộc xử tử bất công do họ dựng ra. Socrates
phản kháng cái quyền lực bất công quy buộc ông vào tội danh “đầu độc tâm hồn
thanh thiếu niên” dù rằng ông chỉ giảng dạy triết lý muốn đi tìm sự thật và
công lý. Ông chấp nhận uống thuốc độc chết để bảo tồn danh dự và khế ước xã hội
dù có cơ hội trốn thoát khỏi lao tù. Socrates đã bị gán là kẻ “cực đoan” về mặt
tư tưởng chỉ vì muốn bảo vệ công lý và sự thật.
Ông Ghandi, người hiện được mọi người ca tụng
là vĩ nhân hòa bình vì là người chủ xướng đấu tranh bất bạo động chống thực dân
Anh, cũng bị chính quyền thời đó gán tội danh “quấy rối trật tự” chống nhà
nước. Rất nhiều quan chức, giới thượng lưu, thành phần ưu tú (elites), và ngay
cả trí thức trong giai đoạn ấy đã dán cho ông nhãn hiệu “cực đoan”. Họ muốn ông
đàm phán, hòa giải bất công qua các “thủ tục” quy định bởi chính quyền thực
dân.
Ông Martin Luther King Jr., mục sư đạo Tin Lành
và thủ lãnh phong trào dân quyền ở Hoa-kỳ , đã noi gương Ghandi đấu tranh bất
bạo động, đòi hỏi quyền làm người, bình đẳng và công lý cho người Da Đen nên
cũng bị ghán cho là thành phần nguy hiểm, khích động . Không ít những mục sư
Tin Lành và một số trí thức cùng màu da, cùng lý tưởng đấu tranh dân quyền đã
tránh né xa lánh ông vì cho rằng phương thức hành động và tuyên ngôn quá “cực
đoan” sẽ đưa tới phản ứng mạnh đàn áp phong trào.
Nguyễn Chí Thiện, Dương Thu Hương, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà
Vũ, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng đều “được” gán cho cái mác “cực đoan”, “quá khích” v.v…
Những người vì sự thật, công lý, bình đẳng khi cương
quyết, nhất quán trong đấu tranh thường (luôn) hay bị giới cầm quyền gán cho
cái mác “cực đoan” và “quá khích”. Đặc biệt là nhà nước cộng sản Việt Nam thì
họ sẽ được cho thêm cái mũ “phản động” kèm với “cực đoan”.
Anh em Đoàn Văn Vươn sử dụng mìn tự chế
chống lại cưỡng chế bất công, tàn bạo của công an, cảnh sát, dân phòng thì được
“phong” hàm “manh động”, “cực đoan”, “quá khích”.
Giáo dân cùng tu sĩ xứ Thái Hà[8], Con Cuông, Cồn Dầu tụ tập để cầu nguyện hiệp
thông, bảo vệ tài sản, giáo đường cũng bị chụp cái mác “cực đoan”, “quá khích”.
Những người dân oan bị cướp đất đi khiếu kiện, lê la lếch thếch từ xã tới huyện đến thành phố và tận trung ương cũng bị mồm
loa, mép giải của báo của đài gọi là “khích động” và “cực đoan”.
Hai mẹ con cởi truồng giữ đất[9] vì không muốn bị cướp đi phần mồ hôi nước mắt
bao năm gầy dựng. Họ trần truồng bám trụ giữ phần tài sản nhỏ bé nghèo nàn để
“cạp đất mà ăn” cũng bị gán là có hành động “cực đoan”.
Cơ chế và Quyền lực
Các quyền lực độc đoán không bao giờ chấp nhận ý kiến
trái ngược với họ để bảo vệ giữ vững cái vị trí độc đoán đó. Những quyền lực
này luôn gieo ảnh hưởng lên công chúng bằng cách xử dụng ngôn ngữ để gài khung
(framing) hầu tạo cái nhìn phán đoán về dị biệt (deviant) để dễ dàng cách ly
(isolate) người/nhóm phản kháng ra khỏi đám đông. Kế tiếp là họ sẽ tấn công vào
thân thế, bôi nhọ cá nhân hay tập thể nhỏ đó. Và sau cùng là dùng cả hai cơ chế
luật pháp (các luật lệ khiếm khuyết, hoặc vi hiến) và luật rừng để cưỡng chế và
vô hiệu hóa người/nhóm phản kháng.
Phương tiện để gài khung là thuật ngữ. Đó là việc sử dụng
những từ ngữ phổ thông và có định kiến xấu để quy chụp vào tình huống cá biệt.
Họ dùng những cây cọ thật to – các phương tiện truyền thông đại chúng – để tô
hồng (đồng chí) và bôi đen (đồng bọn/đối tượng) tạo phán xét dễ dãi không cần
tư duy định hướng dư luận.
Những quan sát trên thuộc cái nhìn về “cực đoan” dưới
lăng kính tương quan giữa quyền lực và cá nhân/tập thể thiểu số. Còn cái nhìn
về “cực đoan” dưới lăng kính tương quan xã hội thì sao?
Ở các nước Á Đông, nền văn hóa Khổng, Nho, Lão giáo vẫn
còn ảnh hưởng đẫm đặc trong tư duy của mọi người, nhất là trong tầng lớp có học
vấn. Cái tinh thần “dĩ hòa vi quý”, thuyết “trung dung”, “vô vi” thường được xử
dụng làm chỗ dựa để biện minh cho việc an vị, tịnh tâm và để rúc vào đám đông
thầm lặng “ôn hòa”.
Dĩ nhiên khi đã tự xưng là thành phần “ôn hòa” thì mối
liên hệ với những người cương quyết, nhất quán trở thành mối liên hệ xa lạ –
giữa ta và kẻ kia (the other) – cho dù ngay lúc cả hai đều có cùng một mục đích
hoặc lý tưởng đi nữa. Không thiếu gì trường hợp người ôn hòa gán cho người khác
là “quá khích”, “cực đoan”, là “bất hảo”, “mất gốc rễ”, là “vô liêm sĩ, man rợ”[10], là “ô hợp” thiếu “văn minh” một khi kẻ kia
có những ứng xử không theo “tiêu chuẩn” của người chủ quan tự cho mình là thành
phần ôn hòa. Vô hình chung cách ứng xử này sẽ cô lập và tách biệt quần thể ra
thành hai nhóm—một tập thể bỗng dưng có hai thái cực đối kháng và khắc kỵ nhau.
Kết quả cả hai đều rơi vào bẫy phân hóa do diễn luận cài khung thực thi bởi
quyền lực hiện hành.
Bên cạnh chỗ dựa “ôn hòa” trong đám đông thầm lặng những
kẻ tựa vào quyền lực lại còn có chiếc ô che “khách quan” vô tư tránh nắng
(thiếu) khoa học tạo thuận lợi giúp những phán quyết về người khác được xem như
là chuẩn mực.
Nơi an toàn nhất đối với họ là vị thế “ôn hòa”, “việc đâu
còn có đấy”, “bình chân như vại” không động đến cái lông chân. Chốn khó khăn
đầy hiểm nguy là điểm trực diện đương đầu với quyền lực của những ai chọn dấn
thân.
Ngược lại, người phản kháng luôn tìm mọi phương cách để
trực diện đương đầu, biểu lộ chính kiến của mình nhất là khi họ bị cô lập và
giới hạn trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ dùng mọi phương thức,
cả kiểu sáng tạo lẫn lối thông thường từ việc chiếm phố Wall (Occupy Wall
Street) đến chuyện ban nhạc Bướm Nổi Loạn (Pussy Riots) hóa trang hát nhạc rock
trong nhà thờ diễu cợt Putin, từ nhóm người bảo vệ môi trường “cắm dùi” trên
ngọn cây chống đường ống dẫn dầu xuyên đại lục (XL pipeline, tar sands) đến
nhóm chống bom nguyên tử dùng thuyền chèo (kayak) và thuyền buồm cản trở hải
trình tàu ngầm nguyên tử, từ nhóm bảo vệ quyền thú vật (animal rights) dùng
thuyền cao tốc đuổi cản tàu đánh bắt cá voi/ông đến nhóm chống chiến tranh lấy
thân mình làm lưới chắn cổng hải quân vận chuyển vũ khí ra ngoại quốc, từ phong
trào người Tây Tạng lưu vong tự thiêu chống Trung Quốc đến hiện tượng người
Việt Nam tỵ nạn biểu tình chống cộng sản ở phố Bolsa v.v… Bất cứ phản ứng nào
dù thật sự ôn hòa cũng có thể bị gán ghép là “cực đoan”.
Họ bị gán cho là những kẻ vô công rỗi nghề, bọn không
công ăn việc làm, người nhận tiền nước ngoài (thế lực thù địch), mất gốc rễ,
dân đầu đường xó chợ, kẻ ăn bám xã hội, đám ăn trợ cấp (welfare), thứ rác rưởi,
bọn trẻ xuẩn ngốc v.v… Hệ thống quyền lực thành công hay không trong việc gài
khung cô lập những người này hoàn toàn tùy thuộc vào nhận xét của dân chúng –
nhóm/đám này đa phần chịu ảnh hưởng bởi các định kiến tạo ra và đặt để trong xã
hội.
Tính Năng Động của Quyền Lực – Ký Sinh – Đồng hóa
Hãy thử thoáng nhìn về các tính năng động phức tạp của
quyền lực trong xã hội (complex power dynamics within society).
Nhà nước nắm giữ hệ thống quyền lực là chủ (host) trong
chuỗi quyền lực mang tính ký sinh “trao thân gởi phận”. Nhà nước luôn chủ động trong
vận hành, đặt ra kế hoạch mà không cần phải trao đổi với những nhân vật hữu
quan chủ yếu, và từ đó áp đặt quyền lực lên các thành viên trong xã hội. Và
xoay quanh quyền lực hiện hành này là vô số những ký sinh (sát cánh) giúp vận
hành cỗ máy đó.
Có rất nhiều móc xích trong chuỗi ký sinh, loại trực tiếp
và loại gián tiếp. Có ký sinh trực tiếp “còn đảng, còn mình”. Có ký sinh gián
tiếp thoáng ra không ai nhìn thấy vì nó nằm xa mãi ở tận cuối chuỗi móc xích.
Ký sinh trực tiếp thì biết (bám) chủ còn ký sinh gián tiếp nằm ở cuối chuỗi móc
xích thì lờ mờ (lửng lơ) với chủ gốc.
Điểm đặc biệt ở đây khác với định luật sinh tồn trong
quan điểm sự tồn tại thuộc về loại mạnh nhất (survival of the fittest) ở chỗ ký
sinh rất dị ứng với việc chủ bị triệt tiêu. Vấn đề này rất hệ trọng vì làm rối
loạn mối liên hệ của chủ-ký sinh (host-parasite relationship). Nguyên do bởi lẽ
ký sinh và chủ có cùng một chu trình tiến hóa tương tác (co-evolution). Chủ có
sống thì ký sinh mới tồn tại. Chính đó mới là cái nhập nhằng, đan chéo trong
các mối quan hệ của quyền lực trong xã hội.
Quyền lực chuyên chính không bỏ qua một thủ thuật tinh vi
và lắm lúc miễn cần gông cùm mã tấu. Đó là chước tạo đồng hóa/thuần hóa
(assimilate/cooptation) về mặt tư tưởng, lợi ích, và danh
vọng nhằm loại trừ và dập tắt những thành phần kháng cự, chống đối, và muốn
phản ứng ngược. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã xử dụng thủ thuật này
xuyên suốt chiều dài lịch sử ngay từ khi cướp chính quyền.
Đồng hóa tư tưởng qua nhiều phương tiện
tuyên truyền: từ cái loa phường, các bích chương khẩu hiệu, đội thiếu niên
quàng khăn đỏ, đoàn thanh niên, đến họp tổ dân phố, họp hội phụ nữ, hội người
cao niên, hội cựu chiến binh, nghị quyết, báo, đài v.v…
Đồng hóa lợi ích qua cơ chế tạo hệ
thống đồng lõa với các tổ chức ngoại vi và nhà nước. Số cán bộ (gần xa) và nhân
viên nhà nước được bổ xung, cồng kềnh cho nên có xã có trên 500 cán bộ[11]. Gần như ai ai cũng có dính phần tí tẹo nào
đó vào cơ chế để móm chút lợi. Những ký sinh và các con vắt này liên tục hút
máu tài sản nhân dân và tài nguyên quốc gia.
Việc đồng hóa lợi ích đã được thể hiện rõ trong Hội nghị Trung ương
6 vừa qua. Toàn thể BCHTƯ và BCT đã đồng hóa về lợi ích và dĩ nhiên
không thể nào có việc phản kháng lại lợi ích chung ăn sâu tận gốc rễ. Nếu nói
theo giới cầm (tu) chai thì đây quả là “nguyên lý mâm thịt chó”[12] (Hất đổ thì mất ăn, mà tất cả mọi người đều
muốn ăn!)
Đồng hóa lợi ích với hia mão qua phong trào tấn
phong “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân”, “anh hùng lao động”, “chiến sĩ thi
đua” v.v… “Đại văn hào” Mạc Ngôn chẳng phải đã tự mình làm tròn sứ mệnh Đảng CS
Trung Quốc áp đặt, ngay từ bút danh cho đến thực danh, là “mất/tắt lời” đấy ư!?
Một câu nói vớt vát “Tôi hy vọng ông ấy [Lưu Hiểu Ba] sẽ được tự do nhanh chóng”[13] hầu chống đỡ các chỉ trích thì chỉ tiêu hao
tí tị điểm thi công (political capital) mà ông đã vón vén “xin/cho” được từ cái
giải văn học làm giải tỏa “mặc cảm Nobel” của Trung Quốc. Đương nhiên sẽ có
tiếng thổi kèn đồng nhịp tương tác vào diễn luận “ôn hòa”[14], “ổn định”, và “phát triển”.
Những ai không muốn bị đồng hóa là tất nhiên thuộc thành
phần “bất hảo”, “phản động” như nhà thơ Hữu Loan, LS Nguyễn Mạnh Tường, ngục sĩ
Nguyễn Chí Thiện, Khôi Nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, và nghệ sĩ Ngãi Vị Vị.
Tương Quan Quyền Lực
Tương quan quyền lực trong xã hội rất đa dạng. Nó không
chỉ đơn thuần là tương quan giữa nhà nước và cá nhân viết tắt là nhà nước-cá
nhân (state-individual) nhưng còn ở nhà nước-tổ chức (state-group) và giữa
nhóm-cá nhân (group-individual) hoặc nhóm-nhóm (group-group) v.v…
Trong tương quan quyền lực (đặc biệt là quyền lực chuyên
chế) giữa nhà nước và cá nhân hay thiểu số thì chắc chắn cá nhân/thiểu số là bị
lép vế hoàn toàn. Những gì được cho là cực đoan của cá nhân/thiểu số không thể
nào so bằng cái cực đoan, cực kỳ phản động ngàn vạn lần của tập đoàn quyền lực
chuyên chế (nhà nước độc tài).
Thiết nghĩ các sự việc liên hệ đến đấu tranh giữa hai thế
lực luôn phải được nhìn qua lăng kính tương quan quyền lực để xem xét. Chúng ta
chỉ có thể tạm bỏ qua lăng kính quan trọng này khi hai lực nằm trong lãnh vực
cá nhân riêng tư, thí dụ như tranh chấp của người này với người nọ trong các
sinh hoạt hàng ngày.
Dù vậy chúng ta vẫn không thể làm ngơ không xét đến các
quyền lực ngầm hoặc quyền lực mềm. Thí dụ như mâu thuẫn giữa một thường dân với
ông hàng xóm quan quyền (chủ tịch, bí thư, trưởng CA, v.v…) thì ông hàng xóm
quan quyền có quyền lực ngầm. Hoặc mâu thuẫn giữa một người lao động chân tay
không học vấn với người lao động trí óc thì người trí óc hẳn có quyền lực mềm
vì biết các thủ tục pháp lý có mối liên hệ với các bộ máy nhà nước v.v…
Ta cũng không thể quên việc “ở đâu có áp bức ở đó có đấu
tranh”. Các áp bức, oan ức, ép uổng thường tạo kích động gây phản ứng “cực
đoan” vì chỉ có bằng cách đó những nỗi oan khiên mới được nghe, biết, và hiện
hữu (heard, known, and existed).
Khi đối diện với những hiện tượng “cực đoan” nếu chúng ta
không vội vàng phán đoán chỉ trên bề mặt của hiện tượng mà cố gắng hàm dung
(cởi mở) để lắng nghe mặt chìm đằng sau những cử chỉ hành vi “cực đoan” kèm
tiếng kêu gào này thì có thể tìm đến bản chất và nguyên nhân của sự việc. Ít ra
thì từ đấy chúng ta có thể đồng cảm hoặc dù gì cũng trút bỏ định kiến và cảm
thông được phần nào tại sao kẻ/nhóm thấp cổ bé miệng kia hành xử như thế.
Điều cần tránh nhất là không tự dễ dãi phang ra những
phán xét trên quan điểm cá nhân (trong lối mòn nhận thức) vô tình làm cánh tay
nối dài của quyền lực chuyên chế và gián tiếp bóp mũi, bịt miệng, thậm chí xiết
cổ cái khát vọng cũng như nỗi oan khiên từ kẻ khốn cùng.
© 2012 Vietsoul:21
[3] VN xử nặng Điếu Cày và Tạ Phong Tần,
BBC Vietnamese
[5] Vài dòng nghĩ vội khi nhận được tin Paulus Lê Sơn, thằng em
trong tù, J.B. Nguyễn Hữu Vinh
[6] Kẻ bị mất phép thông công, viet-studies
[7] TRẦN ĐỨC THẢO, Người trí thức lầm đường! Blog
Nguyễn Thiếu Nhẫn
[9] Chẳng lẽ nhà nước cũng cởi truồng? blog Mai Xuân
Dũng
[10] vô liêm sĩ – man rợ, Vietsoul:21
[11] Rùng mình xã 500 “cán bộ” ở Thanh Hóa,
kienthuc.net.vn
[12] Hồ Bất Khuất – [Giải thích kết quả Hội Nghị Trung Ương 6
bằng] “Nguyên lý mâm thịt chó”, Dân Luận
[14] “Người ta nói rằng, giải thưởng Nobel văn
chương năm nay ôn hòa về mặt chính trị.” Phạm Xuân Nguyên –
No comments:
Post a Comment