Thursday, 18 October 2012

TRANH CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ TRỞ LẠI CÂN BẰNG (Người Việt)




Người Việt
Wednesday, October 17, 2012 7:08:03 PM

HEMPSTEAD, New York (TH) -Tổng Thống Obama đã thành công và hồi phục được vị thế trong cuộc tranh luận lần thứ nhì, tối Thứ Ba 16 tháng 10 ở Hempstead, New York.

Ngoại trừ FoxNews, vẫn có lập trường thiên hẳn về Cộng Hòa, nói rằng Romney thắng cuộc tranh luận thứ nhì, hầu hết các cơ quan truyền thông khác đều đồng thuận là Obama khống chế Romney, nắm chủ động tấn công cũng như phản công.

Nhưng hậu quả của sự việc này đối với cuộc bầu cử ba tuần lễ nữa như thế nào thì chưa thể nào xác định được. Không ai có thể khẳng định là Romney sẽ vào tòa Bạch Ốc hay Obama rời khỏi tòa Bạch Ốc ngày 20 tháng 1 năm 2013. Bởi vì kết quả bầu cử sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và những biến số sẽ còn xuất hiện trong thời gian sắp tới chứ không thể chỉ dừng lại ở một số sự kiện đã qua chẳng hạn như một cuộc tranh luận.

Jeff Greenfield, bình luận viên của Yahoo! News, viết: “Buổi tối Thứ Ba, tôi mang ám ảnh là nếu Tổng Thống Obama tranh luận như ở Denver, cuộc bầu cử coi như chấm dứt. Ðến đêm thì tôi lại có một suy nghĩ khác, rằng nếu Obama như vậy ngay ở lần tranh luận đầu tiên thì có lẽ cuộc bầu cử đã là xong rồi.” Và sau khi trình bày lại một số chi tiết về cuộc tranh luận, ông đi đến kết luận rằng mặc dầu rõ ràng thành tích của Obama là tái tạo được niềm hứng khởi cho người ủng hộ, khó có thể sẽ tác động đến những người vừa đã tin vào Romney để họ xét lại. “Giống như trong nghệ thuật sân khấu, đúng lúc là tất cả.”

William J. Bennett, cựu bộ trưởng Giáo Dục và giám đốc Kế Hoạch Bài Trừ Ma Túy thời Tổng Thống George W. Bush, hiện nay là cộng tác viên của CNN, lập luận theo một chiều hướng tương tự cho rằng, “Obama cần một chiến thắng quyết định trong cuộc tranh luận thứ nhì nhưng đã không có được.” Theo ông, “Cuộc tranh luận ở Denver là sự chuyển đổi cục diện, còn tối Thứ Ba vừa qua thì không được như vậy. Tổng Thống Obama cần một chiến thắng có tính thuyết phục nhưng ông ta không đạt tới.” Sau những phân tích dù tỏ ra khách quan nhưng thiên về phía Cộng Hòa, Bennett kết luận là “ấn tượng mà Romney đã tạo ra ở Denver vẩn được duy trì để cho Obama sẽ cần phải khá hơn trong cuộc tranh luận thứ ba và cuối cùng tại Florida.”

Tất nhiên tranh luận về tranh luận kéo dài vô tận, hàng ngàn ý kiến khác nhau, khách quan có mà thiên vị cũng không ít tràn ngập trên các blogs và Internet, cho chúng ta thấy được mặt tích cực cũng như tiêu cực của sinh hoạt dân chủ và thực tế của một xã hội dân chủ như Hoa Kỳ.

Một sự kiện không thể phủ nhận là Romney đã nhờ một tình huống bất ngờ do vì một lý do nào đó của Obama để nổi lên nhanh hơn sự mong đợi. Từ đầu mùa bầu cử, Romney không phải là “con ngựa chiến” như ý của người Cộng Hòa, nói một cách khác ông vượt qua giai đoạn bầu cử sơ bộ và trở thành ứng cử viên chính thức của đảng nhưng vẫn còn nhiều người không tin tưởng ông. Cuộc tranh luận ở Denver đột nhiên đem may mắn cho Romney cơ hội để chứng tỏ mình có thể là người xứng đáng với vị trí tranh ngôi vị lãnh đạo nước Mỹ. Ðiều ấy thể hiện qua những kết quả thăm dò dư luận cho cho thấy ông tiến lên ngang ngửa với Obama. Ðó là sự kiện đặc biệt trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bởi vì theo kinh nghiệm lịch sử một cuộc tranh luận chỉ có ảnh hưởng rất ít đối với cử tri - mức ủng hộ chỉ lên xuống tối đa một vài điểm.

Như vậy cuộc tranh luận thứ nhì hay thứ ba, theo nguyên tắc bình thường, không thể cho rằng sẽ đem đến chuyển hướng đáng kể. Obama đã hoàn thành điều cần, hay bắt buộc phải làm được, là củng cố vị trí và tạo niềm tin vững tin cho người ủng hộ. Romney, tuy có sút kém chút ít nhưng không quá nặng đến mức làm mất động năng đã lập nên. Người Dân Chủ hay người Cộng Hòa, dù có lạc quan cách mấy cũng không thể mong đợi nhiều hơn và phải chấp nhận rằng đây là một cuộc tranh cử rất gay go với kết quả chưa thể chắc chắn.

Nhiều nhận định về cuộc tranh luận thứ nhì đáng được chúng ta xem xét. Giáo Sư Alan Schroeder phân khoa báo chí đại học Northeastern University, nói rằng Obama hay ở Hempstead chừng nào thì dở tại Denver chừng ấy và cái may mắn cho ông ta là đã có được một cuộc tranh luận xuất sắc đúng vào lúc cần thiết nhất, Obama tỏ rõ khả năng giao lưu và thuyết phục quần chúng bằng phong cách tự tin, tích cực và đầy nghị lực, tất cả những đức tính mà ông hoàn toàn thiếu tại Denver. Lập luận của ông thật ra nhiều lúc không súc tích hay đi thẳng vào vấn đề như cần thiết nhưng thích ứng trong khuôn khổ tranh luận hội trường.

Về Romney, Giáo Sư Schroeder cho rằng đã mất đi hiện thân của một nhà tranh luận giỏi hai tuần trước, tỏ ra tiêu cực vào những thời điểm quan trọng. Ông đã nhiều lần tìm cách mạnh mẽ tấn công đối phương, nhưng đã không thể hiện được theo phương cách mà lẽ ra phải có như khi tập dượt. Theo Schroeder thì Romney tạo cho người ta cái cảm nghĩ rằng ông ta phản ứng theo bản năng hơn là chứng tỏ đức tính lãnh đạo và điều này có thể là chỗ yếu kém nhất để hy vọng đi đến chiến thắng cuối cùng.

Paul Begala của CNN nhận xét Obama đã khai thác được nhiều sơ hở vấp váp của Romney trong khi Romney không làm được như thế, Có một lúc Romney đã phàn nàn là 2 phút để nói theo quy định khiến ông không thể trình bày đủ. Tuy nhiên trong cuộc tranh luận, nhiều khi lập luận hữu lý rất khó đưa ra và vô số những sự kiện nêu lên chưa chắc đã hoàn toàn chính xác.

Todd Graham, giám đốc khoa tranh luận tại Southern Illinois University, đánh giá Tổng Thống Obama là ngôi sao trong cuộc tranh luận ở Hempstead, tuy chưa phải đã hoàn hảo. Ông giải thích có hai kỹ thuật chính yếu về tranh luận mà Obama đã áp dụng đúng. Thứ nhất là tác dụng tiên khởi, những điều gì nói ra đầu tiên có sức thuyết phục hơn là những gì tiếp theo, triển khai thêm. Thứ hai là dùng chính lời của đối phương để chống lại đối phương. Obama đã nhiều lần dựa theo lời của Romney để tấn công hoặc phản công.

Cuối cùng, nhưng không phải là sau hết, có một số tình huống bất ngờ trong cuộc tranh luận.

Thống Ðốc Romney vốn thường có những vấp váp và ngay ít phút đầu cuộc tranh luận đã bị rơi vào bẫy của đối thủ. Khi Obama trả lời một câu hỏi của cử tọa, nêu ra vụ ông Romney đã chống biện pháp cứu nguy của liên bang trước đây cho kỹ nghệ xe hơi ở Detroit, thay vì để qua chuyện này đến câu hỏi khác, ông Romney đã cố tìm cách giải thích. Trong tranh luận, phải giải thích luôn luôn bất lợi. Hơn nữa Ohio là nơi có nhiều công nhân làm việc cho các hãng xe, chống lại sự trợ giúp Chrysler và General Motors là đi ngược lại nguyện vọng cử tri tại tiểu bang tranh chấp gay go này.

Gần cuối cuộc tranh luận, Romney tuyên bố: “Tôi muốn lo cho 100% dân Mỹ có một tương lai sáng sủa và thịnh vượng.” Nói tới phần trăm là tạo cơ hội cho Obama nhắc lại chuyện 47%, một điều mà người ta không hiểu vì sao Obama đã không đề cập đến trước đó mặc dầu ban tranh cử của ông đã dùng đề tài ấy tấn công có hiệu quả, và theo dự đoán chắc chắn Obama phải nói ra không bỏ qua như ở cuộc tranh luận đầu tiên.

Ðề cập tới Libya là một sai lầm khác vì Romney không nắm vững sự kiện và cả điều hợp viên Candy Crowley cũng phải xác nhận là Tổng Thống Obama ngay sau vụ Benghazi đã nói coi đây là hành động của khủng bố.

Romney cũng vướng mắc vào việc phàn nàn điều hợp viên Crowley về thủ tục tranh luận, thứ tự câu hỏi và thời gian quy định, tất cả đều không phải là những điều nên nói vì sẽ gây ấn tượng không hay với cử tọa, đồng thời như là nhắc nhở cho Obama nên tỏ ra mềm mỏng hơn Biden trong cuộc tranh luận ở Danville tuần trước.

Có lúc hai đối thủ trao đổi gần như đấu khẩu và trong những trường hợp này luôn luôn Obama tỏ ra lanh lợi và phản ứng bén nhạy hơn, chứng tỏ được là ông khống chế cuộc tranh cãi.

Trong một vài ngày nữa mới có thể biết ảnh hưởng cuộc tranh luận thứ nhì đối với ý kiến cử tri, nhưng có thể tin rằng nếu Romney không bị sụt điểm thì cũng sẽ không vượt hơn được thế cân bằng hiện nay. (HC)






No comments:

Post a Comment

View My Stats