Thursday 18 October 2012

KHUYNH HƯỚNG "LIBERAL" LÀ GÌ TẠI HOA KỲ ? (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, October 17, 2012 6:28:45 PM

Cùng một chữ mà có nhiều nghĩa trái ngược

Trong chính trường Hoa Kỳ, trước và sau cuộc bầu cử, có một chữ một từ thường được báo chí sử dụng, đó là “liberal” hay “liberalism.” Người ta hiểu từ này và dịch sát nguyên ngữ là “tự do” hoặc “chủ nghĩa tự do.” Nhưng nếu để nói về một khuynh hướng chính trị thì sự thể sẽ hơi khác.

Tại Hoa Kỳ, đấy là trào lưu thiên tả, cấp tiến hay xã hội, tức là trái ngược với xu hướng bảo thủ hay hữu khuynh. Chứ tại Âu Châu và hầu hết các nước khác trên thế giới thì “liberal” lại là khuynh hướng bảo thủ. “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ tìm hiểu về nghịch lý ấy để chúng ta cùng thận trọng khi lọc tin, dịch tin hoặc khi đọc báo về cuộc bầu cử năm nay của nước Mỹ.

Những định nghĩa của “liberalism”

Theo bộ Stanford Encyclopedia of Philosophy thì “liberalism” có thể gồm ba nghĩa khác nhau. Một là trào lưu chính trị; hai là triết lý chính trị; và ba là một trào lưu tư tưởng triết học bao hàm 1) lý luận về giá trị xấu hay tốt, 2) nhân sinh quan về cá nhân trong xã hội, và 3) lý luận về đạo đức lẫn triết lý về chính trị. Nghĩa là chỉ một từ đã có nhiều nghĩa khác biệt.

Khi hiểu “liberalism” là “trào lưu chính trị” hay chủ nghĩa tự do thì mỗi nơi lại có một định nghĩa khác.

Tại Anh quốc, có lẽ là cái nôi chủ nghĩa này, chủ nghĩa tự do về chính trị hàm ý hòa đồng tôn giáo, tôn trọng pháp quyền do người dân lập ra và đề cao quyền tự do cá nhân lẫn tự do kinh tế của công dân. Dân Pháp thì tin rằng họ mới phát minh ra chủ nghĩa này và hàm ý đề cao quyền lực thế tục đối lập với giáo quyền (chủ yếu là của Tòa Thánh Vatican) và tự do kinh tế đối lập với sự can thiệp của nhà nước. Tại nước Úc, do ảnh hưởng của Anh, chủ nghĩa tự do hàm ý đề cao chủ nghĩa tư bản, nhưng người ta dè dặt hơn với đòi hỏi về dân quyền của cánh tả.

Ngược lại và đây là chi tiết đáng chú ý, tại Hoa Kỳ, chủ nghĩa tự do lại có ý đề cao quyền tự do của người dân và có ác cảm hoặc nghi ngờ chủ nghĩa tư bản. Cho nên, riêng ở tại Mỹ, “liberalism” hay chủ nghĩa tự do có ý nghĩa là trào lưu giới hạn quyền tự do kinh tế của chủ nghĩa tư bản, của kinh tế thị trường, và vì vậy mới được gọi là thiên tả, khuynh tả hay cấp tiến...

Trong khi ấy, khuynh hướng tự do như ta hiểu ở Âu Châu thì tại Mỹ lại được gọi là “libertarian,” hoặc trào lưu tư tưởng tự do tuyệt đối, một trào lưu đối lập với cả hai xu hướng tả và hữu trên chính trường. Sở dĩ rắc rối như vậy là vì chủ nghĩa tự do còn là một triết lý chính trị.

Nội dung và kích thước của tự do

Vì là một triết lý chính trị, sự khác biệt về nội dung tự do không chỉ có tính cách khách quan, (như tôi gọi màu này là màu xanh, màu kia là màu đỏ) mà còn hàm nghĩa chủ quan (vì màu xanh của tôi lại khác với màu xanh của bạn). “Hồ Sơ Người-Việt” xin nói theo lối khó hiểu để độc giả suy ngẫm thêm: cái chủ thể là người xét đoán lại chi phối khách thể là đối tượng được xét đoán. Người tự gán cho mình chữ tự do có khi đề cao một số khía cạnh hoặc tiêu chuẩn họ cho là quan trọng nhất trong ý niệm tự do, dù rằng quan niệm đó của họ lại khác với quan niệm chung.

Ðể hiểu rõ những kích thước khác biệt của tự do như một triết lý chính trị (đặc biệt tại Hoa Kỳ là nơi chúng ta sinh sống và là xuất xứ của nhiều tin tức nói tới từ “liberal”), ta cần nhắc lại lịch sử lập quốc Hoa Kỳ: Thời đó, các di dân đầu tiên đã rời bỏ Âu Châu vì thiếu tự do và bị bách hại nên tự phát triển trên một lục địa bát ngát, có khi đi trước chính quyền, với sức mạnh tinh thần là ý chí tìm tự do, với lòng tự tin và sự sùng tín tôn giáo. Từ nguyên thủy, tinh thần tôn giáo chi phối xã hội Mỹ nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ sau này, trong thế kỷ 20. Trên tờ giấy bạc, một biểu tượng của kinh tế hay vật chất, ta thấy câu “In God We Trust,” tiêu biểu cho tâm linh.

Có lẽ, cả hai xu hướng tả và hữu của nước Mỹ đều công nhận quyền tự do và vì vậy đều có thể tự xưng là “liberal” trong ý nghĩa giải thoát khỏi sự độc đoán của chính quyền thuộc địa là Ðế Quốc Anh và của chính quyền liên bang về sau.

Nhưng thật ra đấy chỉ là quyền tự do trong các địa hạt mà hai khuynh hướng đó không coi là quan trọng nhất. Còn lại, chủ yếu và quan trọng nhất chính là quyền tự do kinh tế và tự do luân lý nên “Hồ Sơ Người-Việt” mới tìm hiểu thêm.

Tự do kinh tế và tự do luân lý

Ðầu tiên, cánh hữu tại Hoa Kỳ vốn coi luân lý và tôn giáo là quan trọng - họ là những người duy tâm - chủ trương là nhà nước phải tôn trọng quyền tự do kinh tế của công dân, nhưng chính họ lại muốn đặt để ra một số tiêu chuẩn về đạo lý. Họ chống phá thai, không đồng ý với chế độ hôn nhân giữa những người cùng tính phái, ủng hộ quyền kiểm soát thông tin để ngăn ngừa nạn phổ biến tác phẩm khiêu dâm cho trẻ em và đề cao việc cầu nguyện trong học đường. Rất vô vi phóng túng về kinh tế, họ lại cổ xúy kỷ cương luân lý trong gia đình và xã hội.

Trào lưu đó chủ trương tự do kinh tế, cũng tương tự như phe “liberal” tại Âu Châu nên họ được gọi là “classical liberal” về kinh tế. Nhưng lại bảo thủ về đạo đức xã hội nên được gọi là “social conservative” và đôi khi cực đoan về tôn giáo nên được gọi là “fundamentalist,” “integrist” hoặc đơn giản là “extremist” như phe tả vẫn gán cho các hệ phái thủ cựu của Thiên Chúa Giáo.

Từ mấy chục năm nay, khi xuất hiện trào lưu Hồi Giáo cực đoan với hành vi khủng bố, người ta gọi trào lưu quá khích đó là “fundamentalist” - chủ trương đề cao giáo lý nguyên thủy. Nhiều nhà báo thiên tả Hoa Kỳ nhân đó phiên dịch với hàm ý là phe thủ cựu của Thiên Chúa Giáo cũng cực đoan như vậy. Chúng ta nên thận trọng vì sự thật thì các mục sư hay giám mục Thiên Chúa Giáo bảo thủ tại Mỹ cũng chưa hẳn là nghiệt ngã như một số giáo chủ Hồi Giáo, loại Ayatollah Khomeini của xứ Iran!

Có một tiêu chuẩn dễ hiểu và dễ nhớ: cánh hữu tại Hoa Kỳ chủ trương là phải cho người dân được tự do trong loại vấn đề mà họ không đem xuống mồ được. Ðó là tài sản, là quyền tự do kinh tế. Nhưng xu hướng này lại quan tâm đến loại vấn đề tâm linh và luân lý.

Ngược lại, cánh tả tại Hoa Kỳ chẳng mấy quan tâm đến đức tin hay luân lý cá nhân mà họ cho là thuộc quyền tự do của từng người và chính quyền không được hạn chế hay xâm phạm. Nhưng họ lại coi trọng công bằng xã hội mà họ đánh giá như một luân lý xã hội, khác biệt với luân lý tôn giáo. Cho nên họ vừa chủ trương quyền tự do tuyệt đối của cá nhân (đến độ bị phe bảo thủ công kích là phóng túng buông thả) và vừa đòi hỏi giới hạn quyền tự do kinh tế bằng cách tăng cường vai trò của nhà nước, tăng cường ngân sách xã hội và giới hạn tác động của thị trường.

Cũng vì quan điểm kinh tế này mà họ được coi là gần với xu hướng xã hội cổ điển (như đảng Xã Hội tại Pháp hay đảng Lao Ðộng tại Anh và Úc) và trái ngược với xu hướng tự do của Âu Châu.

Xét như vậy, ý niệm tự do cứ tưởng là dễ hiểu và phổ biến lại cần được xác định trong tinh thần đối lập với vài ý niệm quan trọng khác, như Thượng Ðế, Chính quyền, cá nhân, thị trường và xã hội. Và chủ trương tự do cần được hiểu ít nhất từ hai hướng là tự do kinh tế và tự do luân lý. Tại Hoa Kỳ, từ “liberal” được dành cho khuynh hướng bảo vệ tự do cá nhân, trong khi xu hướng bảo vệ tự do kinh tế lại được gọi là “bảo thủ.”

Mà chữ “bảo thủ” hay “thủ cựu” này không có ý nghĩa tiêu cực xấu xa như đa số thường nghĩ - và nhiều nhà báo thường dịch - do ảnh hưởng của văn hóa chính trị Âu Châu.

Hậu quả cụ thể của sự khác biệt

Từ phương pháp bổ dọc khái niệm tự do trên lằn ranh kinh tế và luân lý, người ta suy ra nhiều sự khác biệt trong hai triết lý tả hữu của chính trị Hoa Kỳ.

Nhưng trước hết, xin hãy nêu câu hỏi sơ đẳng tại sao lại có hai chữ “tả” và “hữu” đó?

Trong cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, loại “Quốc Hội” (États Généraux hay Estates-General) đầu tiên đã thành hình gồm ba phe đại diện cho ba thành phần xã hội và chính trị khi đó là tăng lữ, quý tộc và quần chúng. Ðại biểu cho quần chúng (được gọi là Tiers État, Ðệ tam Ðẳng cấp hay Nghị hội) gồm thành phần tư sản và dân lao động thì ngồi ở bên trái. Họ chủ trương phải thay đổi theo hướng cách mạng để thiết lập một chế độ mới, với nội dung công bằng và bình đẳng hơn. Phe thủ cựu, muốn duy trì quyền lực quý tộc trong chế độ cũ, thì ngồi ở bên phải.

Từ đó, hai hướng trái phải trở thành cách phân biệt giữa hai hướng tiến bộ và bảo thủ, với hàm ý phê phán xấu tốt: trái là tiến bộ, cấp tiến, là hợp với trào lưu lịch sử và phải là phản động, lạc hậu, chậm tiến. Thế giới đã quen với cách nhìn đó, chúng ta cũng vậy.

Nhưng báo chí thì không nên mà quên rằng cuộc Cách Mạng Pháp đã thủ tiêu chế độ quân chủ, chặt đầu vua Louis XVI rồi dựng lên đế chế còn tập quyền hơn của Hoàng Ðế Napoléon và đế quốc Pháp mở ra mấy chục năm đại chiến tại Âu Châu. Người ta cũng đã quên nhiều thành tích “cách mạng” của cánh tả, tại Nga Xô, Trung Quốc hay Việt Nam cùng nhiều xứ cộng sản khác.

Quan trọng nhất, người ta còn quên rằng chế độ Ðức Quốc Xã của Adolf Hitler cũng khởi đi từ khái niệm “xã hội chủ nghĩa” cấp tiến và rồi tiến quá xa về cánh tả mà trở thành cực hữu chẳng khác gì chế độ của Stalin và Mao Trạch Ðông. “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ còn trở lại chuyện phân biệt này vì khá cần thiết cho nhận thức của chúng ta khi phân biệt bốn hướng phát triển của ý niệm tự do.

Xin trở lại vài chuyện cụ thể tại Hoa Kỳ.

Cánh hữu chủ trương phát huy quyền tự do của công dân đối lập với nhà nước và đòi thu hẹp vai trò của nhà nước, từ đó mới tranh đấu cho quyền tự do kinh tế, giảm thuế và giản lược hóa luật lệ hành chánh.
Cánh tả nhân danh một thứ tự do khác, không chỉ là quyền tự do tích cực (như quyền được làm việc này việc khác, “to be free to”) mà còn là tự do tiêu cực (thí dụ như quyền được bảo vệ khỏi sự chèn ép thúc bách chỉ vì đói khổ, “to be free from”). Vì vậy họ đòi hỏi công bằng xã hội và hạn chế tự do thị trường, nhiều khi đối lập với chủ nghĩa tư bản, còn cánh hữu thì tin vào quy luật thị trường và quyền tư hữu và giảm thiểu vai trò ôm đồm của nhà nước.

Nhưng chủ nghĩa tự do ấy không chỉ thu hẹp trong lãnh vực nội chính bên trong nước Mỹ. Xin hãy nói riêng và rất ngắn về đối ngoại.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, phe tả nhân danh dân chủ và nhân quyền mà đẩy mạnh việc be bờ ngăn chặn cộng sản bành trướng và có chủ trương chống Cộng mãnh liệt y như cánh hữu. Nhiều tổ chức nghiệp đoàn (theo định nghĩa là tả khuynh) sẵn sàng hợp tác với cơ quan CIA để yểm trợ các chính quyền chống cộng trong Ðệ Tam Thế Giới, các nước nghèo đang bị khối cộng sản khuynh đảo. Tất cả đều nhân danh lý tưởng tự do.

Ngay trong nội bộ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều có sự khác biệt tả/hữu đó. Thí dụ có ảnh hưởng nhất từ xa xưa và cho đến sau này là chủ trương đối ngoại cứng rắn đầy chất hữu khuynh của Nghị Sĩ Henry “Scoop” Jackson trong đảng Dân Chủ. Chủ trương này được sự ủng hộ của nhiều nhân vật Cộng Hòa. Nhiều thành phần trí thức Dân Chủ của phe này đã bỏ đảng mà ngả theo đảng Cộng Hòa. Sau này, ngày nay, họ còn được gọi là “Tân Bảo Thủ” với chủ trương phát huy quyền tự do và dân chủ trên toàn cầu để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Họ đều là các nhà lý luận xuất chúng từ cánh tả, và đề cao chủ nghĩa tự do theo định nghĩa riêng.

Và bảo rằng đảng Cộng Hòa thì hiếu chiến hoặc đảng Dân Chủ lại chủ hòa là... chưa hiểu gì cả!

Kết luận gì?

Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn có một xã hội độc đáo và phức tạp với những đặc tính riêng, có thể nói là “không giống ai.”

Khi theo dõi, nhận xét hoặc tường thuật cái thực tế Hoa Kỳ đó, chúng ta dùng kiến thức đã thu nhận chủ yếu từ Âu Châu. Kiến thức đó cũng hàm ý thành kiến.

“Chủ nghĩa tự do” là khái niệm khá tiêu biểu cho cái đặc tính độc đáo và khác biệt của nước Mỹ. Nếu tìm hiểu thêm, độc giả có thể thấy ra nhiều điều hữu ích và hấp dẫn khi theo dõi tin tức về cuộc bầu cử năm nay của Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats