James
Kirchick
Foreign
Policy 12/10/2012.
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Tháng
10 27, 2012
Khi khối
xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các đảng cộng sản từng độc quyền chính trị ở
những quốc gia này hoặc bị cấm hoạt động (như Đảng Cộng sản Liên Xô), hoặc tự
giải thể và sản sinh ra một hay nhiều hậu duệ tham gia vào hệ thống đại nghị đa
đảng trong chế độ mới. Một bộ phận các đảng hậu duệ này từ bỏ hệ tư tưởng
Mác-Lê và chuyển mình theo hướng gần gũi với các đảng dân chủ xã hội truyền
thống ở Châu Âu, trong khi một bộ phận khác bảo lưu cương lĩnh cộng sản giáo
điều. Dù cách tân hay bảo thủ, hai thập kỉ qua những người cộng sản Đông Âu về
đại thể đã không còn đóng một vai trò đáng kể nào trong những xã hội mà họ từng
thống trị nhiều thập kỉ. Song cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản mà
Châu Âu là cái nôi đã nhen nhóm lại hi vọng của những người muốn đào mồ chôn
chủ nghĩa tư bản.
Tác giả
bài viết dưới đây nhận định: “Nếu phe cộng sản quay lại nắm quyền ở một nước
thuộc khối Xô-viết cũ thì đó sẽ là một cú sốc nặng cho Châu Âu, một đòn đánh
vào công cuộc hoàn thiện dân chủ và các thị trường tự do – và, đó chính là cái
giá phải trả của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Châu Âu.” Với độc giả Việt Nam,
những con sóng ngoài khơi này dường như không mấy liên quan đến trận chiến bão
táp giữa phái cộng sản đỏ và phe cộng sản đen đang hoành hành trên đất liền.
Nhưng phe nào thắng thì một chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục là định mệnh của dân
tộc này và câu hỏi vì sao người ta chấp nhận định mệnh ấy lại rất gần với câu
hỏi vì sao ở một đất nước từng đi đầu trong cuộc đấu tranh để thoát khỏi chủ
nghĩa cộng sản như Cộng hòa Séc, bây giờ người ta lại bỏ phiếu bầu cho đảng
cộng sản.
Phạm Thị Hoài
____________
Vaclav
Havel hẳn đang trở mình dưới mồ.
PRAHA
— Trụ sở đồ sộ xây bằng đá đỏ của Đảng Cộng sản Vùng Bohemia và Moravia (ĐCSBM)
– đặt tên theo hai vùng chính của Cộng hòa Séc – tọa lạc trên Phố Tù nhân Chính
trị của Praha, ngay đối diện ga tàu hỏa hư nát có lối kiến trúc art nouveau
(tân nghệ thuật) của thủ đô. Con đường này được đặt tên vào năm 1946 – đúng cái
năm Đảng Cộng sản giành đa số phiếu trong một cuộc bầu cử dân chủ – để tưởng
niệm những người kháng chiến bị Quốc xã cầm tù trong thời kỳ Chiến tranh Thế
giới thứ hai. Gestapo đặt trụ sở của chúng trên chính con đường này, trong một
tòa nhà đồ sộ trước kia của một gia đình Do Thái nổi tiếng. Vì thế chính hai
ách áp bức kinh hoàng của Quốc xã và cộng sản tiếp tục ám ảnh góc phố này của
thủ đô nước Séc.
Khi
tôi nói với Jiri Dolejs, phó chủ tịch ĐCSBM và nghị sĩ quốc hội, rằng quả thật
quá oái ăm khi trụ sở của đảng nằm trên con đường đặt tên theo các tù nhân
chính trị, ông khúc khích cười và thừa nhận có “nghịch lý hiển nhiên”. Cái chế
độ cộng sản cai trị Tiệp Khắc từ năm 1948 đến khi xảy ra cuộc Cách mạng Nhung
thanh bình vào năm 1989 đã giam giữ hơn 250.000 tù nhân chính trị. Người tù nổi
tiếng nhất, nhà soạn kịch Vaclav Havel, được bầu làm tổng thống đầu tiên của
nước Tiệp Khắc hậu cộng sản. Khi Havel qua đời ở tuổi 75 vào tháng 12 năm 2011,
một đám đông tự phát đổ về Quảng trường Wenceslas ở trung tâm Praha và tự động
tổ chức thắp nến cầu nguyện cho ông; những ngọn nến tiếp tục thắp sáng ở đó
trong suốt một tháng trời. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thế giới chú ý đến
triết gia dũng cảm này và di sản phản kháng bất bạo động của ông chống lại chủ
nghĩa toàn trị cộng sản.
Bởi
vậy thật lạ là chưa đầy một năm sau khi Havel mất, chủ nghĩa cộng sản ở Cộng
hòa Séc đang tìm cách quay trở lại. Một loạt các cuộc khảo sát gần đây cho thấy Đảng Cộng sản –
chưa bao giờ xin lỗi đúng mức về bốn thập niên cai trị cực quyền của mình – là
đảng có tiếng tăm đứng thứ nhì ở Séc với tỉ lệ ủng hộ hơn 20 phần trăm. Trong
mấy tuần sắp đến Séc có thể tổ chức bầu cử quốc hội trong khi chính phủ trung
hữu hiện đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Sau kỳ bầu cử này, Đảng Cộng sản có
thể trở lại chính quyền trong chính phủ liên minh với đảng đối lập Dân chủ Xã
hội. Nếu quả vậy, Cộng hòa Séc sẽ là nước châu Âu hậu cộng sản đầu tiên có đảng
cộng sản trở lại cầm quyền.
Đối
với những người Séc vẫn ngâm nga khẩu hiệu trong chiến dịch năm 1989 của Havel
“Tình yêu và sự thật sẽ chinh phục dối trá và hận thù” một cách thực
lòng chứ không hề mỉa mai, điều này quả chẳng khác nào khủng hoảng quốc gia. Một
số người đã cho rằng ĐCSBM lẽ ra đã nên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật sau thời
kỳ quá độ sang dân chủ, như trường hợp một đảng cực hữu đã bị cấm vào năm 2010.
Viết trên tờ Respekt, tuần báo thiên hướng tự do của Séc, nhà báo
Katerina Safarikova gọi vấn đề hóc búa này về
Đảng Cộng sản là “một cuộc tranh luận mà cha ông chúng ta lẽ ra đã nên giải
quyết dứt điểm hồi đầu thập niên 1990”, khi mà một lệnh cấm như vậy hẳn đã rất
hợp lòng dân. Bình luận viên chính trị Petr Novacek khuyến cáo rằng, nếu Đảng
Dân chủ Xã hội liên minh với Đảng Cộng sản, họ sẽ có nguy cơ “trở thành con
chiên ghẻ của Quốc tế Xã hội”.[1]
Tuy
nhiên, Dolejs nghĩ rằng những phản ứng đó đều quá trớn. Từ diện mạo đến lời ăn
tiếng nói, trông ông chẳng giống như phát ngôn viên cho một đảng “Stalinist
đích thực”, theo cách nhà báo Safarikova mô tả ĐCSBM. Với thái độ vui vẻ, mái
tóc dài phủ gáy và chiếc áo khoác thể thao không vừa vặn, ông giống một người
bán xe cũ thời Xô-viết, mặc dù món mà ông đang rao bán – chủ trương nhà nước
kiểm soát nền kinh tế – phải nói là nguy hiểm hơn một con xe Skoda cũ. Dolejs
mê khoa học viễn tưởng đến cuồng nhiệt: những áp phích từ nhiều hội nghị khoa
học viễn tưởng chiếm chỗ trên tường trong văn phòng ông cạnh những áp phích
Karl Marx và Albert Einstein, cũng như những tờ quảng cáo tranh cử có in hình
Dolejs tươi cười. Cái mớ hổ lốn tạp nhạp này có thể vừa thể hiện vẻ phù phiếm của
người tiếp chuyện tôi vừa cho thấy ĐCSBM thiếu một lịch sử hữu dụng.
Dolejs
vào đảng hồi tháng Giêng năm 1989, ở tuổi 28. Lúc đó là thời điểm kém may mắn
về mặt lịch sử, vì chưa đầy một năm sau đó chế độ cộng sản bị lật đổ. Chỉ mới
51 tuổi, Dolejs trẻ hơn nhiều so với phần lớn cử tri bỏ phiếu cho đảng, với tuổi trung bình 75. Với tư
cách lãnh tụ phe cải cách của ĐCSBM, ông là một trong những người cộng sản nổi
tiếng nhất Séc, viết blog cho một trang tin tức Internet được nhiều
người ưa thích ở Séc. Năm 2006, ông là mục tiêu của một vụ tấn công bạo lực trong
đó bọn du côn cực hữu vừa đánh ông đến mặt máu đầm đìa vừa rủa xả những lời lẽ
chống cộng. Quốc hội Séc đồng thuận lên án vụ tấn công này, và Dolejs được
nhiều người cảm thông.
Nay
thì Dolejs có thể cười tươi như hoa. Bao năm qua, những người cộng sản Séc
dường như chỉ đứng bên lề: Họ mải bận tâm với việc phản đối Liên hiệp Châu Âu,
một sứ mệnh không hợp lòng dân ở một đất nước nhìn chung vui mừng vì đã được
nhận vào câu lạc bộ đó và cảm kích trước những nguồn tiền từ Brussels rót về.
Song khủng hoảng kinh tế Châu Âu đã làm lay chuyển lòng tin vào Liên hiệp Châu
Âu, tuy Cộng hòa Séc vẫn duy trì đồng tiền riêng của mình và đồng tiền này vẫn
còn mạnh.
Giữa
thời kỳ khủng hoảng, chính phủ Séc hiện tại – một liên minh của ba đảng trung
hữu lên nắm quyền hồi năm 2010 – đã thông qua một số biện pháp thắt lưng buộc
bụng nghiêm ngặt; những biện pháp này góp phần khiến chính phủ mất lòng dân.
Những biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu
hơn ba tỉ đô-la trong năm tới, cũng như tăng đáng kể thuế thu nhập cá nhân và thuế
trị giá gia tăng. Nền kinh tế đang co lại và nước Séc gần đây bước vào quý thứ
ba bị suy thoái. Hồi tháng Tư, khoảng 90,000 người đổ về Quảng trường Wenceslas
ở Praha để phản đối những cải cách này trong cuộc biểu tình xem như lớn nhất kể
từ sau những cuộc biểu tình lật đổ chế độ cộng sản năm 1989. Nhưng nay, 23 năm
sau, cơn phẫn nộ chống chính quyền lại đang có lợi cho những người cộng sản.
Cộng
thêm vào những tai họa của liên minh trung hữu là một loạt những vụ tai tiếng
tham nhũng. Hồi tháng Bảy, chính phủ liên minh này vượt qua cuộc bỏ phiếu tín
nhiệm trong gang tấc, mà đó là lần thứ tư kể từ liên minh này lên nắm quyền.
Theo một cuộc trưng cầu dân ý hồi
tháng 12 năm ngoái, chỉ có 26 phần trăm người Séc mãn nguyện với nền dân chủ
của họ, trong khi một cuộc khảo sát năm nay cho thấy phần lớn người Séc
thực ra thích hệ thống cộng sản hơn hệ thống hiện tại. Cảm nhận được một cơ hội
sau hai thập niên lạc lõng trên chính trường, phe cộng sản đã khôn khéo chuyển
trọng tâm sang công kích nạn tham nhũng: Một áp phích ở cầu thang trong văn
phòng đảng vẽ một con dơi hút máu mang chữ viết tắt tên của những đảng trong
liên minh cầm quyền thọc nanh xâu xé đất nước. “Đất nước chúng ta có thể cam
chịu bao nhiêu nữa?” tấm áp phích đặt câu hỏi. “Chính phủ ‘hút máu’ này phải ra
đi.”
***
Sau
bốn mươi mốt năm cai trị độc đoán, đẫm máu, làm sao những người cộng sản có thể
trở lại? Một câu trả lời nằm ở lịch sử chính trị độc nhất vô nhị của Tiệp Khắc.
Đảng Cộng sản Tiệp Khắc được thành lập năm 1921 và, khác với những đảng cộng
sản khác trong khu vực – rốt cuộc cũng hình thành những phần tử có tư tưởng cải
cách về sau thay đổi đảng từ bên trong cho phù hợp với những đường lối dân chủ
xã hội – Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vẫn giữ lối tư duy chính thống sau khi Chiến
tranh Lạnh chấm dứt. Sau Cuộc nổi dậy Praha 1968 – thời kỳ cải cách ngắn ngủi
kết thúc trong bạo lực với cuộc đổ quân của Liên Xô – đảng đã khai trừ một phần
ba số đảng viên, tức khoảng nửa triệu người. Để đảm bảo không một dấu vết nào
của những tư tưởng tự do có thể tái xuất hiện, đảng rút lại những quyền tự do
báo chí hạn chế được giới lãnh đạo đảng trước kia cho phép, sự kiểm soát của
nhà nước đối với nền kinh tế được áp dụng rộng và sâu hơn, và một làn sóng mới
những người Séc và Slovak phải rời khỏi đất nước.
Vì
thế khi xảy ra Cách mạng Nhung năm 1989, chẳng mấy ai trong Đảng Cộng sản ủng
hộ cải cách trên diện rộng; những ai ủng hộ thì bị gạt ra ngoài lề. Tuy nhượng
bộ trước cuộc nổi dậy ôn hòa, nhưng Đảng Cộng sản Séc vẫn khư khư bám giữ chủ
thuyết Marxist của mình. Và trong khi những đảng cộng sản ở các nước khác thuộc
Khối Đông Âu cũ giải thể (Ba Lan), chuyển thành các đảng dân chủ xã hội
(Hungary), hoặc sáp nhập với các đảng dân chủ xã hội đã có trước (Slovakia),
những người cộng sản Séc chẳng hề chọn những con đường đó. Thay vì vậy, ngay
sau thời kỳ quá độ sang dân chủ, đảng chia đôi theo khu vực bầu cử của mình –
một cho Cộng hòa Séc và một cho Cộng hòa Slovakia – và ít nhất là ở vùng nay là
Cộng hòa Séc, Đảng Cộng sản kể từ đó đến nay vẫn duy trì quan điểm Marxist giáo
điều của mình.
Do
đảng không chịu giảm bớt giáo điều cộng sản hay nhận lỗi đúng mức cho quá khứ
của mình, không thể có chuyện sáp nhập với Đảng Dân chủ Xã hội, phong trào
chính trị lâu đời nhất ở nước này. Với tỉ lệ ủng hộ thường xuyên ở mức từ 10 đến
20 phần trăm, duy trì Đảng Cộng sản lại là điều hợp lý. Và Đảng Cộng sản trước
nay đã thành công trong việc giữ lòng trung thành của những đảng viên nòng cốt:
Theo một nghiên cứu năm 2009 của
Mary Stegmaier, nay làm việc ở Viện Đại học Missouri, và Klara Plecita thuộc
Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Séc, hai phần ba đảng viên ĐCSBM có hơn bốn mươi
năm tuổi đảng. Sáu mươi phần trăm cử tri cộng sản cho biết họ đã “luôn luôn bỏ
phiếu cho” Đảng Cộng sản; tỉ lệ trung thành này cao hơn nhiều so với tỉ lệ mà
bất cứ đảng nào khác ở nước này đạt được. Ngược lại, ở nước láng giềng
Slovakia, tàn dư của Đảng Cộng sản chỉ giành được chưa đến hai phần trăm số
phiếu. Năm 2004, đảng này sáp nhập với Đảng Dân chủ Xã hội của Slovakia.
Vì
vậy, việc ĐCSBM hiện ngày càng được ưa thích hơn một phần do tình cờ, một phần
do hoàn cảnh. Do không chịu cải cách sau khi Liên Xô sụp đổ, đảng duy trì lý do
tồn tại của mình – và giữ phần lớn sức lôi cuốn của mình trong một bộ phận dân
chúng vẫn còn hoài niệm thời kỳ có việc làm, nhà ở và hưu bổng được chính phủ
bảo đảm. Đồng thời, sự trở lại của Đảng Cộng sản cũng là kết quả của những sự
kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của họ – đó là hiện trạng kinh tế èo uột của đất
nước và một loạt gần như vô tận những vụ tai tiếng tham nhũng trong chính phủ.
Chiến
dịch của Đảng Cộng sản hiện nay công kích giới thực thi chính sách thắt lưng
buộc bụng đã giành được cảm tình của những người hưởng phần ít nhất từ chủ
nghĩa tư bản có tính dân chủ. Như Stegmaier và Plecita đã phát hiện trong
nghiên cứu của họ về những người ủng hộ đảng, “những người có những nhận định
tiêu cực hơn về tình hình kinh tế quốc dân hoặc về nền dân chủ ở Cộng hòa Séc
có khả năng ủng hộ ĐCSBM nhiều hơn”. Một cuộc trưng cầu ý kiến gần đây cho thấy 70 phần trăm người
Séc nhận xét tình hình kinh tế của đất nước là “tệ” hoặc “rất tệ” và chỉ có 6
phần trăm có nhận định tích cực về kinh tế, nghĩa là cử tri hiện đã sẵn sàng
đón nhận những lời hứa của Đảng Cộng sản. Khi người Séc có những thái độ tiêu
cực hơn đối với nền kinh tế và nền dân chủ của họ, tỉ lệ ủng hộ cho đảng cực
đoan, “chống chế độ” chắc chắn sẽ tăng lên.
Những
biện pháp thắt lưng buộc bụng gần đây sẽ chỉ khiến cho xu hướng này càng xấu
hơn: Trong những biện pháp này có cắt giảm hệ thống hưu trí có thể khiến cho
các khoản hưu bổng cho người cao niên – giới ủng hộ trung thành nhất của Đảng
Cộng sản – sẽ không bắt kịp lạm phát. Nhà phân tích kinh doanh David Marek nói với Đài Phát
thanh Séc hồi đầu năm nay: “Có một nhóm người có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất,
và đó là những người già”. Hồi tháng Năm, tại Séc đã diễn ra cuộc biểu tình đông đảo đầu tiên
của giới hưu trí.
Dolejs
một mực khẳng định rằng Đảng Cộng sản đã hiện đại hóa và đủ năng lực đáp ứng
những thách thức hiện nay. “Chúng tôi đã sống qua thế kỷ 20, và chúng tôi hiểu
những vấn đề của một nền kinh tế độc đoán, phi thị trường”, ông nói với tôi,
như để nhắc lại lập trường của đảng cho rằng đảng đã nhìn nhận đúng mức về quá
khứ của mình. Nhận định đó dựa vào một đại hội hồi tháng 12 năm 1989, một tháng
sau khi Cách mạng Nhung đánh bật đảng khỏi vị trí cầm quyền, khi Đảng Cộng sản
khai trừ những lãnh tụ được dựng lên sau đợt thanh trừng của Liên Xô năm 1968,
và đưa ra một lời xin lỗi chung chung “về
những sự kiện sau năm 1968 và về việc trục xuất và quấy nhiễu những người vô
tội”.
Tuy
nhiên, với nhiều người Séc, “lời xin lỗi” này thuần túy mang tính cơ hội. Ngay
trong tháng trước khi lời tuyên bố đó được đưa ra, đảng đã mất khoảng 70.000
trong số 1,7 triệu đảng viên của mình và tuyên bố phá sản. Và cách hành xử của
đảng kể từ những thay đổi đó khiến người ta hoài nghi liệu đảng đã rút được bài
học gì từ quá khứ. Tuyên ngôn trong chiến dịch năm 1996 của đảng xem giai đoạn
40 năm đảng cầm quyền không có đối lập là đã tạo ra “một trong những thời kỳ
phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế vĩ đại nhất”. Tháng 12 năm ngoái, khi
Quốc hội Séc tổ chức phút mặc niệm để tưởng nhớ Havel, bốn nghị sĩ đảng viên
cộng sản bỏ ra ngoài để phản đối. (Dolejs chỉ ra rằng đa số đại biểu cộng sản
vẫn ở lại trong phòng và ông có ký vào sổ phân ưu của Havel.)
Tương
phản với cách hành xử đó là phản ứng của đảng với cái chết (chỉ trước đó một
ngày) của nhà độc tài Kim Chính Nhật của Bắc Triều Tiên: Chủ tịch đảng Vojtech
Filip gởi thư chia buồn đến con trai và người kế nhiệm của ông, Kim Chính Ân,
nói rằng Đảng Cộng sản [Séc] “hết sức kính trọng” Kim Chính Nhật, ca ngợi ông là vị lãnh tụ
“đã hiến dâng đời mình để mang lại hạnh phúc cho nhân dân Triều Tiên”. Khi tôi
hỏi Dolejs về chuyện này, ông khẳng định bức thư đó chỉ là một thủ tục ngoại
giao. (Bức thư đó đã khiến bộ trưởng tư pháp Séc yêu cầu cảnh sát
điều tra về việc liệu vị lãnh tụ cộng sản có vi phạm hiến pháp của Séc hay
không; hiến pháp Séc quy định rằng “hệ thống chính trị” phải bao gồm “những
chính đảng tôn trọng những nguyên tắc dân chủ cơ bản và không chấp nhận bạo lực
như một phương tiện khẳng định những lợi ích của mình”.)
Ngay
sau cuộc Cách mạng Nhung, nhiều nhân vật dân chủ quan trọng như Havel đã phản
đối những lời kêu gọi cấm Đảng Cộng sản, hy vọng tránh được cảnh “huynh đệ
tương tàn”, điển hình trong sự tan rã của Nam Tư. Trong cuộc bầu cử hậu cộng
sản đầu tiên của Cộng hòa Séc, Đảng Cộng sản giành được 13,2 phần trăm số
phiếu, một tỉ lệ ủng hộ khá tốt khiến bất kỳ nỗ lực mới nào nhằm cấm đảng này
trở nên nguy hiểm về mặt chính trị. Một số người phản đối việc cấm nhắc đến đặc
điểm dân số như một lý do không phải lo ngại về sự trỗi dậy trong tương lai của
Đảng Cộng sản: Mặc dù có số đảng viên đóng đảng phí nhiều gấp đôi bất cứ chính
đảng nào khác, ĐCSBM đang mất đi khoảng 5.000 đảng viên mỗi năm, có thể là do
các nguyên nhân tự nhiên.
Tuy
nhiên, trái với những hy vọng của Havel, ĐCSBM không bấp bênh trên bờ vực chìm
vào quên lãng. Đảng liên tục thu hút một số thành phần nghèo khó trong xã hội –
chỉ có 14 phần trăm cử tri ĐCSBM có trình độ trung học – và, hết sức quan trọng
là những người rất bất mãn với hệ thống chính trị Séc. Song đôi khi những nỗ
lực không đều đặn của đảng nhằm làm dịu đi hình ảnh của mình trước công chúng
nghĩa là đảng phải tự tránh xa thành phần xưa nay vốn là bộ phận cử tri đương
nhiên của các đảng cộng sản – lớp trẻ cực đoan. Biến cố lớn nhất làm rúng động chính trị Séc
trong mấy tháng gần đây là chuyện một thanh niên 26 tuổi dùng súng hơi bắn Tổng
thống Vaclav Klaus tại một lễ khánh thành cầu. Là người ủng hộ Đảng Cộng sản,
kẻ tấn công này nói với báo chí rằng trò ám sát giả của anh ta là nhắm vào một
người “mù và điếc trước những lời ta thán của nhân dân”.
Cuộc
khủng hoảng kinh tế Châu Âu là lộc trời cho đối với những đảng cánh tả thất sủng,
và Đảng Cộng sản Séc đã lợi dụng bằng cách từ bỏ những lời lên án chủ nghĩa tư
bản nặng mùi ý thức hệ để áp dụng những đòn chỉ trích thực tế về tham nhũng,
bọn hoạt đầu chính trị, và những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt.
Theo Dolejs, dười thời cộng sản, “nền kinh tế ngầm” chiếm khoảng 6 đến 7 phần
trăm toàn bộ nền kinh tế, trong khi hiện nay nó chiếm khoảng 20 phần trăm.
“Chúng tôi hoàn toàn không có liên hệ với người giàu và những giới quyền lực
này, nên chỉ cần lý do đó là đủ để nhân dân có thể tin tưởng chúng tôi’, ông
nói. Lối nói này oái ăm thay lại nghe giống như những lời chỉ trích thời kỳ hậu
cộng sản của Havel; ông thường kêu ca về “chủ nghĩa cộng sản mafia” và chủ
nghĩa tiêu dùng hoành hành trên đất nước sau năm 1989.
Vì
vậy, quả là nghịch lý khi chính cái đảng đã cai trị đất nước bằng quả đấm thép
trong hơn bốn thập niên nay lại đang tự định vị mình là lựa chọn chống lại chế
độ hiện hành. Một nghị quyết gần đây của
ĐCSBM chỉ trích chính phủ liên minh tuyên bố rằng “những biện pháp hạn chế cả
dân chủ lẫn tự do ngôn luận của công dân đã được thực hiện, những hành động của
nhà cầm quyền trong các vụ tố tụng hình sự đều bị ảnh hưởng công khai có lợi
cho đảng viên hoặc người ủng hộ các đảng cánh hữu, an ninh của công dân không
được bảo đảm”. Quả là một phát biểu giả ngơ giả điếc từ miệng của một đảng đã
loại trừ dân chủ và tự do ngôn luận, dàn dựng những phiên tòa nặng tính trình
diễn, và thường xuyên vi phạm những quyền cơ bản nhất của công dân trong bốn
mươi mốt năm.
Thế
nhưng có nguy cơ Đảng Cộng sản lại có thể ung dung thoát được búa rìu dư luận.
Tâm lý bất mãn phổ biến với chính phủ liên minh tiếp tục tăng lên. Trong khi
đó, những công kích của Đảng Cộng sản nhằm vào giới tư bản tập quyền và những
kẻ trục lợi chính trị ở Séc có thể giành được cảm tình của những người trước
nay thụ hưởng ít nhất từ quá trình quá độ sang chủ nghĩa tư bản dân chủ, đặc biệt
là ở thời điểm này toàn châu lục bị khủng hoảng kinh tế. Đối với một số người
Séc, chừng đó cũng đủ khiến họ nuối tiếc những ngày xa xưa sống trong bình đẳng
(chí ít là trong tưởng tượng).
Nhưng
cách truyền đạt thông điệp kiểu tâm thần nửa mê nửa tỉnh của đảng – vừa ca ngợi
Kim Chính Nhật vừa tuyên bố chung chung về việc quay lưng lại với quá khứ tệ
hại – có thể khiến thiên hạ khó mà giải mã được những động cơ của đảng. Dolejs
nói rằng chỉ có chút khác biệt không đáng kể giữa những chương trình của Đảng Cộng
sản và Đảng Dân chủ Xã hội, gắng hết sức để tách biệt đảng hiện nay với “thành
tích” trong lịch sử của đảng. Ông nói với tôi, “Không có khác biệt thực sự nào
giữa ĐCSBM và [Đảng Dân chủ Xã hội], và không thể có độc quyền chính trị hay
kinh tế tương tự như kiểu của chế độ cũ”. Song, nếu Đảng Cộng sản không hề khác
biệt với Đảng Dân chủ Xã hội được nhiều người ủng hộ hơn, sao lại không gia
nhập với họ?
***
Việc
ĐCSBM không thể sáp nhập với Đảng Dân chủ Xã hội rõ ràng đã cản trở sự nghiệp
chính trị cánh tả ở Cộng hòa Séc. Tất cả những đảng phái chính đều không chịu
hợp tác với Đảng Cộng sản ở tầm quốc gia: Hiểu rõ lịch sử cả thế kỷ của phe
cộng sản trong việc phá hoại ngầm để bóp chết phe xã hội dân chủ, Đảng Dân chủ
Xã hội đã cẩn thận đến mức đưa vào các văn bản chi phối hoạt động của Đảng
(thông qua cái gọi là “Nghị quyết Bohumin”) nguyên tắc cấm “hợp tác chính trị
với những chính đảng có xu hướng cực đoan”, trong đó có ĐCSBM.
Tuy
nhiên việc cấm hợp tác với đảng lớn duy nhất khác bên cánh tả đã hạn chế đáng
kể khả năng cầm quyền của Đảng Dân chủ Xã hội. Dù Đảng Dân chủ Xã hội giành
được nhiều phiếu hơn bất kỳ đảng nào khác trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2010, do
Đảng Dân chủ Xã hội không thể thành lập liên minh – mà lẽ ra đã có thể dễ dàng
thực hiện nếu không có Nghị quyết Bohumin – nên đã dẫn đến chính phủ trung hữu
hiện nay hết sức mất lòng dân. Bởi vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một số
đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội ủng hộ liên minh với ĐCSBM vì lý do thực dụng.
Cựu
Thủ tướng Jiri Paroubek (thuộc Đảng Dân chủ Xã hội) tóm tắt quan điểm này hồi
năm 2005, “Phe cộng sản sẽ không bao giờ trở lại kiểm soát đất nước này. Tôi
nghĩ rằng họ đã bị biến thành con ngáo ộp chính trị một cách không cần thiết.
Stalin không còn ở Điện Kremlin; không có Đệ tam Quốc tế Cộng sản hay Liên Xô;
tình hình quốc tế đã hoàn toàn khác.… Đảng ĐCSBM sẽ phải hội nhập vào môi
trường dân chủ dù họ có muốn hay không”.
Trong
những năm kể từ sau nhận định của Paroubek, Đảng Dân chủ Xã hội đã thành lập
những liên minh với Đảng Cộng sản ở cấp thành phố và cấp vùng. Vì lý do này,
theo Dolejs, chủ đề Đảng Cộng sản quay trở lại tham gia chính phủ ở cấp liên
bang đang dần dần “không còn là đề tài cấm bàn luận nữa”.
Vị
lãnh tụ chính trị Séc nỗ lực nhiều hơn bất cứ ai trong việc bảo đảm rằng chủ đề
này không còn cấm kỵ lại là một nhân vật ít ai ngờ nhất: đó là một người con
dòng cháu giống của một gia đình có lịch sử lâu đời đấu tranh chống cộng sản.
Jiri Dienstbier con – một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội và là
ứng viên tranh cử tổng thống Séc – là con trai của một trong những người ban
đầu ký tên vào Hiến chương 77, lời thỉnh cầu do phe bất đồng chính kiến
phác thảo kêu gọi chế độ cộng sản Tiệp Khắc tôn trọng nhân quyền. Sau khi cộng
sản sụp đổ, Jiri Dienstbier cha
trở thành ngoại trưởng đầu tiên của đất nước thời kỳ hậu cộng sản.
Jiri
Dienstbier con tiếp tôi trong văn phòng của ông nằm dưới chân quần thể
Lâu đài Prague mang diện mạo như truyện cổ tích. Ông học hỏi chính trị bên cạnh
cha mình và là một lãnh tụ sinh viên chống cộng sản ở thời điểm diễn ra Cách
mạng Nhung. Ngoài cái họ của mình, ông trở thành chính khách nổi tiếng nhất
của Séc nhờ danh tiếng nói thẳng nói thật. “Tôi sẽ có cảm tưởng như một tên
mafia nếu tôi cố gắng thương lượng với những người này”, Dienstbier nói với tờ Bưu điện
Praha cách đây hai năm khi, với tư cách là ứng cử viên của Đảng Dân chủ Xã
hội tranh cử chức thị trưởng Praha, ông được hỏi làm sao ông có thể xem xét
việc liên minh với những người từ đảng bảo thủ hàng đầu.
Theo
Dienstbier, cuộc tranh luận về việc liệu ĐCSBM có phải là một đảng dân chủ hay
không là đạo đức giả. “Nếu đó là một đảng dân chủ, chúng ta nên xem nó nhưng
bất kỳ một đảng dân chủ nào khác, kể cả khả năng liên minh”, ông nói. “Khả năng
thứ hai – đó không phải là một đảng dân chủ – thì một đảng như vậy không được
phép hoạt động, nên bị cấm, theo hiến pháp và luật pháp của chúng ta”.
Quan
điểm của Dienstbier là ĐCSBM sẽ là một đối tác cầm quyền chính đáng. “Có một số
bài phát biểu của một số chính khách Cộng sản không thể chấp nhận được từ góc
độ đạo đức”, ông công nhận, “nhưng đó không phải là mối đe dọa cho hệ thống dân
chủ ở đất nước này”.
Có
người cho rằng Dienstbier có quan điểm như vậy là do tính toán chính trị, và rõ
ràng việc mở rộng vòng tay rào đón Đảng Cộng sản sẽ cải thiện đáng kể cơ may
cầm quyền của Đảng Dân chủ Xã hội. Tuy nhiên lịch sử gia đình của Dienstbier
cũng khiến quan điểm của ông có trọng lượng hơn: Cha ông từng làm nhà báo hoạt
động ngầm sau khi bị đuổi việc khỏi đài phát thanh nhà nước và bị khai trừ khỏi
Đảng Cộng sản, bị cầm tù, cùng với Havel, trong ba năm sau năm 1979. Sau khi
được thả, ông bị giáng xuống làm thợ nồi hơi, lao động phục dịch khổ nhọc là
việc làm duy nhất dành cho những người chống đối chế độ (Havel làm việc trong
một nhà máy bia). Nói cách khác, Dienstbier có nhiều lý do hơn phần lớn những
người khác để mong Đảng Cộng sản Séc bị tống vào sọt rác của lịch sử. Ông nói
“thật vô lý” nếu cho rằng ông có ảo tưởng về Đảng Cộng sản. (Lời kêu gọi của
Dienstbier về việc hợp tác với phe cộng sản đã nhận được sự ủng hộ của Milos
Zeman, cũng là ứng cử viên tranh chức tổng thống và cựu Thủ tướng thuộc Đảng
Dân chủ Xã hội).
Cuộc
tranh luận hiện nay về vai trò của Đảng Cộng sản Séc bộc lộ một đất nước xưa
nay tránh né đánh giá trung thực về lịch sử gần đây của mình vì mục đích vội
vàng chuyển sang chủ nghĩa tư bản thị trường. Trong tâm trí của phần lớn người
Séc, chủ nghĩa cộng sản được gộp chung vào với chủ nghĩa phát xít như một di
sản kép của quá khứ nước Séc. Song như vậy là đơn giản hóa quá – chủ nghĩa phát
xít đến Tiệp Khắc trên những chiếc xe tăng của Adolf Hitler, còn chủ nghĩa cộng
sản đến qua thùng phiếu.
Tệ
hơn nữa, quá trình loại bỏ các cán bộ cộng sản khỏi vị trí quyền lực đã tránh
vật lộn với những câu hỏi bất tiện về sự cộng tác với chế độ của nhiều người
Séc. Quá trình sàng lọc – nghĩa là “rọi sáng” – đã loại trừ những cán bộ cộng
sản cao cấp khỏi những chức vụ cao trong chính quyền, trong khi những cấp dưới
của họ phải trải qua một quy trình sàng lọc bí mật qua đó lý lịch của họ được
thẩm định để tìm bằng chứng về việc cộng tác với chế độ. Tuy nhiên không có
phiên tòa nào xét xử các cựu cán bộ cộng sản và, do các buổi điều trần sàng lọc
và kháng cáo đều xử kín, đất nước không có cơ hội xử lý vai trò của những công
dân cá nhân trong chế độ cộng sản. Điều này càng củng cố khuynh hướng phần lớn
người Séc tưởng tượng chủ nghĩa cộng sản là cái được áp đặt từ nước ngoài, chứ
không phải là một hệ thống được bầu lên nắm quyền và được đa số người Séc, chí
ít là lúc ban đầu, chấp thuận.
Năm
1999, Kieran Williams, lúc đó là giảng viên ở Trường Nghiên cứu Slavơ và Đông
Âu ở Đại học University College London, viết: “Do không đưa việc cộng tác [với chế độ cũ]
và trách nhiệm ra thảo luận trước những nơi như Quốc hội, mà biến nó thành một
quy trình hành chính, luật sàng lọc có lẽ thực sự đã hạn chế việc bàn luận về
quá khứ nói chung”.
Dolejs
một mực khẳng định rằng Đảng Cộng sản không quan tâm đến việc độc quyền quyền
lực một lần nữa, rằng họ chỉ là một “đảng bảo đảm an sinh sơ đẳng căn bản cho
từng công dân”. Tuy nhiên, bất luận Đảng Cộng sản tự quảng bá mình ra sao, phần
lớn người Séc dường như hiểu rằng đảng này đang che giấu ý đồ thực sự của mình
để âm thầm lén lút trở lại nắm quyền. Nếu phe cộng sản quay lại nắm quyền ở một
nước thuộc khối Xô-viết cũ thì đó sẽ là một cú sốc nặng cho Châu Âu, một đòn
đánh vào công cuộc hoàn thiện dân chủ và các thị trường tự do – và, đó chính là
cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Châu Âu.
Với
người Séc, từng trải qua lịch sử gần đây đầy buồn đau, đó sẽ là một sự đảo
ngược kinh khủng. Tôi không thể không dừng lại và tự hỏi Havel đã quá cố sẽ
nghĩ gì, trong khi tôi rời khỏi trụ sở của Đảng Cộng sản, đi qua dưới một tấm
biển khổng lồ lù lù bên trong lối vào có dòng chữ “CHÚNG TÔI CÓ GIẢI PHÁP” và
quay lại Phố Tù nhân Chính trị.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh:
James Kirchick, “Return of the Czech Communists”, Foreign
Policy, 12/10/2012.
Bản
tiếng Việt © 2012 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra
[1] Quốc tế Xã hội (Socialist
International): tổ chức toàn cầu tập hợp các đảng dân chủ xã hội, xã
hội chủ nghĩa và lao động, hiện có 161 thành viên. (N.D.)
No comments:
Post a Comment