Thursday, 25 October 2012

SỰ KHÁC BIỆT CỦA THÔNG TIN LỀ DÂN & LỀ ĐẢNG QUA MỘT BẢN TIN (Dân Làm Báo)




26-10-2012
Ngày 25 tháng 10, trong số hơn 700 tờ báo lề Đảng, một trang thông tin duy nhất đăng bài "Bắt nữ sinh Nguyễn Phương Uyên để điều tra án an ninh".

Trang thông tin Pháp Luật (tp HCM) viết: "Nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên (quê Bình Thuận, ngụ Tây Thạnh, Tân Phú), học lớp 10CDTP1 Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, bị công an bắt vào ngày 14-10."

Tức là cho đến 11 ngày sau khi Phương Uyên bị bắt thì theo "tinh thần" của Nguyễn Tấn Dũng trong công văn 7169: "Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp thời..." thông tin lề đảng mới lẹt đẹt lên tiếng.

Một minh chứng cho kiểu cung cấp thông tin "kịp thời" của truyền thông lề đảng theo lệnh của ông Thủ tướng cũng của đảng.

Pháp Luật viết tiếp: "Liên quan đến việc bắt sinh viên này, những ngày qua đã có nhiều thông tin không chính thức trên Internet cho rằng Phương Uyên bị bắt sai luật và đưa đi đâu không rõ."

Những thông tin "không chính thức" đó, kỳ lạ thay nó đã được thông tin chỉ 2 ngày sau khi Nguyễn Phương Uyên bị bắt. Thông tin về bố của Phương Uyên là anh Nguyễn Duy Linh từ Phan Thiết về Sài Gòn lo cho con gái như thế nào; về mẹ của Uyên là chị Nguyễn Thị Nhung đã đến đồn công an, đến trường học hỏi tin về con gái ra làm sao...

Rất kịp thời. Rất nhanh chóng.

Trong một thời gian vài ngày, thông tin liên tục cả một tiến trình sai trái trong hành xử, có nhân chứng sống, thông tin về công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú đã nói láo không bắt giữ Phương Uyên, và rồi sau đó "đến khi nào tìm thấy tội sẽ gửi công văn về gia đình, “Chúng tôi biết là sai quy trình, tôi biết gia đình rất lo lắng nhưng nó có vấn đề riêng”, cuối cùng thông báo chuyển về công an Long An. Trên khắp các trang blog lề Dân, đăng tải thông báo chính thức của công an Long An về việc "bắt bị can để tạm giam".

Rất đầy đủ. Rất chính xác.

Bên cạnh những thông tin đó, là thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, những bài viết nhận xét hiện tượng, những tâm tình của quần chúng đối với cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Đồng hành với các trang blog khác, ngay trên Danlambao cho đến ngày 25.10.2012 đã có những thông tin bài viết từ CTV Danlambao, các blogger khác và các thông tấn quốc tế về vụ việc mà "dư luận quan tâm" như sau:



Đọc lại công văn chỉ thị của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm;" cho thấy sự lố bịch cố hửu của quan chức và truyền thông của đảng.

Và đọc tiếp bản tin của báo lề đảng:

"Trao đổi với PV, một cán bộ Công an phường Tây Thạnh xác nhận nữ sinh này bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt để điều tra vì có hành vi liên quan trong chuyên án an ninh. Sau khi bắt, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ đã giao cho Công an tỉnh Long An tiến hành điều tra. Việc bắt giữ Uyên có đầy đủ thủ tục bắt người: Có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt đã được VKS phê chuẩn… Phía gia đình của nữ sinh cũng đến Công an phường Tây Thạnh thắc mắc, hỏi han và cũng đã được giải thích rõ về lý do bắt giữ, động viên gia đình yên tâm."

" Có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt đã được VKS phê chuẩn… Phía gia đình của nữ sinh cũng đến Công an phường Tây Thạnh thắc mắc, hỏi han và cũng đã được giải thích rõ về lý do bắt giữ, động viên gia đình yên tâm..." Nếu ai theo dõi và đọc tất cả những thông tin của lề Dân ở trên sẽ thấy rõ ràng rằng phát biểu của "cán bộ công an phường Tây Thạnh" này hoàn toàn không đúng sự thật. Phải nói là trắng trợn láo khoét.

Cuối cùng phóng viên lề đảng chỉ có thể: "Khi PV đề nghị cho biết lý do bắt và hành vi bị khởi tố của nữ sinh là gì thì vị cán bộ từ chối trả lời mà chỉ nói ngắn gọn là có hành vi rải truyền đơn. "

Chấm hết. Không cần tìm hiểu, điều tra, thông tin theo đúng chức năng của một nhà báo chuyên nghiệp. Cũng dễ hiểu. Đi trên lề đảng thì chỉ viết theo những gì đảng cho phép, công an nói, không thắc mắc, không cần biết nó ảnh hưởng lên số phận của một con người như thế nào, ảnh hưởng vào dư luận ra sao.

Tuy nhiên, trong bản tin ngắn ngủi này hé lộ một điều quan trọng mà mọi người cần lưu ý để tìm mọi cách cứu nguy cho Nguyễn Phương Uyên:

Cán bộ Công an phường Tây Thạnh xác nhận nữ sinh này bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt để điều tra vì có hành vi liên quan trong chuyên án an ninh.

Chuyên án an ninh thường bắt đầu từ một vụ án nhỏ và công an dùng Ban chuyên án để triển khai thành một vụ án lớn bằng những thủ đoạn điều tra, ép cung, gán ghép, tạo sự kiện và dùng báo lề đảng trong tay để tuyên truyền, đóng vai quan toà để kết tội nạn nhân nhằm dọn đường trước khi có một phiên tòa xét xử.




*

Bản tin đăng trên báo Pháp Luật (và được đăng lại bởi Tin Mới)

Bắt nữ sinh Nguyễn Phương Uyên để điều tra án an ninh
(PL)- Nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên (quê Bình Thuận, ngụ Tây Thạnh, Tân Phú), học lớp 10CDTP1 Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, bị công an bắt vào ngày 14-10.

Liên quan đến việc bắt sinh viên này, những ngày qua đã có nhiều thông tin không chính thức trên Internet cho rằng Phương Uyên bị bắt sai luật và đưa đi đâu không rõ.

Trao đổi với PV, một cán bộ Công an phường Tây Thạnh xác nhận nữ sinh này bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt để điều tra vì có hành vi liên quan trong chuyên án an ninh. Sau khi bắt, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ đã giao cho Công an tỉnh Long An tiến hành điều tra. Việc bắt giữ Uyên có đầy đủ thủ tục bắt người: Có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt đã được VKS phê chuẩn… Phía gia đình của nữ sinh cũng đến Công an phường Tây Thạnh thắc mắc, hỏi han và cũng đã được giải thích rõ về lý do bắt giữ, động viên gia đình yên tâm.

Khi PV đề nghị cho biết lý do bắt và hành vi bị khởi tố của nữ sinh là gì thì vị cán bộ từ chối trả lời mà chỉ nói ngắn gọn là có hành vi rải truyền đơn.


*




No comments:

Post a Comment

View My Stats