PHẠM NGỌC CƯƠNG, Toronto, Canada
14:45 ,Thứ tư 17 Tháng
mười, 2012
Sự sống luôn không phải chỉ được đo đếm bằng số lần ta thở hít đều đều mà
cả bằng những thời điểm khiến ta phải nín thở…Đó là điều ít nhiều người Việt
trải nghiệm qua trong hai tuần đầu của tháng 10/2012.
Và từ chiều qua thì sự nín thở đã khiến đa số dân chúng
thành nghẹn thở…
Cơn vỡ mộng còn lớn hơn khi người ta choàng tỉnh về cái
giá phải trả tiếp. Về phần mình, không lau nổi cả mặt nói gì tới tắm rửa kỳ cọ,
phục thuốc chữa bệnh, đảng sẽ trả giá đắt cho sinh mệnh chính trị của mình. Dân
oằn lưng trả tiếp giá cho một chặng đường dài quen thói tin tưởng mù quáng vào
ảo vọng, cho sự thỏa hiệp dễ dãi với thực tại, cho việc dung dưỡng nhân cách
sống bạc nhược, run sợ; luôn khuất phục trước cái ác, trước cường quyền. Tuy
nhiên, sự trả giá của đảng hoặc đúng ra của một bộ phận quyền chức của đảng
luôn là vô cùng nhỏ bé so với sự trả giá của trên 90 triệu dân chúng, của tiền
đồ dân tộc.
Sinh mệnh đất nước chưa bao giờ khắc khoải kêu gọi cho
một sự đổi mới quyết liệt về tư duy và hành động như lúc này! Albert Einstein
nói:”The significant problems we face today can not be solved at the same level
of thinking we were at when we created them”- Những vấn đề hệ trọng mà chúng ta
phải đối mặt hôm nay không thể giải quyết bởi cùng một đẳng cấp tư duy như khi
chúng ta tạo ra chúng.
Trong cơn bĩ cực, người Thiên Chúa thường động viên nhau
là Chúa sẽ không bắt ai chịu quá sức của mình. Vẫn biết rằng cần bỏ thói hi
vọng hão là có ngày đảng sẽ làm được việc vượt quá tầm của đảng. Thêm một lần
nữa cần gắng bắt mình suy nghĩ cho công bằng và thực tế. Trên hành tinh này, có
thời điểm nào và ở đâu đảng cộng sản cùng thể chế độc tài giải quyết được thấu
đáo và suất sắc bài toán dân tộc và dân chủ, thịnh vượng và phát triển đâu! Nhiều
nhất họ có thể làm lúc này-nói như nhà báo khí phách và tài năng Trương Duy
Nhất -“luân chuyển những hạt sạn” và tìm cách che đậy những viên ngọc như anh
mà thôi! Một lần nữa chính
trị bóp nát kinh tế và tăng trưởng. Quyền lực, tiền bạc cá nhân và phe nhóm bóp
nát danh dự và thể diện quốc gia.
Hôm nay, cùng một lúc, tôi đọc diễn văn khai mạc và bế
mạc hội nghị TW sáu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trào dâng một sự thất
vọng ghê gớm. Tôi không mấy khi trông đợi gì nhiều vào sự thay đổi nhân sự vì lãnh
đạo nước nhà dạo này thấy sàn sàn một lứa. Chuyện tôi hi vọng là khi ba người
chụm đầu vào nhau biết đâu thành một Gia Cát Lượng. 175 cái đầu bàn bạc (…) bên
nhau may ra có chăng dẫn đến một sự bứt phá tư duy! Hi vọng mong manh mới nhen
lên vào một sự thay đổi thỏa đáng của những người thủ lĩnh cộng sản cầm cương
biết tỉnh táo nâng được khí vận của nước, hướng cỗ xe dân tộc dù muộn còn kịp
bắt vào dòng thời đại (…).
Một lần nữa, ở ta, sự kiểm soát quyền lực vẫn chưa bao giờ thuộc về nhân
dân. Mấy tuần qua thế giới theo dõi các cuộc tranh luận công
khai của các ứng viên tổng thống và phó tổng thống Mỹ trên các phương tiện
truyền thông đại chúng. Người Việt cần tự hỏi: Ở nơi quyền lực luôn được ụp cho
đủ loại mũ là cái đuôi của các cá mập, tài phiệt, tư bản thì lại là cuộc chơi
công khai, đại chúng, nơi trí tuệ luôn giành phần thắng xứng đáng. Còn nơi
quyền lực khoác long bào lộng lẫy là “của dân, do dân, vì dân”, hay”dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì dân chúng chỉ được xem người ta họp kín, (…).
Ở thế kỷ XIII người Mông Cổ khám phá ra một bí quyết là không bao giờ nên cho
ngựa ăn no thì ngựa sẽ khỏe mạnh, dẻo dai và cùng bí quyết này họ đã kịp đưa vó
ngựa của mình tung hoành bốn cõi. Ngày nay dân Việt đang được lãnh đạo cho áp
dụng đúng chính sách ấy. Tuyệt đại dân chúng đang thiếu thốn trăm bề từ vật
chất, văn hóa, thông tin, tinh thần…Chỉ biết rằng ngay cả khi kiếp người bị coi
là súc vật thì điều áp dụng cho loài vật là đúng không hẳn đã là cái không sai
cho người.
Ước gì mình sai, nhân dân sai, và đảng luôn luôn đúng!
Ngần ấy quan phụ mẫu tụ tập, ngần ấy “đỉnh cao trí tuệ”
cọ sát cùng nhau trong từng ấy thời gian mà không một lời chính thức đả động
tới biển Việt Nam, đảo Việt Nam, Hoàng Sa Trường Sa yêu dấu. Bồ hòn chẳng lẽ đã
hóa thành ngọt? Làm sao có thể đòi hỏi gì ở thằng em chì là đảng Nhân dân cách
mạng Cambodia có thể có lời tuyên bố gì ở hội nghị ASEAN khi ta với nhau còn im
lìm như thóc. Sự im lặng ở đây không, không phải, không thể là vàng. Nó thể
hiện bản lĩnh chính trị yếu của đảng cầm quyền. Không ra nổi tư tưởng chính trị
lớn khi Nhật và Trung đang mâu thuẫn cao độ trên biển Hoa Đông, khi nội bộ
Trung đang mắc vòng thương thảo nhân sự đại hội cuối năm. Vậy là tuột tiếp một
cơ hội tạo thế và tháo gỡ ngòi nổ bức xúc số một trong quốc nội cũng như trên
trường quốc tế.
Cách đây ít bữa tôi có gặp một đại diện sáng sủa người Ả
Rập. Ông ta hỏi tôi là quan hệ Việt Mỹ sao bình thường nhanh thế? Bao nhiêu đau
thương chiến tranh là vậy mà người Việt dễ quên thế sao? Tôi bảo là ông chưa hiểu
Việt Nam hôm nay đâu. Chúng tôi có hẳn mối thù truyền kiếp ngàn năm với kẻ thô
lậu mà (…) vẫn vùi đầu hoan lạc dưới tấm chăn bốn tốt cùng 16 chữ vàng. Hơn
nữa, những cuộc… làm tình của họ có vẻ vẫn căng tràn thỏa mãn tới từng tế bào.
Tăng trưởng của đất nước thực sự là một số
âm to tướng về đủ mọi phương diện. Tuy nhiên bài toán kinh tế chưa bao giờ giải
đáp quá bán tất cả các vấn đề của một quốc gia, gia đình hay con người cụ thể
lành mạnh nào. Vì vậy vấn đề tiếp theo trong tầm tay có thể xử lý là văn hóa
đang xuống cấp thảm hại, đạo đức xã hội băng hoại, lối sống suy đồi. Dĩ nhiên
những vấn đề cao cả này cũng không thấy ngài Tổng điểm xuyết tới trong cả hai
bài phát biểu trên.
Cách đây ít tháng, anh bạn tôi đi Cruise ở vùng vịnh
Caribbean về. Hỏi anh qua chuyến ăn chơi ấy thì ấn tượng nhất là gì? Anh bảo có
sáng tàu cập bến một hòn đảo nhỏ, nghèo đói. Vào nhà vệ sinh công cộng thấy một
bà già da đen tiều tụy ngồi trông cửa. Một chú bé da đen khoảng sáu bẩy tuổi
tiểu xong đi ra bà gọi lại. Bà nhắc chú bé cần rửa tay sau khi vệ sinh. Rửa tay
xong chú bé vội ra cửa bà gọi em lại lần hai và đưa tờ giấy để em lau tay. Lau
tay xong bước ra cửa em bị gọi lại lần nữa. Bà bảo cháu còn quên một thứ và
cháu cần luôn nhớ. Chú bé tí hon lí nhí nói lời cảm ơn. Nghe xong bà chào cậu
bé, cười hồn hậu, nồng nhiệt chúc cậu một ngày tốt lành. Anh bạn bảo nhìn cảnh
đó tôi vui cho dân tộc bán sơ khai đó bao nhiêu tôi đau cho bốn ngàn năm văn
hiến của mình bấy nhiêu. Phá bao giờ chả nhanh và dễ hơn xây. Ta tuy có bốn
ngàn năm xây nhưng lại có tới vài chục năm chuyên phá phách.
Sự tiếp nối của quyền lực vẫn chỉ là trò chơi của mấy tay
đầu nậu, nhiều phần là “bầy sâu”.Quan chức họp hành chỉ mải nghĩ quanh cái ghế
đang ngồi. Nhưng cái ghế, hay hàng ghế nào thì cũng sẽ vô nghĩa nếu không phải
dựng trên cái nền (đất nước) trong cái mái che (dân tộc) cùng một không gian
sinh tồn (lòng nhân dân).
Hội nghị của toàn những vấn đề đi mà không thấy đến. Sự
định hướng phát triển của đất nước luôn nằm sau thứ tự ưu tiên của sự ổn định
quyền lực và quyền lợi của kẻ cai trị. Dẫu biết đất đai đang là dây cháy chậm của quả bom bùng
nổ xã hội, đảng vẫn quyết không nhả quyền tư hữu đất về cho dân. Cuộc
giành đất và quyền sống có đất của dân chắc còn rất lâu nữa mới hi vọng viết
tới tập cuối.
Giáo dục là cái cần bàn vì trồng người là chuyện vài chục
năm. Thế hệ hôm nay coi như gần hỏng, nếu không chấn hưng kịp thời thì vài thế
hệ tới cũng coi như bỏ tiếp. Vốn quí nhất của một dân tộc đất chật người đông
là con người. Chỉ vài triệu người Việt ở nước ngoài gửi về và đầu tư trong nước
khoảng 20 tỷ đô/ năm; hơn bất kỳ ngành công nghiệp bán tháo tài nguyên quốc gia
nào trong nước. Vậy mà Việt Nam đang chứng kiến cuộc di tản rầm rộ lần hai- di
tản giáo dục. Khi Việt Nam còn tiếp tục coi thường vốn con người tức là còn
tiếp tục phủ nhận tiềm năng phát triển dồi dào nhất của mình. Nhà nhà nếu tìm
ra tiền đều cho con cháu tháo chạy chí chết khỏi nền giáo dục quốc gia vậy mà
chưa thấy đưa ra được một quyết sách gì khả dĩ.
Chuyện doanh nghiệp nhà nước là chuyện của những đứa con
bất tài hư đốn chuyên móc ruột bố mẹ (chủ sở hữu). Nền kinh tế thị trường toàn
cầu hóa sẽ cắt ngay cái đuôi định hướng XHCN, đã và sẽ dậy chúng những bài học
cay đắng và nghiêm túc (Vinashin, Vinalines).
Chính sách khoa học và công nghệ chỉ là chuyện cổ tích
thời hiện đại. Đằng sau hàng núi chính sách của những “tài tình” cùng “sáng
suốt” mà cho cho tới nay một đất nước đầy bệnh tật và thiếu chất mà vẫn chưa tự
sản xuất ra được cho mình lấy nổi một gram kháng sinh hay vitamin nào.
Cái gì cũng thấy bảo phải làm lại, phải đổi mới toàn bộ,
đồng bộ. Bỏ qua chuyện ai làm ra nông nỗi này thì vẫn còn mãi vị đắng là càng
thêm nhiều ban bệ, nghị quyết và chính sách thì thực trạng đất nước càng bê bối
và bi đát. Loay hoay cả vài thập kỷ nay chỉ chuyện thả ra và nắm vào. Thả ra
thì ngay cả chính phủ trung ương cũng hư hỏng (…). Nắm lại thì sự trì trệ và bế
tắc lại sẽ bao trùm. Qui hoạch cán bộ thì đi mãi theo thang bậc, thành phần,
sống lâu lên lão làng, chuyên can thiệp thô bạo vào quá trình sàng lọc nhân tài
tự nhiên. Cứ nhìn vào tuổi đời và năng lực của BCT mấy khóa nay là rõ. Chuyện
xây dựng đảng là chuyện chèo chống và đối phó riêng của đảng; dân không ăn theo
nên cũng không có nhu cầu nói leo làm gì.
Sau ngần ấy thành tích tham nhũng, ăn tàn phá hoại, làm
đất nước kiệt quệ và lụn bại thì hỏi thằng dân nếu không bị thiểu năng trí tuệ
sao còn tin được đảng mà nuôi hi vọng ”củng cố niềm tin của nhân dân với đảng
và nhà nước”. Xã hội đẳng cấp hai năm rõ mười của kẻ thống trị và người bị trị như
vậy thì đảng sao còn “gắn bó máu thịt với dân” được?
Từ mấy thế kỷ trước nhiều người châu Âu đã thốt lên rằng
Chúa Trời đã chết! Và dẫu công nghệ sinh sản vô tính được khám phá thì ai cũng
hiểu rằng chỉ từ một người đàn ông hay một người đàn bà không thể tạo ra một
gia đình bình thường. Nước Việt đang tiến gần và dứt khoát hơn bao giờ đến việc
phải (…) chạy chữa căn bệnh tha hóa quyền lực cùng việc bỏ bùa mê thuốc lú cho
dân chúng.
Xã hội, nơi nhà thơ Bùi Minh Quốc phải thốt lên ”Quay mặt
vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa” mà bản tổng kết nào của lãnh đạo cứ tuôn trào
các lời có cánh như thắng lợi, thành công mãi được sao?
Thần thánh hóa hay thóa mạ đảng là cả hai việc chả có gì
hay ho. Đừng dồn mọi hào quang chiến công không phải của đảng cho đảng để rồi mang
nỗi thất vọng vô biên (…). Như một lẽ tất yếu ở đời, có sinh sẽ có tử.
Hội nghị vô cùng quan trọng đã kết thúc!
Một bàn cờ đi đến sáu nước cũng đã là nhiều!
(…)
PNC, 16/10/2012
(Bài
viết không phải là quan điểm của chủ trang)
No comments:
Post a Comment