Wednesday, 24 October 2012

QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ (LS Nguyễn Văn Đài)




Luật sư Nguyễn Văn Đài  -   Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam
22-10-2012

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền con người không thể bị tước đoạt. Bởi vậy nó được bảo vệ không chỉ ở cấp độ đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia là Hiến pháp mà còn được bảo vệ ở Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị do Liên Hiệp Quốc ban hành.

Điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”

Điều 4 luật Báo chí cụ thể hóa quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận như sau :
“1- Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới ;
2- Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin ;
3- Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới ;
4- Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ;
5- Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.”

Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị:
“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.”

Theo các qui định của Hiến pháp, luật Báo chí và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chúng ta đều nhận thức rằng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển đầy đủ của các quyền con người. Chúng cần thiết cho bất kỳ xã hội nào. Chúng cần thiết cho tất cả các xã hội tự do và dân chủ. Hai quyền này liên quan chặt chẽ với nhau, chúng cung cấp phương tiện cho việc trao đổi và phát triển ý kiến.Tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các nguyên tắc minh bạch, cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả thể chế chính trị, pháp luật, văn học(sáng tác thơ, ca,…), nghệ thuật,… Không có sự hạn chế nào. Nhà nước không được áp đặt hay ép buộc công dân chỉ được bày tỏ quan điểm, chính kiến theo một chiều. Công dân có quyền giữ quan điểm chính trị của mình mà không bị can thiệp. Họ có quyền tự do lựa chọn thay đổi quan điểm bất cứ khi nào và vì bất cứ lý do gì.Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không bị giàng buộc bởi đường biên giới quốc gia.

Công dân được sử dụng mọi phương tiện truyền thông như báo giấy, báo điện tử, radio, truyền hình, internet,… để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình. Một nền báo chí hay truyền thông tự do, không bị kiểm duyệt hay bị cản trở là cần thiết cho bất kỳ xã hội nào. Đó là trụ cột của một xã hội dân chủ. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho mọi công dân có thể tiếp cận và sử dụng các phương tiện đó.

Công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để yêu cầu, kiến nghị việc sửa đổi hay bãi bỏ bất kỳ điều nào trong Hiến pháp cũng như trong các bộ luật. Không có điều nào trong Hiến pháp là điều cấm mà công dân không có quyền kiến nghị sửa đổi hoặc hủy bỏ.

Công dân sử dụng quyền tư do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ mong muốn thay đổi, cải cách hệ thống chính trị nhằm đáp ứng các quyền tự do dân chủ cũng như lợi ích của nhân dân. Công dân có quyền bày tỏ ước muốn xây dựng nền chính trị đa nguyên, đa đảng.

Do đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được qui định trong Hiến pháp, luật và Công ước quốc tế để bảo đảm rằng chính quyền phải tôn trọng và không được xâm phạm đến quyền của công dân.

Và trách nhiệm của chính quyền là:
Chính quyền cũng như cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Cũng như có trách nhiệm bảo vệ mọi công dân khi họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Trong bình luận chung số 34 về điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Hội đồng nhân quyền LHQ trong phiên họp 102 từ ngày 11 đến ngày 29 tháng 7 năm 2011. Mục số 7 và 8 nêu rõ:
“7. Nghĩa vụ tôn trọng tự do quan điểm và tự do biểu đạt là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi Quốc gia thành viên như một chỉnh thể. Tất cả mọi nhánh quyền lực nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) và các cơ quan công quyền và tổ chức của chính phủ, dù ở cấp độ nào – quốc gia, khu vực hay địa phương – đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của Quốc gia thành viên. Các trách nhiệm đó cũng có thể phát sinh với một Quốc gia thành viên trong một số trường hợp nhất định liên quan đến các chủ thể có tư cách bán nhà nước. Nghĩa vụ này cũng yêu cầu các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi người được bảo vệ khỏi bất kỳ hành vi nào của cá nhân hay pháp nhân thuộc khu vực tư có thể ảnh hưởng xấu đến việc thụ hưởng các quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt đến mức độ những quyền theo Công ước này dễ bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng của các cá nhân hoặc pháp nhân thuộc khu vực tư.
8. Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng các quyền trong Điều 19 của Công ước có hiệu lực trong hệ thống nội luật của quốc gia, và có tinh thần nhất quán với những chỉ dẫn của Ủy ban trong Bình luận chung số 31 về bản chất của các nghĩa vụ pháp lý chung đối với Nước thành viên Công ước….”

Những trở ngại khi công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Trong những năm vừa qua, đã có nhiều công dân khi sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ quan điểm chính trị đối lập, phê phán những sai lầm, yếu kém, tham nhũng của đảng Cộng sản. Một số nghệ sĩ như Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình chỉ sáng tác những ca khúc bày tỏ những trăn trở với vận mệnh đất nước. Nhưng tất cả họ đã bị truy tố và xét xử với mức án nặng nề theo điều 88 bộ luật Hình sự. Ngoài gia hàng trăm người khác thường xuyên bị sách nhiễu.

Do vậy điều 88 bộ luật Hình sự là trở ngại cho công dân khi họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các hành vi chống nhà nước của điều 88 được hệ thống các cơ quan tư pháp của Việt Nam hiểu, giải thích và áp dụng như sau: Hành vi tuyên truyền nhằm làm giảm lòng tin với đảng CS, với chế độ XHCN, phá hoại sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong xã hội, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ XHCN. Hành vi xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách của đảng CS và nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán bộ, công chức nhà nước,… Hành vi lợi dụng những tiêu cực, khoét vào những khó khăn trước mắt, thổi phồng những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, làm cho người khác không tin vào chế độ, và sự lãnh đạo của đảng CS, sự quản lý điều hành của bộ máy nhà nước.

Khi chúng ta đối chiếu nội hàm của điều 88 bộ luật Hình sự với điều 69 Hiến pháp, điều 4 luật Báo chí, điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Thì chúng ta thấy rằng chính quyền cũng như các cơ quan tư pháp của Việt Nam đã diễn giải điều 88 bộ luật Hình sự nhằm bóp chết quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Do vậy điều 88 bộ luật hình sự là VI HIẾN, nó chống lại điều 69 Hiến pháp, điều 4 luật Báo chí và Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sư và chính trị.

Lòng tin của nhân dân với đảng Cộng sản phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức của mỗi đảng viên và cả tập thể đảng Cộng sản. Còn lòng tin của nhân với chế độ XHCN phụ thuộc vào việc nó có mang lại quyền bình đẳng và quyền làm chủ đất nước của nhân dân hay không. Đảng Cộng sản không thể áp đặt tuyệt đối tư tưởng chính trị của mình lên toàn bộ xã hội. Còn các đường lối, chủ trương, chính sách của đảng Cộng sản, của chính phủ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội,…có thể đem lại lợi ích cho một bộ phận người dân này, nhưng với những người khác thì ngược lại. Những người được hưởng lợi thì họ ủng hộ, còn những người mất lợi ích thì họ có quyền phản đối. Những tiêu cực, sai lầm, khuyết điểm của chính quyền thì có nhưng người đánh giá không đáng kể, còn những người khác họ có quyền đánh giá là nghiêm trọng, tùy theo cách nhìn của mỗi người. Hoặc chế độ XHCN được nhiều người dân cho là phù hợp, và họ ủng hộ. Nhưng với rất nhiều người khác họ cho là không phù hợp và họ có quyền tự do phê phán, đả kích, thậm chí họ có quyền đòi hỏi thay đổi. Cùng một sự việc, một hiện tượng, nhưng mỗi người dân có những cách nhìn, quan điểm khác nhau. Nhóm này đồng ý, ủng hộ. Nhóm khác không đồng ý và phản đối.

Và nếu tất cả mọi công dân đều sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để ca ngợi và bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ, đảng Cộng sản và chế độ XHCN. Chắc chắn chính quyền không bao giờ trừng phạt họ. Và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không cần thiết được bảo vệ bởi Hiến pháp, luật và Công ước quốc tế. Nhưng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, công dân thường sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ sự bất bình, sự phản đối, chỉ trích hay phê phán những yếu kém, sai lầm, khuyết điểm của chính phủ, chế độ XHCN. Trách nhiệm của chính quyền là bảo vệ và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của cả nhóm công dân ủng hộ và nhóm công dân phản đối.

Làm thế nào để quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân được tôn trọng và bảo vệ?
Nếu đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Quốc hội Việt Nam phải tiến hành hủy bỏ điều 88 bộ luật Hình sự, bởi đây là một điều luật vi hiến. Trong khi việc này chưa xảy ra thì chính phủ phải trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ, bị cầm tù theo điều 88 bộ luật Hình sự, bãi bỏ quản chế với những người đã hết án tù. Chấm dứt sách nhiễu với những công dân đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Hà nội, ngày 22 tháng 10 năm 2012
Luật sư Nguyễn Văn Đài


Các bài có liên quan:







No comments:

Post a Comment

View My Stats