Thành Đô
22 tháng 10, 2012
“Việc
tước bỏ các quyền tích cực của công dân là tội phạm nặng nhất, là sự sỉ nhục
dân tộc”. (Robespiere)
Là một công dân sống trên trái đất này,
hẳn quý vị đều từng biết đến những lời sau:
“Xét
rằng, theo những nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, việc công nhận
phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng và bất di bất dịch của mọi thành viên
trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hoà bình trên thế
giới;
Thừa
nhận rằng, những quyền này bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người…”.
Những lời trên được trích dẫn tại Lời
nói đầu của “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (International
Covenant on Civil and Political Rights), do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông
qua ngày 16.12.1966.
Bản thân Việt Nam đã tham gia ký kết
vào ngày 24.9.1982. Như vậy Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của Công ước
này. Khi tham gia ký kết một bản Công ước Quốc tế, thì bất kể thành viên liên
quan nào cũng phải tuân thủ nghiêm túc những quy định và cam kết được ghi trong
đó. Đó là trách nhiệm và bổn phận của quốc gia thành viên, những vi phạm về các
điều khoản sẽ bị cộng đồng thế giới có những biện pháp chế tài tương ứng. Do
vậy, theo quy định – Việt Nam phải tuân thủ nội dung ghi trong bản Công ước
này.
Là một quốc gia độc tài Cộng Sản, Việt
Nam thường xuyên bị cộng đồng quốc tế lên án do vi phạm các quyền con người.
Nhà nước Việt Nam đã không làm trọn bổn phận của một quốc gia thành viên, mà
ngược lại các quyền của người dân thường bị hạn chế và chưa được tôn trọng như:
Quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử
và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật…; cộng đồng quốc
tế đã chứng kiến những phiên toà xét xử bất công và phi lý của hệ thống toà án
nhà nước Việt Nam đối với các nhà bất đồng chính kiến, những người hoạt động
đòi hỏi các quyền tự do dân chủ cho người dân. Những nhà Dân chủ này không hề
làm gì khác ngoài việc đòi hỏi trong ôn hoà các quyền đã được ghi trong “Công
ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”. Và họ đã phải gánh chịu những
bản án nặng nề, bị đối xử thô bạo trong tù ngục. Linh mục Nguyễn Văn Lý đã phải
ngồi từ vì đòi dân chủ và tự do tín ngưỡng. Các tăng ni phật tử bị đánh đập và
đe doạ vì đấu tranh đòi quyền con người cho người dân, nhiều người yêu nước
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược bị bắt giam như: Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm
Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Trội...; rất nhiều nhà dân chủ khác cũng phải chịu
những bản án tù nặng nề vì bất đồng quan điểm với nhà nước, đòi tự do dân chủ
cho Việt Nam, tiêu biểu như: Luật sư Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê
Thăng Long, Cù Huy Hà Vũ, Trần Anh Kim…; các nhà hoạt động nghệ thuật cũng
bị bắt giam vì bị chính quyền cho là trái với chủ trương, đường lối của đảng.
Họ là Nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, Nhạc sĩ Việt Khang, Nhà thơ Trần Đức
Thạch…
Đối với người dân Việt Nam, họ chưa
được hưởng một thứ quyền gì đúng nghĩa, những quyền mà đáng lẽ họ hiển nhiên
được có.
Với một thể chế chính trị độc đảng,
quyền bầu cử của người dân Việt Nam chỉ có được trên hình thức. Họ phải đi bầu
cử trong sự lừa dối và ép buộc của chính quyền, lá phiếu của người dân không
mảy may quyết định đến việc chọn người đại diện cho mình, vì rằng việc này đã
có đảng Cộng sản làm thay.
Các tổ chức dân sự ở Việt Nam do nhà
nước thành lập, và do đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy người dân không có vai trò
gì trong việc tham gia và thực hiện các quyền tích cực của công dân. Do đó họ
không thể tham gia vào tiến trình quản lý và phát triển xã hội, môi trường sống
của bản thân mình. Nếu có ai đó dám lên tiếng phản đối sự bất công này, thì một
bản án tù đang chờ họ trước mắt.
Về tự do ngôn luận, thì tất cả những ai
dám lên tiếng về tình trạng bất công của chế độ, phản ánh hiện tình đất nước
đều bị bắt giam. Tất cả đều được gán ghép vào hai điều khoản đàn áp khét tiếng:
điều 79 và điều 88 của Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Biểu tình phản đối nhà nước hay chống
ngoại xâm ở Việt Nam được coi là có tội. Những người tham gia được nhìn nhận
như những kẻ âm mưu lật đổ chính quyền và gây rối trật tự công cộng. Họ bị bắt
giam và bị người của công lực đánh đập và hành hung tàn nhẫn tại hiện trường.
Nhà nước Việt Nam làm tất cả những
chuyện trên một cách công khai và mạnh mẽ, coi như không có bản “Công ước Quốc
tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” mà họ đã tham gia ký kết. Họ coi thường
người dân Việt Nam và cả dư luận Quốc tế.
Vì
vậy mà nói, tại đất nước Việt Nam chúng ta – chỉ có một thứ quyền duy nhất được
thực thi – đó là quyền được ngồi tù và quyền được trở thành “Phản động”.
22.10.2012
Bài viết
trên phản ánh quan điểm riêng của tác giả về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam
No comments:
Post a Comment