Tuesday, 2 October 2012

NHẬT KÝ NGỤC TÙ [1] (Trần Khải Thanh Thủy)






Cuối cùng thì mình cũng ra đi, một mình một xe. Còn xe sau là cả đoàn cán bộ y tế, cán bộ dẫn giải cùng các “choang” cắp khóa theo hầu, thật là oai như cóc.

4 giờ sáng cả phòng đang mê mệt trong cơn ngủ vùi sau một ngày tù u ám thê lương đằng đẵng, bỗng quản giáo xộc vào, giật giọng đọc tên và số tù:

- Trần Khải Thanh Thủy. 4386 dậy, đi trại, nhanh lên!

Mình chồm dậy, ngơ ngác, không hiểu thế sự xoay vần ra sao nữa. Án tù chưa có hiệu lực vì chưa đủ 15 ngày sau khi xử, thế mà nhà cầm quyền đã vội “bốc” đi rồi. Họ ngại mình hay thắc mắc nổi loạn, đòi hỏi yêu sách cho cánh đồng phạm ư? Từ chỗ ngủ 60 cm theo quy định của cục V26, đến mức sống 700.000 VND một tháng cũng theo quy định của nhà nước, rồi chế độ nước nôi trong tù, khu vệ sinh v.v. Ở đời “giếng ngọt thì cạn trước, cây thẳng thì bị chặt trước” mà. Hay nói đúng bằng chất giọng tù: “Càng nổi càng dễ vớt, mình không chịu “chìm” nên 13 ngày đã bị “vớt” đi.

Cả phòng chồm dậy, không ai tin điều đó là sự thực, dù chiều hôm trước đã có tiếng xì xào: “Trần Khải Thanh Thủy liên hoan đi, nếu không là không kịp đâu vì ngày kia đã đi rồi”. Mình giật mình nói Phương “đơ” chuẩn bị nội vụ, nhưng chưa kịp liên hoan, thì lại nghe thông tin tiếp theo: “Nếu không dính đợt 30-4 thì sáng nay( 28-4 ) đã đi rồi, vì thế chỉ sau 1-5 là đi thôi”. Chính vì thông tin sốt dẻo nhưng lệch chuẩn này mà mình nghĩ ít nhất cũng phải ngày 2-5, nghĩa là sáng thứ hai mới đi. Ai ngờ, công an Việt Nam qủa là tàn độc, cho đi ngay trước ngày 30-4 (ba mươi thứ tang) cho nhẹ tội!

Một mình một thùng xe, xóc nảy người, đường xấu kinh khủng. Trong khi hai tay bị khóa, mỗi lần trượt dài trên ghế băng chấp chới tưởng ngã sóng xoài xuống sàn lại nhớ Lê thị Công Nhân. Không ngờ những gì chị đang trải nghiệm lại là những gì em buộc phải trải nghiệm trước đó. Dù không muốn nhưng vô hình chung, chị đang phải bước vào con đường chông gai, đa nạn mà em đã bước. Chị đi theo bước chân của người con gái anh hùng. Từ trại tạm giam Hỏa Lò đến trại tù số 5. Đúng là: “Số phận gắn đôi ta thành một, một nỗi đau chung số phận chia đều”
Hôm em bị đưa vào trại, còn đang trong thời gian tuyệt thực, sang ngày thứ 7 ngày, đi không vững, dạ dày trống rỗng, mắt hoa, đầu đau, người mỏi nhừ, vẫn bị xốc nách lôi đi. Xe tồi, đường xấu, xóc qúa làm em choáng ngất. Lúc đến nơi em gần như chỉ còn là cái xác không hồn. Trại lập tức cho người khiêng thẳng em vào phòng cấp cứu. Khi em tỉnh lại, liền tống em vào khu biệt giam kỷ luật…

Lần đầu đi trại lại trong trạng thái yếu, mệt, đẫn đờ, em chẳng hề biết gì đến âm mưu lừa đảo của bọn lãnh đạo trại, đến khi nghe người bạn tù cùng buồng kỷ luật kể lại, khí phách bà Trưng, Bà Triệu nổi dạy, em đập cửa gào lên, náo loạn cả khu trại tù, khiến đích thân trưởng trại Lường Văn Tuyến phải ký lệnh đưa em vào buồng chung cùng bao nhiêu bạn tù khác. ..Điều mà mình đã được nghe chính mẹ em kể lại và thể hiện trong bài viết “Tết này em không về” ngay sau 9 tháng 10 ngày trong trại B14 Thanh Trì Hà Nội của Bộ công an. Bài viết đã có tác động lớn trong dư luận Hải Ngoại vì tính xác thực và chân tình của nó.

Bây giờ đến lượt mình, liệu có chịu nổi 5, 6 tiếng vật vã trên xe không? Tuy không tuyệt thực nhưng căn bệnh suy nhược thần kinh, viêm đại tràng, giảm điện thế trục trái sóng T ở tim (do tiểu đường đưa lại) có để mình yên không hay lại vào hùa với những cú xóc nẩy người, những cái quăng quật chết người này mà ăn tươi nuốt sống mình?
Xe dùng lại ở quán ăn Tiến Đạt. Hai tên “choang” dẫn giải, lái xe cùng cán bộ y tế xuống điểm tâm, trong khi mình bị “bỏ quên” trong thùng xe kín mít. Gọi là “điểm tâm” song thực chất cả tiếng đồng hồ. Nào đặt món, gọi nhà hàng bắt gà làm thịt , vo gạo, đồ xôi, nấu miến, pha trà, gọt hoa quả v.v Trong khi họ nằm ngồi ngả ngớn trên bàn chờ bữa tiệc sáng thì mình mót tiểu căng bụng. Căn bệnh tiểu đường hay chứng yếu thận khiến mình vật vã, đập cửa đòi xuống. Cán bộ dẫn giải bước tới giải thích:

- Chị không thể ra ngoài được, vì đây là quy định

- Nhưng từ tối hôm qua đến tận bây giờ tôi chưa hề được “giải quyết nỗi buồn”, hơn nữa có cả bác sĩ nữ đi kèm, các người sợ gì chứ?

- Đã bảo không được là không được, bao giờ đến trại , chúng tôi bàn giao chị cho lãnh đạo trại , lúc ấy chị muốn gì cũng được.

Trời đất…Thật không hiểu cái gọi là cán bộ công an ra sao nữa? Chả lẽ “nhu cầu tự thân” cũng bị cấm đoán ư? Mà từ đây đến trại còn bao nhiêu tiếng đồng hồ nữa? Trong khi từ bác sĩ Nguyễn thị Tĩnh đến lái xe Nguyễn văn Đường, lũ choang v.v đều lũ lượt tiến về phía nhà vệ sinh của nhà hàng. Quyền công dân có thể mất, nhưng quyền làm người, quyền “trút nước trong người mình ra” lại không được phép ư?

Chừng như cám cảnh mình, một tên cán bộ khác bước tới, bảo:
- Chị có đói thì để tí nữa chúng tôi gọi xôi cho chị ăn, chứ không xuống được đâu, đây là lệnh! Nhỡ chị trốn thì sao?

Ra thế, đúng là cộng sản thật, chúng tưởng mình có phép thần thông biến hóa hay sao?

Mình làu bàu đáp:
- Các người tự coi thường mình qúa đấy, một mình tôi , trong cảnh đọa đầy khóa xích thế này lại giữa đồng không mông quạnh, tôi tàng hình làm sao được chứ?

Nói đến thế mà chúng vẫn cố kiết:
- Biết đâu đấy, bây giờ còn sớm mà, thiếu gì trường hợp lợi dụng sự sơ hở của chúng tôi để trốn thoát , bắt chúng tôi làm hình nhân thế mạng?

Đã thế thì mình …san vào tường (tương vào sàn… xe) cho biết mặt, nhẹ thân.

Hai cánh cửa đóng sập lại, khi bóng họ khuất sau khung cửa hẹp đan bằng những tấm mắt cáo thì mình nằm bẹp trên chiếc ghế băng, chặc lưỡi: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng vội trách bọn đần, bọn ngu”

Hơn nửa tiếng trôi qua, mình đã kịp làm được cái việc mình muốn “Trút nước” ra đầy sàn xe, mặc nước trôi ra ngoài qua khe cửa hẹp.

Đói khủng khiếp, mọi khi vào giờ này còn nằm ườn xác trên bệ xi măng, xung quanh là lũ bạn tù, toàn những số kiếp khốn khổ như nhau, vì đói mà đầu gối phải bò, túng thì phải tính…Tính quẩn, tính quanh cách nào cũng rơi vào còng sắt của nhà tù, trạm dừng tạm thời hoặc vĩnh viễn của bao số kiếp con người.

Cửa xe lại được mở, mình vẫn nằm ì ra vì mệt ,vì đói. Hơn nữa nghe tiếng lạch xạch phía ngoài cứ tưởng chúng nó mở cửa phía trên lấy đồ, chứ quan tâm quái gì đến mình?

Hóa ra gần đầy âu xôi thơm lừng và quả trứng ốp vàng rộm cùng nước lạnh được chuyển lên. Mình hờ hững cám ơn vì bao tâm trí đã bị những đôi mắt trân trối của nhà hàng dọi tới, cám cảnh, xót xa, như bắt vít mình trên chiếc ghế băng.

Từ địa vị phóng viên báo An ninh thế giới, Văn hóa Văn nghệ Công An, đi đến đâu trong ngành cũng được trọng vọng, thành kẻ thù truyền kiếp của công an, bị chính những kẻ từng ngưỡng mộ mình,“ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” đập bẹp, tống đạt mệnh lệnh, còng xích lôi đi. Thật là …có giàu óc tưởng tượng đến mấy cũng không hình dung ra nổi cảnh quái đản này , đã bao nhiêu lần đi bằng xe của ngành lên tận trại tù ở Chăm Mát (Hòa Bình ) viết bài ca ngợi, phản ánh, in sách rồi lại lặn lội trở lại bán sách cho lãnh đạo trại phân phát đến từng chiến sĩ công an, nhận phong bì quà cáp, bây giờ trở thành “tội phạm nguy hiểm” trong tay các đồng chí… Nhưng thôi, cuộc đời mà “lên voi xuống chó” là chuyện bình thường, huống hồ mình lại tự lựa chọn hướng đi cho mình, hoàn toàn ngược với dòng chảy của cuộc đời, với xu thế của xã hội cộng sản

Sau hơn một tiếng nghe khách ăn xì xầm thổ ngữ xứ Thanh mà có cảm giác như tiếng Lào, tiếng Thái. Mình giật mình khi nghe cán bộ nói 11 giờ sẽ đến nơi. Nếu vậy chặng đi còn cả 5 tiếng nữa mà có thể sẽ không phải trại 5 mà là tận trại 6 Nghệ An, nơi chỉ nghe nói đã sợ chết khiếp, do khí hậu khắc nghiệt. “Đặc sản” duy nhất là gió lào, cát trắng. Nắng nóng đến nỗi cây cối cũng khô khẳng, quắt queo, rách tướp, vật vờ như những miếng giẻ rách.
Từng cơn gió nóng thốc vào mặt, vào cổ, làm ai cũng mắc chứng bệnh nhọ mõm…Chả lẽ mình cũng sẽ phải rơi vào cảnh khốn khổ ấy sao? Từ bé là dân cày đường nhựa, bọc mình trong sách vở, làm sao thích nghi nổi?

Suy xa rồi lại nghĩ gần “Thôi thì đã dấn thân vào con đường này, bị đầy đọa sao cũng chịu vậy”, chỉ biết tự nhủ bằng câu danh ngôn: “Trời đầy thì phải chịu, còn người đầy thì cố mà vượt qua”. Sống đồng nghĩa với chấp nhận, miễn không gục ngã ý chí là được.

Xe nổ máy đi tiếp, đầu óc mình đan xen bao cảnh cũ mới. Hình ảnh bạn tù cứ hiện lên rõ mồn một. Chắc chắn câu mình “nổ” trước sân chung đã vọng lên để cả phòng có án ở tầng 2 và buồng giam chung ở tầng 1 nghe thấy: “Chị Thanh ơi! Em đi trại 5 rồi, chị Thanh ơi, ở lại nhé! Cố gắng lên. Nhớ chị nhiều.” Người chị mà mình “đeo đuổi” chăm sóc ròng rã từ bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc suốt bốn tháng trong tù, vừa kịp nhận biết tình cảm, tấm lòng mình thì buộc phải chia tay, mình bị xử, phải lên án, chị ở lại chờ ngày ra tòa.

Nhớ Minh Tâm kinh khủng, tiếc là không được ghì lấy nó mà “ôm hôn thắm thiết”, mình biết trong lúc này cả hai người bạn gái đều nghĩ đến mình với hai tâm trạng khác nhau. Yêu thương, giận hờn, nuối tiếc, đặc biệt là Tâm. Bằng cảm nhận riêng của phụ nữ, cũng là tình cảm thực của trái tim, mình biết Tâm quý mình thật lòng. Từ ánh mắt đến trái tim, chỉ vì môi trường tù đày, nghiệt ngã, bị bà Âu Chi Mai (tự nguyện làm zích để được lòng quản giáo) xúc xiểm mà Tâm trượt xa mình…Trước hôm xử, nằm cạnh mình, Tâm còn khóc dấm dứt, nói với mình thông cảm, mong ra ngoài xã hội sẽ tìm lại nhau, nhưng mình thẳng thừng chối từ: “Trong tù 24 trên 24 giờ bên nhau mà chẳng hiểu nhau nữa là ra ngoài xã hội, mỗi người theo đuổi một công việc, hứng thú và sở thích riêng”.

Tâm có thể buồn về điều này, nhưng mình tin dù thế nào Tâm cũng không thể quên mình được, đành xem “con tạo xoay vần” ra sao vậy? Nếu gặp lại, trước tiên mình sẽ tặng Tâm một tập thơ như đã hứa, rồi dần dần Tâm sẽ hiểu ra, mình đối với Tâm quan trọng như thế nào? Như “quý nhân phù trợ” vậy, từ việc học hành của con cái đến sức khỏe của Tâm, trong lúc chồng chết, người tình bỏ rơi v.v

Nằm mãi, xóc nảy người, hai tay bị khóa, bíu chặt vào mắt cáo trong thùng xe mà không sao yên nổi, đầu đau như búa bổ, đành ngồi dạy, đánh cặp mắt ra xung quanh…Những biển hiệu, ô cửa chạy dài loang loáng, nhập nhòa trong nắng, gió hun hút, hun hút…Cuối cùng mình cũng nhận ra địa chỉ đang đến: Thành phố Thanh Hóa. Cả chặng đường 170km đã qua, còn khoảng một tiếng, 55 cây số nữa thôi

Đường xấu, xóc kinh khủng, nhìn xuống phía dưới, qua cửa kính, toàn ổ gà, ổ voi, ổ trơn, ổ trượt , xe lắc lư chồm lên lại đập xuống, không hiểu tại sao giữa thời đại “a còng” (@) ,hội nhập toàn cầu, xã hội phát triển văn minh, hiện đại mà vẫn còn có thể tồn tại kiểu đường tồi tệ như thế này nữa? Quá đường rừng, đường rú. Đến “văn minh thôn dã, mẫu mã nhà quê” cũng không thể tệ bằng, chắc bao nhiêu tiền của quỹ ODA dành cho việc làm cầu đường nông thôn, tỉnh, thành, lũ quan tham lại xơi tái rồi. Người dân Việt Nam vẫn gọi đồng vốn ODA vay của Nhật là “Ông đây ăn” hoặc “ông đảng ăn” mà lại.

Hơn một tiếng tra tấn trôi qua, cuối cùng cổng trại 5 cũng hiện ra, mình nhận ra dù chưa một lần tìm đến, đơn giản vì hàng chữ tiếng Anh (phía trên là tiếng Việt) choán ngay cửa: “Trại giam, nơi giam giữ phạm nhân, cấm quay phim chụp ảnh”

Hóa ra cuộc di chuyển tuy vất vả, vật vã, nhưng không đến mức khủng khiếp như mình tưởng. 220 km, cả ăn sáng chờ đợi mòn mỏi chán chê ở sân trại cũng chỉ hết 7 tiếng, gần 5 tiếng đi và hơn hai tiếng cho các sếp “gia cố” các vết lõm trong dạ dày rồi trình bày, chờ đợi thủ tục giao phạm.

Rời khỏi thùng xe kín mít, ngột ngạt mùi xăng và nước tiểu khai nồng mình nhảy xuống xe, kéo theo một bao tải dứa đựng chăn màn và một túi đồ nội vụ.

Đám cán bộ quản giáo tiến ra yêu cầu khám người, đồ… “Chán chả buồn chết”, mình đành phải trình diện chúng trong “bộ cánh Êva”. Cũng may phần sâu kín nhất không bị đụng chạm vào. Cho dù được giải thích: “ Nhiệm vụ chúng tôi phải làm, dù không có gì, chị cứ để yên cho chúng tôi xem xét” v.v… Mình vẫn thấy ghê, tuy chưa đến mức buột miệng như ở Hỏa Lò trước khi ra xử: “Thật là kinh khủng”, cái nghề mà các cán bộ Thanh Thanh, Liên, Lụa, Ban, Hạnh v.v coi là “lý tưởng” đây ư? Quả là trần gian có một thứ nghề: Nghề đeo găng tay, móc l. phụ nữ . Lý tưởng thật!

Cả đống quần áo, chăn, giấy vệ sinh bị lôi ra bằng hết, thuốc thang cũng bị lục lọi từng viên. Cuối cùng không có gì ngoài một đống giấy vệ sinh và quần áo cũ, họ đành xua mình vào, sau khi đã cho tù đánh dấu, ghi tên vào từng chiếc quần, áo, bát, đĩa .

***

Vào buồng, câu hát quen thuộc của Phương “đơ” lại vang trong óc mình: “Hôm nay ta vào buồng, hôm nay ta vào buồng, nơi bị tạm giam, bao con người lang thang, đã vào đây chung một số phận …Qua bao nhiêu năm dòng đời bon chen, cũng chỉ vì đồng tiền, bát gạo. Mà đến nơi đây, bao giờ bao giờ mới được về quê? Mà thiếu quê hương, ta về, ta về đâu?”

Chị Lê Ngọc Hoan, theo lệnh cán bộ ra tận cổng trại đón, khuân đồ đạc giúp mình rồi xếp mình nằm sát tường, ngay cạnh nhà “mét”*. Hơn 30 người của buồng vẫn đi làm chưa về, chỉ một mình mình phải vật lộn với đống giấy vệ sinh bị tháo dỡ nham nhở, xoắn xuýt, bùng nhùng

Hải- nhà ở 20 phố Trần Nhật Duật từ cổng trại lao vào, la to: “Cô Thủy”, mình ngỡ ngàng nhận ra nó, so với trên Hỏa Lò, Hải gày và đen đi nhiều, tuy chỉ mới một tháng dầm sương, dãi nắng ở xứ này

Hai cô cháu mừng mừng, tủi tủi nhìn nhau. Hải hứa sẽ loan tin cho toàn hội tù Hỏa Lò biết về sự có mặt của mình. Lần lượt Tuyết “đen”, Hòa “Cổ Nhuế”, Hằng “sa đọa”, Phương “ba môi” tìm đến…Vui nhất là tin của Hòa Cổ nhuế: “Chị có biết Phạm Thanh Nghiên không? Người Hải Phòng, em hay kể chuyện về chị cho nó lắm, nó bị kết án bốn năm tù , cũng là tù chính trị như chị ấy”. Mình rụng rời tay chân vì nghe thông tin sốt dẻo này.

Thì ra Phạm Thanh Nghiên đã ở đây ngay sau khi Lê thị Công Nhân ra khỏi tù, Nghiên đến trước mình chừng một tháng, cũng một mình một xe (oai như cóc) .

Từ lúc ấy lòng rưng rưng chực khóc, chỉ mong trông thấy Nghiên mà ôm ghì lấy nó, khóc một trận cho thỏa lòng mong đợi, nhớ thương: “Ôi, cô em bé bỏng của chị, em thật là kiên trinh, vừa bước vào đường đấu tranh, ghi khắc trong tim óc mọi người bằng chùm bài đầy ấn tượng : “Uất ức biển ta ơi”, “Chuyến đi nhạy cảm”, “Tâm thư”v.v thì bị bắt. Mười tám tháng tù đằng đẵng ở trại Trần Phú, Hải Phòng mới được đưa ra xử và nhận mức án 4 năm, cao như tất cả các nhà dân chủ khác…đau qúa!

Buổi chiều, mình được quản giáo mời ra sân thi đua để khai lý lịch, đưa đi khám sức khỏe. Ấn tượng tàm tạm, không đau, không thù hận, dù buồn vô kể. Cuộc đời mình bắt đầu trôi đi sau chấn song trại tù kể từ hôm nay đây( trước đó chỉ là tạm giam thôi). Dù sao thì cũng đỡ hơn Hỏa Lò, hơn nữa còn có chị, có em.

Sẩm trời, vừa kịp thu dọn nốt đống đồ đạc bừa bộn do bị lục tung khám xét thì một bóng người áp ngay khung cửa sổ nhắn: “Chị ơi, Nghiên nó đợi chị ở chỗ bán bánh trưng, ngoài sân chung, chị ra ngay đi”, mình vất lại tất cả, tất tưởi chạy ra .

Nghiên hiện ra trước mắt mình, bé như cái kẹo mút dở, già câng, xấu xí. Thú thật là mình thoáng thất vọng, còn đâu hình ảnh cô bé Nghiên hồn nhiên, tươi tắn ngày nào?

Lẽ nào gần 21 tháng trời đã làm Nghiên thay đổi, sắt đá và xấu xí về hình thể đến thế? Trước đó, tuy không phải loại mặn mà, xinh đẹp, nhưng Nghiên tươi tắn và trẻ, khỏe hơn nhiều cơ mà? Đúng là tù cộng sản, tù ăn thịt người thật.

Càng nói chuyện, càng thấy thương và cảm phục Nghiên hơn, ngược hẳn với hình thể bé nhỏ là một bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao độ, là một quả tim đập những nhịp chí tình chí nghĩa cho người thân, cho cộng đồng. Một Lê thị Công Nhân thứ hai, không thỏa hiệp, không gục ngã, dù mười tám tháng giam giữ là mười tám tháng công an cộng sản tìm mọi cách dỗ dành mơn trớn, quyết bẻ tan ý chí làm người của Nghiên, mong Nghiên thay tâm, đổi tính, quay lại đời thường, làm một “nữ như thường tình” vô danh tiểu tốt. Thật vừa xót xa vừa cảm phục, họ đã lặp lại bài bản quen thuộc của Nghiên như với mình, dẫn dụ, mời gọi, vẽ đường cho hươu chạy… sai đường

Vì đã có tuổi, mình quyết định “tương kế tựu kế”, dùng gậy công an để đập…công an. Cứ chạy theo đường chúng vẽ, miễn ra khỏi cửa nhà tù, tiếp tục chiến đấu. Các cụ bảo: “Đi với bụt mặc áo cà sa”, đang đi với ma đành mặc áo giấy một lần vậy, cốt chúng tin mình đã cởi áo cà sa theo chúng để chúng dẫn ra khỏi cổng trại rồi tính tiếp .

Nghĩ thế, mình giả vờ thỏa hiệp, nhập vai: “Viết bài cho Hải ngoại chỉ vì kinh tế, không có mục tiêu, lý tưởng gì ngoài việc “tề gia”. Còn việc “trị quốc”, “bình thiên hạ” thì để dăm bảy năm nữa mới nghĩ đến hoặc để giới mày râu, đảng và nhà nước “no”. 6 tháng đầu mình cương quyết tấn công, không phòng thủ, 3 tháng sau quyết định nhập vai trong kịch bản vụng về của cộng sản để được ra tòa, để khỏi chết ngạt trong tù, để rồi chỉ sau phiên tòa lố bịch của chúng chưa đầy nửa tiếng, mình quẳng áo ma, áo giấy, khoác lại tấm áo dân chủ, nhân quyền, đánh thẳng vào sào huyệt đảng, tức bộ chính trị, làm chúng liên tục thất điên bát đảo, nghĩ trăm mưu nghìn kế để bắt lại mình.

Do bản lĩnh, do ít tuổi, Nghiên đã không có sự linh hoạt, mềm dẻo ấy vẫn quyết làm anh hùng trong tù. Một nữ lưu trác Việt, trác tuyệt, thật hoàn hảo, chỉ tiếc lực lượng đấu tranh bên ngoài mỏng qúa, giá Nghiên khéo léo ra tù, tiếp tục chiến đấu, cất cao tiếng nói dân chủ, nhân quyền thì hay biết mấy? Còn cả chuyện chồng con nữa, 35 mùa xuân rồi có ít đâu?

Nhưng thôi, mỗi người một kiểu, không ai giống ai, miễn chung mục đích: Loại bỏ cộng sản ra khỏi quê hương, hạ cả rừng cờ đỏ sao vàng xuống, dựng cờ vàng ba sọc đỏ từ thời bà Triệu lên. Mình, Nghiên và Lê thị Công Nhân bây giờ đã là biểu tượng đấu tranh của Việt Nam rồi. Số phận gắn ba ta thành một, một niềm đau số phận chia đều, thì một nỗi vui chung số phận cũng đáp đền. Ngày ấy ,ngày ấy nhất định sẽ đến thôi …

Trại 5, đêm 29-4-2010
T.K.T.T

© Đàn Chim Việt





 

No comments:

Post a Comment

View My Stats