Mai Vân – RFI
Thứ tư 10 Tháng
Mười 2012
Với mùa trao giải Nobel 2012 khai mở từ thứ hai đầu tuần, châu Á lại vừa được vinh danh với Bác sĩ Nhật Bản Shinya Yamanaka được trao giải Nobel Y học cùng với một giáo sư Anh. Sự kiện đáng vui mừng cho châu Á này tuy nhiên lại làm cho nhiều người Trung Quốc ấm ức vào lúc Bắc Kinh và Tokyo đang căng thẳng với nhau trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trên trang ý kiến, nhật báo Singapore The Straits Times vào hôm nay đã đề cập đến vấn đề trong bài viết mang tựa đề “Người Trung Quốc ngóng đợi thành công trong giải Nobel”. Tác giả bài báo trước tiên ghi nhận là cho đến nay, không một công dân Trung Quốc nào đoạt được giải Nobel ngoại trừ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, được giải Nobel Hòa bình vào năm ngoái. Tình hình đó năm nay có lẽ không thay đổi, đặc biệt là trong lãnh vực khoa học.
Điều tệ hại hơn đối với Trung Quốc là nước này lại bị Nhật Bản che khuất ở giải Nobel, đúng vào lúc Bắc Kinh và Tokyo đang hục hặc với nhau.
Tác giả bài báo giải thích : Bác sĩ Shinya Yamanaka
đã trở thành người Nhật Bản gần đây nhất đoạt giải Nobel khi ông được vinh danh trong lãnh vực y học vào hôm thứ Hai vừa qua cùng với giáo sư người Anh John Gurdon. Sự kiện đó giúp cho Nhật Bản vươn lên thành nước đứng thứ hai sau Hoa Kỳ trong thập niên vừa về sô giải Nobel giành được trong các ngành khoa học - một lĩnh vực mà Trung Quốc khao khát thành công.
Theo hãng
tin Nhật Bản Kyodo, cho biết rằng đã có 10 nhà khoa học Nhật đoạt giải Nobel từ năm 2000, so với 43 người đối với Mỹ. Còn nhìn chung, Nhật Bản có cả thảy 18 người đoạt giải Nobel. Tác giả bài báo đã trích dẫn một cư dân mạng
Trung Quốc than
rằng « Hỡi ơi, tình hình cũng như bóng đá, Trung Quốc và Nhật Bản cùng khởi đầu, nhưng Trung Quốc lại lao xuống địa ngục, trong khi Nhật Bản lại lên được thiên đàng ».
Điều đáng nói hơn nữa, như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
từng nêu lên vào tháng trước trong
một bài phát biểu tại Bắc Kinh là có đến tám người đoạt giải Nobel về khoa học là người gốc Hoa, nhưng họ đều đã trở thành công dân Mỹ trước khi hoặc sau khi đoạt giải. Tình hình đó có nghĩa là Trung Quốc hiện bị lâm vào một tình trạng đáng lúng túng là họ chỉ có một công dân duy nhất đoạt giải Nobel là Lưu Hiểu Ba, nhưng người này lại bị chính quyền cầm tù với tội danh phản loạn.
Theo một học giả Trung Quốc được báo The Straits Times trích dẫn, sở dĩ giới khoa
học gia
Trung Quốc chưa tỏa sáng được đó là vì điều kiện ổn định chưa có : « Nghiên cứu khoa học đòi hỏi một môi trường tương đối ổn định và một mặt bằng nghiên cứu yên tĩnh. Ở Trung Quốc ngày nay, những điều này chưa tồn tại ». Trong lúc đó thì Nhật Bản lại có nhiều thuận lợi, vì là một xã hội công nghiệp trưởng thành với một hệ thống nghiên cứu chặt chẽ.
Trong mùa Nobel năm nay, Nhật Bản lại còn có cơ hội qua mặt Trung Quốc cả về mặt văn học, với khả năng nhà văn Nhật Haruki Murakami đoạt giải thay vì tiểu thuyết gia Mạc Ngôn (Mo Yan) của Trung
Quốc hay
Philip Roth của Mỹ. Murakami được cho là nhiều triển vọng đoạt giải, nhưng Mạc Ngôn, được biết đến qua tác phẩm « Hồng cao
lương » từng được nhà làm phim Trương Nghệ Mưu đưa lên màn bạc, cũng
được nhiều người ưa thích.
Có điều là, tác giả bài báo ghi nhận : Những người hâm mộ
Murakami tại Trung
Quốc sẽ khó tìm ra các cuốn như « Rừng Na
Uy » hay « 1Q 84 » trên thị trường vào lúc này. Lý do là vì chính quyền Trung Quốc đã cấm sách liên quan đến Nhật Bản từ cách nay hai tuần, trong đó có cả tiểu thuyết của các tác giả Nhật Bản lẫn sách giáo khoa ngôn ngữ.
Hành động này đã bị nhà văn Nhật
Murakami phê phán, cho rằng không nên để cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phá hoại giao
lưu văn hóa giữa nhân dân cả hai bên.
No comments:
Post a Comment