Thu, 10/11/2012 - 17:19 — tuongnangtien
“Đã qua rồi cái
thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không
được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý
chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước...”
Tạ Phong Tần
Quãng đời ấu thơ của tôi buồn bã, và trơ
trọi. Anh kế tôi, Tưởng Đăng Trình, qua đời lúc mới vừa lên chín. Tôi được
sinh ra –
có lẽ – chỉ để bù đắp (phần nào) cho sự mất mát quá lớn lao, và bất ngờ đã đến với bố
mẹ mình.
Và vì thế giữa tôi và người chị kế là
khoảng cách khá xa về thời gian, cũng như tình cảm. Chị hơn tôi đến gần mười
tuổi. Chúng tôi, tất nhiên, không có thú vui nào có thể chia sẻ với nhau.
Chị lớn của tôi thì lấy chồng rất sớm, và ở rất xa. Cả ngày tôi đành chơi
lủi thủi mỗi
mình, giữa đồi núi bao la và hoang dại, ở Tây Nguyên. Quanh tôi chả có ai
ngoài hoa bướm, chim chóc, và sóc chồn.
Sự đơn độc này, xem chừng, đã ảnh hưởng
không ít đến đời sống của tôi mãi mãi về sau. Như để bù đắp vào sự thiếu
thốn của những ngày thơ ấu, trên đường đời, tôi hay kết nghĩa anh em với
những người mà mình qúi mến.
Tạ Phong Tần là một trong những người
này. Tôi “kết” em ngay sau khi đọc bài viết khai bút (“Mỗi Blogger Hãy Là Một
Nhà Báo Công Dân”) vào
ngày đầu năm 2008:
“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được
biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà
cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống
báo chí trong nước...”
“Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn,
tức bạn đã đem sự hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng
được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công
dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”
“Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần
nhỏ nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức
tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh. Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính
bạn đã góp phần công khai, minh bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã
hội dân sự cho đất nước chúng ta...”
Quan niệm tích cực vừa nêu, tiếc thay, đã
không được chia sẻ bởi những kẻ đang nắm quyền lực ở Việt Nam. Với bản chất phá hoại và đa nghi, giới người này có khuynh hướng xem blog
(nói riêng) và web (nói chung) chỉ là “âm mưu của những con nhện” –
những kẻ đang toan tính... “diễn biến hoà bình” – cần phải bị giam giữ và trừng phạt nặng nề.
Tạ Phong Tần bị họ bắt giam vào ngày 5
tháng 9 năm 2011, đưa ra toà vào ngày 24 tháng 9 năm 2012 (cùng với hai thành
viên khác của Câu Lạc Bộ Nhà
Báo Tự Do) và đã bị kết án hàng chục năm tù, với tội danh rất mơ
hồ (và
hàm hồ)
là “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Và điều này đã được Tạ Phong Tần dự đoán trước đó, khá lâu:
“Anh à, trong trường hợp em gặp nạn, em ủy thác cho anh công
bố công khai tất cả những bài viết em đã đăng báo dưới bút danh khác là bài của
em. Để cho thế giới thấy rằng chúng đang đàn áp một nhà báo bình thường với với
những bài viết rất bình thường, nhưng vì là ‘nhà báo
tự do’ nên phải như thế.”
Thể theo ý nguyện này, tôi đã liên lạc và
được ban biên tập tuần báo Trẻ đồng ý phụ trách xuất bản Tuyển Tập Tạ
Phong Tần (*). Đây
là một cuốn sách mỏng chỉ bao gồm một số những bài viết về thời sự của tác
giả trong hai năm 2010 và 2011 nhưng thể hiện được đầy đủ những nỗ lực –
cũng như quan niệm – của em tôi về vai trò của một blogger: “Dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải
thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”
Tuyển Tập Tạ Phong Tần
Cái đám “công chức” của “Nhà Nước Pháp
Quyền CHXHCNVN” đã phản ứng điên dại bằng cách tuyên án mấy chục năm tù và
hàng chục năm quản chế cho ba bloggers: Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải, và Phan Thanh Hải. Đây
là bản án khắc nghiệt dành cho chính chế độ hiện hành, chứ không phải cho
nghĩa muội của tôi, và hai người bạn đồng hành.
Tự nó đã tố cáo sự bất lực và lo sợ của
nhà đương cuộc Hà Nội trước ảnh hưởng sâu rộng của những bloggers ở Việt
Nam. Họ đang xử dụng những phương tiện truyền thông tân kỳ, của thời đại
thông tin, để để cổ vũ tự do và dân chủ cho xứ sở. Nó cũng khiến cho bất
cứ ai còn mơ hồ về bản chất (bất lương và đê tiện) của chế độ hiện
hành nhận ra điều giản dị này: thể chế hiện nay không thể nào
thay đổi mà phải được thay thế.
Ngoài ra nó còn phơi bầy một sự thực rõ ràng và phũ phàng là “ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ CHỌN LỰA DỨT KHOÁT THÀ MẤT NƯỚC
CÒN HƠN MẤT ĐẢNG, ĐỨNG VỀ PHÍA TRUNG QUỐC TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI” – theo như nhận định của blogger Song Chi.
Với sự “lựa chọn” ngu xuẩn này, tôi không
nghĩ rằng những
người cầm quyền hiện tại vẫn có thể tiếp tục tại vị ngang với thời gian
bản án mà họ đã cho Tạ Phong Tần. Và tôi tin chắc rằng cái ngày mà mình có
thể cầm Tuyển Tập Tạ Phong Tần để đứng đón người em kết nghĩa,
trước cổng trại giam, sẽ không còn bao lâu nữa.
Nhân đây, tôi xin được thay mặt nghĩa muội
của mình để cảm ơn tất cả qúi vị đã chào đón tác phẩm đầu tay của em. Tôi
cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến ban biên tập của tuần báo Trẻ
trong việc xuất bản và phát hành Tuyển Tập Tạ Phong Tần.
Cho ra đời một cuốn sách ở một nơi mà
tiếng Việt bị coi như là ngoại ngữ, và giữa lúc mà mọi ấn phẩm đang mất
dần người đọc, là một việc làm đòi hỏi ít nhiều hy sinh của những người phụ
trách. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện cần phải được ghi lại rõ ràng bằng giấy
trắng mực đen. Tuyển Tập Tạ Phong Tần là một trong những ghi nhận
cần thiết như thế cho thời điểm hiện tại, cũng như cho lịch sử của dân
tộc mai sau.
No comments:
Post a Comment