Wednesday, 24 October 2012

NGÀY TÀN CỦA NHỮNG CHẾ ĐỘ (Nguyễn Gia Thưởng)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 24 Tháng 10 2012 19:49

Nhà Ngô đầu hàng

"[...] Tôn Hạo lên ngôi hoàng đế, phong Tôn Linh làm Dư Chương vương, gia phong Ðinh Phụng làm Ðại Tư Mã. Từ khi lên ngôi thì Tôn Hạo cũng như hậu chúa tin dùng bọn hoạn quan Sầm Hôn.
Bộc Dương Hưng và Trương Bố chỉ vì can gián mà bị xử trảm.
Lại tin dùng thầy bói, gọi một thầy bói tên Thượng Quan về giữa triều mà cúng bói.
Thầy bói đoán :
Sang năm Canh Tý, Bệ Hạ sẽ diệt Tôn mà vào Lạc Dương.
Tôn Hạo mừng lắm, lại càng hoang dâm xa xỉ.
Huệ Kiểu can gián :
Xin Bệ Hạ lo tu nhân tích đức cho bá tánh nhờ, hơi đâu mà nghe bói toán những chuyện nước ngoài làm gì.
Tôn Hạo giận nói :
Ta không nghĩ tình cựu thần thì chém ngươi rồi. Nói xong, hô quân đuổi Huệ Kiểu ra.
Huệ Kiểu liền trốn về quê...
[...] Bên Ngô thì Ðinh Phụng và Lục Kháng đã mất cả, Ngô Chúa vui chơi cùng bọn hoạn quan, ngày đêm say sưa, dĩ chí bày ra các cách trị tội ác độc như khoét mắt, lột da... làm cho nhân dân đồ thán...
[...] quân Tấn tới đâu, binh Ngô đầu tới đó.
Ngô Chúa được tin thất kinh hỏi quần thần :
Tại sao binh ta không chịu đánh ?
Quân thần tâu :
Ðó là cái họa Bệ Hạ nghe lời bọn Sầm Hôn mà sanh ra. Nay muốn cho tướng sĩ tiếp tục chiến đấu chống địch thì Bệ Hạ hãy giết Sầm Hôn trước đã.
Ngô chúa không chịu, quần thần tức lắm liền ào ạt xông vào cung bắt Sầm Hôn đem ra phanh thây, mỗi người lại lắt một miếng thịt mà ăn cho hả giận.
Sau đó quần thần đồng thanh xin ra đánh, Tôn Hạo bèn cho Ðào Thao thống lãnh các đạo Ngự Lâm Quân, Trương Tượng dẫn các đạo thủy binh xông ra đánh quân Tấn.
Tuy nhiên quân sĩ đã nản lòng hết, mặc cho các tướng đốc thúc, bỏ chạy tứ tán.
Khi Vương Tuấn đến thì Trương Tượng chỉ còn vài mươi quân sĩ đành phải đầu hàng.
Vương Tuấn sai Trương Tượng đi chiêu dụ Thạch Ðầu Thành, nơi này cũng đầu hàng nốt.
Ngô chúa cả sợ toan tự vận thì có Hồ Xung cản lại mà rằng :
Sao chúa công không làm theo Lưu Thiện ?
Tôn Hạo liền dắt hết bá quan ra xin đầu hàng Vương Tuấn..."
(1)
Cuối cùng Tư Mã Viêm, con của Tư Mã Chiêu, cháu nội của Tư Mã Ý, thâu tóm hai nước Ngô và Thục lập nên nhà Tấn. Chuyện "Tam Quốc " kết thúc ở đây.

Rasputin và Nga Hoàng

Gia đình Nga hoàng Nicolas 2 trước khi bị thảm sát

Hoàng tử Alexei bị bệnh loãng máu do di truyền từ bà cố là nữ hoàng Victoria. Các thái y của Nga hoàng bó tay - chẩn định rằng Alexei sẽ phải chết sớm vì chứng máu không đông.

Hoàng hậu Nga lo sợ, nhờ bạn mình là Anna Vyrubova tìm mời vị thần y Rasputin đến chữa. Rasputin được nhiều lời đồn cho rằng ông có khả năng chữa bệnh bằng lời cầu nguyện. Mỗi khi Alexei bị chảy máu, ông lại vào cung cầu nguyện để trấn an hoàng gia và Alexei có vẻ hồi phục. Từ đó càng ngày hoàng gia Nga càng tin dùng Rasputin.
Có nhiều lý do hoàng tử Alexei bớt bệnh mỗi khi Rasputin cầu nguyện. Có thể ông dùng kỹ thuật thôi miên, hoặc chỉ nhờ ông có khả năng trấn an giúp Alexei bớt lo sợ và từ đó tự cơ thể hoàng tử có khả năng chống lại căn bệnh. Nhiều giả thuyết khác cho rằng ông dùng đỉa cho vào vết thương làm máu dễ đông lại. Theo Diarmuid Jeffreys thì Rasputin thành công là nhờ ông ngăn cản không cho Alexei uống các loại thuốc của các thái y Nga, trong đó có thể có aspirin là một loại thuốc chống đau mới phổ biến, rất thịnh hành lúc đó, nhưng có tác dụng phụ là làm loãng máu.

Gia đình Nga hoàng gọi Rasputin là thánh sống, người của hoàng gia, tiên tri của thượng đế… Rasputin dần dần tạo uy tín và ảnh hưởng lớn đến hoàng hậu Alexandra. Bà cho rằng thượng đế liên lạc với bà qua Rasputin.

Sau này, Rasputin nói rõ cho hoàng hậu biết : "Tôi sẽ chết một cách vô cùng đau đớn. Sau khi tôi chết, thể xác của tôi cũng không yên ổn. Bà sẽ mất ngai vàng. Bà và con bà sẽ bị thảm sát cùng với toàn thể gia đình. Sau đó một tai họa lớn sẽ đổ lên nước Nga và nước Nga sẽ rơi vào những bàn tay quỷ. (2)

Ðúng như lời tiến đoán của Rasputin, ông đã bị ám sát. Ba tháng sau khi ông chết, Hoàng đế Nicolas II phải thoái ngôi. Nhóm Bolchevik quật mộ hoàng hậu và đem xác hoàng hậu Alexandra ra hỏa thiêu, tro tàn của thân xác bà bị rải phân tán khắp nơi. Toàn thể gia đình hoàng gia bị giết trong căn hầm ngôi biệt thư Ipatiev, ở Iekaterinbourg vào đêm 16 rạng ngày 17 tháng 7 năm 1918.

Việt Nam: chủ nghĩa cộng sản và thần linh

"[...] Người xem "ngoại đạo" sốt ruột đợi đến tàn canh hầu, nhưng theo nhận xét của bà đồng, thầy đi cùng chúng tôi thì cô đồng này hầu khá nhanh, không bị hỗn đồng và làm một cách tuần tự, đúng sách. Buổi hầu kết thúc khi toàn bộ 13 mâm lễ với hoa quả, bia, các đồ ăn khác được phát cho khách. 7 triệu tiền mã đã được hóa vàng hết, trả lại vẻ rộng rãi vốn có của nhà đền. Ðoàn hát vãn, ngoài số tiền công đã trả trước 1,5 triệu ra, còn được thưởng gấp đôi vì hơn 30 lần vỗ gối khoái chí của cô đồng. Ước tính người hầu đồng lần này đã phải chi ra một khoản tiền không dưới 20 triệu đồng. Không biết là đắt hay rẻ nhưng sau buổi hầu đồng này, ai cũng thấy hơn hở.

Nhiều người cho rằng chi phí cho một buổi lên đồng là tốn kém nên chỉ những người làm ăn buôn bán, kinh doanh mới là con nhang, đệ tử của những cô đồng, bà bóng. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm, bởi lên đồng còn thu hút nhiều người giàu có, hay những người cảm thấy ăn năn về quá khứ của mình. Người ta đua nhau đi tán lộc khiến cho bản danh sách của các đồng thầy ngày một dài hơn.

Xem danh sách của một thày đồng, thấy có cả tên của một ông tiến sĩ là vụ phó Bộ Giáo dục. Ông này lập phủ linh đình. Mỗi lần mở phủ, ông bỏ ra ít nhất là 30 triệu đồng. Ông sùng đạo đến mức xây nguyên một ngôi điện tại tầng thượng nhà mình để tiện cúng bái. Ngôi điện của ông được đánh giá là bề thế và đẹp nhất trong số điện của giới đồng tại Hà Nội hiện nay. Cứ mỗi Rằm hay mồng Một, anh chị em cán bộ trong Bộ lại tới nhà ông để khấn bái và công đức.

Ông tiến sĩ trên chưa phải là người đứng đầu trong danh sách những người hầu đồng phủ hiện nay. Danh hiệu đứng đầu thuộc về một quan chức của ngành hàng không tên Ð. Mỗi lần mở phủ chỉ tính khách thôi thì mỗi người cũng đã được chiếu lộc không dưới bạc triệu/người. Sở thích hầu đồng không chỉ ông có, mà cả đại gia đình nhà ông gồm anh, em, con, cháu đều tham gia một cách tích cực. Không biết họ tham gia vì thấy có lợi cho mình hay tham gia để làm vừa ý ông.

Khi xã hội ngày càng văn minh, phát triển thì hiện tượng đồng tính, đồng cô và đồng bóng có chiều hướng gia tăng. Số người tin và theo hiện tượng này phát triển theo tỷ lệ thuận. Không biết bao nhiêu người đã hao tiền, tốn của, khánh kiệt tài sản vì những đàn đại mã, những mâm lộc tố hảo, những lần vỗ gối vì thấy hay, thấy thánh giáng...
". (3)


Ba câu chuyện trên đây xảy ra ở vào những địa điểm và thời điểm khác nhau, tuy nhiên chúng có cùng một điểm giống nhau. Ðó là hiện tượng mê tín vào lúc cuối trào của các triều đại. Tôn Hạo tin lời tên thầy bói Thượng Quan, hoàng hậu Alexandra tin dùng tên thầy cả Rasputin và các quan chức cộng sản Việt Nam tin dùng những cô đồng, những "nhà ngoại cảm", nghe lời những thầy bói.

Hiện nay có phong trào các quan chức cộng sản Việt Nam thi nhau xây dựng chùa miếu thật là huy hoàng để chuẩn bị hậu sự, lỡ thế giới bên kia có thực, may ra còn có chỗ đứng. Việc xây dựng Chùa Bái Ðình nguy nga, hoành tráng là một ví dụ điển hình. Họ buôn thần bán thánh để mong tạo phước đức cho đời sau. Chủ nghĩa Mác -Lê không còn một giá trị nào đối với họ. Một chế độ không còn tin vào những giáo điều nền tảng đã xây dựng nên chính nó chắc chắn sẽ tàn lụi. Một chế độ vô thần nay bỗng nhiên tin vào thần linh là một chỉ dấu cáo chung của chế độ.

Kiến trúc nguy nga của chùa Bái Đình, Ninh Bình

Khi kẻ nắm quyền không còn gì để mà tin, không còn chủ thuyết và dự án tương lai nào để theo đuổi, họ thường tin vào những điều rất ư nhảm nhí. Ðó là triệu chứng chung của tất cả những triều đại, những chế độ đã đến ngày tận số. Tại Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến tiến trình hủy hoại của một chế độ phong kiến trá hình.

Nguyễn Gia Thưởng (Bruxelles)






No comments:

Post a Comment

View My Stats